Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcThực trạng chính tả Tiếng Việt hiện nay – sự cần thiết ban hành quy định của nhà nước về chính tả Tiếng Việt

Thực trạng chính tả Tiếng Việt hiện nay – sự cần thiết ban hành quy định của nhà nước về chính tả Tiếng Việt

Tuesday, 26 June 2018 09:34

NGUYỄN MINH HOẠT
Trường Đại học Tây Nguyên
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG NGỌC
Trường Đại học Quy Nhơn

Nhận bài ngày 28/5/2018. Sửa chữa xong 09/6/2018. Duyệt đăng 12/6/2018.

Abstract
The article research about current situation of Vietnamese spelling today which is does not unify completely on the mass media, in the administrative documents, in the students’ essays… losing the pure beauty of Vietnamese and affecting the national cultural identity. From that, the author propose that the Sate should promulgate the regulation of Vietnamese spelling to contribute to build accurate, scientific, convenient Vietnamese and meet the need of communication in the integration.
Keywords: Current situation, spelling, Vietnamese, state, promulgate, regulation, unify.

1. Đặt vấn đề
Chữ viết là một hình thức tồn tại của ngôn ngữ, qua chữ viết thể hiện được những nét văn hóa đặc sắc của cá nhân và cộng đồng. Trải qua gần bốn thập kỉ hình thành và phát triển, chữ Quốc ngữ đã trở thành phương tiện biểu đạt tư tưởng, tình cảm trong giao tiếp và tư duy của dân tộc Việt Nam. Chữ viết của người Việt đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của người Việt.
Thực trạng vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay thiếu thống nhất trên các phương tiện thông tin truyền thông, trong các văn bản hành chính, trong các bài văn của học sinh (HS), sinh viên (SV),… làm mất đi vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt, ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc. Các yếu tố ảnh hưởng đến chữ viết, như: ngôn ngữ âm thanh lệch chuẩn ở một số vùng dân cư dẫn đến tình trạng sai chữ viết; các phương tiện điện tử hiện đại thay thế cho các thao tác viết chữ, ảnh hưởng đến kĩ năng rèn luyện chữ viết; một bộ phận giới trẻ dùng các kí hiệu riêng kèm theo chữ viết trên mạng xã hội và tin nhắn làm sai lệch chữ viết tiếng Việt; tình trạng HS phổ thông không hứng thú học môn Ngữ văn, chữ viết xấu,… làm ảnh hưởng đến chuẩn mực chữ viết tiếng Việt, văn hóa giao tiếp của người Việt trong thời kì hội nhập.
Vì vậy, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nâng cao giá trị của chữ viết, làm cho chữ viết tiếng Việt khoa học, chính xác, thống nhất, kế thừa và phát triển đáp ứng nhu cầu giao tiếp và biểu đạt tư duy trong thời kì mới, Nhà nước cần ban hành qui định thống nhất về chính tả tiếng Việt.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Thực trạng về chính tả tiếng Việt hiện nay
Chính tả là sự chuẩn hóa hình thức chữ viết của ngôn ngữ. Đó là một hệ thống các qui tắc về cách viết các âm vị, âm tiết, từ, cách dùng các dấu câu, lối viết hoa, viết tắt, viết các chữ số; viết giờ, ngày, tháng, năm, cách thức ghi dấu thanh; viết các từ ngữ mượn tiếng nước ngoài,... “Chuẩn chính tả được hiểu là chuẩn áp dụng cho văn phong qui phạm, được dùng làm thước đo trong ngôn ngữ nhà trường, áp dụng chính thống trong ngôn ngữ truyền thông và ngôn ngữ của các văn bản quản lí nhà nước” [2, tr.15]. Chính tả phải dựa trên chuẩn mực về ngữ âm và theo những quy tắc trong một hệ thống chữ viết. Trường hợp viết sai chính tả là viết không đúng với các qui tắc ngôn ngữ và chuẩn hóa hình thức chữ viết của quốc gia. Đó là các chữ viết theo cách phát âm địa phương hoặc viết theo cách phát âm cá nhân không đúng với chuẩn ngôn ngữ, chữ viết quốc gia.
Chữ viết tiếng Việt không theo nguyên tắc ghi ý, không phụ thuộc vào ý nghĩa của từng từ hay từng tiếng mà tùy thuộc vào thành phần âm thanh của từ ngữ. Khi viết chữ Việt phải viết theo những quy tắc chung của tiếng Việt hiện nay, đó là những quy tắc được hình thành theo sự kết hợp các âm, thanh, chữ cái. Là một loại hình ngôn ngữ đơn lập, chữ viết tiếng Việt có tính đơn tiết, mỗi chữ được tách ra thành một âm tiết. Một chữ viết (hay một âm tiết) được cấu tạo đầy đủ, gồm: 5 thành phần: phụ âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, thanh điệu. 2 bậc: bậc 1: âm đầu, vần, thanh điệu; bậc 2: âm đệm, âm chính, âm cuối. 2 nhóm âm vị : âm vị đoạn tính (âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối); âm vị siêu đoạn tính (6 thanh) như bảng sau:

2018-06-26 163936

Ví dụ: toàn: t: phụ âm đầu; o: âm đệm; a: âm chính; n: âm cuối; thanh huyền: thanh điệu. 

Tuy nhiên, âm tiết tiếng Việt có thể được cấu tạo ở các dạng (lấy các ví dụ tách ra từ chữ toàn): chỉ có nguyên âm làm âm chính “a”; âm chính và âm cuối “an”; âm đầu và âm chính “ta”; âm đầu, âm chính và âm cuối “tan”; âm đệm và âm chính “oa”; âm đệm, âm chính, âm cuối “oan”; âm đầu, âm đệm, âm chính “toa”; âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối “toàn”. Như vậy, một âm tiết tiếng Việt bao giờ cũng có nguyên âm làm âm chính và kèm theo thanh điệu.
Vì vậy, để người dân cả nước có cách viết chữ thống nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng chữ viết chính xác, khoa học, dễ nhớ, dễ hiểu, sử dụng trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu trao đổi tư tưởng, tình cảm của mọi người, các quốc gia trên thế giới đều phải có quy định về chính tả. Từ khi chữ Quốc ngữ chính thức được sử dụng làm ngôn ngữ quốc gia, cùng với qui luật phát triển nội tại của nó để hoàn thiện dần đáp ứng nhu cầu xã hội, chữ Quốc ngữ được các ngành hữu quan (cấp bộ và tương đương) ra nhiều văn bản để thống nhất chính tả. Tiêu biểu có các văn bản của các cấp, các ngành ban hành những qui định về chính tả tiếng Việt, như:
- Năm 1963, Bộ Giáo dục ban hành văn bản Qui định về chính tả tiếng Việt. Qui định này được phản ánh trong Từ điển chính tả phổ thông, Viện Văn học xuất bản năm 1963.
- Ngày 5/3/1984, Bộ Giáo dục ra Quyết định số 240/QĐ ban hành Qui định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt. Qui định này áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành Giáo dục (gọi tắt là Qui định 240).
- Ngày 22/11/1998 Văn phòng Chính phủ ra Quyết định số 09/1998/QĐ- VPCP, ban hành Qui định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ (gọi tắt là Qui định 09).
- Ngày 13/3/2003 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT, ban hành Qui định tạm thời về cách viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa (gọi tắt là Qui định 07).
Nhìn chung, các văn bản trên có điểm thống nhất về viết hoa tên người, tên địa lí, nhưng điểm chưa thống nhất là cách viết hoa tên gọi cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội. Điểm chưa thống nhất biểu hiện ở sách giáo khoa phổ thông, giáo trình cao đẳng, đại học, báo viết và báo điện tử, văn bản hành chính… và ở tất cả các loại văn bản được in ấn và phát hành.
Qui định 240, đã ghi: “Tạm dùng cuốn Từ điển chính tả phổ thông do Viện Văn học xuất bản năm 1963”. Đối với tên riêng không phải tiếng Việt thì “giữ nguyên chữ cái La tinh nhưng có thể lược bỏ các dấu phụ ở chữ cái, hoặc được chuyển tự sang chữ cái La tinh: Về tên tổ chức cơ quan “chỉ viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên riêng”. Ví dụ: Đảng cộng sản Việt Nam, Trường đại học bách khoa Hà Nội. Về những thuật ngữ được cấu tạo bằng chất liệu và qui tắc tiếng Việt theo phương thức dịch nghĩa thì tận dụng khả năng dịch nghĩa.
Qui định 09, có nêu “Viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ phải bảo đảm đúng ngữ pháp và chính tả tiếng Việt phổ thông, theo cách viết thông dụng trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước đang được đa số các cơ quan và các nhà ngôn ngữ học tiếng Việt chấp nhận, giảm tối đa các chữ viết hoa và thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn bản”. Theo qui định này, việc viết tên riêng của cơ quan Trung ương Đảng, tổ chức xã hội theo nguyên tắc “viết hoa chữ cái đầu tiên trong tổ hợp từ dùng làm tên của các cơ quan đó”. Ví dụ: Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương,… Nhưng ở mục d, phụ lục 3 lại qui định “tên riêng của cơ quan chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố, huyện, quận, phường xã) hoặc danh từ chung đứng trước tên riêng của người, địa danh được tôn kính (Bác Hồ, Cha già dân tộc) thì viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ tạo thành tên riêng như văn bản Nhà nước đã ban hành. Ví dụ: Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Ủy ban nhân dân phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội,...
Qui định 07, có nêu: “tên cơ quan, tổ chức đoàn thể thì viết hoa chữ cái đầu tiên của âm tiết đầu tiên và âm tiết đầu của các bộ phận tạo thành tên riêng (Bộ Giáo dục và Đào tạo)”. Tên nước ngoài “phiên âm trực tiếp, viết sát theo cách đọc, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết (Mát-xcơ-va, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xôp)”. Với trường hợp viết tắt thì “viết nguyên dạng tắt”. Tùy từng trường hợp, có thể ghi thêm tên dịch nghĩa hoặc ghi thêm tên nguyên dạng không viết tắt như WB (ngân hàng Thế giới), hoặc WB (World Bank).
Qua các qui định chính tả nói trên, về cách viết hoa tên các cơ quan, tổ chức xã hội, chúng tôi thấy, Qui định 240, cách viết hoa đơn giản, tiện lợi nhưng hiện nay không được sử dụng trong soạn thảo văn bản; Qui định 09 đang được sử dụng nhiều nhưng dựa vào quá nhiều căn cứ, vừa dựa vào tiêu chuẩn hình thức, vừa dựa vào tiêu chuẩn nội dung, khó hiểu và thiếu nhất quán: khi thì viết hoa chữ đầu từ (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), khi thì chỉ viết hoa chữ đầu cụm từ (Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên), khi thì viết hoa định ngữ (Hội Nhà văn), khi thì chỉ viết thường (Anh hùng Lực lượng vũ trang),…; Qui định 07 cũng đơn giản, có tính khái quát dễ áp dụng nhưng còn chung chung, vì chưa nói rõ thế nào là yếu tố tạo nên tổ hợp tên riêng.
Ngôn ngữ là một trong những nhân tố hàng đầu để thống nhất dân tộc, một đất nước thống nhất cần phải có một qui định chính tả cho ngôn ngữ quốc gia thống nhất. Qui định này phải được Chính phủ, Quốc hội ban hành và thể chế thành luật để mọi người tuân theo, làm cho chữ viết dân tộc phát huy được những giá trị vốn có của nó. Không thể có chuyện qui định chính tả cho ngôn ngữ quốc gia thống nhất lại do các cơ quan cấp bộ, cấp tỉnh ban hành. Các cơ quan có những qui định về chính tả khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng loạn chính tả.
Thực trạng vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay trở nên phức tạp, thiếu thống nhất trên các phương tiện truyền thông, trong học đường và các văn bản quản lí nhà nước. “Các qui định chính tả của một số bộ, ngành dường như ít mang tính kế thừa hay đơn giản là dựa trên các cơ sở khoa học thiếu nhất quán của một nhóm chuyên gia nào đó. Điều này dẫn tới hiện tượng bất đồng trong các văn bản viết về các lĩnh vực khác nhau và kết quả là tạo cho tiếng Việt một hình ảnh chính tả lộn xộn dường như không còn có thể kiểm soát được” [2, tr.109].
Trình trạng loạn chính tả sẽ gây tác hại vô cùng lớn trong soạn thảo văn bản, trong giáo dục, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật, văn học; làm mất đi vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt, thiếu nhất quán, mạch lạc trong tư duy, thiếu thẩm mĩ, gây cản trở trong giao tiếp. Tác giả Trần Trí Dõi đã đánh giá: “Hiện tượng lộn xộn chính tả hiện nay là không thể chấp nhận. Nó có tác động tiêu cực không chỉ đến giáo dục mà đến toàn xã hội. Sự bát nháo về chính tả, không đơn thuần chỉ là sự lộn xộn của ngôn ngữ mà nó có tác động đến sự thiếu lành mạnh của tư duy xã hội” (…) “Việc ban hành “quyết định chính thức ở cấp nhà nước về chuẩn chính tả” vào thời điểm này là thuận lợi cả về nhu cầu xã hội [1, tr. 252].
Từ sự thiếu nhất quán trong các văn bản qui định chính tả của một số cơ quan ban ngành dẫn đến các văn bản hành chính, văn bản khoa học và các phương tiện truyền thông viết hoa tên các cơ quan tổ chức xã hội không thống nhất; các đối tượng là HS, SV, cán bộ công chức khi viết và soạn thảo văn bản đều không tránh khỏi lỗi chính tả theo qui định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ. Các cơ sở giáo dục, đào tạo và các cơ quan quản lí hành chính không có tiêu chí cụ thể, chính xác, nhất quán của Nhà nước ban hành để đánh giá về chuẩn mực chính tả. Tác giả Nguyễn Quang Thông, cũng có nhận xét: “Viết hoa trên văn bản báo chí hiện nay rất lung tung, thậm chí có chuyên gia ngôn ngữ còn cho rằng rất tùy tiện, mạnh ai nấy làm” [7, tr. 451].
Tên các báo mạng được google.vn lọc ra, có các kiểu viết hoa không thống nhất: An ninh thủ đô ANTĐ, Khoa học Phổ thông, Báo Người Cao tuổi, Đài Truyền Hình Việt Nam, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), Hà Nội Mới (HNM, HNMO), Người Lao Động (NLĐO), Nhân Dân (NDĐT), Sài Gòn Giải Phóng (SGGPO), Thanh Niên (TNO) Tiền Phong Online (TPO), Thanh Tra, Báo Sức Khỏe Đời Sống - Bộ Y Tế,…
Lỗi chính tả trên các bảng quảng cáo ở thành phố Buôn Ma Thuột: nhà nghĩ, sôi lạc, xúc sích rán, Café dải khát, nước xôi, bán riệu, Ngân Hàng Công Thương, các nghành nghề đào tạo, Đại học bằng hai ngành tiếng anh, Sư phạm mầm non, Gián điện thoại, bánh cháng chộn, du lịch thăm quan, áo quầng trẻ em…
Về lỗi chính tả của HS, tác giả Nguyễn Quý Thành đã tiến hành điều tra, khảo sát các trường thuộc 6 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận: Số lượng trường: 81; số lượng lớp: 119. Kết quả điều tra cho thấy: trong 2.276 chữ được luyện, có 2.048 chữ do HS từ lớp 1 đến lớp 5 ở 119 lớp phạm lỗi chính tả. Số chữ bị lỗi chiếm 90% trong số chữ được luyện [5, tr. 214-216].
Lỗi chính tả của SV. Chúng tôi cũng tiến hành khảo sát lỗi chính tả ở một số lớp SV Trường Đại học Tây Nguyên. Cụ thể: trong bài tập tiểu luận Tiếng Việt thực hành của SV ngành Khoa học Cây trồng khóa 2014: bình quân có 450 lỗi chính tả/100 trang, mỗi trang có 4-5 lỗi. Trong báo cáo thực tập nghề về công tác soạn thảo văn bản của SV ngành Văn học khóa 2011 ở Văn phòng UBND các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk: bình quân trong 100 trang văn bản có 375 lỗi chính tả, cứ mỗi trang văn bản có khoảng 3,75 lỗi chính tả. Các lỗi chính tả chủ yếu là viết hoa tên riêng cơ quan, tổ chức xã hội; sai dấu thanh: hỏi/ngã, huyền/sắc, ngã/nặng; dùng lẫn lộn các phụ âm, như s/x, tr/ch, d/gi, n/ng, gh/g, ng/ngh, t/c, d/v,… dùng sai âm: i/y; dùng không đúng các nguyên âm đôi: ưi/ơi, ươ/iê; và dùng không đúng các dấu câu,…
Khi nói về nguyên nhân của tình trạng loạn chính tả tiếng Việt hiện nay, tác giả Phạm Hùng Việt trong bài viết “Viết hoa tên riêng trong tiếng Việt”, cho rằng: “Do chúng ta chưa có được một qui định chuẩn hóa về chính tả ở cấp quốc gia để mọi người cùng thực hiện theo. Những qui định đã có, do phạm vi tác động chỉ trong một ngành, một bộ, nên tác động còn hạn chế. Hơn nữa các qui định lại không thống nhất với nhau, mỗi qui định, khi áp dụng vào thực tiễn, cũng đã bộc lộ những điểm bất cập, cần phải được xem xét lại” [18, tr. 86].
Nguyên nhân gây loạn chính tả tiếng Việt còn xuất phát từ trong cấu tạo chữ viết tiếng Việt. Trong chữ viết tiếng Việt còn tồn tại nhiều hình thức một âm vị biểu đạt hơn một âm tố, như: /i/ (i, y); /k/ (k, c, q); /z/ (d, gi), /ŋ/ (ng, ngh), /ɤ/ (gh, g), /ă/ (a, ă),… hoặc một số phụ âm có kí hiệu khác nhau nhưng khi âm đọc gần giống nhau nên khi viết hay lẫn lộn, như: tr/ch, l/n, s/x, d/gi, n/ng, t/c g/gh, ng/ngh,… Các thanh điệu trong tiếng Việt cũng thường lẫn lộn do thói quen ngôn ngữ của người sử dụng, cách phát âm của từng vùng dẫn đến chữ viết cũng bị ảnh hưởng, như; dấu ngã/dấu nặng; dấu ngã/dấu hỏi; dấu huyền/dấu sắc…
Ngoài ra, lỗi chính tả còn do các yếu tố ảnh hưởng đến chữ viết, như: Ngôn ngữ âm thanh lệch chuẩn so với chính tả tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong giao tiếp hàng ngày sẽ tác động đến chữ viết “nói sao viết vậy” làm cho chữ viết lệch lạc; Các phương tiện điện tử và nhu cầu cuộc sống hiện đại tác động đến người sử dụng chữ viết, hình như con người trong thời hiện đại không có đủ thời gian, kiên nhẫn và tâm trí để rèn chữ viết đẹp như các thế hệ trước. Tình trạng HS phổ thông không hứng thú học môn Ngữ văn, chữ viết xấu, hình thức chữ viết của giới trẻ hiện nay trên mạng xã hội và tin nhắn,… làm lệch chuẩn chữ viết tiếng Việt, ảnh hưởng đến văn hóa giao tiếp của người Việt.
Thực trạng vấn đề chữ viết hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ đến bản sắc văn hóa của dân tộc. Tình trạng viết sai chính tả tiếng Việt trên các phương tiện thông tin truyền thông và quảng cáo; trong các văn bản hành chính; trong các bài văn của HS, SV… làm mất đi vẻ đẹp, trong sáng của tiếng Việt. Vì vậy, đã đến lúc Nhà nước cần có những qui định thống nhất nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua chữ viết tiếng Việt.
2.2. Sự cần thiết ban hành qui định của Nhà nước về chính tả tiếng Việt
Viết sai chính tả sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhận thức và thẩm mĩ. Vì vậy, việc nghiên cứu, xác định lại chuẩn chính tả thống nhất là một yêu cầu cấp thiết. Trước những bức xúc về qui định chính tả hiện nay của một số ngành, làm cho chữ viết tiếng Việt thiếu thống nhất về mặt hình thức, ảnh hưởng đến nội dung tiếp nhận và chức năng của tiếng Việt, tác giả Võ Văn Sen đã đưa ra quan điểm: “Sau gần 400 năm phát triển, một số vấn đề về chính tả cần được xem xét lại dưới cả hai góc độ khoa học ngôn ngữ và xã hội, đề xuất những ý kiến có cơ sở khoa học lẫn thực tiễn nhằm thống nhất chính tả trong cả nước, tránh việc trong một quốc gia thống nhất lại có 2 - 3 hình thức chính tả khác nhau, sách giáo khoa viết khác, báo chí viết khác; thậm chí Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo viết khác so với những qui định của chính bộ này vào năm 1980!” [4, tr.10].
Nói về vai trò quan trọng của việc thống nhất ngôn ngữ trong một quốc gia và sự cần thiết phải có một hệ thống chính tả, Tác giả Nguyên Ngọc cũng nhận định: “Một đất nước không thể hiểu nhau bằng một ngôn ngữ nhất định thì không thể thống nhất, thậm chí không thể tồn tại, vì mọi thông lưu đều không thể thực hiện được, hoặc ít ra bị trắc trở” (…) “Cần có một phương tiện xóa bỏ sự khác nhau về nói ấy, đó là một cách viết thống nhất. Nói có thể khác nhau, không hiểu nhau, nhưng viết thì giống nhau, để hiểu được nhau. Ta gọi đó là chính tả” (…) Cần có một chính tả thống nhất cho cả nước, vì chính sự tồn tại thống nhất của đất nước, đặng duy trì được sự vận hành thông suốt của cuộc sống bình thường trong đất nước. Đấy là chức năng xã hội của chính tả” [3, tr.130-131].
Trong bài viết “Viết hoa tên riêng trong tiếng Việt”, tác giả Phạm Hùng Việt đã đề xuất: cần phảỉ có Hội đồng chuẩn hóa chính tả tiếng Việt cấp Nhà nước để từng bước tiến hành chuẩn hóa tiếng Việt: “Để khắc phục đựợc tình trạng tùy tiện, không thống nhất trong viết hoa (và trong chính tả tiếng Việt nói chung) cần phảỉ có Hội đồng chuẩn hóa chính tả tiếng Việt cấp Nhà nước để từng bước tiến hành chuẩn hóa tiếng Việt. Viện Ngôn ngữ học với chức năng là cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ, có nhiệm vụ cung cấp những luận cứ khoa học cần thiết cho Hội đồng” [8, tr. 91].
Quan điểm của tác giả Bùi Khánh Thế trước thực trạng về cách viết chữ Quốc ngữ thiếu thống nhất hiện nay và sự cần thiết Quốc hội cần phải ban hành bộ Luật về ngôn ngữ: “Trước thực trạng về cách viết chữ Quốc ngữ thiếu thống nhất hiện nay trên sách báo, trên các phương tiện quảng cáo và cá biệt là trên một số văn bản chính thức cần có biện pháp gấp rút chấn chỉnh. Chuẩn hóa chính tả là việc rất quan trọng thuộc nhiệm vụ chuẩn hóa tiếng Việt được đề ra từ cuối thế kỉ trước. Thiết tưởng nhiệm vụ này cần được cấp bách đặt ra trong bộ Luật về ngôn ngữ được Quốc hội ban hành” [6, tr. 34]. Tác giả còn dự kiến những công việc cần làm để phát triển tiếng nói và chữ viết của dân tộc: “Sau khi bộ Luật ra đời cần xây dựng một cơ quan chuyên trách theo dõi việc thi hành luật thật nghiêm túc những qui định đã được luật hóa, bao gồm cả biện pháp chế tài. Cơ quan này có thể thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin hay Viện Khoa học Xã hội, như một số nước, cơ quan này thuộc Viện Hàn lâm Khoa học” [6, tr. 41]. “Hoạt động đó sẽ làm cho mọi người Việt Nam đều quí trọng tiếng nói dân tộc, có ý thức về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt qua xu thế phát triển tất yếu của nó hiện nay [6, tr. 42].
Cùng với quan điểm của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trước thực trạng chính tả tiếng Việt hiện nay, tác giả Trần Thị Lan trong bài viết “Chính tả: chuẩn nào cho tiếng Việt?”, đã thể hiện quan điểm của mình: “Việc phải có một qui chuẩn chính tả thống nhất trong tiếng Việt là không cần phải tranh luận. Các qui ước này cần phải tính đến đặc thù của hai lối tiếp cận cơ bản trong ngữ pháp học: ngữ pháp học chuẩn tắc và ngữ pháp học mô tả. Ngữ pháp học chuẩn tắc tính tới các qui tắc chuẩn mực của một ngôn ngữ (do các nhà qui tắc học đưa ra) và ngữ pháp học mô tả tính tới thói quen sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng ngôn ngữ” [2, tr. 126].
Nhìn chung, thực trạng vấn đề chính tả tiếng Việt lộn xộn kéo dài, các cơ quan ban hành qui định về chính tả thiếu tính kế thừa và thống nhất. Đã gần bốn thế kỉ hình thành và phát triển, chữ Quốc ngữ đã khẳng định được vị thế chức năng quan trọng trong đời sống xã hội, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào của Nhà nước ban hành để thống nhất chữ viết. Quan điểm của các nhà khoa học ngôn ngữ đều thống nhất về sự cần thiết có tính cấp bách hiện nay là Nhà nước cần ban hành qui định thống nhất về chính tả tiếng Việt hoặc xây dựng bộ Luật về ngôn ngữ. Trên cơ sở khảo sát nghiên cứu thực tiễn, phát huy những giá trị của chữ Quốc ngữ để thống nhất các vấn đề về chính tả, như: qui tắc về cách viết các âm vị, âm tiết, từ, cách dùng các dấu câu, lối viết hoa, viết tắt, viết các chữ số; viết giờ, ngày, tháng, năm, cách thức ghi dấu thanh; phân biệt i/y, viết các từ ngữ mượn tiếng nước ngoài,… giúp mọi người có kiến thức ngôn ngữ, biết quí trọng tiếng nói và chữ viết dân tộc, từ đó có ý thức về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì mới.
3. Kết luận
Chữ viết là một phương thức biểu thị chuỗi lời nói bằng những kí hiệu viết - đồ hình dùng để cố định hóa âm thanh của ngôn ngữ. Chữ viết chứa đựng trong nó những giá trị văn hóa của mọi nền văn minh. Dân tộc gắn liền với ngôn ngữ, mỗi ngôn ngữ biểu hiện cách tư duy riêng của từng dân tộc, tư duy này chính là thuộc tính của văn hóa. Qua tiếng nói và chữ viết thể hiện được bản sắc văn hóa của cộng đồng. Ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ gắn bó với nhau không thể tách rời.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, mỗi dân tộc gắn với một ngôn ngữ và một nền văn hóa, để giao lưu tiếp xúc với dân tộc khác. Vì vậy bản lĩnh, vị thế và sức mạnh của một dân tộc được biểu hiện một phần qua văn hóa và ngôn ngữ. Trải qua gần bốn thế kỉ, tiếng Việt nói chung chữ Quốc ngữ nói riêng đã có những phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp, biểu đạt tư duy cho các cộng đồng dân tộc trong quốc gia Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, trong quá trình hành chức chữ Quốc ngữ còn tồn tại những vấn đề cần phải được nghiên cứu, thống nhất trong toàn xã hội, nhất là về chính tả, ngữ pháp.
Trước thực trạng chính tả tiếng Việt thiếu nhất quán, lộn xộn như hiện nay, Nhà nước cần sớm ban hành qui định thống nhất về chính tả tiếng Việt và thể chế hóa thành bộ Luật về ngôn ngữ quốc gia. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách có ý nghĩa xã hội to lớn để phát huy vai trò của chữ Quốc ngữ trong đời sống xã hội, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Sự chuẩn hóa ngôn ngữ của dân tộc cần theo hướng kế thừa, phát triển, khoa học, tiện lợi để tiếng Việt có cơ hội truyền bá, lan tỏa ở trong nước và trên thế giới.

 

Tài liệu tham khảo
1. Trần Trí Dõi, “Tình trạng viết y/i hiện nay trong một số văn bản; nguyên nhân và thảo luận về cách khác phục” trong Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2014.
2. Trần Thị Lan, “Chính tả: chuẩn nào cho tiếng Việt?” trong Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2014.
3. Nguyên Ngọc, Chính tả, cái xã hội khắc phục cái tự nhiên, trong Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2014.
4. Võ Văn Sen, “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng” trong Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2014.
5. Nguyễn Qúy Thành, “Lỗi chính tả của học sinh tiểu học Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” trong Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2014.
6. Bùi Khánh Thế, “Lí thuyết về chuẩn ngôn ngữ và vấn đề chuẩn chính tả tiếng Việt” trong Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2014.
7. Nguyễn Quang Thông, “Mấy vấn đề sử dụng tiếng Việt trên báo Thanh niên - thực tiễn và kinh nghiệm” trong Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2014.
8. Phạm Hùng Việt, “Viết hoa tên riêng trong tiếng Việt” trong Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 80-92.

 

 

 

Bình luận

Leave a comment

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516