Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcBỏ biên chế, có còn chỗ cho giáo viên dám đấu tranh?

Bỏ biên chế, có còn chỗ cho giáo viên dám đấu tranh?

Thứ sáu, 02 Tháng 6 2017 09:14
(GDVN) - Bỏ biên chế giáo viên còn Hiệu trưởng thì sao? Để có những Hiệu trưởng giỏi biết trọng người tài, ngành giáo dục cũng cần phải bỏ kiểu bổ nhiệm như hiện nay.

LTS: Bày tỏ ý kiến về việc bỏ biên chế nhà giáo, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng trường hợp của bản thân, là một người có năng lực, thẳng thắn, dám đấu tranh thì việc bỏ biên chế sẽ khiến cô gặp nhiều khó khăn.

Bởi thực tế, không nhiều Hiệu trưởng mong muốn có những giáo viên dám đưa ra những ý kiến trái với ý mình.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện bỏ biên chế nhà giáo đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Nhiều ý kiến cho rằng “bỏ biên chế giáo viên là việc cần làm để thúc đẩy sự cạnh tranh nhân sự trong giáo dục vốn đang bị “ì ạch”.

Nhưng vẫn có không ít ý kiến lo ngại “Nếu Hiệu trưởng có thêm quyền "hợp đồng" trong tay, thì những người giỏi - có thể lại là đối tượng dễ bị loại đầu tiên.

Có những nhà giáo có năng lực, dám phản biện... ở trường luôn bị cấp trên chèn ép, gây khó dễ. Nhưng họ chưa phải ra đi, còn có thể bám trụ với nghề lâu cũng một phần nhờ cái... biên chế”.

Những ý kiến trên ít nhất vẫn đang rất đúng với trường hợp của cá nhân tôi.

Là giáo viên với hơn 20 năm đứng lớp. Nhiều đồng nghiệp nhận định, tôi có một số ưu điểm nổi trội như, có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong giảng dạy, luôn tận tâm, tận tụy với học sinh.

Phần lớn giáo viên trong trường nơi tôi công tác luôn yêu mến. Có nhiều người nói vui nhờ có tôi luôn thẳng thắn, dám nói, dám đấu tranh nên Ban giám hiệu làm việc cũng có sự tôn trọng giáo viên hơn.

Bỏ biên chế giáo viên, cần thi tuyển công khai với chức danh Hiệu trưởng. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trong suốt thời gian giảng dạy, tôi đã đạt được một số thành tích nhất định (nói điều này tuyệt đối không có ý khoe khoang chỉ để khẳng định một điều rằng tôi là giáo viên có năng lực, có tâm với nghề giáo) như hàng chục năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp thị, cấp tỉnh, là công đoàn viên xuất sắc, là chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm và được xét tăng lương trước thời hạn.

Hàng năm, xếp loại công chức luôn đạt mức xuất sắc. Khi nhận xét về tôi, thầy Hiệu trưởng từng nói “Giao việc gì cho em cũng thấy yên tâm vì em làm việc nhiệt tình, hiệu quả”.

Với bản tính trung thực nên tôi hay có ý kiến phản ứng trước những điều chưa hợp lý trong nhà trường.

Đặc biệt với những bài báo viết về bệnh thành tích trong nghề, về những điều bất cập của các Thông tư, các công văn chỉ đạo… Tôi bỗng chốc lọt vào tầm ngắm của nhiều cán bộ lãnh đạo.

Họ bắt đầu không ưa và luôn tìm cách đề phòng. Có lần, tôi nghe giáo viên kể lại trong một cuộc họp chuyên môn của ngành, có vị chuyên viên nhắc nhở các Ban giám hiệu “ngành mình có nhà báo nên các thầy cô phải cẩn thận”.

Nơi tôi giảng dạy hàng năm, giáo viên lâu năm đều được luân chuyển đi các trường quanh thị xã.

Nhưng khi biết tôi được chuyển về trường nào hầu như chẳng Ban giám hiệu nào muốn chào đón.

Tôi đã được nghe không ít người nói lại về điều này.

Họ đâu cần một giáo viên năng nổ, tận tâm với nghề mà chỉ sợ tôi sẽ gây phiền phức bằng những bài báo mặc dù chẳng bao giờ tôi viết điều chưa tốt về ngôi trường mình đang giảng dạy.

Bởi ít nhiều tôi vẫn đang giữ cái gọi là đạo lý “ăn cây nào rào cây ấy”.

Tôi tự đề ra phương châm viết báo của mình là “không hại ai, chỉ phản ánh những bất cập, những tồn tại phổ biến của ngành với mong muốn ngành mình ngày càng tốt đẹp hơn”.

Tôi đang trong diện biên chế nên được luân chuyển và dù không thích Hiệu trưởng những nơi ấy vẫn cứ phải nhận.

Cứ giả sử giáo dục đã đổi sang dạng hợp đồng thì có lẽ ít có Hiệu trưởng nào nơi đây muốn kí hợp đồng tuyển dụng tôi vào giảng dạy trừ khi người Hiệu trưởng ấy phải là người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những việc làm mình cho là đúng.

Nhưng người Hiệu trưởng như thế trong thực tế lại chẳng có nhiều.

Hiện nay, khi Hiệu trưởng chưa có được cái quyền “hợp đồng” thì đã có không ít trường hợp người giỏi, người tài bị chèn ép.

Câu chuyện gần đây nhất là trường hợp của cô Đỗ Thị Hồng Huế ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), vợ của một người lính Trường Sa đã phải 3 lần chuyển trường và mất luôn chức Phó Hiệu trưởng với lí do làm “mất đoàn kết nội bộ”.

Bản thân cô Huế là giáo viên dạy giỏi nhiều năm, là người chỉ đạo chuyên môn rất vững.

Nhưng do thẳng thắn, không chịu thỏa hiệp với những việc làm sai trái của Hiệu trưởng nên đã phải lãnh hậu quả như thế.

Bỏ biên chế giáo viên còn Hiệu trưởng thì sao? Để có những Hiệu trưởng giỏi biết trọng người tài, ngành giáo dục cũng cần phải bỏ kiểu bổ nhiệm như hiện nay.

Cần tổ chức thi tuyển công khai để chọn được người đủ năng lực chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức.

Hiệu trưởng làm hết nhiệm kì nếu không đáp ứng được những tiêu chuẩn quy định cũng không kí tiếp hợp đồng.

Hiệu trưởng quản lý giáo viên nhưng giáo viên cũng có quyền giám sát Hiệu trưởng. Có như thế, chuyện người tài phải ra khỏi ngành nhường chỗ cho kẻ yếu chuyên môn, thiếu đạo đức sẽ không có cơ hội xảy ra.

Theo giaoduc.net.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516