Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐổi mới công tác đào tạo ở các trường sư phạm trước khi đổi mới giáo dục phổ thông

Đổi mới công tác đào tạo ở các trường sư phạm trước khi đổi mới giáo dục phổ thông

Thứ ba, 16 Tháng 10 2018 07:40

NGUYỄN CƯ
Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum

Nhận bài ngày 05/10/2018. Sửa chữa xong 06/10/2018. Duyệt đăng 08/10/2018.
Abstract
The article presents an overview of the current situation of recruiting and training teachers in pedagogical insitutions at present, from which proposing some basic and feasible measures to train teacher in order to meet the requirements of fundamental and comprehensive innovation in education.
Keywords: Solution, train, teacher, innovation, basic, comprehensive.

1. Thực trạng tuyển sinh và đào tạo giáo viên ở Việt Nam
1.1. Về công tác tuyển sinh
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chúng ta đã hướng sự tập trung vào đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, thi cử... Điều này là đúng và cần thiết, nhưng nhìn đổi mới ở tầm chiến lược thì vấn đề rất cần tập trung là chất lượng đầu vào của các trường sư phạm vì đây là lực lượng sẽ trực tiếp thực thi những yêu cầu đổi mới. Giả sử ta có một chương trình tốt, tài liệu tốt, cơ sở vật chất tốt, nhưng đội ngũ giảng dạy không tốt, thì liệu đổi mới giáo dục có thành công? Trong nhiều năm gần đây, chất lượng tuyển sinh của các trường sư phạm quả thật đáng lo ngại. Thực tế cho thấy nhiều trường sư phạm hiện nay lấy điểm đầu vào quá thấp so với mặt bằng chung (mà lẽ ra phải ở tốp đầu) mới đủ chỉ tiêu đào tạo (riêng các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc được lấy thấp hơn 1 điểm). Vậy thì liệu rằng sau 3- 4 năm đào tạo, các trường có thể “hô biến” những SV có điểm đầu vào như thế (đó là chưa kể đến SV cử tuyển) thành những GV khá giỏi, có đủ kiến thức, năng lực để dạy những môn học mà ở phổ thông họ chỉ đạt mức độ trung bình, thậm chí là yếu kém? Và trong tình hình hiện nay, những SV đó ra trường liệu có thể đáp ứng ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện? Đây là bài toán chỉ có thể giải đáp được ở tầm vĩ mô. Một thực tế là các cơ quan tuyển dụng thường chỉ xem xét điểm số của SV mà chưa chú trọng vào năng lực thực tế, trong khi đó để giúp SV ra trường dễ tìm việc làm, hiện nay nhiều trường đã tạo điều kiện cho SV có bảng điểm tốt nghiệp thật đẹp. Thêm vào đó, việc thi tuyển GV như cách làm hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem lại, từ khâu tổ chức đến hình thức thi tuyển, nội dung thi tuyển, cách thức chấm điểm, đánh giá, xét tuyển...
1.2. Về phương thức đào tạo
Trên thế giới hiện nay rất ít nơi còn mô hình đào tạo sư phạm độc lập như ở Việt Nam. Mô hình thông thường là một trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm độc lập bao trọn gói nhiệm vụ đào tạo: từ kiến thức cơ bản đến chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Mô hình khác là một khoa sư phạm hay trường sư phạm trong đại học đa ngành. Khoa hay trường sư phạm đó chịu trách nhiệm đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Các nội dung về khoa học sẽ do các khoa hay các trường đại học khác trong cùng đại học đó đảm nhiệm. Thời gian đào tạo là 3 năm đối với cao đẳng và 4 năm với đại học. Cả hai mô hình trên đều áp dụng song song đào tạo kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ. Gần đây (sau 2012) Trường Đại học Giáo dục (tiền thân là Khoa Sư Phạm thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) bắt đầu áp dụng mô hình đào tạo kiến thức cơ bản trước, sau đó là các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm với thời gian đào tạo gói gọn trong 4 năm 140 tín chỉ..
Hiện nay, xuất hiện một số trường, khoa sư phạm trong các trường đại học thực hiện đào tạo GV theo mô hình 3+1 (3 năm chuyên môn và 1 năm nghiệp vụ), hoặc mô hình 4+1 (4 năm học chuyên môn, 1 năm học nghiệp vụ). Ngoài ra, còn có hình thức tuyển những sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khác có nhu cầu đi dạy để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình bồi dưỡng cho đối tượng này. Đây là một sự đổi mới về tư duy trong đào tạo GV. Tuy nhiên, vì thời gian bồi dưỡng quá ngắn (6 tháng) nên SV không có thời gian thực hành nhiều: đặc biệt là vấn đề thực hành dự giờ, thực tập ở trường phổ thông.
1.3. Về chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo GV ở nước ta hiện nay bao gồm cả đào tạo đơn ngành và song ngành khoảng 110 – 120 tín chỉ đối với trình độ cao đẳng 3 năm và 140- 150 tín chỉ đối với trình độ đại học 4 năm. Chương trình thường gồm các khối kiến thức: Giáo dục đại cương, Giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức chuyên ngành, thực tập và khóa luận tốt nghiệp). Chương trình đào tạo này theo đánh giá chung là còn nặng về lí thuyết, nhẹ về thực hành, thực tập. SV chỉ được thực tập khoảng 8-9 tuần / khóa học; trong khi đó, ở Phần Lan SV sư phạm tiểu học được dành khoảng 15% thời gian học (khoảng 40 tín chỉ) để thực hành ở trường phổ thông và SV sư phạm trung học thì có khoảng 1/3 chương trình để thực hành, thực tập; còn ở Mĩ, SV sư phạm phải trải qua khoảng 15 tuần thực tập ở trường phổ thông/ khóa học.
Chương trình đào tạo hầu hết ở các trường sư phạm cũng chậm đổi mới so với phổ thông mà lẽ ra các trường này phải đi trước một bước mới đúng quy trình, lỗi này thuộc về công tác tổ chức chỉ đạo mà cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Sở dĩ các trường sư phạm“đi chậm một bước so với phổ thông” một phần do sự chủ động của các trường, nhưng một phần khác là do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chỉ đạo quyết liệt phải đổi mới công tác đào tạo ở các trường sư phạm trước khi dổi mới giáo dục phổ thông và chưa tạo điều kiện cho các trường sư phạm nhập cuộc (được mời tham gia các đợt tập huấn, tham gia hội thảo, tham gia xây dựng chương trình phổ thông...).
2. Một số giải pháp cơ bản
2.1. Đảm bảo chất lượng tuyển sinh
2.1.1. Cần có chế độ ưu tiên cho SV học ngành sư phạm
Chất lượng đầu vào là điểm xuất phát đồng thời là một trong những nhân tố cơ bản, quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Hiệu quả của nó không chỉ thấy rõ trong quá trình đào tạo mà cả quá trình công tác sau này. Nếu các trường chỉ tuyển những SV có học lực trung bình để đào tạo rồi sau đó khi ra trường, hàng năm ngành Giáo dục lại đổ công sức và tiền của ra để tổ chức bồi dưỡng như cách vẫn làm nhiều năm nay chỉ là chữa bệnh ở phần ngọn, vừa tốn kém mà “tiền thì mất tật vẫn mang” (một SV giỏi vào học sư phạm hứa hẹn sẽ có một GV giỏi, với trình độ như vậy, họ có khả năng tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu công việc mà không cần phải qua nhiều lớp bồi dưỡng thường xuyên, chu kì...). Tại sao ta không dùng số tiền đó để có chế độ ưu tiên cho những SV vào học ngành Sư phạm (bên cạnh chế độ miễn đóng học phí cho SV sư phạm như hiện nay - thực sự thì chế độ miễn giảm này không còn sức hấp dẫn SV nữa -) và bổ sung vào chế độ tiền lương hàng tháng của GV? Để giải quyết vấn đề chất lượng đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định từ năm 2018 trường Sư phạm chỉ tuyển những học sinh có học lực khá, giỏi. Đây là một chủ trương đúng, nhưng là bài toán khó đánh đố các trường sư phạm vì thực tế là những học sinh có học lực khá, giỏi thường không muốn vào sư phạm và ai cũng biết đó là vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp cùng với chế độ lương bổng. Giải quyết vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng cơ bản vẫn là điều kiện kinh tế và tầm nhìn chiến lược đối với giáo dục của các nhà quản lí giáo dục được cụ thể hóa bằng những giải pháp khoa học, khả thi, chứ không phải là những con chữ hoa mĩ chỉ tồn tại trong các văn bản.

2.1.2. Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng
Việc tổ chức kì thi THPT Quốc gia “hai trong một” mấy năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế từ khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển... Từ thực tế này, Bộ Giáo dục cần phải có sự thay đổi về mục tiêu “hai trong một” ở kì thi THPT Quốc gia năm 2019. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Bộ nên giao việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho địa phương: cụ thể là Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thi và công nhận kết quả. Còn việc thi tuyển vào đại học nên giao quyền chủ động cho các trường đại học, cao đẳng. Tùy theo ngành học mà mỗi trường sẽ có cách tuyển phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo. Đối với ngành Sư phạm, ngoài nội dung thi về kiến thức chung ra, còn phải kiểm tra các vấn đề khác như: ngoại hình, giọng nói, chữ viết, tai nghe... Đây không phải là vấn đề mới mẻ, vì trước đây các trường sư phạm đã thực hiện khi tuyển sinh, nhưng không hiểu vì sao những năm gần đây, các trường lại không đặt ra yêu cầu này nữa?! Một GV, theo tôi, ngoài kiến thức, kĩ năng, thái độ ra còn cần có những yếu tố khác để hoàn chỉnh “diện mạo” nhà giáo theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
2.2. Đổi mới chương trình đào tạo
2.2.1. Điều chỉnh chương trình đào tạo
Trong chương trình đào tạo hiện hành ở các trường sư phạm còn có quá nhiều môn “phụ” mà nếu cắt bỏ đi để SV tự học tự nghiên cứu thì cũng không ảnh hưởng gì mà có khi còn nâng cao được chất lượng đào tạo, nếu ta biết sử dụng thời gian đó bổ sung vào các học phần chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ (mặt khác còn có thể tinh giản được biên chế). Quan điểm đào tạo toàn diện như hiện nay cần phải xem xét lại một cách thấu đáo: toàn diện mà không sâu về chuyên môn thì thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ. Do đó, để nâng cao chất lượng đào tạo GV, cần phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo, mạnh dạn cắt bỏ những môn học không cần thiết (được lặp đi lặp lại ở nhiều cấp học, tốn quá nhiều thời gian - chiếm khoảng 1/3 thời lượng chương trình đào tạo của một ngành học) để tập trung vào chuyên ngành, chú trọng đến việc hình thành phẩm chất, năng lực gắn với công việc thực tế mà các em sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Chương trình đó phải mang tính thực dụng, bám sát thực tế dạy học ở phổ thông, kịp thời cập nhật những thay đổi ở bậc học này. Và điều quan trọng là chương trình của các trường sư phạm là phải đào tạo ra những Nhà giáo dục chứ không phải là những thợ dạy. Bộ Giáo dục - Đào tạo cần giao quyền tự chủ thực sự cho các trường trong việc xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy và chỉ nên quản lí ở tầm vĩ mô.
2.2.2. Thống nhất chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo đơn ngành hay song ngành hiện nay vẫn chưa thống nhất ở các trường sư phạm, mà xu hướng đổi mới hiện nay là dạy tích hợp thì không biết các trường sư phạm sẽ phải đào tạo như thế nào để đảm bảo yêu cầu này (đó là chưa kể đến tình trạng ghép môn thiếu khoa học, vì các môn được ghép chẳng liên quan gì nhau. Ví dụ Chính trị - Nhạc, Sinh - Thể dục...). Đặc biệt ở trung học cơ sở và tiểu học: GV cùng trong một trường, cùng bộ môn, cùng dạy ở một khối lớp nhưng lại được đào tạo ở nhiều chương trình, nhiều loại hình và trình độ khác nhau: trung cấp, cao đẳng, đại học, chính quy, cử tuyển, vừa làm vừa học; lại có GV được đào tạo đơn ngành và có GV được đào tạo song ngành... Vậy thì chất lượng giảng dạy thế nào? Chúng ta không quá chú trọng bằng cấp nhưng rõ ràng đây là một sự bất cập cần phải điều chỉnh và tốt nhất nên đào tạo ở một trình độ cơ bản thống nhất cho tất cả các cấp học (một số nước phát triển từ lâu đã thực hiện việc đào tạo GV với trình độ tối thiểu là đại học). Từ trình độ cơ bản đó nếu có nhu cầu GV sẽ tiếp tục học lên trình độ cao hơn tùy theo nhiệm vụ, yêu cầu của cấp học, của chuyên ngành...
2.3. Thống nhất mô hình đào tạo
Việc thống nhất mô hình đào tạo phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo bằng văn bản cụ thể để các trường có cơ sở thực hiện. Và dù là mô hình nào thì hướng đích vẫn là chất lượng đầu ra và khả năng đáp ứng nhu cầu công việc của SV tốt nghiệp, tránh việc phải đào tạo lại. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã đặt ra nhiều vấn đề, nhưng cốt lõi phải xuất phát từ công tác đào tạo của các trường sư phạm mà công tác này lại liên quan đến chất lượng đầu vào, nội dung chương trình, phương pháp đào tạo và công tác chỉ đạo với tầm nhìn chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ở những nước tiên tiến, cả hai mô hình đào tạo”Song song” hay “chuyển tiếp” đều đang tồn tại. Trong đó, mô hình song song được sử dụng để đào tạo giáo viên bậc tiểu học. Còn mô hình chuyển tiếp thì thường được dùng để đào tạo giáo viên ở những bậc học cao hơn. Ưu điểm của mô hình song song là tính tích hợp cao giữa hai khối kiến thức chuyên môn và sư phạm, nhưng hạn chế của nó là sự cứng nhắc ở đầu vào, chặn lối vào nghề của những người đã có một bằng đại học khác nhưng muốn trở thành nhà giáo. Ngược lại, mô hình chuyển tiếp thiếu sự tích hợp của mô hình song song, nhưng cung cấp cho người học một nền tảng kiến thức chuyên môn vững vàng hơn, đồng thời tạo đầu vào mở cho nghề giáo cũng như tạo cho thầy cô giáo cơ hội trở lại thị trường lao động nếu không còn muốn làm trong ngành giáo dục.
3. Kết luận
Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thành công, bền vững phải bắt đầu từ yếu tố gốc: đó là đổi mới công tác đào tạo ở các trường sư phạm. Và việc đổi mới đó có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: công tác tuyển sinh, nội dung chương trình đào tạo, mô hình đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên ở các trường sư phạm, công tác quản lí chuyên môn, công tác tuyển dụng, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho GV... Tất cả những nội dung nầy ngoài sự chủ động của các trường (trong nhiệm vụ, khả năng), cần có sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt với tầm nhìn mang tính chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong sự phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan.
Việc học tập các nước phát triển trong công tác giáo dục để hòa nhập với thế giới là hết sức cần thiết. Tuy nhiên học tập phải có chọn lọc cho phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội... của Việt Nam. Tránh tình trạng như thời gian qua chúng ta đã “nhập khẩu” quá nhiều mô hình, phương pháp không thật sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể làm “bội thực” cả thầy lẫn trò ở tất cả các cấp học mà hiệu quả chẳng được là bao. Trong giáo dục không thể nói cái này người ta áp dụng thành công thì ta cũng thành công; bởi vì điều kiện mỗi nước mỗi khác. Hơn nữa, để áp dụng một mô hình hay phương pháp nào đó, người ta đều có sự chuẩn bị kĩ từ diều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, chứ không vội vàng... Và điều cần chú ý trong lĩnh vực giáo dục: cái mới muốn đạt được kết quả, cần phải có sự kế thừa kinh nghiệm truyền thống, không thể phủ định hoàn toàn cái cũ khi mà trong đó vẫn còn những yếu tố tích cực.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỷ yếu hội nghị toàn quốc các trường sư phạm, Hà Nội, 2011.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020, Ban hành theo Quyết định số 6290/QĐ-BGDĐT, ngày 13/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 2011.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỷ yếu hội thảo “Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tại các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”, Đà Nẵng, tháng 02/2015.
4. Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỉ yếu Hội thảo khoa học “Chất lượng giáo dục và vấn đề đào tạo giáo viên”, Hà Nội, tháng 10/2004.

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516