Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐẦU TƯ CỦA DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI VÀO TRƯỜNG MẦM NON TẠI KHU CÔNG NGHIỆP - KHU CHẾ XUẤT(*)

ĐẦU TƯ CỦA DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI VÀO TRƯỜNG MẦM NON TẠI KHU CÔNG NGHIỆP - KHU CHẾ XUẤT(*)

Thứ ba, 15 Tháng 10 2019 03:04

LÊ HÀ THANH
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
NGUYỄN THỊ KIM CHI
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ

 

Nhận bài ngày 02/10/2019. Sửa chữa xong 07/10/2019. Duyệt đăng 08/10/2019.

Abstract
The paper focuses on researching investment activities/support for preschool construction for children of employees of foreign invested enterprises (FDI) in industrial zones and export processing zones (Ips- EPZs) From the results of in-depth interviews with stakeholders in Ho Chi Minh City and Binh Duong, the authors deeply appreciate the difficulties and obstacles hindering FDIs from investing in this field, Thereby, the authors propose the solutions to encourage investment in the development of preschool education facilties in Ips- EPZs in the form of public- private partnership.
Keywords: FDI enterprises, preschool, public- private partnership.

 

1. Đặt vấn đề
Trong phong trào công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, các khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN-KCX) hình thành và phát triển nhanh chóng, trở thành trụ cột cho phát triển nhanh các ngành công nghiệp và hỗ trợ các ngành nông nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển. Thành tựu tăng trưởng của ngành Công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua không thể không kể đến vai trò của các KCN - KCX. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang đặt ra đối với sự phát triển bền vững của các KCN - KCX là vấn đề an sinh xã hội của người lao động, trong đó có giáo dục cho trẻ bậc mầm non. Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (1), gần 70% số lao động trong KCN-KCX là nữ. Đa phần lao động nữ trong các KCN có tuổi đời khá trẻ, tỷ lệ lao động trong độ tuổi từ 18-40 chiếm 97,9%. Theo khảo sát của Ban nữ công tại KCN- KCX của 7 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên cả nước, gần 60% số công nhân có con trong độ tuổi mầm non. Sự biến động của lao động cơ học mạnh mẽ với tỉ lệ người mang theo con đến địa phương làm việc cao, điều kiện cơ sở vật chất và tài chính, cụ thể là cơ sở giáo dục cho trẻ mầm non cũng tăng nhưng không theo kịp được nhu cầu gửi con của công nhân ở các KCN. Cả nước có khoảng 260 KCN-KCX đang hoạt động với khoảng 2,8 triệu lao động nhưng chỉ mới có 112 trường mầm non ở các KCN- KCX hoạt động (2).
Hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực là một cách tiếp cận hợp lý trong việc huy động, thúc đẩy nguồn lực xã hội vào phát triển giáo dục trong đó có cả phát triển GDMN trong KCN-KCX. Khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tại các KCN –KCX chủ động đầu tư mở trường mầm non, góp phần xã hội hóa giáo dục tại các địa phương. Chính phủ và các địa phương cần có những điều chỉnh gì về mặt chính sách để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì, tiếp tục và nhân rộng các mô hình đầu tư vào xã hội hóa giáo dục.
2. Cơ sở lý luận
Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Nhà nước luôn coi GDMN là một bậc học cần thiết và bắt buộc phải có trong hệ thống giáo dục. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, chỉ thị 153/CP của Hội đồng Bộ trưởng ngày 12/8/1966 đã xác định mục tiêu của GDMN là:“Giáo dục mầm non tốt sẽ mở đầu cho một nền giáo dục tốt”. Số cơ sở GDMN hiện tại chiếm 34% và số trẻ chiếm đến gần 25% trên tổng số cơ sở và số học sinh từ mầm non đến phổ thông cả nước. Số cơ sở giáo dục và số lượng trẻ bậc mầm non cũng nhiều hơn so với các cấp học khác. Tuy vậy, tỷ lệ chi ngân sách cho cấp học này lại thấp tương đối, giai đoạn 2011-2015, chi cho GDMN chỉ chiếm khoảng trên dưới 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục (Phạm Thị Huyền, 2018).
Các nghiên cứu về GDMN tại các KCN-KCX tập trung chính vào hai chủ đề: (i) tiếp cận vấn đề đặc điểm lao động của công nhân ở KCN-KCX và (ii) chi tiêu/thu nhập dành cho con cái. Nhiều nhà nghiên cứu đã đồng thuận kết luận rằng sự tăng ca thường xuyên và thu nhập không đủ chi tiêu cho cuộc sống đắt đỏ ở đô thị lớn khiến đời sống vật chất lẫn tinh thần của công nhân đang ở mức thấp. Với chi phí nuôi con chiếm 70% chi phí, thì chi phí cho việc giữ trẻ phải được tính toán kỹ lưỡng. Phần lớn công nhân muốn được gửi con ở trường mầm non công lập vì giá cả hợp lý và độ an toàn cao. Tuy nhiên, những công nhân nhập cư không có hộ khẩu thường trú rất khó xin vào trường công (vốn đã quá tải). Nghiên cứu của Nguyễn Tôn Thị Tường Vân (2012) về thực trạng tiếp cận dịch vụ giữ trẻ của công nhân KCN - KCX ở TP. Hồ Chí Minh đã kết luận nếu mỗi KCN- KCX dành 5.000m2 đất để xây trường mầm non thì tương ứng với 700 trẻ được tiếp nhận; với 15 KCN- KCX sẽ có 9.100 trẻ được tiếp cận GDMN, thì cũng chỉ mới đáp ứng được trên 10% số trẻ trong độ tuổi mầm non. Do đó, khả năng tiếp cận dịch vụ giữ trẻ của công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, nhất là công nhân ngoại tỉnh ở các KCN - KCX là rất hạn chế.
Bên cạnh đó nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Trinh và các cộng sự (2016) về đánh giá thực trạng và cơ chế quản lý nhà trẻ độc lập tư thục tại Việt Nam. Nghiên cứu thực hiện tại khu đông dân cư, khu công nghiệp và khu dân tộc thiểu số cũng đề xuất được một số biện pháp khắc phục rào cản trong cơ chế quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục theo hướng lồng ghép – chi phí thấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu ở Việt Nam nhằm đánh giá thực trạng của các nhà trẻ, trường mầm non ở các KCN-KCX chưa thực sự phong phú đặc biệt các nghiên cứu về thực trạng các mô hình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào các trường mầm non ở các khu vực này.
3. Phương pháp nghiên cứu
Khách thể nghiên cứu là các doanh nghiệp FDIs đã và đang, có khả năng đầu tư phát triển cơ sở GDMN. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn phương pháp nghiên cứu tại bàn để rà soát các văn bản liên quan và thông tin về các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào lĩnh vực GDMN. Nhóm nghiên cứu cũng lựa chọn mô hình đầu tư vào lĩnh vực GDMN của 2 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào trường mầm non là Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) và công ty Yazaki EDS (huyện Dĩ An, Bình Dương) để làm tình huống điển hình.
Tổ chức thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu tại địa bàn với hai nhóm đối tượng chính: 1) Đại diện lãnh đạo của công ty, đại diện ban giám hiệu, đại diện phụ huynh (công nhân đang làm việc cho hai nhà máy) để tìm hiểu sâu về thực trạng chất lượng và tình hình hoạt động của trường mầm non này. Mỗi cuộc phỏng vấn sâu được thực hiện trong vòng 30 phút, độc lập, và được thực hiện trực tiếp. 2) Các bên liên quan gồm đại diện của Ban quản lý Khu công nghiệp Bình Dương, Đại diện của Phòng giáo dục huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh nhằm đánh giá những chính sách khuyến khích/ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển trường mầm non tại các KCN-KCX. Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 7/2019 tại tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

4. Tổng quan doanh nghiệp đầu tư trường mầm non tại các KCN- KCX
4.1. Nghiên cứu tại Trường Mầm non Vàng Anh của công ty Yazaki EDS
Trường Mầm non Vàng Anh của công ty Yazaki EDS (100% vốn Nhật Bản) được đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng,  gồm 4 phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi, khu vực ăn uống… gần đây doanh nghiệp đã đầu tư thêm 60 chiếc giường, 6 kệ dép, bình nước nóng lạnh, máy xay thịt dành... cho con công nhân. Mỗi năm, trường đón nhận khoảng 200 cháu vào học. Trường mẫu giáo này được xây dựng không vì lợi nhuận, không thu học phí mà mọi chi phí hoàn toàn do công ty hỗ trợ. Mỗi phụ huynh (là công nhân lao động) phải đóng 200 ngàn đồng tiền mỗi tháng để hỗ trợ thêm tiền thức ăn cho các cháu. Nhà trường và doanh nghiệp đã có sự sắp xếp giờ giấc chăm sóc các cháu phù hợp với giờ làm việc của công nhân lao động trong công ty. Nhà trường nhận các cháu từ 5 giờ sáng tới 23 giờ nên khi công nhân có tăng ca vẫn yên tâm vì con cái họ đã được các cô giáo chăm sóc chu đáo. Mục tiêu chính của doanh nghiệp khi quyết định đầu tư vào trường mầm non này là tạo sự yên tâm cho người lao động, tăng phúc lợi cho công nhân, Quan điểm của Tổng giám đốc doanh nghiệp là “Người lao động là tài sản vốn quý nhất của doanh nghiệp, là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, do vậy, những chính sách gì mà liên quan mật thiết đến đời sống của người lao động đều được doanh nghiệp ưu tiên thực hiện”. Đội ngũ các cô giáo của trường được đào tạo bài bản từ bảo mẫu, trung cấp, cao đẳng cho đến đại học. Bên cạnh đó, việc trả lương tương xứng cũng là động lực để các cô chuyên tâm chăm sóc, dạy dỗ con em công nhân được tốt nhất. Trước khi có trường mầm non trong doanh nghiệp, nhiều công nhân phải gửi con ở các nhóm lớp mẫu giáo tư nhân nên họ không an tâm, lo cho con bị tai nạn, bạo hành, lại khó là phải gởi con xa nơi làm việc.
4.2. Nghiên cứu tại Trường Mầm non tư thục Samho Ánh Dương
Doanh nghiệp Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) là trường hợp hiếm hoi đã tiên phong làm nhà trẻ cho con công nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Năm 2010, doanh nghiệp này đã chi gần 500 triệu đồng cải tạo 1.000m2 khu làm việc của khối văn phòng ở lầu 1 để làm nhà trẻ cho con công nhân với 8 phòng học, 1 nhà bếp, 1 kho hàng và 1 phòng y tế, giữ được 300 trẻ và đã được UBND xã Trung An cấp phép nhóm lớp mầm non.
Doanh nghiệp Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc) chuyên gia công giày thể thao Nike xuất khẩu nên có đội ngũ lao động phổ thông rất đông, 70% là nữ và đang trong độ tuổi sinh sản. Do đó, hoạt động sản xuất thường bị biến động vì nữ công nhân nghỉ việc nhiều hay vắng mặt thường xuyên do không có nơi gửi con, đặc biệt là những lúc cần tăng ca thì công nhân không đáp ứng được. Xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và công nhân theo đó thường hay xảy ra. Để khắc phục những hạn chế đó, vừa giúp công nhân yên tâm làm việc, vừa giữ chân công nhân ở lại làm việc lâu dài, vừa có thể tăng ca đảm bảo sản lượng theo hợp đồng, doanh nghiệp đã trích từ lợi nhuận để kết hợp với huyện Củ Chi thành lập nhóm trẻ tư thục độc lập và thuê người quản lý. Doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, chăm lo cho giáo viên và hỗ trợ một phần phí gửi con hàng tháng cho công nhân.
Sau này, khi hoạt động của doanh nghiệp có nhiều thay đổi do việc ký kết các đơn hàng lớn sản xuất theo yêu cầu an toàn sản xuất của đối tác, do vậy doanh nghiệp cần nhiều không gian cũng như không thể để nhóm trẻ đặt trong khuôn viên của doanh nhiệp. Doanh nghiệp đã hợp tác với một cá nhân để thành lập Trường Mầm non tư thục Ánh Dương Samho, ở ngay đối diện với trụ sở của doanh nghiệp Việt Nam Samho, chủ trường cũng đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu để san lấp mặt bằng đất thuê và trang bị các phương tiện dạy học, đồ chơi...Hàng tháng, Doanh nghiệp hỗ trợ mua đồ chơi, tiền ăn cho trẻ hàng tháng (công nhân Samho chỉ cần mang thẻ công ty là con được miễn giảm, cuối tháng nhà trường quyết toán với công ty), chi phí hàng tháng của các bé khoảng 700.000 VNĐ. Công nhân gửi con ở đây tiết kiệm được 200.000 đồng so với bên ngoài.
5. Một số khó khăn, vướng mắc cần tháo ngỡ
5.1. Vấn đề tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên tại các trường mầm non KCN-KCX
Khó khăn lớn nhất của Trường Samho Ánh Dương là không thu hút và tuyển dụng được giáo viên, khó giữ được giáo viên tốt. Điều này xuất phát từ thực tế là:
- Các trường tư thục, các nhóm trẻ thành lập nhiều, các trường công lập được xây mới hoặc mở rộng qui mô tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh do vậy sức cạnh tranh cao, các giáo viên mầm non có nhiều lựa chọn hơn khi quyết định tuyển dụng vào các trường công lập hoặc tư thục trên địa bàn.
- Tâm lý ưu tiên và chờ đợi cơ hội tuyển dụng vào các trường mầm non công lập. Phần lớn các giáo viên ở các trường mầm non do vậy các trường gắn mác trường tư thục rất khó tuyển dụng.
- Hiện nay đối với các trường mầm non tư thục các vấn đề về lương và đãi ngộ không chênh lệch nhiều so với giáo viên ở các trường công lập. Giáo viên được đóng bảo hiểm, được hưởng các chế độ đãi ngộ, ngày nghỉ và các khoản trợ cấp như sinh đẻ, đau ốm... như chính sách của các trường công lập. Tuy nhiên, tâm lý của giáo viên vẫn mong muốn được dạy tại các trường công lập do chế độ lương ổn định, được nghỉ hè nghỉ tết theo chế độ của nhà nước.
Đối với Trường Mầm non Vàng Anh của công ty Yazaki EDS vấn đề tuyển dụng nhân sự do đại diện của ban lãnh đạo nhà trường (đơn vị ký hợp đồng với Công đoàn công ty) chịu trách nhiệm. Mặc dù các giáo viên được hưởng các chế độ lương, thưởng tốt và ổn định. Tuy nhiên, thời gian làm việc của giáo viên phụ thuộc nhiều vào thời gian sản xuất theo ca kíp của công ty nhưng các khoản trợ cấp tăng ca, làm ngoài giờ chưa thực khuyến khích giáo viên gắn bó lâu dài do vậy việc giữ chân giáo viên cũng khá khó khăn.
5.2. Về quỹ đất, giá thuê đất để xây dựng trường mầm non tại các KCN - KCX
Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ qui định về quản lý KCN-KCX nêu rõ: Trong KCN - KCX không cho phép dân cư sinh sống. Chỉ những nhà đầu tư, người làm việc trong KCX, doanh nghiệp chế xuất và những người có quan hệ công tác với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong KCX - KCN được được ra vào KCX doanh nghiệp chế xuất.
Thực tế tại doanh nghiệp Yazaki EDS đã sử dụng phần đất trong khuôn viên thuê với giá cao để mở trường mầm non cho con công nhân, phần đất này không được thuê hoặc miễn giảm với giá ưu đãi. Nguyên nhân do doanh nghiệp phải thuê thông qua công ty hạ tầng KCN - KCX. Việc doanh nghiệp sản xuất sẵn sàng dành quỹ đất với giá thuê đắt đỏ tại KCN –KCX tại Bình Dương để xây dựng trường cho con em công nhân rất đáng quý nhưng hiện tại doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc duy trì vì những qui định của Pháp luật Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, cần phải có những giải pháp để tận dụng và khuyến khích được các nguồn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài cho sự nghiệp giáo dục.
5.3. Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho giáo dục
Doanh nghiệp Yazaki EDS đã tình nguyện dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non với tiêu chí là để con em công nhân được chăm sóc, tăng phúc lợi cho người lao động chính là giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với công ty. Với tình huống này, lẽ ra doanh nghiệp sẽ được hưởng theo chế độ khuyến khích xã hội hóa giáo dục, được ưu tiên sử dụng quĩ đất sạch của Nhà nước. Doanh nghiệp Yazaki EDS không những không được ưu tiên giá thuê đất mà thậm chí còn vi phạm vì sai mục đích sử dụng đất. Như vậy, những qui định giữa các bên liên quan có thể làm cản trở những đóng góp vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực giáo dục mầm non. Bởi lẽ, các doanh nghiệp Nhật Bản rất tuân thủ pháp luật do vậy các ông chủ có tâm lý e ngại, thậm chí dừng hoạt động của trường nếu không được hỗ trợ, ủng hộ của Nhà nước Việt Nam.
5.4. Vấn đề đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN - KCX không có chức năng cung cấp dịch vụ giáo dục. Nghĩa là họ không tự mở trường và điều hành hoạt động của trường học ở các cấp học, kể cả các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Các doanh nghiệp chỉ am hiểu và quan tâm đến lĩnh vực mà họ kinh doanh, do vậy hầu hết các doanh nghiệp đều phải liên kết, đấu thầu thuê các tổ chức/ cá nhân chịu trách nhiệm nuôi dạy trẻ. Công ty Yazaki EDS đã phải làm hợp đồng với một trường mầm non để họ điều hành từ việc tuyển chọn, dạy học và chăm sóc trẻ theo đúng qui định của ngành Giáo dục. Công ty Việt Nam Samho trước đây phải liên kết với cá nhân để mở cơ sở GDMN, sau đó cá nhân này đã được công ty hỗ trợ để thành lập Trường Mầm non Ánh Dương Samho. Như vậy, có thể thấy cần có những hướng dẫn cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài góp phần đầu tư vào lĩnh vực GDMN, đặc biệt đối với nhiều trường hợp mở trường mầm non tư thục không vì lợi nhuận tạo điều kiện để họ góp phần tạo phúc lợi, an sinh cho người lao động.
5.5. Vấn đề về thuế và ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại các KCN-KCX
Đối với Công ty Yazaki EDS đầu tư xây dựng trường mầm non ngoài việc phải bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng trường học, trang bị cơ sở vật chất, hỗ trợ tiền ăn học hàng tháng cho trẻ. Những khoản phát sinh từ việc xã hội hóa giáo dục này vẫn bị đóng thuế do vậy doanh nghiệp rất thiệt thòi.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ đã nêu “Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính”, tuy nhiên, việc tuyên truyền phổ biến chính sách này tại địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng chính sách này. Như vậy, dù ít dù nhiều các khoản chi phí xã hội hóa mà doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thực hiện đều phải chịu thuế. Hơn thế, cho tới hiện tại các doanh nghiệp này chưa tiếp cận được khoản hỗ trợ/ ưu đãi tín dụng nào và cũng chưa có văn bản qui định cụ thể nào về đối tượng này.
6. Một số khuyến nghị
6.1. Cần có cơ chế đặc thù của các địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực GDMN trong KCN-KCX
Việc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực GDMN không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ vật chất đơn thuần, mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, hướng đến sự phát triển chung trong quan hệ lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, giúp người lao động có nhiều thiện cảm hơn với doanh nghiệp, giúp người lao động yên tâm công tác, cống hiến hết sức mình và gắn bó lâu dài. Do vậy, để khuyến khích và nhân rộng mô hình, đặc biệt là thu hút được thêm nhiều các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị, riêng các cấp công đoàn cần phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc trẻ em. Cần có những chính sách ưu tiên về thuế, thuê đất đã giải phóng mặt bằng...Đặc biệt cần có những hướng dẫn, đột phá nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài hoàn thành các thủ tục thành lập trường.
Các địa phương cần nghiên cứu học tập từ địa phương đã làm tốt trong vấn đề này nhằm tạo những cơ chế riêng biệt ưu tiên, chẳng hạn mô hình ở Bắc Giang hỗ trợ xây dựng phòng học là 250 triệu đồng/phòng ở các trường mầm non công lập; các trường mầm non tư thục thành lập mới trên địa bàn KCN được cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và được miễn tiền thuê đất trong cả thời gian thuê đất; hỗ trợ đồ dùng dạy học, thiết bị cho các nhóm trẻ trong trường tư thục, các nhóm trẻ độc lập tư thục đủ kiều kiện là 20 triệu đồng/ nhóm. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích người dân mở rộng các điểm trông giữ trẻ bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định.
6.2. Cần rà soát và hướng dẫn thi hành các chính sách tại từng địa phương về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non tại các KCN-KCX
Hiện nay đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-KCX đến năm 2020”, góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi. Một số mục tiêu của đề án: Hỗ trợ xây dựng và phát triển 500 nhóm trẻ độc lập tư thục; 80% số giáo viên, bảo mẫu được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ; 70% số trẻ được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 95% các bà mẹ ở KCN được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp đầu tư trường mầm non trong các KCN-KCX chưa tiếp cận được các ưu tiên này.
Chương X, Điều 153, Bộ luật Lao động năm 2012 về chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ có quy định: Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ (khoản 6), nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Điều này ở các địa phương.
Cần có những văn bản, hướng dẫn cụ thể đến các bên liên quan như Sở, ban, ngành, đoàn thể, chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/ huyện, giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Ban quản lý các KCX-KCN; Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ... từng địa phương để tiến hành thực thi hiệu quả.
6.3. Chính quyền địa phương cần dành quĩ đất sạch hoặc ưu tiên thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư cho phát triển các trường mầm non tại các KCN- KCX
Trước đây, những KCN- KCX được xây đã không quy hoạch phần đất dành cho giáo dục và cũng không có chế tài buộc nhà đầu tư phải xây dựng các công trình phục vụ người lao động. Bắt đầu từ các Nghị định số 36/1997/NĐ-CP và Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ qui định rõ các KCN- KCX không có dân cư sinh sống. Do đó, theo quy hoạch được phê duyệt, các khu này đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ người lao động nên việc tìm quỹ đất trong các KCN để xây dựng trường mầm non là rất khó khăn. Một số KCN đã quy hoạch được quỹ đất cho giáo dục lại dành phần đất xa dân cư, không thuận việc đi lại của dân. Bên cạnh đó tỷ lệ tăng dân số cơ học ở các địa phương có KCN-KCX lớn như: Tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng cao và tập trung chủ yếu ở các vùng ven các KCN-KCX. Như vậy, áp lực về việc xây dựng trường mầm non, các cơ sở giáo dục tư thục càng lớn. Tuy nhiên những qui định về không gian, cơ sở vật chất cho trẻ lại cao do vậy các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi từ nhóm trẻ mầm non độc lập thành các trường mầm non. Thực tế là, các nhóm trẻ mầm non độc lập rất khó kiểm soát về chất lượng do vậy phụ huynh không yên tâm.
6.4. Cần có hỗ trợ của các cấp chính quyền về đồ dùng, đồ chơi cho trẻ bao gồm cả những trường có vốn đầu tư nước ngoài
Theo kết quả khảo sát, các trường mầm non do doanh nghiệp đầu tư trong KCN - KCX không nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền về đồ dùng, đồ chơi của trẻ như các trường công lập và tư thục khác trên địa bàn. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài việc hỗ trợ tài chính để mua sắm mới các đồ chơi, cơ sở vật chất hạ tầng cho trường mầm non không phải vấn đề khó. Tuy nhiên, để tạo sự khuyến khích cho các nhà đầu tư các cấp chính quyền cần đảm bảo công bằng trong việc hỗ trợ đồ chơi hoặc giáo trình giảng dạy cho trẻ để các bậc phụ huynh (cán bộ công nhân viên nhà máy) cũng như ban quản lý doanh nghiệp thấy rõ được chủ trương của Nhà nước cũng như tạo thuận lợi cho các trường mầm non tuân thủ các qui định của pháp luật Việt nam.

7. Kết luận
Việc chăm lo giáo dục mầm non cho con em tại các KCN-KCX là rất cần thiết. Tuy nhiên số nhà trẻ, trường mầm non đảm bảo chất lượng hiện nay còn rất hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của công nhân tăng cao ở hiện tại và dự báo trong tương lai. Bình Dương và TP Hồ Chí Minh là những tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt để thu hút doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà trẻ cho con công nhân, góp phần xã hội hóa giáo dục. Những thành công và các vướng mắc cần tháo gỡ ở hai địa phương này sẽ là bài học để các địa phương khác có những định hướng đúng đắn khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở các KCN-KCX trên địa bàn quan tâm đến giáo dục mầm non và góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho công nhân lao động.

 

Chú thích

(*) Bài viết này được hoàn thành trong khuôn khổ đề tài cấp bộ B2018.KHA34, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(1) http://baodansinh.vn/thieu-truong-mam-non-trong-cac-khu-cong-nghiep-d66098.html.

(2) http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/36483102-thieu-tram-trong-truong-mam-non-cong-lap-cho-con-em-lao-dong-di-cu.html.

 

Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ, Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của chính phủ qui định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Hà Nội, 2008.
2. Chính phủ, Nghị định 29/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, 2012.
3. Chính phủ, Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 qui định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, 2014.
4. Chính phủ, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 qui định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, Hà Nội, 2015.
5. Chính phủ, Nghị quyết số 131/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017.
6. Hội đồng Chính phủ, Chỉ thị 153/CP ngày 12 /8/1966 về việc đẩy mạnh công tác mẫu giáo nhằm giáo dục tốt các cháu, góp phần giải phóng phụ nữ, phục vụ sản xuất và chiến đấu chống Mỹ cứu nước., Hà Nội, 1966.
7. Nguyễn Tôn Thị Tường Vân, Thực trạng tiếp cận dịch vụ giữ trẻ của công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo Hội Hội thảo khoa học: Chất lượng cuộc sống của người dân TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh kinh tế hiện nay, 2012.
8. Nguyễn Thị Mỹ Trinh và các cộng sự, Đánh giá thực trạng và cơ chế quản lý nhà trẻ độc lập tư thục tại Việt Nam- nghiên cứu tại khu đông dân cư, khu công nghiệp và khu dân tộc thiểu số, Báo cáo Uniceft https://www.unicef.org/vietnam/vi/Survey_report-Independent_child_care_groups-centres-VN.pdf, 2016.
9. Phạm Thị Huyền và cộng sự, Báo cáo Thực trạng huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập, đề tài cấp Bộ B017.A26, 2018.
10. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT- TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, Hà Nội, 2015.
11. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 về Phê duyệt đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”, Hà Nội, 2014.

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516