Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHà Giang: Hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn

Hà Giang: Hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn

Thứ ba, 16 Tháng 4 2019 09:31
Trong những năm qua, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã giúp giáo dục vùng cao, vùng khó khăn duy trì sĩ số học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

ha giang

Kiểm tra thực phẩm trước khi đưa vào chế biến

Đến nay, việc thực hiện song song nhiều chính sách qua từng giai đoạn như: chính sách hỗ trợ HS bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP (gọi tắt là nghị định 116), Nghị định 86/2015/NĐ-CP... Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục; hỗ trợ tiền ăn trưa cho HS… đã giúp cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được đến trường. Hiệu quả là ngành Giáo dục đào tạo duy trì ổn định sĩ số, nâng cao chất lượng học tập cho HS dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.

Các trường của huyện Quang Bình như: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học, Trường THCS xã Nà Khương, Tiên Nguyên, Tân Nam, Hương Sơn là một trong những trường điển hình tổ chức bán trú cho học sinh. Ở trường, các em được thầy, cô giáo chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập, nhờ đó nỗi lo và áp lực của Ban Giám hiệu về tình trạng học sinh bỏ học đã giảm nhiều.

Năm học 2018-2019, thực hiện Nghị định 116, mỗi HS của Trường PTDTBT THCS Tân Nam được hưởng 15kg gạo và 520 nghìn đồng/tháng. Nhờ chính sách này, 117 HS bán trú được ăn 3 bữa/ngày, bữa cơm có đủ thịt, cá, rau; được uống sữa 3 buổi/tuần... sức khỏe các em được đảm bảo, nên phụ huynh ngày càng yên tâm cho con mình đến trường.

Trao đổi với phóng viên, thầy Lèo Huy Túc, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCSTân Nam cho biết: Sau 2 năm thực hiện nghị định 116, tỷ lệ HS đến lớp tăng cao, tỷ lệ HS chuyên cần đạt trên 98%, không có tình trạng HS bỏ học.

ha giang 2

Học sinh bán trú trường PTDTBT tiểu học Tiên Nguyên vệ sinh khu nhà

Ngành Giáo dục và đào tạo huyện Quang Bình luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị trường tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường bán trú nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm có nguồn gốc xuất sứ ổn định, công tác bảo đảm an toàn khu ở bán trú của HS luôn được nhà trường đặc biệt biệt quan tâm, chính vì thế nhiều năm trở lại đây chưa có tình trạng mất an ninh trật tự hay ngộ độc thực phẩm xẩy ra ở trường bán trú.

Đối với ngành Giáo dục huyện Bắc Quang, ông Phạm Hồng Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Đến nay, nhiều trường của huyện Bắc Quang chưa có nhà ở bán trú kiên cố cho HS. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng có thể nói các chính sách hỗ trợ HS vùng khó khăn của Nhà nước đã tạo chỗ dựa cho các em HS để tiếp bước tới trường. Vì thế, tỷ lệ HS bỏ học ở các trường bán trú vùng cao đã giảm mạnh so với trước kia.

Nói về những tác động tích cực của Nghị định 116/2016/NĐ-CP, Nghị định 86/2015/NĐ-CP với sự nghiệp giáo dục đào tạo ở những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, cô giáo Cấn Thị Lương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Thượng Bình, Bắc Quang, cho biết: Các chính sách hỗ trợ HS vùng đặc biệt khó khăn đã tạo điều kiện cho HS đến trường, đặc biệt là các em trong diện bán trú. Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, đặc biệt là gia đình thuộc diện nghèo con em được đến trường, đến lớp. Từ đó tình trạng bỏ học không còn nữa, chất lượng học tập tăng lên rõ rệt.

Thầy giáo Lại Linh Cương, hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học xã Tân Lập, Bắc Quang chia sẻ: Nhà trường thường xuyên tìm hiểu nguyện vọng của các em bằng cách lập hòm thư góp ý để các em có thể viết chia sẻ với thầy cô những điều chúng em muốn nói. Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây nhà trường luôn ôn định, không xẩy ra vấn đề liên quan đến HS bán trú.

ha giang 3

Bữa ăn trưa của học sinh trường PTDTBT tiểu học Tân Lập, Bắc Quang

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất phục vụ ăn ở, sinh hoạt cho HS bán trú còn thiếu thốn, song nhìn chung các trường đều cố gắng khắc phục khó khăn tổ chức cho các em ăn ở từ thứ hai đến thứ 7 hàng tuần; tổ chức học ngày hai buổi; trồng rau xanh cải thiện bữa ăn; huy động được cộng đồng, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh tham gia cùng nhà trường. Chính điều này đã góp phần quan trọng phát huy được hiệu quả của chính sách, góp phần “tiếp sức” cho HS ở vùng khó khăn có điều kiện đến trường./.

Đình Thơm

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516