Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHuyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ: Điểm sáng xây dựng mô hình trường mầm non “lấy trẻ làm trung tâm”

Huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ: Điểm sáng xây dựng mô hình trường mầm non “lấy trẻ làm trung tâm”

Thứ tư, 27 Tháng 12 2017 09:01
(GD&XH) – Hướng đến xây dựng môi trường giáo dục mầm non mang tính “mở”, kích thích sự chú ý, tư duy và cảm xúc của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia các hoạt động và trải nghiệm… ngành Giáo dục huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở GDMN” năm học 2017 – 2018. Mô hình điểm thực hiện chuyên đề tại 04 đơn vị trường mầm non: Thanh Lâm, Phú Mỹ, Phú Lộc và Tiên Du.

phu ninh 1

 

IMG 2934

Cô trò Trường mầm non Thanh Lâm

Môi trường giáo dục trẻ sinh động, hấp dẫn

Đến thăm Trường Mầm non Thanh Lâm, thị trấn Phong Châu những ngày này, chúng tôi cảm nhận được một không gian xanh với bồn hoa, vườn rau, cây cảnh cùng nhiều đồ chơi do các cô giáo sáng tạo từ những đồ phế liệu như: lốp xe, bìa cát tông, ống nước… giúp các bé thỏa sức vui chơi, khám phá. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Năm học 2016-2017, nhà trường có một Hiệu phó phụ trách chuyên môn được đi tiếp thu chuyên đề “Giáo dục mầm non theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm” tại Đà Nẵng; chúng tôi đã triển khai đến toàn thể giáo viên trong trường, đồng thời thực hành một số tiết dạy như: giao lưu âm nhạc, hoạt động góc, tạo hình, nêu gương cuối ngày, giáo dục kĩ năng sống. Năm học trước, nhà trường mới chỉ xây dựng thí điểm khối mẫu giáo 5 tuổi với các nội dung: hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống; đến năm học này đã triển khai đại trà tới 100% các nhóm lớp và mở rộng ở các nội dung: xây dựng chương trình kỹ năng, trải nghiệm;  môi trường trong và ngoài lớp, tổ chức các cuộc thi, các buổi giao lưu có sự tham gia của các bậc phụ huynh”.

Thanh Lâm - trường ngoài công lập đầu tiên của huyện Phù Ninh. Ban Giám hiệu nhà trường luôn tìm tòi xác định khâu đột phá trong công tác đào tạo vì lẽ đó Thanh Lâm luôn đi đầu trong các phong trào nâng cao chất lượng giáo dục chăm sóc trẻ, đặc biệt các năm học 2011 – 2012, 2015 – 2016 Trường Thanh Lâm được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua, là điểm sáng cho các trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh đến học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Giáo viên chủ động, sáng tạo và không ngừng học tập

Xây dựng trường mầm non "lấy trẻ làm trung tâm" bắt đầu từ giáo viên có khả năng tự thiết kế kế hoạch giảng dạy để dạy trẻ đạt kết quả tốt nhất. Giáo viên phải sáng tạo trong việc thực hiện nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục tại trường; sáng tạo trong việc làm đồ dùng, đồ chơi phong phú, đa dạng mang tính giáo dục và thẩm mỹ cao. Đặc biệt, giáo viên tôn trọng trẻ hơn, xác định được và thỏa mãn những hứng thú, hiểu biết, ý kiến và kỹ năng của trẻ, mở rộng việc học cho từng trẻ, cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội khác nhau để học và diễn đạt những gì trẻ biết và hiểu. Giáo viên trò chuyện với trẻ và lôi cuốn trẻ vào các hoạt động, giao tiếp có ý nghĩa, sử dụng các câu hỏi để tìm hiểu thông tin và để giúp trẻ diễn đạt và bộc lộ những gì trẻ biết và hiểu. Nhất là đòi hỏi giáo viên phải có tri thức, kinh nghiệm, luôn linh hoạt và học tập không ngừng.

phu ninh 2

IMG 2967

Cô giáo Phạm Thị Tuyết Mai, chủ nhiệm lớp 5 tuổi A1, Trường Mầm non Phú Mỹ cho biết: “Là một giáo viên, có nhiều năm phụ trách giảng dạy ở lớp 5 tuổi; tôi nhận thấy, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm rất tốt; phù hợp với trẻ, kích thích được sự sáng tạo của cả cô và trẻ, trẻ hứng thú tích cực chủ động hơn trong học tập”.

Năm học 2016-2017, Trường Mầm non Phú Mỹ đầu tư phát triển môi trường dạy học đa dạng, trong đó phải kể đến môi trường ngoài lớp học như: bộ đồ chơi cát nước, khu vui chơi sỏi, đá… từ đó phát tư duy sáng tạo và phát triển vận động cho trẻ. Trong lớp với những góc chơi di động, được bổ sung thêm góc thư giãn, góc thực hành cuộc sống… Quá trình tổ chức thực hiện, giáo viên áp dụng linh hoạt, cô giáo không chỉ truyền thụ mà còn tạo cơ hội để trẻ tự thể hiện sáng tạo, tự khám phá. Các tiết âm nhạc, cô để trẻ làm người dẫn chương trình, giới thiệu bạn mình; tự lựa chọn hình thức biểu diễn, hay vận động theo nhạc. Trong tiết hoạt động góc, cô cho trẻ tự nhận góc chơi, tự chọn bạn chơi; tự chọn cách chơi với những đồ chơi gần gũi thiên nhiên như: lá cây, cành khô, sỏi đá, hột hạt, dây chun, vải vụn… Từ đó, trẻ biết làm việc theo nhóm, được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình; biết suy nghĩ và vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống mà trẻ gặp phải; từ đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở trường, lớp.

phu ninh 3

IMG 294000

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Bích, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Du cho biết: “Nhằm tạo cho trẻ biết những việc làm thường xuyên của gia đình tại địa phương, nhà trường đã tổ chức một vườn rau sạch tại trường do chính cô giáo hướng dân các em chăm sóc hàng ngày, đồng thời cung cấp rau sạch cho các em ăn bán trú tại trường”.

Công tác xã hội hóa giáo dục góp phần thành công.

Trong quá trình triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” tại Trường Mầm non Phú Lộc đã được các bậc phụ huynh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ trên tinh thần tự nguyện rất cao. Công ty Phát triển nhà đô thị Mê Công, Hà Nội cùng một số cá nhân đã đầu tư xây dựng cho nhà trường một khu vui chơi phát triển hoạt động cho trẻ trị giá 200 triệu đồng; Công ty THNH NOW VINA đầu tư cho nhà trường một dãy phòng học 2 tầng trị giá 2,4 tỷ đồng. Đặc biệt Hội phụ huynh học sinh cùng toàn thể các bậc phụ huynh trong toàn trường đã ủng hộ nhà trường hệ thống điều hòa các phòng học, hệ thống tủ cơm, bếp điện. Hội PHHS thường xuyên đến giúp cô và trò trang trí lớp học, tổ chức cùng nhà trường cho các em đi thăm quan, trải nghiệm.

Theo ông Hà Ngọc Yến, Trường phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh: “Đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Hoạt động chuyên đề là điều kiện tốt để giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, tay nghề trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ. Các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng đồ chơi được đầu tư, môi trường giáo dục, khu vui chơi, vận động của trẻ được cải thiện vì vậy chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ toàn diện ngày càng được nâng lên rõ rệt”

Mô hình “ Dạy học lấy trẻ làm trung tâm” khác xa với truyền thống, đã tạo ra điều kiện, cơ hội để trẻ chủ động, sáng tạo. Bởi vậy, trong những năm học tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ càng quyết tâm đổi mới, xây dựng môi trường giáo dục phù hợp, góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ.

 

Đình Thơm 

 

 

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516