Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcKhông khí ngày hội khai trường trên mọi miền đất nước: Ngắn gọn, trang trọng và ý nghĩa

Không khí ngày hội khai trường trên mọi miền đất nước: Ngắn gọn, trang trọng và ý nghĩa

Thứ tư, 05 Tháng 9 2018 06:28
Lễ khai giảng năm nay được nhiều địa phương tổ chức theo tinh thần ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng, ý nghĩa. Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại một số địa phương trên cả nước trong ngày hội khai trường 5/9.

vna potal hon 400000 hoc sinh tinh an giang tung bung khai giang nam hoc moi 397687

Học sinh Trường Trung học phổ Thông Long Xuyên (An Giang) háo hức trong ngày khai giảng. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Sáng 5/9, cùng với cả nước, học sinh khu vực ATK Yên Sơn, Tuyên Quang bao gồm 7 xã Phú Thịnh, Công Đa, Đạo Viện, Trung Sơn, Hùng Lợi, Kim Quan và Trung Minh nô nức tới trường, khai giảng năm học mới.

Tại Trường Tiểu học Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, từ sáng sớm, các bậc phụ huynh đã đưa con em mình tới trường để kịp giờ khai giảng.

Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Hùng Lợi có 30 lớp, với 625 học sinh. Là xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Tuyên Quang, những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, Trường Tiểu học Hùng Lợi đã được đầu tư xây dựng cơ sở khang trang, đảm bảo cho việc dạy và học, các phân hiệu của nhà trường cũng đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, khang trang, sạch đẹp hơn.

Tại Trường Trung học phổ thông Trung Sơn, huyện Yên Sơn, không khí lễ khai giảng trở nên trang nghiêm khi thầy hiệu trưởng đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước nhân dịp khai giảng năm học mới. Là Trường Trung học phổ thông duy nhất của khu vực ATK Yên Sơn, năm học mới, Trường Trung học phổ thông Trung Sơn có hơn 500 học sinh đến từ 7 xã trong huyện. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhà trường và các doanh nghiệp tặng quà tiếp sức các em tới trường.

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Tuyên Quang có 480 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông với gần 200 nghìn học sinh. Trong năm học mới naỳ, ngành Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang tập trung rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học cho phù hợp; xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp học; đảm bảo duy trì, giữ vững, nâng cao thành quả phổ cập giáo dục các bậc học. Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang cũng tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn, ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, đặc biệt các trường, điểm trường ở vùng đặc biệt khó khăn, các trường trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia, tăng tỉ lệ trường đạt chuẩn ở các cấp học…

Tại Hà Nam, hơn 195.000 học sinh các cấp trên địa bàn nô nức dự lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam yêu cầu các trường không báo cáo thành tích trong lễ khai giảng. Sở khuyến khích các trường tổ chức phần “hội” với nhiều trò chơi tập thể vui tươi, lành mạnh để ngày khai giảng thực sự có ý nghĩa đối với tất cả học sinh.

Năm học 2018-2019, ở hầu hết các địa bàn trong toàn tỉnh đều có sự biến động, gia tăng về số lớp học, số học sinh. Ở cả 4 cấp học, trong năm học này có 195.000 học sinh, tăng 4.500 học sinh so với năm học trước. Về cơ sở trường lớp, hiện toàn tỉnh có 5.835 phòng học, trong đó có 5.605 phòng học kiên cố (cấp mầm non có 91,9%, cấp tiểu học có 96,9%, cấp trung học cơ sở có 98,7% và cấp trung học phổ thông có 100% phòng học kiên cố), 202 phòng học được xây mới, tỉ lệ phòng học cấp 4 còn không đáng kể.

Đặc biệt, trên địa bàn không còn tình trạng phòng học không an toàn. Hệ thống trang thiết bị dạy và học ở các trường mầm non, trường phổ thông được tăng cường, đảm bảo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỉ lệ giáo viên các cấp học đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đạt từ 98,85-100%, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Ở các tỉnh Tây Nguyên, trên 1,5 triệu học sinh các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) nô nức đến trường khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Năm học này, Đắk Lắk là địa phương có số học sinh các dân tộc đến trường cao nhất so với các tỉnh Tây Nguyên với trên 460.000 em, thấp nhất là tỉnh Kon Tum có 150.317 học sinh.

Các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, tu bổ, xây dựng mới hàng ngàn phòng học, phòng công vụ cho giáo viên, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, công trình vệ sinh cho học sinh…

Tỉnh Đắk Lắk đã huy động 402 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập; trong đó, dành 323 tỷ đồng sửa chữa, tu bổ, xây dựng mới 985 phòng học các cấp, chủ yếu đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp cho các địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các tỉnh Tây Nguyên cũng trích ngân sách địa phương mua sách giáo khoa, vở viết hỗ trợ học sinh các dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện đến trường.        

Tại các điểm trường nằm trên địa bàn các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa như Mô Rai, huyện Sa Thầy, Ngọc Tụ, Đắk Rơ, huyện Đắk Tô (Kon Tum), Krông Nô (Đắk Nông), Lắk, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) bị hư hỏng do tố lốc, mưa lũ kéo dài…đã được đầu tư sửa chữa kịp thời. Tại các điểm trường này thầy, cô giáo cùng với đồng bào các dân tộc đã nhanh chóng làm vệ sinh trường lớp, phục vụ tốt yêu cầu khai giảng năm học mới.

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, lễ khai giảng năm học này với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nghi lễ để học sinh cảm nhận được không khí vui tươi của ngày hội tựu trường, không phô trương hình thức gây lãng phí.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 3.350 trường học từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông; trong đó, gần 100% số xã có trường tiểu học, 96,67% số xã có trường trung học cơ sở, 17,83% xã có trường trung học phổ thông, gần 100% xã có trường mẫu giáo, mầm non…

Trên địa bàn tỉnh Long An, hơn 300 ngàn học sinh tại các trường học đã tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn với các nội dung như văn nghệ, chào cờ, đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng và đánh trống khai trường, phát biểu của đại diện phụ huynh học sinh…

Đặc biệt, tại các trường học thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… dù nước lũ đang dâng cao nhưng công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng được tổ chức chu đáo từ trước đó. Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể lên kế hoạch, phương án đưa đón học sinh ở vùng sâu, vùng xa đến trường dự lễ khai giảng an toàn. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học… cũng được đảm bảo.

Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An cho biết: Năm học 2018 - 2019, tỉnh Long An có hơn 300 ngàn học sinh theo học tại 666 trường học, cơ sở giáo dục các cấp. Tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục hoàn thiện thể chế về giáo dục và đào tạo…

Bên cạnh đó, tỉnh Long An thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục như thuế thuê đất, ưu đãi về tín dụng… để đầu tư xây dựng trường học, nhất là tại vùng sâu, vùng xa; đồng thời khuyến khích thành lập các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài… góp phần giúp đỡ học sinh khó khăn có điều kiện vươn lên trong học tập.

Tương tự, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh An Giang tổ chức lễ khai giảng năm học 2018-2019 theo tinh thần ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng, ý nghĩa, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp.

Đặc biệt, trong phần đọc Thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đối với bậc học mầm non, không đọc toàn văn bức thư mà chỉ tóm tắt những điều Chủ tịch nước gửi các cháu mầm non. Sau khi kết thúc phần lễ ngắn gọn, các trường chuyển sang phần hội với nhiều hoạt động tập thể trên tinh thần vui tươi, sinh động, lành mạnh, tạo không khí phấn khởi cho học sinh và giáo viên.

Năm học này, toàn tỉnh An Giang có 737 trường học, với 427.570 học sinh ở tất cả các cấp học. Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang khẳng định, năm học 2018-2019, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời tăng cường giải pháp đồng bộ, đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học...

Để chuẩn bị tốt cho năm học mới này, tỉnh An Giang đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cũng như mua sắm trang thiết bị học tập cho các trường, nhất là ở khu vực miền núi, vùng biên giới, vùng bị ảnh hưởng mưa lũ…

Hiện nay, ở các địa phương vùng đầu nguồn sông Cửu Long của tỉnh An Giang như An Phú, thị xã Tân Châu…lũ về sớm và cao hơn mọi năm, ảnh hưởng phần nào đến việc dạy, học của thầy cô, học sinh. Trước tình hình này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy cô giáo, nhất là trong mùa lũ; xây dựng kế hoạch, bố trí điểm trông giữ trẻ ở vùng ngập sâu, vùng bị chia cắt không thể di chuyển; bố trí lực lượng túc trực, tổ chức đưa, rước học sinh, thầy cô giáo ở khu vực ngập lũ đến trường an toàn…

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, đến nay toàn tỉnh An Giang có 7 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thuộc các xã Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu (huyện An Phú), Tân An, Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu) bị ngập, chính quyền địa phương đã tổ chức đưa, rước học sinh đến trường đảm bảo an toàn.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516