Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcKhông thể gọi là “mới” nếu thiếu sinh khí chuyên môn

Không thể gọi là “mới” nếu thiếu sinh khí chuyên môn

Thứ ba, 30 Tháng 10 2012 02:08
Những năm gần đây, hầu hết báo cáo của các trường học từ bậc học Mầm non đến Đại học đều có cụm từ “ đổi mới phương pháp dạy và học”. Đây là lẽ đương nhiên, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt về tinh thần nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu bằng sự cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá, thi cử…

Trong thực tế, mọi sự trì trệ, chậm đổi mới đều không thể theo kịp với xu hướng phát triển của đất nước, của thời đại, huống gì, giáo dục và đào tạo vốn chiếm lĩnh một vị thế quan trọng trong xã hội.

Tuy nhiên, đổi mới phải bắt đầu từ đâu và đổi mới như thế nào để tạo hiệu quả thật sự thì không phải trường nào cũng có lời giải đáp thấu đáo. Còn nhiều báo cáo sơ kết, tổng kết mang tính liệt kê kết quả mà chưa nêu ra được biện pháp để đạt được kết quả đó, hoặc giả, chỉ nêu rất chung chung những việc mà không ai không biết.

Mới đây, tình cờ, tôi đọc được trong báo cáo sơ kết năm học của một phòng giáo dục và đào tạo có dòng chữ: “ Việc đổi mới phương pháp phải bắt đầu từ tạo sinh khí dạy và học”.

Tôi cho rằng, đây là một bản báo cáo không chỉ thoát ly được tình trạng chung chung nêu ở trên, không những thế, vấn đề nêu lên rất giản dị nhưng lại có sức thuyết phục.

Hãy hình dung, khi một phó hiệu trưởng quản lý chuyên môn thông báo trước tập thể rằng: “ Trường ta phải quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy”, nhưng các giáo viên lại chỉ coi đó là một mệnh lệnh mà không hề có khí thế nào để đổi mới chỉ vì chưa  hình dung trước mắt họ sẽ phải làm gì và con đường để đổi mới ra sao.

Có thể nói, sinh khí là mắt xích khởi đầu cho một chuỗi vận hành dạy và học. Nếu mắt xích khởi đầu mà vướng mắc thì tất cả sẽ ngưng trệ lại. Hầu hết những giáo viên dạy giỏi, được học sinh ngưỡng mộ đều là những người nhiệt thành, say mê chuyên môn.

Từ những bài dạy đầy sinh khí của họ đã truyền lửa say mê, sáng tạo cho học sinh. Chỉ tiếc là những giáo viên đó vẫn chưa nhiều. Vấn đề có tính quyết định, ai là người sẽ khơi nguồn và tiếp thêm lửa nhiệt tình, say mê trong họ?

Trả lời câu hỏi này, xin viện dẫn một vài ví dụ: Thời chiến tranh chống mỹ, tôi đã được chứng kiến những bữa cơm độn toàn bột mỳ ăn với rau bí, rau khoai chấm mắm của các thầy cô giáo ở trường học nơi sơ tán; nhưng ngày 2 buổi các thầy cô vẫn lên lớp dạy chính khóa, dạy ngoài giờ, mà không hề thu tiền học thêm, học kèm của học sinh.

Phải chăng, từ lý tưởng yêu nước, lòng yêu người yêu nghề vốn là phẩm chất cao quý của người thầy, họ có thể vượt qua tất cả để cống hiến cho trường lớp, cho sự nghiệp chung.

Vậy thì vì sao lại có chuyện ngày nay, giáo viên có mức sống cao hơn, mặt bằng lương giáo viên cũng cao hơn nhiều so với thời trước, mà có nơi, số lượng giáo viên xin nghỉ trước tuổi khá đông, trong khi ở nhiều tỉnh thành khác, số lượng giáo viên xin nghỉ trước tuổi lại ít hơn.

Hỏi một số GV xin nghỉ hưu trước tuổi thuộc đối tượng GV giỏi, mới hay, họ xin nghỉ không phải vì kinh tế, mà vì áp lực công việc hàng ngày đã chiếm chỗ niềm vui tinh thần nơi bục giảng mà họ từng gắn bó.
Tạo sinh khí chuyên môn, sinh khí dạy và học, đó là điều rất cần phải làm. Muốn vậy, phải bắt đầu từ những người đứng đầu chịu trách nhiệm về quản lý chuyên môn ở cơ sở.

Cán bộ chuyên môn của Sở, của Phòng GD-ĐT, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của các đơn vị giáo dục trước hết phải là người có năng lực thật, tay nghề cao thì mới có sức thuyết phục với đội ngũ.

Song song với đó là sự tìm tòi một cách tốt nhất để tạo ra phong trào thi đua dạy và học trong nhà trường thật sự tự nguyện, vì niềm say mê, yêu thích chứ không phải sự gò ép, thì mới hòng mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo GD&TĐ

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516