Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcLào Cai: Tăng cường bảo đảm vệ sinh thực phẩm trong trường học

Lào Cai: Tăng cường bảo đảm vệ sinh thực phẩm trong trường học

Thứ năm, 28 Tháng 3 2019 08:37
(GD&XH) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

co nuoi 1

Cô nuôi chế biến rau sạch tại Trường Mầm non Hoa Lan, TP Lào Cai

Công văn nêu rõ: Thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh phối hợp với trung tâm y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, kiểm tra tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm, ghi nhận của phóng viên tại một số trường học trên địa bàn.

Tại Trường Mầm non Hoa Lan, Tp. Lào Cai, có tổng số 359 học sinh ăn bán trú tại trường theo hình thức dân nuôi, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà trường đặc biệt được quan tâm, theo cô giáo Đinh Thị Xuân Tươi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm, kiểm tra giám sát chặt chẽ từ khâu nhập thực phẩm, như rau củ quả, thịt, cá, điều được cung ứng từ một hộ kinh doanh trên địa bàn có uy tín, đặc biệt có hồ sơ chứng nhận an toàn thực phẩm theo đúng quy định, tuy nhiên thời điểm thời tiết giao mùa kéo theo nhiều dịch bệnh, do đó nhà trường càng tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là đảm bảo ATVSTP. Không chỉ thực phẩm đảm bảo an toàn, việc chế biến thức ăn, quá trình bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình. Nhà trường thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh từ khu vực bếp đến phòng học; theo dõi sức khỏe của các cháu, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho các cháu.

co nuoi 2

Giờ học các em học sinh trường TH bản Xen, Mường Khương

Chia sẻ thêm về vấn đề này cô nuôi Trần Thị Thắm, phụ trách bếp ăn của Trường Mầm non thị trấn Bát Xát cho biết: Khi nhập thực phẩm vào nhà bếp tôi luôn có trách nhiệm kiểm tra thịt còn tươi, đảm bảo an toàn thì mới cho vào chế biến. Trước khi đưa vào chế biến chúng tôi tiến hành cắt từng khổ thịt lợn cho vào nồi trần qua nước sôi sau đó cho ra rửa sạch rồi mới tiến hành chế biến. Để đảm bảo thịt, rau củ quả sạch, an toàn… nhà trường cho nhập từ sản phẩm chính các cô giáo trong trường tăng gia sản xuất tại gia đình vì vậy chúng tôi luôn có một nguồn rau sạch an toàn đảm bảo. Toàn bộ thực phẩm sau khi chế biến được chúng tôi lưu mẫu theo đúng quy định.

Là người mẹ có con mới đi học lớp 3 tuổi ở Trường Mầm non thị trấn Bát Xát năm đầu tiên, chị Lò Tuyết Ngân luôn lo lắng về chế độ ăn uống của con có đủ chất, có đảm bảo vệ sinh không? Nhận thấy tâm lý chung của phụ huynh nên ngoài việc công khai mọi khoản chi tiêu, đóng góp, khẩu phần ăn, thực đơn từng ngày của các bé, Trường Mầm non thị trấn Bát Xát luôn chú trọng công tác giữ gìn ATVSTP cho trẻ. Từ việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, sơ chế, chế biến đều được kiểm soát chặt chẽ; sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt; thường xuyên vệ sinh bếp, xây dựng cảnh quan môi trường sạch sẽ, thoáng mát và an toàn. Đội ngũ nhân viên làm bếp cũng như giáo viên của trường thường xuyên được tập huấn kiến thức, kỹ năng để đảm bảo ATVSTP trong các bữa ăn. Nhờ quản lý chặt chẽ công tác ATVSTP, nhiều năm qua, nhà trường chưa xảy ra trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.

co nuoi 3

Thịt được trần qua nước nóng và rửa sạch trước khi chế biến tại Trường MN TT Bát Xát

Đến trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Treo (PTDTBTTHCS), huyện Bát Xát đúng vào lúc học sinh chuẩn bị ăn trưa; đây là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn, xã có hơn 90 % là đồng bào dân tộc H Mông. Theo ghi nhận, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường cũng luôn quan tâm thực hiện tốt công tác ATVSTP. Khu bếp ăn tập thể được đầu tư xây dựng khang trang theo mô hình một chiều có đường vào, ra riêng nhằm tránh tình trạng thực phẩm bị ô nhiễm chéo. Nguồn thực phẩm được nhà trường lựa chọn từ những cơ sở đầu mối có uy tín, người bán ký hợp đồng cam kết để ràng buộc trách nhiệm. Bếp ăn đều có sổ sách ghi chép theo hướng dẫn và lưu giữ các mẫu thức ăn đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nguồn nước sử dụng chế biến thức ăn cũng như dùng cho sinh hoạt của cô giáo và các cháu đều là nước máy, đạt tiêu chuẩn y tế. Theo thầy giáo Nông Văn Thiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết lúc đầu còn nhiều khó khăn nhưng xác định vấn đề an toàn, vệ sinh là một điều rất quan trọng, chính vì vậy thầy cô giáo quyết tâm thay đổi cùng nhau thống nhất đề nghị các cấp các ngành quan tâm đầu tư để đảm bảo an toàn cho các em. Với tổng số hơn 100 học sinh ăn ở bán trú tại trường nên thực phẩm ở đây được nhà trường tự cung cấp khoảng 50% như: rau do thầy cô và các em học sinh tự trồng để cung cấp cho nhà bếp, lợn nhà trường cũng tăng cường tự nuôi được để hỗ trợ một phần nào cho nguồn thực phẩm, bên cạnh đó thực phẩm nhập thêm hàng ngày từ những nhà cung cấp có đủ tiêu chuẩn. Nhà trường thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong trường; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định.

co nuoi 4

Giờ ăn của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Pa Treo

Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chống dịch là một việc được cán bộ nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm. Theo quan điểm của cô giáo Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương cho biết: Việc tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa… vì vậy việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là việc làm thường xuyên có sự tuyên truyền, hướng dẫn và sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và xã hội. Ngành Giáo dục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học, nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh; chính vì vậy nhiều năm trở lại đây trên địa bàn huyện không có trường nào xẩy ra ngộ độc thực phẩm, hay nhập thực phẩm không an toàn./.

Đình Tuấn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516