Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcMỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

Thứ ba, 14 Tháng 8 2012 06:34
  Trong xu thế hội nhập quốc tế, giáo dục đại học (GDĐH) là lĩnh vực tiên phong bởi tính chất vô biên của tri thức, động lực chính thúc đẩy sự phát triển ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, do cơ chế chính sách chưa tạo ra tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường để có được sự cạnh tranh cần thiết phát triển GDĐH trong nền kinh tế thị trường (KTTT). Các trường ĐH đang bị tác động dưới nhiều hình thức (mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô tuyển sinh (TS), đào tạo và các mối quan hệ hợp tác, nâng cao, đảm bảo chất lượng).    

Hiện nay, nền GDĐH Việt Nam chưa phù hợp với sự phát triển của nền KTTT theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế đó là tư duy chậm đổi mới, tư tưởng và thói quen dựa vào cơ chế bao cấp đối với giáo dục còn khá nặng nề trong các ngành, các trường, các cấp trong xã hội. Chất lượng đào tạo thấp, hiệu quả không cao, học chưa gắn với hành, đào tạo chưa gắn với sử dụng. Quy mô đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH. Cùng với sự đổi mới nền GDĐH, công tác tuyển sinh (CTTS) cần phải được cải tiến, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong điều kiện mới: tuyển chọn đúng người có năng lực, vào học đúng ngành theo khả năng, đáp ứng mục tiêu đào tạo để người học có kiến thức và năng có nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, đảm bảo chất lượng TS đầu vào và chỉ tiêu đã đặt ra đối với từng ngành đào tạo.

Tuy nhiên, CTTS ĐH, CĐ đang gặp nhiều khó khăn, vất vả, tốn kém, việc tổ chức thi và TS có ý nghĩa rất quan trọng để hình thành hệ thống giáo dục đào tạo có chất lượng, tạo động lực học tập cho người học. Vì vậy, phải tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước thực hiện lộ trình cải tiến công tác thi và TS theo đúng tinh thần Nghị quyết số 37/2004/QH11 khoá XI “Tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và thiết thực”, đáp ứng những đổi mới trong giáo dục phổ thông (GDPT) và GDĐH, phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cải tiến CTTS cần dựa trên những cơ sở nghiên cứu, phân tích cụ thể, thực tiễn để khẳng định những thành công, nhận biết những hạn chế trong quá trình chỉ đạo, tổ chức, đảm bảo đem lại kết quả chính xác về số lượng và chất lượng, tạo ra sự chủ động, trách nhiệm của các trường, góp phần tiết kiệm ngân sách của Nhà nước, gia đình trong mỗi kỳ thi TS.

1. Những ưu điểm

Việc thực hiện CTTS từ năm 2001 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), CTTS ở các trường đã thành nền nếp, theo hướng mở rộng công khai, dân chủ, đảm bảo kỷ cương, công bằng xã hội. Việc điều hành và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cùng với các cấp quản lý cần sát sao, đồng bộ, kịp thời, kiên quyết, làm cho kỳ thi được tổ chức nghiêm túc ở tất cả các khâu; công tác coi thi được đánh giá ngày càng nghiêm túc, tình trạng quay cóp và sử dụng tài liệu (phao thi) giảm qua từng năm. Điều này tác động tốt đến việc dạy và học ở các cấp học nói chung, ở trung học phổ thông (THPT) nói riêng.

Việc ra đề thi chung bám sát chương trình đã làm giảm tình trạng luyện thi tràn lan, cấp tốc; nhiều thí sinh tại các địa phương đạt điểm cao không qua các lớp luyện thi; việc thực hiện giải pháp 3 chung đã giảm bớt sự căng thẳng, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, số trường ĐH, CĐ sử dụng chung kết quả thi, không phải tổ chức thi ngày càng tăng, giảm được chi phí TS; việc tổ chức các cụm thi đã tăng lên, giảm đáng kể số thí sinh tập trung về thi tại tại các trường đóng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh CTTS cần đảm bảo chính sách ưu tiên trong TS, cân đối cơ cấu thành phần xã hội trong sinh viên (SV). Mức chênh lệch điểm trúng tuyển được quy định hợp lý cho các khu vực, đối tượng, do đó, tăng tỷ lệ SV người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách và sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Trong nhiều năm qua vai trò lãnh đạo của Bộ GD-ĐT trong CTTS đã đi vào ổn định, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, gia đình và xã hội. Bộ GD-ĐT ngày càng tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường trong CTTS đã được thực hiện trong nhiều năm.

2. Những hạn chế

Do nhu cầu học tập của học sinh (HS) nhiều, trong khi khả năng đáp ứng của cả hệ thống chưa đảm bảo nên áp lực TS còn lớn, tiêu cực tuy đã giảm nhưng ngày càng tinh vi; hai kỳ thi quốc gia là thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ diễn ra gần nhau nên chưa giảm hẳn được tình trạng căng thẳng, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; các trường chưa được chủ động trong CTTS vì phải tuân thủ nhưng quy định chung của cả hệ thống, từ chỉ tiêu đến ngày thi, đợt thi, xét tuyển; việc thi tuyển theo 4 khối (A, B, C, D) hạn chế sự tự chủ của các trường trong việc quy định những môn thi thật cần thiết đối với từng ngành đào tạo.

3. Kinh tổ chức thi ở một số nước

Hiện nay, CTTS trên thế giới cho thấy chính sách TS vào ĐH, CĐ của các quốc gia rất khác nhau: thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo quốc gia, theo từng trường, xét tuyển kết quả điểm học bạ cuối cấp 3, nộp hồ sơ đăng kí xin học, thi kiểm tra năng lực đầu vào (năng khiếu, khả năng theo từng lĩnh vực). Tùy theo điều kiện của từng nước họ tổ chức thi với phạm vi có thể trong toàn quốc; theo từng bang/khu vực; tại các trường ĐH, CĐ; do một tổ chức cá nhân được phép, hoặc một tổ chức do nhà nước đảm nhiệm.

Căn cứ vào các hình thức tổ chức TS trên và theo yêu cầu của từng trường ĐH, CĐ, từ đó các trường quyết định tiêu chí xét tuyển phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường để hướng dẫn, thông báo phương thức TS cho thí sinh tham gia.

Một số hình thức TS của các nước vào các trường ĐH,

STT

Hình thức tuyển sinh

Nước

1

Chỉ cần điểm thi tốt nghiệp quốc gia

Pháp, Áo, Ireland, Ai Cập

2

Điểm thi tốt nghiệp quốc gia và xét học bạ THPT

Tanzania

3

Thi tốt nghiệp quốc gia và xét hồ sơ đăng kí xin học

Anh

4

Thi tốt nghiệp theo tiểu bang/khu vực và xét học bạ THPT

Úc

5

Chỉ cần điểm thi của kì thi tuyển sinh đại  học (TSĐH) quốc gia

Trung Quốc, Iran, Cộng hòa Gruzia

6

Điểm kiểm tra năng lực theo yêu cầu, hoặc xét học bạ THPT

Thụy Điển

7

Điểm kiểm tra năng lực theo yêu cầu và hồ sơ đăng kí xin học

Mỹ

8

Điểm thi của kì thi quốc gia và điểm thi của kì thi TSĐH theo từng trường

Nhật, Nga, Pháp (hệ thống Grande Ecoles)

9

Điểm thi của kì thi quốc gia và điểm thi của kì thi TSĐH theo từng trường hoặc xét học bạ THPT

Brazil

10

Chỉ xét xọc bạ THPT

Na Uy, Canada

11

Chỉ xét hồ sơ đăng kí xin học mà không cần kết quả kiểm tra năng lực chuẩn hóa

Một số trường của Mỹ

4. Một số kiến nghị để đảm bảo cho việc đổi mới công tác TSĐH, CĐ

Hiện nay, Quốc hội đang thông qua Luật Giáo dục đại học. Đây là cơ sở pháp lí đảm bảo cho sự phát triển của nền GDĐH Việt Nam trong thời kì đổi mới. Bởi vì, GDĐH Việt Nam có vị trí quan trọng bậc nhất trong toàn bộ chiến lược “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Do đó, để đổi mới CTTS phải có một kế hoạch tổng thể, bước đi thích hợp, bảo đảm tính khoa học, chính xác, công bằng, nghiêm túc, gắn chặt với đổi mới công tác đánh giá chất lượng giáo dục, phân luồng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt sự căng thẳng, vất vả, tốn kém của thí sinh và nhân dân; thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, phải chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa khâu chuẩn bị ở cấp phổ thông và CTTS vào ĐH, CĐ, đưa công tác này đi vào nề nếp ổn định, đáp ứng các yêu cầu nêu trên.

4.1. Đổi mới chính sách trong CTTS

Đảm bảo đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo bậc ĐH; có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán, kịp thời từ Chính phủ đến Bộ, đến các địa phương, các trường trong chủ trương và biện pháp thực hiện. Luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích để đạt được sự đồng thuận ngày càng cao của thí sinh, gia đình và xã hội. Có sự thống nhất ý chí và hành động, phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương; cần có những văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về cải tiến CTTS và lộ trình thực hiện; tuyển chọn phải bảo đảm tính hiện đại, tính ổn định, tính thống nhất; kế thừa giữa các cấp học, trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có cơ hội tiếp cận GDĐH; gắn yêu cầu nâng cao chất lượng; cải tiến CTTS theo hình thức mới bảo đảm tính nghiêm túc, chính xác, công bằng, thực hiện đầy đủ chính sách xã hội, cơ cấu vùng miền, ngành nghề, giảm sự căng thẳng, vất vả, tốn kém; góp phần thực hiện mục tiêu GDPT, kết hợp chặt chẽ việc đánh giá kết quả toàn diện về các mặt học tập, đạo đức, lao động, … với kết quả thi tuyển vào ĐH.

4.2. Giải pháp tăng cường quản lý công tác tổ chức thi

Có sự phân cấp mạnh hơn nữa về CTTS, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm  của các trường từ việc kiểm soát sang giám sát. Thí điểm một số loại hình dịch vụ công tác tổ chức thi phục vụ cho CTTS ĐH, CĐ; cải tiến CTTS theo hướng tuyển chọn đầu vào qua các ngành đào tạo bằng hình thức dựa vào lựa chọn các môn thi (sau đó quy định thành các nhóm ứng với số lượng môn cụ thể), kết hợp với xét tuyển đáp ứng yêu cầu cho từng ngành đào tạo thay cho việc tuyển chọn như hiện nay, lựa chọn các khối thi cho từng ngành đào tạo về lâu dài không còn phù hợp nữa; góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các ngành ở trung ương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong CTTS.

 

ThS. Nguyễn Đức Trung

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516