Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcNgành Giáo dục huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: Giảng dạy gắn liền với văn hóa dân tộc địa phương

Ngành Giáo dục huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: Giảng dạy gắn liền với văn hóa dân tộc địa phương

Thứ sáu, 05 Tháng 1 2018 03:40
(GD-XH) Chung tay bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc của địa phương, nhiều năm qua, ngành GD&ĐT huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các trường, từ tiểu học đến trung học cơ sở thực hiện mô hình “Trường học gắn liền với  văn hóa dân tộc địa phương”, đưa văn hóa của địa phương vào giảng dạy, hoạt động  trong  nhà trường, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị trường tồn của văn hóa dân tộc của vùng cao biên cương Tổ quốc.

muong khuong 1

Học sinh Trường Tiểu học Tả Ngài Chồ biểu diễn múa khèn.

“Trường học gắn liên với văn hóa dân tộc địa phương” là cách vận dụng sáng tạo mô hình “Trường học gắn với cuộc sống” do ngành GD&ĐT huyện Mường Khương  phát động, triển khai thực hiện trong những năm học vừa qua được đánh giá là điểm sáng của giáo dục vùng cao. Để thực hiện được mô hình này, từ đầu năm học, cùng với việc tổ chức hội nghị hướng dẫn nhiệm vụ năm học, ngành GD&ĐT huyện lựa chọn các đơn vị thực hiện mô hình trường điểm cấp huyện, từ đó chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông dân tộc nội trú, bán trú triển khai, nhân rộng ra các cơ sở giáo dục khác.

Đến thăm Trường Tiểu học Tà Ngài Chồ, chúng tôi thấy được sự đổi thay đến bất ngờ của một ngôi trường vùng biên giới. Với bàn tay chăm sóc và trang trí của cô và trò, lớp học được trang trí đẹp cùng với những vườn hoa đang đua nở làm cho ngôi trường bừng sáng, sinh động hẳn lên. Đặc biệt, nhà trường đang triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đưa văn hóa dân tộc địa phương vào dạy cho học sinh trong các giờ ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Với đặc thù là một trường vùng cao của huyện, Tả Ngài Chồ là một xã đặc biệt khó khăn tiếp giáp với biên giới Trung Quốc, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Chính vì lẽ đó, nhà trường đã mời các nghệ nhân trong xã cùng với thầy cô giáo người địa phương dạy cho các em những nét văn hóa chính của dân tộc mình như: múa khèn, hát dân ca Mông. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi triển khai cho học sinh bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, một phần các em còn nhỏ, chưa hiểu rõ về văn hóa của dân tộc mình, các nghệ nhân là người địa phương đã dành nhiều thời gian giảng giải về văn hóa dân tộc để các em hiểu, đồng thời phối hợp với phụ huynhg dạy thêm cho các em những khi ở nhà.  Đến thời điểm này nhờ sự quyết tâm của nhà trường và gia đình, 100% học sinh của trường đã biết biểu diễn múa hát, thổi khèn, biết lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của chính dân tộc mình.

muong khuong 2

Học sinh Trường tiểu học Tả Ngài Chồ múa ô .

Được chứng kiến  những tiết mục biểu diễn như; múa ô, múa khèn, múa kim tiền do chính các em học sinh toàn trường biểu diễn, chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào vì các em biểu diện rất đẹp, thể hiện đúng với nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông tại đây. Nhìn những em bé lớp một biểu diễn múa khèn mới thấy được sự phong phú, sinh động hữu ích của việc đưa văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc địa phương vào hoạt động trong nhà trường. Thật sự nghệ thuật đã giúp các em đẹp thêm rất nhiều và giúp các em mạnh dạn trước đám đông, hiểu biết được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc và quê hương mình. Em Vàng Thị Vành, học sinh lớp 5A cho biết, từ khi đi học tại trường ngoài việc được học chữ, có kiến thức, hàng ngày em được thầy cô giáo và các nghệ nhân trong xã dạy cho biết về văn hóa của chính dân tộc mình, chúng em được vui chơi, học hỏi nhiều hơn.

Thực hiện mô hình “Trường học gắn với cuộc sống” nói chung, mô hình “Trường học gắn liền với văn hóa dân tộc địa phương” nói riêng là một trong những yêu cầu đối với các trường hiện nay của ngành Giáo dục huyện Mường Khương nhằm đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, gắn học với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn cuộc sống, tránh học lý thuyết khô khan, thực hiện quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Đảng: “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.

muong khuong 3

Một góc sân Trường Tiểu học Tả Ngài Chồ.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương chia sẻ: Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ngành GD&ĐT huyện  tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng mô hình “Trường học gắn liên với văn hóa dân tộc địa phương”, đẩy mạnh công tác thi đua trong nhà trường, phát huy, triển khai có hiệu quả các mô hình tốt đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh. Đồng thời, ngành Giáo dục huyện cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức để xây dựng các mô hình giáo dục mang  bản sắc dân tộc ở chính địa phương mình; tăng cường phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các xã, các nghệ nhân để tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan, cộng đồng xã hội trong việc truyền dạy những nét văn hóa dân tộc ở các cơ sở giáo dục; từ đó giúp học sinh biết quý trọng những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc, địa phương, đất nước.

                                                                                                                     Đình Thơm 

 

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516