Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcNhững ý kiến băn khoăn về Thông tư 30 sau học kỳ I

Những ý kiến băn khoăn về Thông tư 30 sau học kỳ I

Thứ năm, 05 Tháng 2 2015 04:33
(GD&XH) – Năm học 2014 – 2015 đã đi qua được nửa chặng đường, cũng là năm học thực hiện nhiều chương trình đổi mới của ngành Giáo dục. Đối với cấp bậc Tiểu học, thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định đánh giá học sinh tiểu học. Nhiều ý kiến khác nhau: ủng hộ có, lo lắng có, mệt mỏi, chán nản cũng có… đó là những chia sẻ của nhiều cán bộ, giáo viên và phụ huynh sau một học kỳ triển khai thực hiện. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những mặt làm được, những mặt còn tồn tại về phương pháp đánh giá học sinh, để từ đó có cách nhìn, cách làm phù hợp hơn.

Vij xuyen 2

Lớp học tại Trường Tiểu học 1- 5 huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Nhìn nhận Thông tư 30 ở góc độ tích cực, Thầy giáo Lương Ngọc Hải – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cảm Ân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Thực hiện theo Thông tư 30 có nhiều ưu điểm, đó là không tạo áp lực về điểm số, thành tích cho học sinh, nhất là với những học sinh có học lực trung bình, học lực yếu. Các em không còn cảm giác tự ti, xấu hổ vì điểm thấp trước các bạn. Trong quá trình học, học sinh cũng không bị áp lực làm bài tập về nhà, có thể dành thời gian cho hoạt động vui chơi, giải trí khác. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu nhà trường không ngừng cố gắng tìm các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học như: Trong công tác quản lý, Ban lãnh đạo nhà trường thực sự đoàn kết, nhất trí cao, cùng bàn bạc trao đổi để thống nhất về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, giao việc phù hợp với năng lực của mỗi người. Nhà trường tổ chức hội nghị công chức, viên chức, xây dựng nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, các tiêu chí phấn đấu của giáo viên và học sinh được bàn bạc, thảo luận dân chủ. Mỗi thầy cô giáo thực hiện nghiêm túc nội dung chương trình theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế của ngành, của trường, dạy đủ các môn học đảm bảo đúng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Giáo viên của trường luôn duy trì nền nếp chuyên môn, dự giờ thăm lớp, trao đổi kinh nghiệm, tự học tự bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, tích cực áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực trong dạy – học, tăng cường công tác nâng cao chất lượng giảng dạy, tham gia hội giảng cấp trường đầy đủ. Ban giám hiệu và các giáo viên thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả giảng dạy và học tập theo đúng quy định của Bộ một cách khách quan, trung thực. ”

Vij xuyen 1

Giờ ra chơi giáo viên trường Tiểu học Minh Phú (Hàm Yên, Tuyên Quang) ghi chép nhật kí giảng dạy

Với kinh nghiệm giảng dạy của mình Nhà giáo Ưu tú Sái Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Phú cho biết: “thuận lợi mà chúng ta thấy rõ nhất đó là, không gây áp lực cho học sinh và học sinh được tiếp cận những lời nhận xét đầy nhân văn của thầy cô. Khó khăn, trở ngại đối với các giáo viên đó là phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra những câu từ nhận xét sao cho phù hợp với học lực của học sinh. Thầy cô phải có những lời nhận xét “mở” để học sinh dễ hiểu.

Theo cô Lê Thị Hoàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bảo Ái số 2 cho rằng: “Cái hay của Thông tư 30 là bỏ đánh giá xếp loại theo các bậc như Giỏi, Khá, Trung Bình hay Yếu. Học sinh được khen thưởng và khuyến khích ở nhiều mặt khác nhau. Mặt tích cực của Thông tư là có, nhưng sau một học kỳ triển khai, điều khiến không ít giáo viên đau đầu vẫn là số lượng sổ sách quá lớn mặc dù trong thời gian thực hiện Thông tư 30, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo nhằm giảm tải áp lực sổ sách cho giáo viên. Tuy nhiên các loại sổ sách vẫn cứ tăng lên đáng kể, bên cạnh đó sổ theo dõi chất lượng giáo dục có 35 cột theo danh mục được in sẵn nhưng thực tế có lớp có đến gần 40 học sinh, cho nên còn bất cập. Một thầy giáo bộ môn thể dục dạy đến 13, 14 lớp thì phải nhận xét rất nhiều… ”.

Đồng quan điểm đó cô giáo Võ Thị Bích Hạnh – Giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành Phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chia sẻ “ Đồng ý giáo viên có thể nhận xét bằng lời với học sinh nhưng quyển sổ thì không thể để trống được. Ghi nhận xét vào bài làm của học sinh, ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ liên lạc… và đến bây giờ, khi học kỳ I kết thúc là ghi nhận xét vào học bạ. Tuy nhiên, giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng “lời nói” hoặc là “viết” phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét”.

Nhiều giáo viên cũng có ý kiến như, cuối kỳ và cuối năm vừa ghi nhận xét bài làm của học sinh, vừa ghi sổ theo dõi chất lượng tháng cuối kỳ, vừa phải ghi học bạ. Đây là chưa nói đến một số nơi bắt giáo viên làm lại sổ chủ nhiệm theo mẫu mới, viết sổ liên lạc. Để hoàn thành các loại sổ sách theo đúng kế hoạch, giáo viên tận dụng mọi thời gian từ giờ ra chơi, tan trường cho đến việc mang về nhà, thức đêm làm… Thậm chí, nhiều giáo viên còn cho rằng, với học sinh trung bình, yếu… thì việc nhận xét có phần dễ hơn, bởi nhiều ý để phê hơn, nhưng giáo viên lại gặp phải khó khăn khi không được dùng trực tiếp những từ ngữ nêu ra khuyết điểm của học trò, làm tổn thương các em mà phải nhận xét theo hướng động viên khuyến khích.

Bất kì một phụ huynh nào có con đang học ở cấp Tiểu học khi hỏi về hình thức đánh giá học sinh như hiện nay thì họ ra sức giải bày mong rằng những tâm tư ý kiến của mình đến được với Bộ Giáo dục. Anh Nguyễn Văn Thuận, là phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Bắc Mục, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, bỏ hình thức chấm điểm và thi học sinh giỏi không chỉ có con tôi mà còn rất nhiều phụ huynh khác cũng nhận xét là con lười học hơn, chểnh mảng hơn, mặc dù đã động viên con em hết mình.

Như vậy, học kỳ đầu tiên triển khai cách đánh giá mới ở bậc Tiểu học đã kết thúc với nhiều băn khoăn vẫn chưa được giải đáp rõ ràng. Bắt đầu vào học kỳ sau, hy vọng bằng kinh nghiệm đã có được từ học kỳ vừa qua, giáo viên sẽ khắc phục được những điều không hài lòng và thực hiện tốt theo Thông tư 30. Với các cấp lãnh đạo, theo chúng tôi hãy lắng nghe nhiều hơn ý kiến của các thầy cô giáo, tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ để giáo viên hiểu đúng và thực hiện tốt Thông tư 30 đã ban hành đồng thời cần có những bổ sung hợp lý để các thầy cô giáo làm tốt hơn nữa công việc của mình./.

Đình Thơm

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516