Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcQuang Bình, Hà Giang: Trường học gắn liền với đời sống văn hóa địa phương

Quang Bình, Hà Giang: Trường học gắn liền với đời sống văn hóa địa phương

Thứ năm, 21 Tháng 12 2017 09:34
Trở lại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang trong những ngày giá rét cuối năm, chúng tôi ai cũng thấy ấm lòng bởi những thay đổi rất nhân văn ở các trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) của huyện Quang Bình. Các thầy, cô giáo nơi đây đã chủ động, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy, học. Nhiều mô hình trường học được gắn với thực tiễn cuộc sống, văn hóa địa phương; gắn học tập văn hóa với học kỹ năng sống đang được thực hiện có hiệu quả. Mô hình giáo dục này nhằm phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

quang binh 1

Bữa cơm của các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tiên Nguyên

Thầy giáo Lý Việt Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quang Bình cho chúng tôi biết: Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục huyện đã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình Trường học gắn liền với cuộc sống đến tất cả các trường học trên địa bàn.  Phần lớn các trường tự đăng ký giới thiệu các mô hình hoạt động giáo dục có hiệu quả như: Lớp học mở có sự tham gia của cha mẹ học sinh; Phát thanh học đường; Nông trại trường học; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông…Niềm vui nhất là đã có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của lãnh đạo địa phương và cộng đồng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục của các nhà trường. Cha mẹ học sinh tích cực tham gia cùng nhà trường về quản lý điều hành tổ chức các hoạt động tập thể, các ngày lễ lớn, các cuộc thi năng khiếu, các hoạt động tham quan, học tập ngoài thiên nhiên... Điểm quan tâm nhất đối với các trường ở đây là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh.

Đến Trường PTDTBT Tiểu học Tiên Nguyên, dù là cơ sở giáo dục vùng cao còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng trường được thiết kế, sắp xếp sạch sẽ, gọn gàng. Khuôn viên nhà trường thoáng mát, thu hút sự chú ý của bất kỳ ai khi đến trường. Khu bếp ăn được Nhà nước đầu tư cùng sự ủng hộ của các bậc phụ huynh nên khang trang sạch đẹp, hệ thống bếp ga, tủ cơm, bàn ăn, bát đĩa đồng bộ. Đặc biệt là khu vực nấu ăn luôn vệ sinh sạch sẽ. Thầy giáo Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng cho biết:  Nhà trường đặc biệt quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban Giám hiệu nhà trường lựa chọn nhà cung cấp đáp ứng đúng nhu cầu, được các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây nhà trường không sảy ra ngộ độc thực phẩm.

Trường PTDTBT THCS Tiên Nguyên cùng với công tác nuôi, dạy học sinh ở bán trú nhà trường còn triển khai có hiệu quả mô hình trường học gắn liên với chủ đề văn hóa địa phương như tổ chức mời nghệ nhân Vàng A Pao, xã Nà Khương (một tuần 2 buổi) đến trường dạy cho các em học sinh múa khèn của đồng bao dân tộc Mông, mở các lớp dạy tiếng Dao, tiếng Tày, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của người Phà Thẻn…

Trường PTDTBT THCS Tân Nam  với mô hình nghiên cứu các bài thuốc dân gian cổ truyền của dân tộc Dao tại địa phường, mô hình này đã được tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với dự án mang tên: Sắc thuốc làm nước tắm của dân tộc dao đã dành giải 3 đó là một điều vui mừng và khảng định sự phát triển nét đặc sắc các bài thuốc cổ truyền dân tộc tại địa phương, bên cạnh đó mời các nghệ nhân dân tộc Dao dạy hát dao duyên của dân tộc Dao đỏ.  

Trường PTDTBT THCS Hương Sơn, bên cạnh các dãy lớp học, nhà hiệu bộ là cả một khu “nông nghiệp” với tên gọi Nông trại trường học gồm vườn rau, vườn thuốc nam, chuồng nuôi lợn…. Hằng ngày các nhóm lớp được phân công chăm sóc khu Nông trại trường học này.  Em Triệu Thị Thảo chia sẻ: Các thầy, cô giáo hướng dẫn kỹ thuật, sau đó chúng em thực hành. Mặc dù việc chăm sóc vật nuôi, trồng rau, cũng giống như những việc bố mẹ thường làm ở nhà nhưng khi có giờ học kỹ năng sống, được các thầy cô hướng dẫn chi tiết các thao tác, em thấy hứng thú với công việc.

quang binh 2

Giờ tự học của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Tiên Nguyên

Thầy giáo Nguyễn Trung Thực, Hiệu trưởng cho biết, mô hình Trường học Nông trại của trường được triển khai từ năm 2016. Khi triển khai mô hình Nông trại trường học đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh. Phụ huynh đã cùng giúp công sức để xây dựng khu nông trại với các vật liệu sẵn có tại trường, thôn xóm chung quanh. Các thầy cô giáo tích cực lựa chọn các thông tin và hình ảnh về các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt để biên soạn thành tài liệu học tập cho các em. Học sinh vô cùng thích thú với việc được tự tay chăm sóc những con vật nuôi, vun xới những luống rau,… Điều này giúp các em không chỉ học tập dựa trên thực hành mà còn giúp các em biết yêu thiên nhiên, yêu động vật và cảm thấy trường học là nơi thân thiện và gần gũi và cũng tạo cho các em tăng cường kỹ năng giúp đỡ gia đình trong những công việc thường ngày. Được biết toàn bộ rau của các em trồng được nhà trường mua lại cho bếp ăn và  để gây quỹ cho từng lớp.  Đàn lợn do các em nuôi, tính từ đầu năm học đến nay thu được hơn 1000kg thịt lợn. Số thịt lợn này được phục vụ cho chính bữa ăn hàng ngày của các em, nhà trường sẽ nhập kho và chỉ thu đủ tiền lợn giống để quay lại tái đàn mới.

quang binh 3 

Vườn rau của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Hương Sơn

Trường PTDTBT Tiểu học Tân Nam, Trường PTDTBT Tiểu học Nà Khương, Trường PTDTBT TH&THCS Xuân Minh với mô hình Dạy kỹ năng sống, kiến thức thực hành tự chăm lo cho bản thân như: dạy cho các em biết vệ sinh cá nhân, vệ sinh khu vực nhà bán trú... Nhà trường đã phát huy lợi thế du lịch và truyền thống văn hóa địa phương vào giảng dạy. Nhà trường mời các nghệ nhân trong vùng đến giảng dạy, trình diễn cho học sinh kiến thức về thuốc gia truyền, nghề thổ cẩm, làm khèn, sáo… Trường còn phối hợp phụ huynh cho học sinh đi trải nghiệm thực tế lấy lá, chế biến thuốc; thực hành dệt tại các gia đình nghệ nhân, nhiều các tiết mục của các em đã được tham gia hội diễn tại xã và khu vực.

Trường  PTDTBT Bản Rịa, Trường PTDTBT THCS Nà Khương. Theo kế hoạch của Phòng Giáo dục & Đào tạo, triển khai các mô hình đều gắn với hoạt động thực tiễn của người dân địa phương, tạo cho học sinh ý thức, kỹ năng trong cuộc sống một cách hiệu quả.

Đặc biệt tất cả các trường PTDTBT trên địa bàn huyện Quang Bình đã được nhà trường dán niêm yết số điện thoại của Ban Giám hiệu nhà trường tại tất cả các cửa phòng ở bán trú, và hòm thư điều em muốn nói để nhà trường năm bắt được tâm tự nguyên vọng của ác em học sinh.

quang binh 4

Nội quy, số điện thoại được niêm yết ngay cửa phòng ở bán trú của Trường PTDTBT TH Nà Khương

Việc triển khai mô hình trường học gắn liên với cuộc sống và văn hóa địa phương  cùng với sự sáng tạo gắn hoạt động dạy học với thực tiễn đã tạo tiền đề quan trọng thay đổi phương pháp dạy học, gắn kiến thức với thực hành, thực tiễn, nâng cao năng lực học sinh có lẽ huyện Quang Bình đã thành công và là một điểm sáng trên địa bàn tình Hà Giang.

Đình Thơm

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516