Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcSự phát triển giáo dục đại học tư ở Nhật Bản

Sự phát triển giáo dục đại học tư ở Nhật Bản

Thứ sáu, 01 Tháng 3 2019 08:09

Đặng Bá Lãm
Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam

 

Nhận bài ngày 03/01/2018. Sửa chữa xong 04/01/2019. Duyệt đăng 06/01/2019.
Abstract
The paper briefly introduces the development of higher education in Japan from Meiji period (1868) to present through three times reforms (1872, 1947, 1984) and elaborates on the system of universities in Japan today, especially the system of private universities. An author generally describes the system of private universities under the aspects of positions, quantity, nature, legal basis, particularly the non-profit nature of private universities in Japan, the responsibility and assistance of the nation for these universities. The author illustrates through 02 typical universities, including Sophia University and Waseda University.
Keywords: Japan, the development of higher education.

 

Đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam – Mã số: KHGD/16-20.ĐT.017” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm về phát triển giáo dục đại học tư của Nhật Bản.
Tác giả bài này là Thư ký Khoa học của Đề tài, đã kết hợp các thông tin thu thập trước và trong cuộc khảo sát để mô tả bức tranh về sự phát triển giáo dục đại học ngoài công lập của Nhật Bản và từ đó có thể bước đầu rút ra các bài học cho nước ta.
1. Đất nước và con người
Nằm ở Đông Bắc Á, trong Thái Bình Dương, Nhật Bản là một đảo quốc gồm 6.800 hòn đảo với tổng diện tích 378.000km2; Bốn đảo lớn là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kiushu chiếm 98% diện tích cả nước. Nhật Bản là vùng đất của động đất và núi lửa, chiếm 1/10 núi lửa trên thế giới, cao nhất là ngọn Phú Sỹ (3.766m), cũng là biểu tượng của đất nước. Nhật Bản là nơi thường xảy ra các trận động đất lớn đi kèm sóng thần rất kinh hoàng, gần đây nhất là cơn sóng thần ở Fukushima, cuốn trôi cả nhà máy điện nguyên tử, gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, ở một vùng đất không thật lớn và không nhiều tài nguyên, người dân Nhật đã xây dựng nên một đất nước phát triển, trong nhiều năm, có sức mạnh kinh tế đứng thứ hai thế giới. Đó là nhờ tính cách người Nhật lao động cần cù và sống có kỷ luật và cũng nhờ Nhật có những người lãnh đạo đất nước đã đề ra được những quyết sách sáng suốt trong những thời điểm nhất định.
Dân số Nhật bản là 127 triệu (Năm 2018 ), đứng thứ 10 trên thế giới; Hơn ¼ dân sống ở Thủ đô Tokyo và vùng lân cận, gần ½ dân số tập trung ở 3 thành phố lớn là Tokyo, Osaka và Nagoya.
Nhật Bản có nền văn hóa lâu đời. Từ 4.500 trước CN trên đất này đã có nền văn hóa Jomon với đồ gốm được lưu giữ đến ngày nay. Những người nghiên cứu về các nền văn minh thế giới coi Nhật Bản là một trong 5 nền văn minh của nhân loại từ xưa vẫn tồn tại đến ngày nay (đó là các nền văn minh Phương Tây, Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Hồi giáo).Từ TK thứ 7 Nhật Bản du nhập Phật giáo và Khổng giáo, văn tự và giáo dục Trung Hoa. Trong TK 15 Nhật là quốc gia Châu Á đầu tiên tiếp xúc với các giáo sỹ Thiên chúa giáo và kiểu giáo dục Phương Tây, nhưng không bài xích, kỳ thị những điều mới lạ đó mà là nước đầu tiên ở Châu Á quyết định phát triển đất nước theo hướng nền văn minh Phương Tây. Năm 1868, dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji), Nhật Bản tiến hành công cuộc Duy tân, công nghiệp hóa đất nước, xây dựng quân đội hùng mạnh, trang bị hiện đại, đến năm 1905 đã đánh bại Nga trong Chiến tranh Nga-Nhật. Trong Chiến tranh thế giới 2 Nhật liên minh với Đức, Ý trong phe Trục và bị phe Đồng minh đánh bại. Tháng 8 năm 1945 Nhật đầu hàng và bị Mỹ chiếm đóng. Mỹ đã tiến hành những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng dân chủ để Nhật Bản phát triển theo kiểu phương Tây. Điều căn bản là tầng lớp lãnh đạo và nhân dân Nhật đều nhận thấy rằng những thay đổi đó có lợi cho đất nước Nhật và tự nguyện thay đổi, tự thích nghi để chỉ chưa đầy 30 năm sau Nhật Bản phát triển nhảy vọt, làm cho cả thế giới sửng sốt và gọi đó là “Sự thần kỳ Nhật Bản”. Về giáo dục Nhật Bản tiến hành cải cách lần thứ 2 sau thời Minh Trị, xây dựng nền giáo dục lúc đầu hoàn toàn theo mô hình Hoa kỳ, sau gần 40 năm mới tiến hành những điều chỉnh nhất định cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội và tâm lý người Nhật.
2. Giáo dục
Những nhân tố sau đây đã có tác động quyết định đến sự hình thành nền giáo dục của đất nước này:
1) Điều kiện thiên nhiên, tuy khắc nghiệt nhưng thuận lợi cho sự thông thương quốc tế, tạo cho người dân tính cần cù, tinh thần cộng đồng và tính năng động;
2) Nhật Bản về cơ bản là một quốc gia đơn sắc tộc; tiếng Nhật là ngôn ngữ thống nhất trong cả nước; tuy có nhiều tôn giáo như Thần đạo, Phật giáo, Thiên chúa giáo… nhưng không có xung đột tôn giáo;
3) Xã hội Nhật không có cách biệt giàu nghèo quá lớn, đa số dân cư thuộc tầng lớp trung lưu và đều có điều kiện tiếp cận giáo dục, ít nhất là giáo dục cơ bản.
Hệ thống giáo dục sau Thế chiến 2 của Nhật được xây dựng trên tư tưởng bình đẳng về cơ hội giáo dục. Mẫu giáo được xem là một bộ phận chính thức của hệ thống giáo dục. Bậc tiểu học gồm 6 năm, bậc sơ trung 3 năm, bậc cao trung 3 năm, đại học 4-6 năm, các trường cao đẳng mới thành lập đào tạo 2-3 năm. Đến năm 1987 hơn 90% trẻ em học trường mẫu giáo, 100% trẻ 6-15 tuổi học tiểu học và sơ trung, 94% học sinh học lên cao trung, 36% thanh niên độ tuổi 18-24 học cao đẳng và đại học, đạt mức cao của thế giới.
Tuy nhiên giáo dục Nhật Bản cũng có những vấn đề gây cấn là: Thi cử nặng nề; Hệ thống đơn điệu và cứng nhắc; Giáo dục chậm thay đổi so với thời đại.
Để giải quyết các vấn đề đó Nhật Bản bước vào cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba. Hội đồng Cải cách giáo dục, thành lập 8/1984 đề xuất những phương hướng cải cách lớn:
1) Chuyển sang hệ thống học tập suốt đời;
2) Cải cách giáo dục tiểu học và trung học;
3) Cải cách giáo dục đại học;
4) Cải cách theo hướng phù hợp với quốc tế hóa;
5) Cải cách theo hướng phù hợp với thời đại thông tin;
6) Cải cách quản lý và cung cấp tài chính cho giáo dục.
3. Giáo dục đại học
Sau Thế chiến thứ 2 giáo dục ĐH Nhật Bản phát triển mạnh với các xu thế dân chủ hóa, mở rộng quy mô, tiếp nhận mô hình đại học Mỹ, thành lập nhiều trường ĐH địa phương, đại học tư và cao đẳng đào tạo ngắn hạn.
Hệ thống giáo dục đại học Nhật Bản gồm các loại trường:
1) Các University, đào tạo 4-6 năm đại học , 2 năm cao học, 3-5 năm tiến sỹ
2) Các trường cao đẳng (junior college);
3) Các trường cao đẳng kỷ thuật (technical college);
4) Các trường đào tạo đặc biệt (special training school) đào tạo 1-3 năm, dạy nghề và các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như lái xe, nấu ăn…;
5) Các trường khác đào tạo 1 năm trở lên.
Theo quyền sở hữu các trường đại học chia thành trường quốc lập, trường địa phương và tư thục.
Năm 2017 Nhật Bản có 780 trường ĐH, trong đó 86 trường quốc lập, 90 trường địa phương, 604 trường tư.
Số lượng SV tương ứng là 612.470 thuộc trường quốc lập, 157.697 thuộc trường địa phương và 2.390.636 thuộc trường tư trong tổng số 3.160.803 SV.
Sự tham gia của khu vực tư vào giáo dục ĐH tăng rõ rệt, tỷ lệ SV trường tư trong tổng số SV tăng từ 64,4 % năm 1960 lên 73,3% năm 1999.
Theo chủ trương chung về cải cách giáo dục, giáo dục đại học thay đổi theo các hướng lớn sau:
1) Nâng cao chất lượng đào tạo với mục đích làm cho từng cá nhân SV có mục đích học tập, nghiên cứu riêng của mình, nâng cao năng lực nghiên cứu để Nhật Bản làm chủ khoa học và công nghệ, vươn lên hàng đầu chứ không còn “bắt chước và đuổi kịp”, đào tạo sau đại học được đặc biệt quan tâm;
2) Đảm bảo tính tự trị của các trường đại học trong đào tạo và nghiên cứu, cơ quan nhà nước quản lý giáo dục đại học chỉ kiểm soát việc thực hiện luật pháp và tài chính;
3) Cải tiến tổ chức và phương pháp quản lý nội bộ, tạo điều kiện cho thủ trưởng chuyên môn là hiệu trưởng và chủ nhiệm khoa có quyền quyết định nhanh chóng khi điều hành công việc. (Hội đồng trường, Hội đồng khoa là cơ quan tư vấn, quyền quyết định thuộc về thủ trưởng);
4) Đa dạng hóa các trường đại học, tạo điều kiện để mỗi trường hình thành bản sắc riêng.
5) Chuyển từ hệ thống học tập dựa vào các trường hiện tại sang hệ thống học tập suốt đời.
4. Giáo dục đại học tư – Bức tranh chung
Hiện nay Nhật Bản có 604 trường đại học tư thục, trong đó 406 trường tham gia Hiệp hội Các trường ĐH tư.
Sự ra đời của trường tư bắt đầu sau Thế chiến thứ 2. Trước chiến tranh chỉ có trường của nhà nước. Sau chiến tranh, mới có ý tưởng phát triển các trường tư để tạo nền tảng cho xã hội dân chủ, hoà bình. Đến tháng 5-2017 Nhật Bản có trên 77% các trường đại học là trường tư (604/780) với trên 75% SV là SV trường tư (2.390.606 SV /3.160.803 SV).
Về nền tảng pháp lý Nhật Bản có Luật về trường tư, Luật đó không chỉ riêng với trường đại học mà cả các bậc giáo dục khác, trong đó quy định mối quan hệ với nhà trường với nhà nước và xã hội, quy định về tự chủ học phí, …
Theo quy định, để thành lập trường đại học tư đầu tiên phải thành lập pháp nhân trường học, tức sáng lập viên, sau đó thành lập trường học tư. Pháp nhân đặc biệt này chỉ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, vì thế pháp nhân trường học có cơ chế riêng.
Quy định về điều kiện thành lập trường rất chi tiết: Phải đủ giáo viên, đủ phòng học theo chỉ tiêu. Các điều kiện này đảm bảo mặt bằng chung giữa các trường đại học tư và trường đại học công. Tuy nhiên quy định về điều kiện thành lập thay đổi theo thời gian.
Vai trò của các trường tư cũng rất quan trọng để tạo ra một xã hội dân chủ, phát triển toàn diện đồng thời cũng là đối chứng để đánh giá hiệu quả hoạt động của trường công, tạo ra sự cạnh tranh, kích thích để phát triển. Vì vai trò đó mà nhà nước hỗ trợ trường tư. Lúc đầu nhà nước chưa hỗ trợ, nhưng sau khi các trường đề xuất thì nhà nước hỗ trợ về: 1) Thiết bị nghiên cứu, 2) cho vay vốn để phát triển thông qua Cơ quan Quản lý vốn cho vay của nhà nước trên cơ sở các đơn đề nghị vay vốn của các trường tư.
Nhà nước trợ giúp nhưng không can thiệp vào công việc của trường, dựa trên nguyên tắc nhà nước hỗ trợ chứ không kiểm soát và tác động vào trường tư.
Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị nghiên cứu cho các trường tư, trong 15 năm gần đây nhà nước hỗ trợ đến 70%. Về chi thường xuyên: các trường kiến nghị nhà nước chi trả lương cho giảng viên và một phần chi thường xuyên với mức hỗ trợ 50% nhưng do số lượng trường tư lớn, khó đạt được tỷ lệ đó, hiện nay nhà nước hỗ trợ bình quân khoảng 10%. Đối với các trường tư có truyền thống, uy tín, được đánh giá cao về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thì nhận được sự hỗ trợ cao hơn, có trường lên tới 40%.
Về đất sử dụng cho mục đích giáo dục, về nhà cửa, học phí nhà nước áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế hoặc không thu thuế.
Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ cho người học (mang tính cách cá nhân) dưới dạng học bổng hoặc có chính sách miễn giảm học phí, tín dụng SV...
Phương thức hỗ trợ hoặc là đồng loạt cho tất cả các trường tư, tính trên số khoa, bộ môn, giáo viên, SV, hoặc hỗ trợ riêng cho trường có dự án, chương trình đặc biệt đệ trình lên. Ví dụ trường có chương trình có tính chất toàn cầu hoá, tăng số lượng SV quốc tế thì có hỗ trợ thêm.
So sánh sự hỗ trợ của nhà nước trên đầu SV giữa trường công và trường tư: Trường công gấp 13 lần (218 /17 nghìn yên). Đang có cuộc vận động để làm giảm sự chênh lệch này.
Trường công lập nhận được hỗ trợ từ nhà nước và chính quyền địa phương. Trong khi đó trường tư trang trải chi phí chủ yếu bằng học phí của học viên. Về học phí nhà nước quy định trường công có học phí bằng khoảng ½ học phí trường tư.
Mỗi một năm chính phủ trợ cấp cho các trường tư một khoản khoảng 300 tỷ yên. Khoàn này chỉ bằng 1/10 chi phí của các trường tư hiện nay. Thế nhưng khoản hỗ trợ này có xu hướng giảm dần. Bộ Giáo dục Nhật Bản thường xuyên có những kiến nghị với Bộ Tài chính rằng các trường tư rất cần những khoản hỗ trợ của nhà nước. Muốn đạt được điều đó cần nhiều nghị sĩ Quốc hội ủng hộ các trường tư, làm cho tiếng nói có trọng lượng. Các trường ĐH tư cũng không thể hoạt động riêng lẻ mà cần có các nhóm trường ĐH tư cùng có tiếng nói thì các kiến nghị mới có trọng lượng. Các nhóm trường tư tìm cách quảng bá, vận động chính trị gia ở Nhật. Hiện nay ở Nhật có 2 nhóm trường tư:
Nhóm 1: do Trường Đại học Waseda lập ra gồm các trường ĐH tư lớn;
Nhóm 2: do các trường ĐH tư nhỏ hơn thành lập ra.
Họ đều có cách làm giống nhau là: nhóm các trường lớn thì vận động các nghị sĩ ở trung ương, nhóm các trường nhỏ ở địa phương thì vận động các nghị sĩ ở địa phương.
Hiện nay dân số Nhật Bản giảm, số lượng SV giảm theo, các trường công cũng như tư ngày càng khó tuyển sinh. Số người trong độ tuổi 18 ngày càng giảm, hiện nay so với thời điểm cao nhất trước đó chỉ bằng một nửa. Dự báo đến năm 2040 dân số Nhật Bản tiếp tục giảm và số lượng người trong độ tuổi vào đại học chỉ bằng 2/3 so với hiện nay. Tổng số trường hiện nay cả đại học và cao đẳng là 1174 trường, duy trì số lượng trường như thế là điều hết sức khó khăn. Vì thế có chủ trương không thành lập thêm trường đại học mà chỉ cấu trúc lại hệ thống đại học, có thể nhập một số trường và thay đổi cách quản lý các trường công theo mô hình quản lý trường tư để tăng hiệu quả hoạt động. Điều đó bắt buộc phải sáp nhập các trường và sáp nhập các khoa vào với nhau, nhưng chất lượng đào tạo vẫn phải được đảm bảo. Ví dụ đã tiến hành sát nhập ĐH Nagoya và ĐH Kyushu thành một trường đại học. Xu hướng sáp nhập sẽ còn tăng thêm trong thời gian sắp tới. Đây chính là một giải pháp nhằm đối phó với vấn đề dân số, đặc biệt là dân số lứa tuổi vào đại học giảm.
Trước đây Nhật Bản cũng có chiến lược phát triển các trường đại học do Nhà nước đề ra, bao gồm mục tiêu về số lượng các trường và bố trí các trường. Tuy nhiên hiện nay Nhật Bản theo mô hình phân quyền cho địa phương nên Nhà nước không làm điều đó nữa mà trao quyền cho địa phương. Dựa trên phương châm đó, thành lập một Hội đồng bao gồm đại diện chính quyền địa phương, đại diện nhà trường và công ty địa phương để quyết định phát triển giáo dục cho địa phương. Ở Nhật Bản, mỗi địa phương có những đặc thù riêng nên để phát huy thế mạnh của họ cần trao cho họ quyền xem xét và quyết định vấn đề của mình. Hiện nay Bộ không áp đặt những kế hoạch hay suy nghĩ từ chính phủ xuống địa phương nữa. Về cơ bản Bộ tôn trọng nhu cầu của các địa phương. Đây là một trong những phương hướng lớn trong việc cải cách hệ thống giáo dục ĐH của Nhật Bản hiện nay đang thực hiện.
Một giải pháp khác để khắc phục số lượng SV giảm là thu hút SV nước ngoài. Thống kê về số lượng SV nước ngoài đến Nhật Bản cho thấy 93,3% SV nước ngoài đến từ châu Á do các trường ĐH ở Nhật gần gũi với cư dân châu Á. Hy vọng SV từ các trường châu Á sẽ đến Nhật học tập ngày càng nhiều. Theo chiều ngược lại, SV Nhật đi du học ở nước ngoài thì đi du học ở Châu Á chiếm 35%, Bắc Mỹ 30%, Châu Âu 20%, hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ càng có nhiều SV Nhật đi du học ở các nước châu Á.
Một hiện tượng thú vị là Nhật Bản triển khai Dự án TOBITATE – Chương trình Đại sứ trẻ (Young Ambassador Program). Đây là dự án sử dụng tiền của các doanh nghiệp tài trợ đưa SV đi du học ở các nước. Điều đó được nảy sinh do xu hướng toàn cầu hóa, khiến cho các doanh nghiệp phải hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu, trong đó du học là một trong những phương thức để thực hiện. Họ lập nên một quỹ để đưa SV Nhật đi du học. Đây cũng được coi là một trong những chính sách thể hiện sự thay đổi và chuyển động của GDĐH Nhật Bản. Nhật Bản cố gắng thu hút SV châu Á đến Nhật Bản du học bằng cách tạo cơ hội tìm việc làm cho họ tại Nhật. Từ trước đến nay Nhật vẫn chủ yếu sử dụng người Nhật nhưng đến bây giờ thì suy nghĩ như vậy không còn phù hợp nữa. Hiện nay gần như tất cả các doanh nghiệp đều muốn tuyển dụng cả người nước ngoài làm việc với người Nhật. Nếu các trường ĐH Nhật hợp tác với các trường ĐH ở châu Á thì họ có cơ hội để duy trì sự tồn tại và phát triển của mình. Do đó, Bộ GD chuẩn bị đưa ra những chính sách và giải pháp thu hút SV nước ngoài. Đó cũng là cải cách của hệ thống GDĐH Nhật Bản nói chung và của hệ thống các trường tư nói riêng. Để thu hút tuyển sinh, các trường tư cần đưa ra chính sách: Đầu tiên là chính sách về học bổng; Thứ hai là chính sách “open campus” nghĩa là họ mở cửa các trường ĐH trong một khoảng thời gian nhất định; Thứ ba, họ có tiếp cận thường xuyên với các giáo viên của các trường cấp 3. Về cơ bản đó là 3 cách tiếp cận của các trường ĐH tư để thu hút SV.
Các trường ĐH Nhật hợp tác với rất nhiều các trường ĐH khác ở châu Á. Có rất nhiều hình thức hợp tác như đào tạo chung, cấp lưỡng bằng. Những chính sách đó sẽ được chú trọng hơn trong thời gian tới.
Cũng do vấn đề dân số giảm, lực lượng lao động giảm nên Nhật Bản phải tìm cách tăng năng suất lao động. Tiền đề để làm được việc đó là phải đảm bảo cơ hội được giáo dục tốt. Phương châm của chính phủ là miễn học phí đối với học sinh. Từ trước đến nay Nhật Bản đã miễm học phí hoàn toàn cho cấp tiểu học và THCS và đang thực hiện miễn học phí ở bậc THPT, các bậc chưa được miễn học phí hoàn toàn là bậc mầm non và đại học. Thủ tướng Abe có cam kết rằng trong kì họp Quốc hội tới sẽ xem xét miễn học phí cho các bậc GD mầm non và ĐH. Khi đó nhiệm vụ là làm sao nâng cao được chất lượng GD. Chính sách GD của Nhật làm sao vẫn đảm bảo giữ được quy mô và nâng cao được chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Hoạt động các trường ĐH tư, các chương trình đào tạo cũng rất phong phú. Sau đây là hoạt động của một số trường.
5. Giáo dục đại học tư - Hoạt động của một số trường
5.1. Trường Đại học Sophia
Trường thành lập vào năm 1913. Hiện nay Trường đào tạo đa ngành, có 14.000 SV, trong đó hơn 10% là SV quốc tế. Số giảng viên và nhân viên làm việc trong trường 1486 người đến từ 22 quốc gia.
Trường có dạy cả tiếng Nhật và tiếng Anh. Trường mở các ngành dạy bằng tiếng Anh về các lĩnh vực khoa học, công nghệ và nghệ thuật. Trường đào tạo bậc đại học và sau đại học một số ngành. Trường bắt đầu giảng dạy bằng tiếng Anh vào năm 1949 và là một trong những trường giảng dạy tiếng Anh lâu đời nhất ở Nhật.
Trường có nhiều đối tác trên thế giới, ở châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Mỹ.
Một trong những điều kiện giúp trường thu hút được nhiều SV là do Trường có nhiều giảng viên từ nước ngoài. Mỗi trường tư trên thế giới đều có điểm mạnh riêng, đối với Trường Sophia điểm mạnh là giáo dục toàn diện (giáo dục kiến thức và giáo dục kĩ năng sống).
Trường ĐH Sophia là một tổ hợp bao gồm các trường phổ thông, các college, trường đại học. Một Chủ tịch là người quản lý toàn bộ hệ thống đó và mỗi trường có một Hiệu trưởng (president) riêng. Việc chủ tịch là một người nước ngoài giúp nhà trường có sự đa dạng về môi trường, sở hữu, phong cách làm việc.
Chính phủ có những khoản trợ cấp cho các trường tư. ĐH Sophia là trường hàng đầu về hợp tác quốc tế nên có tỉ lệ trợ cấp cao. Còn các trường có mối quan hệ chỉ trong địa phương có khoản trợ cấp thấp hơn. Trợ cấp của Chính phủ dựa vào năng lực của nhà trường, năng lực đó được xác định dựa trên các tiêu chí do Chính phủ đưa ra. Trước đây các trường chỉ cần đề nghị lên chính phủ là được nhận trợ cấp, nhưng hiện nay thì không được như vậy vì số lượng trường thì tăng lên mà số SV lại giảm đi. Trường ĐH Sophia nằm trong top trường quốc tế hàng đầu của Nhật Bản (Global University of Japan). Có một Dự án của Chính phủ Nhật nhằm hỗ trợ các trường ở Nhật Bản hàng đầu bao gồm 37 trường. Số tiền trợ cấp của chính phủ được sử dụng chung cho các hoạt động của nhà trường. Trường ĐH Sophia được chính phủ trợ cấp 20% (tương đương 4 tỷ yên). Để nhận được trợ cấp từ chính phủ, hằng năm chính phủ gửi một bản điều tra về các trường, nội dung bao gồm số SV, số lượng các nghiên cứu, số lượng giảng viên… và chính phủ sẽ dựa vào bản điều tra này để cấp trợ cấp hằng năm.
Khoản thu của nhà trường từ các nguồn: trợ cấp từ Chính phủ, Học phí và các khoản đóng góp từ cựu SV, từ các doanh nghiệp.
Trường Đại học Sophia là trường phi vụ lợi (non-profit). Trường không có chủ sở hữu. Không hẳn trường tư thì phải là sở hữu tư nhân. Ngay từ khi mới thành lập Trường đã không có chủ sở hữu. Đứng đầu nhà trường là Chủ tịch Hội đồng quản trị (chancellor: người đứng đầu, có vị trí cao nhất trong trường đại học) do một Hội đồng gồm nhiều thành phần trong xã hội bầu ra. Điều hành nhà trường là Hiệu trưởng, do các cán bộ, nhân viên nhà trường bầu ra.
Hiện nay số lượng SV Việt Nam học tập tại Trường Sophia rất nhỏ, còn trao đổi SV sang Việt Nam mới chỉ có 1 SV. Trao đổi SV với Trung Quốc nhiều nhất.
5.2. Trường Đại học Waseda
Waseda là một trường đại học tư, được thành lập năm 1882, là một trường đại học có lịch sử lâu dài của Nhật Bản.
Người sáng lập Trường là Okuma Shigenobu (Đại Ôi Trọng Tín) (1838-1922), nguyên là một chính khách nổi tiếng thời Minh Trị, từng giữ 2 chức Bộ trưởng (Bộ Tài chính, Bộ trưởng Ngoại giao) và 2 lần làm Thủ tướng, vào 1898 và 1914. Nhà yêu nước Việt Nam Phan Bội Châu đã từng gặp Okuma và được tư vấn về đào tạo nhân tài, cử người sang Nhật du học. Okuma chủ trương mở trường nhằm đào tạo nhân lực và giáo dục tinh thần dân chủ, nâng cao dân trí để tiến tới chế độ quân chủ lập hiến. Ông thành lập trường tư vì cho rằng trường tư có nhiều tự do trong nghiên cứu, giáo dục, thuận lợi cho việc thực hiện lý tưởng của Ông.
Khởi đầu Waseda là một trường cao đẳng, Tokyo Senmon Gakko (Đông Kinh chuyên môn học hiệu) với 3 bộ môn: Chính trị và Luật; Anh ngữ, Vật lý. Năm 1890 lập thêm Khoa Văn chương.Năm 1900 Trường bắt đầu gửi một số GV sang Châu Âu nâng cao trình độ. Năm 1904 được công nhận là trường đại học. Tiếp đó mở thêm các trường trực thuộc như Trường Thương mại (1904), Trường Khoa học và Công nghệ (1909). Năm 1951 bắt đầu đào tạo trình độ Tiến sỹ và hoạt động với vị thế một trường ĐH lớn
Hiện nay Waseda có 9 trường đào tạo trình độ cử nhân, 10 trường đào tạo sau đại học.
Waseda là trường đào tạo nhiều thủ tướng Nhật Bản nhất, từ thời Minh Trị đến nay có 7 thủ tướng Nhật là cựu SV của Trường.
Trường Đại học Waseda mang 2 tính chất: Là một tập đoàn (corporation) và là một tổ chức khoa học (academic institution).
Trường có Hội đồng Quản trị (Board of Trustees) với 93 thành viên do GV, CBQL, nhân viên, cựu SV, cựu CB của Trường bầu ra, có nhiệm kỳ 4 năm và có thể được tái nhiệm.
Hội đồng Quản trị bầu ra Ban Điều hành (Executive Board) với 16 thành viên bao gồm Hiệu trưởng, 11 thành viên là GV và CBQL, 4 thành viên từ Hội Cựu SV.
Trường còn có Hội đồng Liên tịch (Congregation) với khoảng 1.000 thành viên do Hội đồng Quản trị và Hội cựu SV mời tham gia để tư vấn về sự phát triển của Trường.
Hiện nay Trường có khoảng 50 ngàn SV, khoảng 1.600 giảng viên.
Ở Nhật Bản sáng lập trường tư là những người ý tưởng phát triển đất nước chứ không coi mở trường là một cách mang lợi ích kinh tế cho bản thân. Ban đầu Trường Waseda cũng rất khó khăn, quy mô rất nhỏ, chỉ có 80 SV. Tại Lễ khai giảng đầu tiên số khách dự 400-500 người, gấp 5-6 lần người học. Ngay từ khi thành lập Trường xác định coi trọng và tập trung ngay vào chất lượng.
Hiện nay trong những người đang làm việc tại Trường có GS người Việt Trần Văn Thọ. GS Trần Văn Thọ, sang học tập và sau đó làm việc tại Nhật từ 1968, hiện GS được mời tham gia Nhóm Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nước ta. Qua một số lần về công tác tại Việt Nam GS Thọ nhận thấy Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ về đại học tư, người thành lập trường tư trước hết phải nghĩ đến trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Theo quan điểm của GS Thọ không được kinh doanh trong giáo dục. So với các mặt hàng khác chất lượng giáo dục khó đánh giá kịp thời và chính xác nên nếu kinh doanh, chạy theo lợi nhuận (thường là không giới hạn) người chủ sẽ tìm cách hạ thấp chất lượng, mà hậu quả xấu thì hàng chục năm sau, thậm chí thế hệ sau mới bộc lộ ra.
Khi trường tư đã cam kết không hoạt động như một tổ chức kinh doanh thì chính phủ phải có trách nhiệm trợ giúp trường tư.
Ở Việt Nam, học phí trang trải hơn 100%. Nhà trường thu học phí cao nhưng chỉ sử dụng cho đào tạo chừng 50%, phần còn lại dùng để tích lũy và xây dựng cơ sở vật chất của trường, như vậy là nhà trường xây dựng cơ ngơi trên học phí của SV.
Ở Nhật thì ngược lại: SV ngay đầu tiên khi trường mới thành lập đã được hưởng tiền dịch vụ. Học phí SV chỉ trang trải 2/3 chi thường xuyên. Chính phủ hỗ trợ 10-20%. Gần đây Chính phủ có chính sách nếu trường nào có kết quả nghiên cứu tốt thì được hỗ trợ nhiều hơn, điều đó tạo ra sự cạnh tranh.
Sau đó những sinh viên ra trường và thành công về kinh doanh hoặc có vị trí xã hội cao, tri ân nhà trường và đóng góp cho nhà trường rất nhiều về tài chính cũng như tư vấn cho sự phát triển trường.
Cách quản lý và quản trị trường tư phải hết sức nghiêm túc. Một trường đại học không phải như một công ty bình thường. Một đại học phá sản ảnh hưởng đến số phận hàng vạn thanh niên, làm mất an toàn xã hội. Cho nên lúc cấp phép thành lập trường phải kiểm tra cẩn thận, lúc trường hoạt động phải theo dõi sát sao, kiểm toán nghiêm chỉnh. Ở Việt Nam nên tiến hành các công việc đó một cách nghiêm khắc hơn.
Chính sách đối với SV trường công cũng như trường tư phải bình đẳng.
6. Nhận xét về giáo dục đại học tư Nhật Bản và bài học cho Việt Nam
1. Nhật Bản có Luật về giáo dục tư thục trong đó có quy định rõ ràng về các loại hình trường tư ở các bậc học từ bậc học Mầm non đến bậc học đại học. Về quản lý nhà nước Nhật Bản có Cơ quan quản lý giáo dục tư thục thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Các trường đại học tư thục cũng thành lập Hiệp hội các trường đại học tư thục với 406/ 603 trường Hội viên, ngoài ra các trường tư cũng thành lập các nhóm để hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị nhà trường,…
2. Trường đại học tư ở Nhật Bản có tỷ lệ lớn, trong đó số SV theo học chiếm trên 75% SV đại học.
3. Nhà nước có hỗ trợ lớn cho trường ĐH tư: về hoạt động khoa học (trang bị toàn bộ); về lương giảng viên (cao nhất đến 40% Quỹ lương), về chi phí thường xuyên (trung bình 10%), dựa trên báo cáo kết quả hoạt động của trường. Các trường đại học tư của Nhật bản đều là trường hoạt động không vì lợi nhuận, trường là tài sản của xã hội, không có chủ sở hữu tư.
4. Hiện nay do dân số giảm, số SV trong nước giảm. Để khắc phục phải: 1)Tái cấu trúc hệ thống đại học, 2)Thu hút SV nước ngoài.
5. Hiện nay Chính phủ đang đề xuất miễn học phí cho bậc học Mầm non và Đại học.
6. Hiệp hội Các trường tư Nhật Bản (APUJ) là một tổ chức mạnh, vì số lượng, tỷ lệ trường ĐH tư Nhật Bản lớn, có vị trí xã hội cao. Tổng thư ký Hiệp hội đã thăm các trường ĐH và Hiệp hội ĐH-CĐ Việt Nam và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo
1. Overview of the Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology (MEXT, Japan), 2018.
2. MEXT, Japan, Overview of Private Schools in Japan, 2018.
3. Association of Private Universities of Japan, Tài liệu giới thiệu hoạt động của Hiệp hội 2018.
4. Sophia Univercity, A Japanese University with a Global Mission, 2018.
5. Lê Thạc Cán, Tìm hiểu về giáo dục đại học ở Nhật Bản, 2001.
6. Luật Trường Tư Nhật Bản, 1947.

 

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516