Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcSÁNG TẠO ĐỂ ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG ĐÔNG ĐÔ

SÁNG TẠO ĐỂ ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG ĐÔNG ĐÔ

Thứ ba, 07 Tháng 2 2012 01:46
Trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT Đông Đô được các bậc phụ huynh và các em học sinh trìu mến gọi là Trường phổ thông Đông Đô được thành lập từ năm 1991 theo Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội. Đây là trường dân lập thứ 3 được thành lập ở Thủ đô, mở đầu cho giai đoạn phát triển nhanh và vững chắc của các trường ngoài công lập ở Hà Nội và cả nước. 20 năm qua Nhà trường đã phát triển bền vững, góp phần xây dựng một mô hình Nhà trường mới ở phổ thông: Đào tạo học sinh liên tục từ lớp mầm non  đến lớp 12, là một điểm sáng của Giáo dục Thủ đô.

Thành công chủ yếu trong 20 năm xây dựng và phát triển Trường phổ thông Đông Đô:

1. Từng bước xây dựng cơ sở vật chất  hiện đại.

Từ năm 1991 đến 1997 Trường Đông Đô đã di chuyển địa điểm đến 6 lần. Trong những năm khó khăn đó Nhà trường đã quyết tâm phát huy nội lực, huy động vốn bằng con đường xã hội hoá để xây dựng cơ sở hiện đại cho tương lai. Năm 1998 đã hoàn thành giai đoạn 1 việc xây dựng trường và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 1998-1999. Năm 2003 Nhà trường tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 và hoàn thành tổng thể ngôi trường mới vào ngày 12/9/2005 tại Số 8 phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ.

Trên diện tích 400m2 đã xây dựng nên một ngôi trường hiện đại với 4000m2 sàn sử dụng với các khu chức năng được bố trí hợp lý, hài hoà. Có thể nói đây là ngôi trường cao nhất trong các trường phổ thông Việt Nam với 12 tầng có các phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, thư viện, bể bơi trong nhà, phòng tập TDTT được lắp sàn gỗ, phòng chiếu phim, nhà ăn được trang bị đồng bộ, hiện đại.

Trường phổ thông Đông Đô là một trong những trường đi tiên phong trong việc hiện đại hoá cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học trong những thập niên đầu thế kỷ XXI.

2. Xây dựng Hội đồng sư phạm 3 thế hệ.

Trong mỗi năm học Nhà trường đã huy động hơn 100 các thầy giáo, cô giáo và cán bộ đến tham gia giảng dạy và làm công tác quản lý học sinh. Hội đồng sư phạm 3 thế hệ gồm các thầy giáo, cô giáo lão thành có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước; các thầy giáo, cô giáo trung niên dầy dạn kinh nghiệm và các thầy giáo, cô giáo trẻ năng động sáng tạo. Trong đội ngũ giáo viên của nhà trường hiện nay có 2 Nhà giáo nhân dân, 4 Nhà giáo ưu tú, 36% các thầy giáo, cô giáo có trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ: 8 Tiến sỹ (trong đó có 2 GS và 2 PGS), 26 Thạc sỹ; các thầy cô giáo còn lại đều đạt trình độ cử nhân khoa học, nhiều giáo viên giỏi của các trường phổ thông.

Từ năm 1991 đến nay Trường phổ thông Đông Đô có hệ thống các thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm chuyên trách là các nhà sư phạm am hiểu tâm sinh lý học sinh, có kinh nghiệm trong giáo dục quản lý học sinh, vì vậy chất lượng giáo dục đạo đức ngày càng được nâng cao.

Nhà trường thực hiện chế độ đãi ngộ thoả đáng, quan tâm chu đáo đến quyền lợi chính trị, quyền lợi tinh thần và vật chất của cán bộ giáo viên; vì vậy đã xây dựng được tập thể sư phạm đồng tâm hiệp lực vì sự nghiệp chung xây dựng Nhà trường vững mạnh, xây dựng bản lĩnh và phong cách Nhà giáo Đông Đô. Trong 5 năm qua đã có 6 giáo viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 12 thầy, cô giáo bảo vệ thành công luận án thạc sỹ; đời sống của cán bộ giáo viên ngày càng được nâng cao và ổn định; hàng năm Công đoàn Nhà trường đều tổ chức các đợt tham quan du lịch cho CBGV…

Đội ngũ các nhà sư phạm và cán bộ nhà trường tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo cao của Trường phổ thông Đông Đô.

 

3. Thường xuyên đổi mới quy trình đào tạo.

Thành công lớn nhất của Nhà trường trong 20 năm qua là đã xây dựng một mô hình nhà trường mới đào tạo học sinh liên tục từ lớp mầm non đến lớp 12. Mô hình này đã được Luật Giáo dục 2005 thừa nhận là Nhà trường có nhiều cấp học. Trường Tiểu học Đông Đô đã đi tiên phong trong việc xây dựng Nhà trường học 2 buổi/ngày từ năm 1992. Đến nay việc học bán trú đã được mở rộng đến 100% học sinh từ lớp mầm non đến lớp 12. Đây là điều kiện thuận lợi để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục luôn luôn là chủ đề sôi nổi trong các năm học vừa qua bởi vì đây là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được xem là bước đột phá để đổi mới phương pháp dạy học đã được các thầy giáo, cô giáo thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ giáo án điện tử chiếm khoảng 30% các tiết dạy. Đặc biệt Nhà trường coi trọng việc phối hợp hài hoà giữa các phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp hiện đại để đạt hiệu quả cao trong dạy học.

Nhà trường đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong công tác giáo dục toàn diện cho học sinh lấy giáo dục đạo đức nhân cách làm nền tảng để giáo dục văn hoá, thẩm mỹ và sức khoẻ. Hàng năm Nhà trường đều tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng, Hội thi học sinh Đông Đô thanh lịch Hội thi Vẻ đẹp tuổi thơ Đông Đô nhằm tăng cường giáo dục thể chất và rèn luyện đạo đức, tác phong thanh lịch cho học sinh. Đại hội học sinh tiêu biểu được tổ chức 3 năm một lần đã thúc đẩy phong trào học tập và rèn luyện của học sinh. Tập san Đông Đô của Nhà trường ra định kỳ 2 tháng một số, cho đến nay đã ra được hơn 100 số.

Thực hiện chủ đề đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, từ năm học 2009-2010 đến nay Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục: Giảm sĩ số học sinh/lớp xuống 30 học sinh/lớp ở bậc THPT, 15-20 học sinh/lớp ở bậc Tiểu học, THCS, nhờ đó phương châm cá thể hoá quá trình đào tạo được thực hiện có hiệu quả hơn. Mở rộng quy mô bán trú đến 100% học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Thành lập 2 bộ môn mới: Giáo dục Kỹ năng sống và Giáo dục Quốc phòng- An ninh; xây dựng và tổ chức giảng dạy chương trình kỹ năng sống cho học sinh các lớp với thời lượng 2tiết/tuần; tổ chức dạy môn Giáo dục Quốc phòng- An ninh rải đều trong suốt năm học theo chủ trương của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Nội. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống có hiệu quả nhân dịp các ngày kỷ niệm lớn trong năm, đã nhận chăm sóc bảo tồn 2 di tích lịch sử quan trọng ở phường Bưởi: Đền Đồng Cổ và Đình An Thái.

Hàng loạt các giải pháp sáng tạo, đồng bộ trên đây đã góp phần tạo nên chất lượng đào tạo cao của Nhà trường liên tục trong nhiều năm vừa qua: Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp Tiểu học, THCS: 100%, tốt nghiệp THPT: 94-100%, đỗ đại học, cao đẳng: 70-98%; nhiều em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố và quốc gia; phẩm chất đạo đức và nhân cách của học sinh được hoàn thiện dần, tạo điều kiện cho các em trở thành những công dân tốt trong tương lai.

Liên tục trong nhiều năm qua Trường phổ thông Đông Đô đã được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể lao động Tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc; Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội tặng cờ Trường Tiên tiến xuất sắc về TDTT cấp Thành phố. Sở GD&ĐT Hà Nội đã cấp cho Nhà trường Giấy chứng nhận Trường học thân thiện, học sinh tích cực.

4. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là nền tảng để quản lý học sinh có hiệu quả.

Giáo dục gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện, hình thành nhân cách ở từng em học sinh.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và Nhà trường là một trong những nhân tố đảm bảo thành công trong công tác giáo dục, quản lý học sinh.

5. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Trường phổ thông Đông Đô là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh bao gồm: Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được Chi bộ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở triển khai đồng bộ, sâu rộng, phù hợp và đạt kết quả vững chắc, tạo động lực mới cho quá trình xây dựng và phát triển nhà trường.

Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh của Nhà trường là đảm bảo vững chắc cho sự phát triển ổn định, lâu dài của Trường phổ thông Đông Đô.

 

6. Xây dựng các mục tiêu và các giá trị văn hoá học đường. Ngay từ những năm đầu thành lập Trường phổ thông Đông Đô đã đặc biệt quan tâm tới xây dựng nền tảng văn hoá học đường mang đậm dấu ấn và phong cách riêng gọi là văn hoá Đông Đô.

Năm 1991 Trường phổ thông Đông Đô đã công bố mục tiêu:

- Tất cả vì chất lượng đào tạo Đức - Trí - Thể - Mỹ.

- Tôn vinh nhân phẩm và tài năng của Nhà giáo.

- Tôn trọng và phát triển nhân cách của học sinh.

- Thực hiện cá thể hoá quá trình đào tạo.

Trong các năm tiếp theo Nhà trường đã từng bước bổ sung và hoàn thiện các mục tiêu và giá trị mới.

Năm 2001 thực hiện ba chiến lược phát triển:

  • Chiến lược xanh: Xây dựng CSVC hiện đại. Từng bước trang bị hiện đại đồng bộ các thiết bị dạy học và CSVC phục vụ dạy và học.
  • · Chiến lược đỏ: Xây dựng Hội đồng sư phạm ba thế hệ, thu hút tài năng và nhân tâm của các nhà giáo tâm huyết, tài năng. Lấy chất lượng hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất và năng lực của CBGV.
  • · Chiến lược vàng: Xây dựng chất lượng đào tạo cao, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học và phương pháp giáo dục; thường xuyên đổi mới quy trình đào tạo, đẩy mạnh giáo dục toàn diện: Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Năm 2010 thực hiện phương châm phát triển:

  • · Kỷ luật và Hợp tác là sức mạnh.
  • · Nền nếp quyết định chất lượng.
  • · ý chí quyết định thành công.
  • · Sáng tạo quyết định tương lai.

Các mục tiêu và giá trị trên đây đã trở thành phương hướng hành động của mỗi CBGV và của tập thể sư phạm Nhà trường, là định hướng cho sự phát triển bền vững của Trường phổ thông Đông Đô.

Với tầm nhìn xa về xu thế phát triển hiện đại của giáo dục thế giới, đứng vững trên truyền thống giáo dục Việt Nam, luôn luôn năng động và sáng tạo đã tạo ra sức sống bền vững và sự hấp dẫn đặc biệt của Trường phổ thông Đông Đô, tạo ra chiều sâu giá trị về chất lượng đào tạo, tạo nên danh hiệu Đông Đô, dấu ấn Đông Đô, bản sắc Đông Đô, văn hoá Đông Đô.

TS. VÕ THẾ QUÂN

Hiệu trưởng
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516