Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcTrường THCS Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú thọ: Nâng cao chất lượng dạy và học từ mô hình học sinh bán trú

Trường THCS Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú thọ: Nâng cao chất lượng dạy và học từ mô hình học sinh bán trú

Thứ tư, 12 Tháng 4 2017 08:45
Chúng tôi đến huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vào những ngày Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện đang thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập huyện (2007 – 2017), thăm trường THCS Thu Cúc, một đơn vị có nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc, giáo dục học sinh bán trú. Nhờ có mô hình trường học cùng với bếp ăn bán trú, các em học sinh vùng núi cao huyện Tân Sơn nói chung và các em học sinh nơi đây yên tâm đến trường học tập.

Tuyên dương cac thay co Tuyên dương các thầy cô giáo Trường THCS Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Thu Cúc là xã khó khăn của huyện Tân Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc học tập của con em, đường giao thông đi lại khó khăn nên tỷ lệ chuyên cần của trường rất thấp. Từ khi mô hình trường học có bếp ăn bán trú được triển khai đã mang lại thành công lớn trong việc thu hút học sinh (HS) đến trường, nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập. Dẫn chúng tôi đi thăm khu ở bán trú, thầy giáo Trần Mạnh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ khi áp dụng mô hình bán trú, số HS ra lớp ngày càng đông. Trường có 105 HS bán trú. Khu bán trú của nhà trường hiện có  phòng ở, bếp ăn, công trình vệ sinh, khu vui chơi, thể thao, vườn trồng rau, khu chăn nuôi… Ngoài giờ học, các em tham gia trồng rau đã phần nào cung cấp được thực phẩm, cải thiện bữa ăn hằng ngày. Mỗi HS bán trú được hỗ trợ hằng tháng bằng 40% mức lương cơ bản của công chức và 15 kg gạo, được hưởng không quá 9 tháng/năm học với mỗi HS theo đúng Nghị định 116 của Chính phủ.

Vào thăm  phòng ăn của các em khi giờ ăn trưa sắp đến, chúng tôi thấy trên bảng công khai tài chính có ghi thu, chi rõ ràng và số lượng thực phẩm được sử dụng đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày.

Nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của trường học có bếp ăn bán trú, nhà trường đã phân cử cán bộ, giáo viên quản lý, giúp đỡ các em sau mỗi giờ tan lớp. Vào mỗi buổi tối, sau khi ăn cơm xong, các em HS ở lại trường tự ôn bài dưới sự quản lý, hướng dẫn của thầy, cô. Phụ huynh em Hà Khánh Huyền HS lớp 6 chia sẻ: “Chúng tôi rất yên tâm về chỗ ăn, chỗ ở tại trường của con em mình. Tôi đã vào thăm trường và thăm chỗ ăn, nghỉ của con, tôi cảm thấy rất hài lòng từ góc học tập cho đến chăn màn cả phòng đều rất ngăn nắp. Không chỉ được ăn uống 3 bữa/ ngày đảm bảo dinh dưỡng, chúng tôi còn rất yên tâm về an ninh trật tự tại trường”. Bên cạnh chăm sóc về bữa ăn, giờ học tập, các em HS lớp 6 còn được các thầy cô giáo dạy  nền nếp, vệ sinh cá nhân khi các em bắt đầu làm quen với cuộc sống tự lập, trong môi trường tập thể .

Đến nay mô hình trường học có HS bán trú đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả, đặc biệt được sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện Tân Sơn đã đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác bán trú như tủ cơm, bếp ga, tủ sấy, bàn chế biến thực phẩm…. Mặc dù vậy, hiện nay nhà trường  còn hơn 40 em vẫn phải trọ ngoài vì nhà ở bán trú chưa đáp ứng được nhu cầu của HS. Nhà trường mong muốn, trong tương lai gần thầy trò ở đây tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành có thể chuyển đổi thành trường PTDT Bán trú để các em HS được hưởng thêm  ưu đãi. 

Mô hình trường học có bếp ăn bán trú đã được đồng bào dân tộc nơi đây đồng tình ủng hộ. Các thầy cô chuyên tâm vào công tác giảng dạy, không còn những hình ảnh cuối tuần giáo viên chủ nhiệm phải đến từng gia đình vận động các em HS đến trường đến lớp, điều đó đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn như xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ./.

Đình Thơm

 

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516