Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcTrường Mầm non Bảo Ái, Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái: Thiếu thốn ở tất cả các điểm trường

Trường Mầm non Bảo Ái, Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái: Thiếu thốn ở tất cả các điểm trường

Thứ ba, 03 Tháng 4 2012 04:20
Cách thị trấn Yên Bình chưa đầy 30 km dọc tuyến quốc lộ 70 theo hướng Yên Bái-Lào Cai, Trường Mầm non Bảo Ái nằm ngay trung tâm xã, sát mặt đường nhưng có lẽ ít ai biết đến những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị trường lớp học của ngôi trường này.  

Toàn trường có 16 phòng học thì chỉ có 4 phòng là nhà cấp bốn, 12 phòng còn lại là phòng tạm và học nhờ. Ngoài điểm trường trung tâm, trường còn 6 điểm lẻ, trong đó 5 điểm đặt tại thôn đặc biệt khó khăn của xã. Để đảm bảo nghiêm túc chương trình phổ cập cho trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non Bảo Ái đã tổ chức học bán trú ở tất cả các thôn điểm lẻ. Theo chân cô giáo Hiệu trưởng Phạm Thị Hoè và cô giáo Hiệu phó Lã Thị Diệp, chúng tôi đến thăm điểm trường thôn Ngòi Kè và điểm trường thôn Ngòi Ngần, 2 điểm lẻ xa nhất của trường, cách điểm trung tâm chừng hơn 8 km.

Trời mưa, đường đất trơn nhầy nhụa, mấy “con chiến mã” của các cô khó nhọc đưa đoàn di chuyển từng chút một. Đi được chừng 3km, chúng tôi phải gửi xe lại ở một nhà dân ven đường và bắt đầu hành trình đi bộ. Mặt đường tuy đã được làm khá rộng nhưng nhằng nhịt những rãnh sâu hoắm, những lớp đất đỏ nhão nhoét như muốn hút những đôi ủng dời khỏi bàn chân người đi. Gần một tiếng sau chúng tôi đến điểm trường thôn Ngòi Kè. Một phòng học rộng chừng 30m2, lợp lá cọ nằm lúp xúp cạnh mấy phòng của trường tiểu học. Cô Phạm Thị Hoè cho biết: “Chỗ này trước đây chỉ là phòng học tạm, năm ngoái nhà trường đã vận động phụ huynh học sinh đóng góp cây que, lá cọ và ngày công lao động, còn nhà trường thì ủng hộ xi măng để làm  phòng học này”. Tất cả các lớp ở điểm lẻ đều là lớp ghép của 3 độ tuổi 3, 4 và 5 tuổi. Quan sát trong lớp, các bé được chia làm 3 nhóm. Bé tập dán hình, bé xếp hình, bé tập viết, nhưng ngoài chiếc bàn nhỏ kê cạnh cửa ra vào và ô cửa sổ, diện tích còn lại rất thiếu ánh sáng. Thôn chưa có điện lưới quốc gia, những đường điện tự túc của một số hộ gia đình lại quá yếu không thể kéo ra lớp học được, vì vậy các em ngày qua ngày vẫn phải “căng mắt” ra để học. Ngày nắng còn đỡ chứ những ngày mưa nhiều chỗ trong lớp ánh sáng chỉ thấy lờ mờ vậy làm sao đảm bảo giữ gìn tốt cho đôi mắt của con trẻ?

 

YB1

Điểm trường thôn Ngòi kè (phòng học tạm do phụ huynh học sinh cùng nhà trường đóng góp xây dựng)

Tạm chia tay các bé ở Ngòi Kè, chúng tôi đi tiếp vào điểm trường thôn Ngòi Ngần. Lớp được học nhờ ttrong một căn bếp của gia đình anh Nguyễn Văn Quang. Anh Quang cho biết: “Các cháu ở đây nếu phải đi nơi khác học thì xa quá, địa phương nghèo chưa xây được lớp học nên khi được nhà trường và cán bộ thôn đặt vấn đề giúp đỡ, gia đình tôi đã sắp xếp nhường lại gian bếp này cho nhà trường làm lớp học cho các cháu”.Tận mắt chứng kiến, càng thấm thía những thiệt thòi về điều kiện học tập của các em ở đây. Tôi hỏi: “ Lớp học vắng vẻ thế?”. Cô giáo Bùi Thị Bích Hạnh phụ trách lớp buồn bã chia sẻ: “Lớp hôm nay cũng thiếu mấy em lớp 3 và 4 tuổi. Các em nghỉ học hôm nay có em vì bị ốm, có em vì trời mưa. Nhiều em trong lớp nhà cách đây 3, 4 cây số bố mẹ thì bận đi làm từ sớm, cứ nấu cơm để sẵn đấy sáng dạy các em tự ăn rồi một mình vượt đồi men theo con đường nhỏ để đến trường, mưa thế này chắc các em không đi được. Trong lớp còn có 7 em muốn đến lớp phải đi thuyền qua hồ nên nếu người lớn bận không có người đưa đi là các em phải nghỉ học”. Ngồi bên cạnh, cô giáo Lã Thị Diệp cho biết thêm: “Trước đây mấy em này hoàn toàn do các anh các chị mới học lớp 2, lớp 3 chèo thuyền đưa đi học. Chúng tôi thấy rất nguy hiểm nên đã vận động gia đình để người lớn đưa các em đi”. Ở những điểm lẻ, các cô giáo vẫn thường xuyên đến nhà vận động phụ huynh cho con ra lớp nên nắm rõ hoàn cảnh của từng em một. Bữa trưa của các bé do một phụ huynh ở gần đó nấu giúp. Giờ nghỉ trưa, các cô giáo chải chiếu xuống nền nhà, thêm vài tấm nệm mỏng để các cháu nằm ngủ. Cũng giống như điểm trường Ngòi Kè, ở đây chưa có điện. Nguồn sáng duy nhất chiếu vào lớp học là một mảng tường được chủ nhà phá bỏ, buộc vào đó vài thanh gỗ làm thành ô cửa sổ. Mỗi lần dạy các em học cô giáo lại phải kê bàn lựa theo ánh sáng bên ngoài chiếu vào nhưng cũng không thể đảm bảo đủ độ sáng cho các bé học tập và vui chơi. Phòng học tuềnh toàng, ngoài mấy bộ bàn ghế ra, chỉ có một số đồ dùng, đồ chơi do cô giáo tự chuẩn bị cho các bé. 4 điểm trường còn lại ở các thôn Ngòi Bang, Ngòi Ngù, Ngòi Nhầu, Ngòi Mấy hoàn cảnh cũng tượng tự, lớp thì học nhờ phòng của trường tiểu học, lớp học ở hội trường thôn, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn.

 

YB2

Cửa sổ - nguồn sáng chủ yếu giúp các em học trong gian bếp nhà anh Nguyễn Văn Quang

Cơ sở vật chất eo hẹp, chưa kể nhà trường cần có ít nhất 6 giáo viên nữa mới đảm bảo cân đối với quy mô và số lượng học sinh… nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên ở đây đều yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Từ năm 2004 đến nay tập thể nhà trường luôn giữ vững danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc và Tập thể Lao động tiên tiến. 100% số CBGV, NV đều đạt chuẩn trở lên. Chất lượng chăm sóc trẻ ngày càng được nâng cao, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về cách chăm sóc, phòng chống bệnh tật cho trẻ, nhà trường đã thực hiện đầy đủ việc khám sức khoẻ cho 100% trẻ. Qua theo dõi đa phần trẻ đều phát triển khoẻ mạnh, bình thường. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hiện còn 6,9% ( giảm 8,3 % so với đầu năm). Bên cạnh đó, Nhà trường còn nhận chăm sóc 7 gia đình chính sách tại địa phương, thường xuyên thăm hỏi mỗi dịp lễ tết.

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngoài sự đồng lòng, nhất trí của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường là sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương và kết quả của công tác xã hội hoá giáo dục. Trong những năm qua nhà trường đã vận động các bậc phụ huynh và nhân dân địa phương đóng góp nguyên vật liệu, tiền của, ngày công lao động để tu sửa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị hay chăm sóc vườn rau, làm đồ chơi cho các cháu. Ban Giám hiệu thường xuyên phối hợp với các Trưởng thôn, Bí thư chi bộ vận động nhân quyên góp xây dựng lớp học, hội trường thôn, đón trẻ em đến trường học tập.

 

YB3

Hội phụ huynh giúp nhà trường chăm sóc vườn rau sạch.

Với cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn như hiện nay, Trường Mầm non Bảo Ái đang rất cần được các cấp, ngành chức năng đầu tư xây dựng thêm phòng học kiên cố, mua sắm trang thiết bị cho công tác nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và bảo đảm đủ số lượng giáo viên đứng lớp.Làm sao các điểm trường ở thôn bản lẻ cần sớm có điện để các em có đủ ánh sáng học tâp. Có như vậy chất lượng giáo dục mầm non ở Bảo Ái nói riêng và ở huyện Yên Bình nói chung mới được nâng cao và sớm hoàn thành những mục tiêu mà ngành Giáo dục đang đặt ra./.

Vũ Đình Thơm

Phóng viên thường trú tại Yên Bái
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516