Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcTrường Tiểu học Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái: XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC GÓP PHẦN CHẮP CÁNH NHỮNG GIẤC MƠ

Trường Tiểu học Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái: XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC GÓP PHẦN CHẮP CÁNH NHỮNG GIẤC MƠ

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2012 04:32
 Ở một xã vùng đặc biệt khó khăn của miền núi, với 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế eo hẹp, xong trong những năm qua Trường Tiểu học Minh An, huyện Văn Chấn luôn là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác giáo dục. Có được thành tích này, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò, nhà trường có vai trò trọng tâm trong công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo.  

Đến thăm Trường Tiểu học Minh An hôm nay đã thấy có nhiều đổi thay đáng kể. Nhiều lớp học tạm sập sệ trước kia đã dần được thay thế bằng những phòng học xây cấp 4 kiên cố và vững chãi. Toàn trường có 4 điểm bao gồm Khe Bút, Khe Phưa, Đồng Quẻ và Liên Thành với 31 cán bộ giáo viên và 331 học sinh chia làm 17 phòng học. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Miêng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:Để có thể tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, bên cạnh việc tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về huy động thực hiện xã hội hóa giáo dục, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mỗi người dân hiểu và có trách nhiệm cùng góp sức vì chính tương lai con em họ”.

Nói là vậy nhưng việc vận động không phải đã được suôn sẻ ngay từ đầu. Đại bộ phận người dân trong xã là đồng bào dân tộc Dao, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, đời sống khó khăn, chật vật. Xác định muốn công tác XHH hoá giáo dục thành công nhất thiết phải được sự ủng hộ của cả cộng đồng. Chính vì vậy tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã kiên trì vận động để mọi người hiểu và tự động đóng góp. Cô giáo Triệu Thị Lục, người dân tộc Dao, đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường suốt 23 năm qua, chia sẻ: “Mình với bà con có nhiều cái chung nên dễ thông cảm. Nói một lần bà con chưa hiểu thì sẽ nói lần thứ 2, thứ 3, cứ như vậy dần dần tất cả mọi người đều đã hết lòng ủng hộ nhà trường. Bà con nghèo nhưng đều yêu cái chữ mà”.

Hội Phụ huynh nhà trường đã thành lập ra một ban phụ trách công tác XHH giáo dục gồm có trưởng ban, phó ban và kế toán. Ban hoạt động riêng biệt, công khai và minh bạch. Cùng với đó Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh đã xây dựng một bản cam kết với nhà trường, bản cam kết nêu rõ Hội phụ huynh sẽ chịu trách nhiệm xây dựng phòng học còn nhà trường lo phần trang thiết bị dạy và và học trong lớp.

Chỉ tính riêng năm 2011, nhà trường đã huy động được từ công tác này số tiền 134 triệu đồng, bao gồm tiền mặt và công lao động. Từ nguồn thu này đã được dùng để xây dựng 2 phòng học và một phòng chờ cho giáo viên ở thôn Khe Phưa với kinh phí 66 triệu đồng, 2 phòng học tại Điểm trường Khe Bút trị giá 55 triệu đồng. Điểm trường Khe Phưa có thêm phòng học mới không những giúp trẻ em trong thôn được học tập trong điều kiện đủ đầy hơn mà còn tạo điều kiện để một số em ở các địa bàn lân cận như đội 19 Nông trường Trần Phú; Thôn 13 xã Nghĩa Tâm và một vài em ở Thượng Bằng La và Chấn Thịnh như không còn phải đi học xa vất vả như trước nữa. Theo dự kiến năm 2012 này từ nguồn vốn XHH giáo dục sẽ xây dựng thêm một phòng học và một phòng chờ cho giáo viên tại thôn Đồng Quẻ. Hiện nay công tác này vẫn được nhà trường tiếp tục đẩy mạnh.

 

t1

Điểm lớp học khe bút khi được xã hội hóa giáo dục

Có thêm trường lớp mới các em đã được học 2 buổi trên ngày. Từ thực tế trên cho thấy nơi nào công tác XHH phát triển nơi đó sự nghiệp giáo dục sẽ chắp thêm đôi cánh cho nhiều giấc mơ học trò bay cao, bay xa mãi./.

Vũ Đình Thơm

Phóng viên thường trú tại Yên Bái
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516