Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcYên Bái: Tiếng gọi xóa trường học tạm, học nhờ ở vùng Hồ Thác Bà

Yên Bái: Tiếng gọi xóa trường học tạm, học nhờ ở vùng Hồ Thác Bà

Thứ sáu, 11 Tháng 5 2012 04:28
Yên Bình là huyện cửa ngõ phía nam của tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội gần 200km. Dọc theo tuyến đường Đông Hồ, nơi đây tuy không thuộc vùng đặc biệt khó khăn nhưng giáo dục Mầm non vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế, nhiều xã chưa có trường, nhiều nơi có trường mà cơ sở vật chất xập xệ, tạm bợ.

Ở thị trấn Thác Bà

Đến thăm Trường Mầm non thị trấn Thác Bà vào một ngày đầu tháng 5, ngôi trường gọn gàng, sạch sẽ. Tuy nhiên, các phòng học, đồ dùng tài liệu giảng dạy, công trình vệ sinh đều chưa đạt yêu cầu. Mặc dù vậy, những năm qua, vượt lên trên tất cả khó khăn đó, nhà trường vẫn liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2011 Trường Mầm non thị trấn Thác Bà đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến, với 5 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đạt được những kết quả trên là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên; đồng thời với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân đóng góp công sức, tiền của với mong muốn mang đến cho con em một môi trường học tập, vui chơi ngày một tốt hơn và hơn.

Để khắc phục những khó khăn, ngay từ đầu năm học nhà trường đã có kế hoạch cho giáo viên đến tận gia đình vận động học sinh đến lớp. Nhờ vậy tỷ lệ trẻ 5 tuổi được đến lớp trên địa bàn thị trấn đạt 100%. Kết quả năm học 2010 – 2011 trên 9,0% trẻ có sức khoẻ loại 1, gần 10% trẻ sức khoẻ loại 2. Nhà trường có 20 cháu thuộc nhóm nhà trẻ và 229 cháu mẫu giáo qua theo dõi cân đo chấm biểu đồ ở nhóm nhà trẻ 90% phát triển bình thường, 10% suy dinh dưỡng vừa. Đối với lớp mẫu giáo tỷ lệ trẻ phát triển bình thường đạt 90%, 10% còn lại là trẻ ở thể suy dinh dưỡng vừa.

tieng_goi1

Xưởngchế biến  sắn làm phòng học Mầm non tại thị trấn Thác Bà - Yên Bình

Nỗ lực là vậy, xong do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn việc đảm bảo quyền lợi cho các em vẫn gặp nhiều khó khăn. Phòng học ít, thiếu trang thiết bị nên tỷ lệ các bé 2, 3, 4 tuổi đến trường chưa cao. Hiện nay trường đang sử dụng cở sở vật chất của xưởng chế biến sắn của thị trấn Thác Bà sau nhiều lần sửa chữa nhưng vẫn chưa đảm bảo về diện tích, ánh sáng, cũng như độ an toàn của phòng học .

tieng_goi2

Nhà tạm đang rất nguy hiểm cho trẻ đang học ở Mầm non Thác Bà

Trao đổi vơi cô Phạm Thị Thu Cúc Hiệu trưởng nhà trường về vấn đề cơ sở vật chất, cô cho biết: "Do nhường đất cho trường tiểu học để đảm bảo trường chuẩn quốc gia nên trường phải chuyển về khu 4 Thị trấn Thác Bà xa khu trung tâm dân cư nên việc đi lại của phụ huynh và trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Đường vào trường chưa được bê tông hóa, nhà trường không có nhà công vụ nên việc sinh hoạt cá nhân của các cô giáo ở xã còn gặp rất nhiều khó khăn.”

Do đó, để có thể thực hiện theo đúng lộ trình phổ cập trẻ 5 tuổi của địa phương, Trường Mầm non thị trấn Thác Bà cần được quan tâm hơn nữa từ các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương như giao thêm diện tích cho điểm trường khu trung tâm để đảm bảo theo tiêu chí trường Mầm non; Xây dựng đủ phòng học để xóa các phòng học tạm, xây dựng các phòng chức năng. Đối với ngành Giáo dục, cần bổ sung đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường và các phòng chức năng tại khu trung tâm. Chính quyền địa phương cũng cần phối hợp với nhà trường để làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục.

Vươn lên trong gian khó

Chia tay với xã Yên Bình chúng tôi đến xã Vũ Linh là một xã vùng 2 của huyện. Một ngôi trường đã quá ọp ẹp nằm ngay cạnh trụ sở ủy ban nhân dân xã mà ít ai biết đến. Trường mầm non Vũ Linh có hai điểm trường. Điểm chính tại khu trung tâm gồm có 6 lớp học với tổng số 171 em học sinh, điểm lẻ thuộc thôn Quen Hen có 2 lớp mẫu giáo với tổng số 65 học sinh. Hiện tại cơ sở vật chất ở đây 100% là nhà tạm và đã xuống cấp một cách trầm trọng.

tieng_goi3

Điểm chính Trường Mầm non Vũ Linh – Yên Bình 100% nhà học tạm

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, vượt qua những thiếu thốn về cơ sở vật chất, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường đã luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Học kì I, năm học 2011 - 2012 nhà trường có 8 nhóm lớp với 236 cháu, 100% các nhóm lớp được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 67,9%. Riêng tỉ lệ trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo tại trường đạt 100%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng rất thấp, cụ thể ở nhóm lớp Nhà trẻ chiếm 0% nhóm lớp Mẫu giáo chiếm 11.8%. Nhà trường xây dựng kế hoạch chỉ đạo năm học bám sát nội dung chỉ đạo của cấp trên và phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Toàn trường có 21 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đó có 16 giáo viên đạt chuẩn và 10 giáo viên đạt trên chuẩn. Về Công tác xã hội hóa giáo dục, tổng số kinh phí huy động được tại địa phương đầu tư cho sửa chữa, xây dựng mới CSVC từ đầu năm học đến nay là 50.000.000.đồng, 150 ngày công .

Với những khó khăn hiện tại của Trường Mầm non Vũ Linh, rất mong các cấp các ngành ở địa phương quan tâm hơn nữa để nhà trường sớm được đầu tư cơ sở vật chất .

Mơ  về một ngôi trường mới

Những khó khăn đã nói ở trên của trường mầm non Vũ Linh tưởng chừng như vẫn là quá ít so với các trường mầm non, tiểu học, THCS Ngọc Chấn. Xã Ngọc Chấn cách trung tâm huyện 70 cây số, thuộc diện khó khăn nhất với 100% dân số là người dân tộc thiểu số, nhiều trẻ chưa biết tiếng phổ thông nên việc giao tiếp giữa trẻ với giáo viên còn khó khăn. Nơi đây có tới hơn 100 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (từ 0-2 tuổi) nhưng chỉ có 25 trẻ theo học, đạt 16,3%, trẻ mẫu giáo (từ 3-5 tuổi) đến trường đạt 97,63%. Trường Mầm non Ngọc Chấn được thành lập theo Quyết định số153/2003/QĐ –UBND ngày 14/08/2003 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình vậy mà đến nay chỉ thấy hai trường Tiểu học và Trung học cơ sở còn Trường Mầm non hiện đang phải học nhờ lớp của Tiểu học và Trung học, tuy một cổng ba trường nhưng thực tế chỉ có hai ngôi trường, còn  Trường Mầm non vẫn nằm trên giấy!?

Hiện nay chính quyền địa phương đã quy hoạch được đất để xậy dựng trường nhưng vì kinh phí phải trả cho giải phóng mặt bằng khá cao lại là xã vùng 3 kinh tế cực kỳ khó khăn nên cũng “lực bất tòng tâm”. Nhà trường hiện có tổng 15 giáo viên trong đó có 10 giáo viên đã trong diện biên chế, hàng ngày vẫn phải ôm đồ dùng dạy học đến địa điểm của trường phổ thông cơ sở, tiểu học để dạy “nhờ”. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng các cô giáo vẫn cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu do ngành đề ra.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã xây dựng kế hoạch năm học theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT chỉ đạo giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn hè 2011; triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; nâng cao chất lượng giờ dạy, mua sắm đầy đủ đồ dùng sách vở cho học sinh. Số GV biết ứng dụng CNTT vào giảng dạy đạt 10/11 GV. Tỷ lệ trẻ được khám sức khoẻ định kì, cân đo theo dõi sức khoẻ bằng biểu đồ: Nhà trẻ đạt 100 %; Mẫu giáo đạt 100 %. Theo dự kiến, năm 2014 Trường sẽ đạt phổ cập mẫu giáo 5 tuổi và  phấn đấu đạt chuẩn năm 2019.

Mong mỏi lớn nhất của cô – trò Trường Mầm non Ngọc Chấn là được ngồi học trong ngôi  trường mới, năm học tới. Nhưng không biết bao giờ ước mơ ấy mới trở thành hiện thực vì đến giờ này, câu chuyện tìm nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng xây dựng Trường Mầm non ở xã Ngọc Chấn vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Tạm biệt vùng Hồ Thác Bà chúng tôi mong rằng dự án “Giáo dục mầm non cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” sẽ được thực hiện có hiệu quả để xây dựng phòng học còn thiếu cho cấp học mầm non và trang bị đủ bộ thiết bị tối thiểu cho các lớp học… Rất mong các cấp các ngành cùng các tổ chức kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước lắng nghe tiếng gọi từ nơi này, đồng thời sớm chung tay giúp đỡ mầm non vùng Hồ Thác Bà./.

Vũ Đình Thơm

Phóng viên thường trú tại Yên Bái

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516