Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐi tìm nguyên nhân nền giáo dục... tụt hậu

Đi tìm nguyên nhân nền giáo dục... tụt hậu

Thứ ba, 02 Tháng 10 2012 06:41
Trước thực trạng của nền giáo dục nước nhà được cho là đang xuống dốc, nhiều trí thức liên tục nhắc lại: Giáo dục Việt Nam cần có một cuộc Tổng điều tra toàn diện, khoa học với quy mô thích hợp để xác định thực trạng và nguyên nhân.
"Tổng điều tra tìm nguyên nhân giáo dục tụt hậu"

Cải cách giáo dục là một vấn đề quá lớn và cũng đã được nhiều người quan tâm, nhiều hội thảo đã đề cập. Về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng giáo dục quốc dân là một sự nghiệp lớn của cả dân tộc, nếu để nói về thực trạng của nền giáo dục bây giờ đã có quá nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhiều ý kiến cho là bất cập, yếu kém, lạc hậu, hay có người còn cho là đi lạc hướng, thậm chí là đã góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội.

Cũng theo GS Châu thì để có được cơ sở vững chắc cho một đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay, có lẽ cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện, khoa học với quy mô thích hợp.
 
“Trong một môi trường xã hội mà văn hóa, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái như Nghị quyết 4 đã nêu, thì không thể không ảnh hưởng đến toàn xã hội trong đó có giáo dục, không thể đơn thuần quy là do lỗi của giáo dục trong việc làm băng hoại đạo đức, văn hóa, xã hội. Hiện tượng nhà trường nào đó và các thầy nào đó "bán bằng", một bộ phận học trò học chỉ để có "bằng" có phần lỗi của hệ thống quản lý giáo dục, nhưng lỗi này chỉ có thể phát sinh, nẩy nở và phát triển trong một môi trường xã hội mà có sự hiện diện của việc mua quan bán chức quyền, kiếm được việc làm...”, GS Châu chỉ rõ nguyên nhân không chỉ của giáo dục xuống cấp.
 

Đồng ý với ý kiến của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, GS Chu Hảo cho rằng, để đi đến đồng thuận xã hội và nhất trí trong các cấp lãnh đạo về thực trạng giáo dục chúng ta cần phải tiến hành một cuộc tổng điều tra giáo dục ở quy mô Quốc gia với các phương pháp và công cụ hiện đại, công cuộc điều tra này thậm chí rất tốn công, tốn của, tốn thời gian nhưng sẽ có được giữ liệu khách quan trọng một bức tranh toàn cảnh chân thực nhất.

 nguyennhan2

GS Chu Hảo: Hội nghị Trung ương 6 sắp tới cần căn cứ vào thực tế, nên ngắn gọn, không kể lể dài dòng thành tích và tồn tại theo kiểu “ba sôi hai lạnh”, về nguyên nhân thành công và yếu kém, thời cơ và thách thức v.v… mà đi thẳng những vấn đề cần quyết và cần chỉ đạo. Ảnh: Xuân Trung

 

Theo GS Chu Hảo, nhất thiết phải có một cuộc điều tra quy mô về giáo dục để có được các dữ liệu khách quan trong một bức tranh toàn cảnh chân thực, không thể căn cứ vào các bản báo cáo chính thức của ngành giáo dục và các kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học ở từng mảng vấn đề hẹp. Các hội thảo khoa học từ trước tới nay chúng ta tổ chức ra cũng chỉ có tính gợi mở theo cảm tính mà thôi. 

 
“Trên cơ sở kết quả của cuộc tổng điều tra này chúng ta mới có thể biết thực sự nền giáo dục của chúng ta yếu kém nhầ ở những khâu nô? Yếu kém đến mức độ nào để đề xuất phương án cải cách? Thiếu kết quả của một cuộc tổng điều tra như thế mọi kiến nghị cải cách giáo dục chỉ mang tính gợi ý chứ không thể là các chương trình hành động khả thi”, GS Chu Hảo khẳng định.
 
Nghị quyết Trung ương 6 nên cụ thể từng vấn đề
 
Đứng trước sự khó khăn và thách thức của nền giáo dục Việt Nam, không trí thức nào tâm huyết với giáo dục lại thời ơ, GS Chu Hảo thẳng thắn nêu ý kiến với Hội nghị Trung ương 6 sắp tới cần căn cứ vào thực tế, nên ngắn  gọn, không kể lể dài dòng thành tích và tồn tại theo kiểu “ba sôi hai lạnh”, về nguyên nhân thành công và yếu kém, thời cơ và thách thức v.v… mà đi thẳng những vấn đề cần quyết và cần chỉ đạo.

Nghị quyết cần khẳng định nền giáo dục đang khủng hoảng và cần tiến hành một cuộc cải cách triệt để, chỉ nêu rõ những mục tiêu và phương hướng cải cách chứ không đề ra các nguyên tắc cụ thể vì việc đề ra các nguyên tắc là việc của các chuyên gia.

“Hội nghị cũng cần thành lập UBQG về cải cách giáo dục độc lập đối với Bộ GD&ĐT để thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức tiến hành cuộc Tổng điều tra giáo dục trong năm 2013. Tổ chức soạn thảo Đề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện bắt đầu từ 2015. Nếu Dự thảo Nghị quyết Trung ương lần 6 về giáo dục không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu ấy thì quyết không nên ra Nghị quyết, bởi nếu không nền giáo dục của chúng ta sẽ không có đường ra khỏi khủng hoảng trong nhiều năm nữa”, GS Chu Hảo cảnh báo.
 
Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cũng cho rằng, cần rà soát lại yêu cầu, mục tiêu đào tạo về kiến thức lý thuyết và thực hành, nhân cách, kỹ năng sống cho người học của từng bậc học, từng lọai hình đào tạo, thật rõ ràng cụ thể thiết thực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước ta đáp ứng yêu cầu của nước ta về hội nhập quốc tế. 
 
Hiện nay  giáo dục chúng ta chủ yếu coi trọng đầu vào mà không sàng lọc học sinh ở khâu đầu ra, về vấn đề này GS Châu đề nghị cần quan tâm đến chất lượng đầu ra, quan tâm nhiều và đặc biệt có biện pháp, hình thức kiểm tra thích hợp để bảo đảm chuẩn chất lượng sản phẩm của mỗi bậc học trong suốt quá trình đào tạo. 
 
“Có cần quá chú trọng mất nhiều công sức, tiền bạc như hiện nay để chỉ sàng lọc đầu vào không? Sau đó lại không sàng lọc, do đó không khuyến khích được người học phải cố gắng trong quá trình học. Chất lượng đầu ra không bảo đảm dẫn đến một thực tế có sự quá khác nhau về trình độ giữa những người có cùng một "tầm bằng" xác nhận trình độ. Điều này còn dẫn đến sự bất công về cơ hội việc làm, nhất là trong điều kiện có nhiều tiêu cực mà không phải dễ khắc phục và có thể giải quyết trong thời gian ngắn”, GS Châu khẳng định.
 
Theo GS Châu, những người có trách nhiệm ở tất cả các cấp, kể cả thành viên của hội đồng tư vấn cần làm đủ chức năng nhiệm vụ và phải có cơ chế quy định về việc chịu trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Giáo dục không chỉ đi xuống mà còn khủng hoảng.
 
“Chúng ta đã đi qua mấy cuộc cải cách giáo dục, hiện nay chúng ta vẫn nói tình hình giáo dục đang khủng hoảng, cho tới bây giờ chữ “khủng hoảng” không phải đã lột tả hết được vấn đề. Nhưng tôi thấy điều đáng chú ý hơn là xu thế càng ngày giáo dục càng đi xuống, theo tôi cái đó còn quan trọng hơn.
 
Vì sao chúng ta đã qua mấy cuộc cải cách giáo dục nhưng giáo dục vẫn đi xuống? Tôi nghĩ rằng cách đặt vấn đề giáo dục của chúng ta từ sau năm 1975 là không trúng. Cách đây một thế kỷ đứng trước họa mất nước, khủng hoảng sau phong trào Cần Vương và thất bại, lúc đó cũng có nhiều người suy nghĩ về nguyên nhân mất nước, lúc đó nhiều người vẫn nói Phan Châu Trinh đi tìm nguyên nhân của việc mất nước, và Cụ thấy rằng nguyên nhân nằm trong văn hóa, để giải quyết nó phải giải quyết bằng giáo dục, nên ông mới nói “Khai dân trí, chấn dân khí…”, mất nước vì văn hóa chúng ta thấp hơn đối thủ một thời đại.
 

Nhà văn Maksim Gorky cũng đã nói chỉ có văn hóa và giáo dục thì mới thay đổi được dân tộc, trong văn hóa phải làm mới giáo dục. Tôi mong rằng mình đứng ở một chỗ như vậy để thấy cần phải thay đổi, vì sao sau năm 1975 xã hội suy đồi, giáo dục đi xuống. Chúng ta giải quyết các vấn đề SGK, chương trình, hệ thống, giải quyết cách dạy và học. Qua việc giáo dục này là làm lại dân tộc này, chữa bể cho dân tộc, để dân tộc không đi lạc với nhân loại mà còn đi đồng bộ với những giá trị phổ quát của nhân loại. Khi mà chưa làm được thì những cái chúng ta bàn đổi mới cũng chỉ là hành chính thôi.

 
 
Theo Xuân Trung (GDVN)
 
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516