Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ trường đại học Bình Dương

Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ trường đại học Bình Dương

Thứ tư, 19 Tháng 9 2012 08:47
GS.VS. Cao Văn Phường Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hiệu trưởng Đại học Bình Dương Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, trường Đại học Bình Dương đã phát thảo chiến lược xây dựng phát triển trường trở thành Đại học Kinh tế Sinh thái đa lĩnh vực, đa cấp, đa hệ, trở thành “Siêu thị tri thức”, từ triết lý, quan điểm, khái niệm, mục tiêu, chương trình, phương pháp giáo dục, đề xuất những giải pháp cho mô hình đại học, nêu lên những kiến nghị với nhà nước nhằm xây dựng nền giáo dục mở của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người có quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng phát triển giáo dục. Phát thảo này được xây dựng từ năm 2002 và đã được Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học Bình Dương nhiều lần đóng góp. Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu đến Quý Thầy, Cô nhân kỷ niệm 15 năm thành lập trường Đại học Bình Dương.

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Tiềm năng của mỗi quốc gia ngày nay không chỉ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng của con người, phụ thuộc vào khối lượng tri thức, phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức, văn hóa của nhân loại hàm chứa trong đại đa số dân chúng của quốc gia đó, phụ thuộc vào trình độ dân trí, năng lực tư duy độc lập, lao động sáng tạo, tạo ra công nghệ làm cho lao động của con người có hiệu quả, từ đó tạo ra những sản phẩm vật chất hay tinh thần đáp ứng nhu cầu, yêu cầu cuộc sống bản thân, cộng đồng, xã hội.

Nước ta đang hòa nhập vào nền kinh tế mở - nền kinh tế thị trường mà đặc trưng cơ bản của nó là “Liên kết cạnh tranh – Cạnh tranh liên kết”, mỗi người chỉ có thể thành công thông qua xây dựng mối liên kết cạnh tranh – cạnh tranh liên kết. Muốn vậy, mọi người phải học tập, rèn luyện liên tục, học tập suốt đời, hoàn thiện phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội, với thiên nhiên, năng lực tư duy độc lập, lao động sáng tạo, lao động có hiệu quả. Vì vậy, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động giáo dục, khoa học công nghệ của nhà trường là nhu cầu cấp thiết.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt những định hướng xây dựng phát triển Đại học Bình Dương trở thành “ Siêu thị tri thức” của mọi người, vì mọi người, cho mọi người.

A. Triết lý, quan điểm, khái niệm, nền tảng để xây dựng và phát triển Đại học Bình Dương:

1.Triết lý:

Con người sinh ra, ai cũng có quyền bình đẳng cùng tồn tại và phát triển bền vững. Vì vậy, xây dựng nền kinh tế sinh thái trong đó con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là động lực lao động sáng tạo của con người.

Để sinh tồn và phát triển, mỗi người phải tự thân lao động, lao động sáng tạo, lao động có hiệu quả để tạo ra những sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng đáp ứng yêu cầu của cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, bảo vệ môi trường sống, đó là đạo lý, là phẩm chất cơ bản nhất mà mỗi người cần phải có. Phẩm chất đạo đức đó được lượng giá thông qua:

Trách nhiệm với bản thân
Trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng
Trách nhiệm với xã hội
Trách nhiệm với thiên nhiên.

Để thực hiện được điều đó, mỗi người cần phải không ngừng học tập, rèn luyện, học liên tục, học suốt đời, học ở mọi nơi, học ở gia đình, ở trường, ở công sở, học ở thầy, học ở bạn bè, học ở cộng đồng, ở đối tác. Để học tập suốt đời có kết quả, mỗi người cần xây dựng cho mình phương pháp học tập thích hợp, rèn luyện tính chủ động trong học tập. Một trong những phương pháp học tập có hiệu quả đó là phương pháp “Cộng học” giữa thầy và trò, giữa trò với trò, giữa người học với cộng đồng xã hội. Phương pháp “Cộng học” được xây dựng trên nguyên tắc 4 chữ “H”:

HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH
Đây chính là nguồn gốc sâu xa, tính nhân bản của việc xây dựng nền giáo dục mở.
2.Quan điểm:
Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng phát triển giáo dục.
Giáo dục là quá trình tiến hóa (Evolution), không phải là cuộc cách mạng (Revolution). Quá trình tiến hóa có chọn lọc, những gì phù hợp với quy luật sẽ được bảo tồn và phát triển.
3.Khái niệm về giáo dục:

Ngày nay khi công nghệ truyền thông, phát thanh truyền hình, mạng internet tạo nên một thế giới mở, vì vậy khái niệm giáo dục không còn dừng lại ở việc dạy và học ở trong nhà trường. Khái niệm giáo dục được hiểu như là: Sự tác động nhiều chiều của môi trường thông tin (thông tin vũ trụ, thông tin môi trường thiên nhiên, thông tin xã hội, thông tin khoa học công nghệ…) lên con người giúp cho họ hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.

-  Dạy học tức là gợi mở, giúp người khác (và ngược lại) hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.

-  Học là để hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.

B. Mục tiêu hành động, tôn chỉ mục đích và lời thề của sinh viên tốt nghiệp.

1.Mục tiêu hành động của Đại học Bình Dương:

Phát huy tiềm năng của xã hội, Đại học Bình Dương quyết tâm xây dựng và phát triển trở thành trường đại học kinh tế sinh thái đa lĩnh vực, trở thành “Siêu thị tri thức” đa hệ (vừa học vừa làm, đào tạo qua phát thanh truyền hình, đào tạo trực tuyến qua cầu truyền hình, qua mạng Internet…), đa cấp đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, học liên tục, học suốt đời của nhân dân.
2.Tôn chỉ mục đích của Trường:
Với triết lý, quan điểm vừa nêu trên, tôn chỉ mục đích của Đại học Bình Dương là:
“Cổ vũ tinh thần ham học hỏi
Đề cao khả năng tự đào tạo
Dấn thân vì sự nghiệp nâng cao dân trí
Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài
cho xã hội Việt Nam phát triển”
Lời thề của sinh viên tốt nghiệp:“Nguyện suốt đời tự hoàn thiện bản thân, phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì sự phồn vinh của tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”
C. Phân tầng mục tiêu đào tạo, yêu cầu chất lượng, phương pháp đào tạo, động cơ học tập:
1.Chuyển đổi chương trình đào tạo niên chế sang chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ (Credit System):

Mục tiêu quan trọng trong việc chuyển đổi chương trình đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ là nhằm cải tiến chất lượng đào tạo và làm cho chương trình đào tạo thích ứng với nhu cầu thị trường về nguồn nhân lực trong quá trình đất nước hòa nhập vào nền kinh tế mở - kinh tế thị trường.

Mô hình đào tạo niên chế được xây dựng nhằm phục vụ cho nền kinh tế hoạch định: Đào tạo ai? Làm gì” Ở đâu?. Theo mô hình đào tạo này, từ khâu tuyển sinh, học tập ở lớp, thực tập ở phòng thí nghiệm, kiểm tra, xét lên lớp, ở lại lớp, thi tốt nghiệp đều theo quy trình khép kín, quy định hành chính, người học không có điều kiện tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội trong quá trình học tập.

Theo mô hình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, cho phép người học lựa chọn và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình trong việc xây dựng kế hoạch học tập, lựa chọn môn học, có thể chuyển đổi, điều chỉnh ngành nghề và kế hoạch học tập sao cho phù hợp với khả năng, năng lực và sở thích, phù hợp với điều kiện thời gian, điều kiện về tài chính. Đây cũng là nhu cầu bức xúc của người lao động trong nền kinh tế mở - kinh tế thị trường. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép học viên lựa chọn các môn nhiệm ý, giúp cho họ có điều kiện tự hoàn thiện mình một cách toàn diện.

Mô hình đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép các giảng viên chia cắt chương trình đào tạo thành những module chứa đựng khối lượng kiến thức có thể đo lường được để người học tích lũy các tín chỉ có thể ghép nối lại với nhau để dẫn đến bằng cấp theo quy định ở những thời điểm thích hợp với hoàn cảnh của học viên. Tất cả những điều vừa nêu trên là sự khác biệt cơ bản giữa hai chế độ đào tạo theo niên chế và đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Đây là bản chất chủ yếu của nền giáo dục mở, là điều kiện cần để nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo liên thông ngang, liên thông dọc giữa các cấp học, liên thông giữa các hệ đào tạo chính quy, không chính quy, giữa hệ đào tạo không lấy bằng cấp với hệ thống lấy bằng cấp, tạo cơ sở cho sự phân tầng trong mục tiêu đào tạo.

2.Phân tầng mục tiêu chương trình đào tạo:

Mỗi trường đại học có sứ mệnh riêng của mình, trong nền kinh tế mở - kinh tế thị trường, nhu cầu và yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực được phân tầng mục tiêu đào tạo ngay trong cùng cấp học, đặc biệt là mục tiêu đào tạo, việc phân tầng cấp học đại học là vấn đề cần thiết.

Vì vậy, lựa chọn chính xác mục tiêu, chương trình, nội dung và hình thức đào tạo cho phép nhà trường quyết định đầu tư cho các nguồn lực về con người, vật chất, hệ thống tổ chức thích hợp nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và tạo nên sự khác biệt giữa các trường đại học khác trong hệ thống đại học.

Bất kỳ một sản phẩm nào ra đời cũng phải trải qua hai giai đoạn chủ yếu sau:

Giai đoạn đầu: Các nhà công nghệ dựa vào loại sản phẩm, yêu cầu chất lượng sản phẩm để nghiên cứu tạo ra dây chuyền công nghệ, những cán bộ khoa học thực hiện nhiệm vụ này được đào tạo theo chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, sự khác biệt chủ yếu ở phần cơ sở kỹ thuật những cán bộ khoa học được đào tạo theo chương trình đào tạo này được gọi là cử nhân (hoặc kỹ sư) nghiên cứu công nghệ.

Giai đoạn tiếp theo: Khi đã có dây chuyền công nghệ, để tạo ra sản phẩm cần có những cán bộ khoa học kỹ thuật hiểu biết công nghệ để tổ chức khai thác công nghệ phục vụ sản xuất. Chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật cho giai đoạn này được thiết kế rút gọn thời gian và khối lượng kiến thức ở phần cơ sở kỹ thuật, tăng cường thời gian và khối lượng kiến thức ở phần chuyên ngành. Kỹ sư đào tạo theo chương trình khai thác công nghệ ở giai đoạn II, được gọi là kỹ sư thực hành.

Thực tế các chương trình đào tạo nếu được thiết kế theo hệ thống tín chỉ thì việc liên thông giữa cử nhân nghiên cứu và kỹ sư thực hành rất thuận lợi.

Mục tiêu chương trình đào tạo của Đại học Bình Dương là : Đào tạo kỹ sư, cử nhân thực hành các ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, xã hội nhân văn... có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có sức khỏe, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước hòa nhập thắng lợi vào nền kinh tế mở - kinh tế thị trường.

BD1

3.Yêu cầu chất lượng đào tạo:
Sinh viên tốt nghiệp Đại học Bình Dương phải có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có sức khỏe, cụ thể:
Phẩm chất đạo đức đó được lượng giá thông qua:
–  Trách nhiệm với bản thân
–  Trách nhiệm với gia đình, cộng đồng
–  Trách nhiệm với xã hội
–  Trách nhiệm với thiên nhiên
Năng lực chuyên môn nghiệp vụ cụ thể qua:
–  Có năng lực tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ.
–  Có năng lực tư duy độc lập, lao động sáng tạo, lao động hiệu quả.
–  Có khả năng liên kết cạnh tranh – cạnh tranh liên kết.
–  Sử dụng thông thạo tiếng Anh (hoặc một trong những ngoại ngữ: Nga, Trung, Đức, Pháp), máy tính để phục vụ cho công tác chuyên môn.
 
4.Phương pháp đào tạo:
Để mọi người có thể học tập thường xuyên, học tập suốt đời, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là chuyển đổi phương pháp đào tạo thụ động, mệnh lệnh hành chính, quá phụ thuộc vào thầy giáo, sách vở sang phương pháp chủ động, phát huy tính tích cực của học viên.
Để thực hiện được mục tiêu trên, công tác giáo dục của Trường Đại học Bình Dương được thực hiện thông qua phương pháp “Cộng học” giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa người học với những người xung quanh, với cộng đồng xã hội.
Phương pháp cộng học được xây dựng trên nguyên tắc 4 chữ “H”:
Học là để biết cách học như thế nào
Học là để biết cách Hỏi
Hỏi để học
Hỏi để hiểu (để tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.)
Hiểu phải hiểu đúng
Hiểu đúng thì hành mới đúng
Hành đúng mới có hiệu quả
Hành có hiệu quả mới tạo ra được sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng, đảm bảo nhu cầu bản thân, gia đình,cộng đồng, xã hội, mới có điều kiện bảo vệ thiên nhiên.
Thực hiện phương pháp cộng học sẽ tạo môi trường dân chủ, tư duy độc lập ngay trong quá trình học tập, tạo điều kiện để mọi người có thể học tập liên tục, học suốt đời, học ở bất cứ nơi đâu. Mọi người có thể vừa là người học vừa là người dạy, tạo nên xã hội học tập.
 
HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH là nền tảng để mọi người hoàn thiện tinh thần trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách  nhiệm với xã hội, trách nhiệm với thiên nhiên, là phẩm chất cơ bản nhất mọi người cần phải có. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết để mỗi người thực hiện liên kết cạnh tranh - cạnh tranh liên kết, là đặc trưng cơ bản nhất của nền kinh tế mở - kinh tế thị trường.
Phương pháp “Cộng học” và tinh thần trách nhiệm có thể triển khai ở mọi cấp học  từ mẫu giáo mầm non đến sau đại học. Phương pháp “Cộng học” giúp cho các em ngay từ nhỏ được rèn luyện tính tự lập, chủ động, tư duy độc lập, lao động sáng tạo và tạo mối liên kết làm việc tập thể.
 
5. Động cơ học tập:
Trong nền kinh tế mở - kinh tế thị trường, sự thành đạt của mỗi người tùy thuộc vào năng lực lao động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, để đạt được điều đó mỗi người phải hiểu rõ học tập là cho chính mình, phải thực học và phải tự mình đánh giá được chính mình, mục đích cao cả của giáo dục là làm cho mỗi người tự đánh giá đúng về mình, tư duy độc lập, lao động sáng tạo, lao động có hiệu quả mới lo được cho bản thân, cho gia đình, cộng đồng và xã hội, có điều kiện bảo vệ thiên nhiên.
Đây vừa là triết lý, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là phương pháp mà Đại học Bình Dương phấn đấu.
 
D. Những giải pháp chủ yếu để xây dựng phát triển Trường Đại học Bình Dương trở thành  “Siêu thị tri thức”:
Để hoàn thành sứ mệnh của mình nhằm phấn đấu xây dựng và phát triển Đại học Bình Dương trở thành Đại học Kinh tế Sinh thái – “Siêu thị tri thức” đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, góp phần tạo nên một xã hội học tập, Đại học Bình Dương thực hiện một số nhóm công việc sau:
1. Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý giáo dục đồng bộ, bao gồm: Hội đồng khoa học trường, Hội đồng khoa học ngành, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, phục vụ giảng dạy…
2. Hàng năm Hội đồng khoa học trường, Hội đồng khoa học ngành đào tạo hoàn thiện mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy đảm bảo cho chương trình đào tạo đạt 3 yêu cầu: Cơ bản, hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước theo hướng đa dạng chương trình đào tạo, đa cấp, đa hệ, chính quy, không chính quy, ngắn hạn, dài hạn,…
3. Phát huy tiềm năng của xã hội, đầu tư thích đáng, xây dựng cơ sở vật chất, vật tư kỹ thuật đảm bảo chất lượng cho các hoạt động giáo dục toàn diện của nhà trường có chất lượng, bao gồm cơ sở trường lớp, phòng thí nghiệm, hệ thống ký túc xá, cơ  sở văn hóa, thể dục thể thao,… Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở kỹ thuật đảm bảo chất lượng cho hệ thống đào tạo không chính quy, hệ đào tạo từ xa.
4. Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu  của học viên và giảng viên, xây dựng thư viện điện tử kết nối mạng internet.
5. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tiềm năng của xã hội để xây dựng và phát triển nhà trường.
6. Hoàn thiện môi trường văn hóa nhà trường trên cơ sở không ngừng HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH, nhằm hoàn thiện trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường.
7. Xây dựng mối quan hệ hợp tác trong ngoài nước, dựa trên quan điểm bình đẳng đôi bên cùng có lợi, thực hiện nguyên tắc liên kết cạnh tranh, cạnh tranh liên kết, xây dựng Trường Đại học Bình Dương trở thành tổ hợp Giáo dục – Khoa học Công nghệ - Kinh tế.

E. Kết luận:

Sự hòa nhập vào nền kinh tế mở, kinh tế tri thức có thành công nhanh hay chậm tùy thuộc vào chiến lược xây dựng, phát triển giáo dục “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”. Đổi mới đó được bắt đầu từ nhận thức về quan điểm, triết lý, khái niệm về giáo dục trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần làm rõ về mục tiêu, nội dung, đặc biệt là phương pháp giáo dục để mọi người có thể học tập liên tục, học suốt đời để hoàn thiện tinh thần trách nhiệm của mình với bản thân, với gia đình, với xã hội, với thiên nhiên trên nền tảng không ngừng HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH.

Phải kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới chương trình, mục tiêu, phương pháp đào tạo với công tác khoa học công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, phát triển nông thôn, gắn hoạt động nhà trường với hoạt động kinh tế xã hội.

Sự  đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ trường Đại học Bình Dương, phải được bắt đầu tập trung đầu tư xây dựng hệ thống 07 giải pháp nêu trên một cách đồng bộ, xuyên suốt, không xem nhẹ bất kỳ giải pháp nào, từ hoàn thiện chiến lược xây dựng phát triển nhà trường, xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý; hoàn thiện chương trình mục tiêu đào tạo đảm bảo tính cơ bản, hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo những điều kiện cần thiết cho các hoạt động giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ có chất lượng, có hiệu quả.

Để đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của nhà trường đi đến thành công theo hướng mở phải thực hiện tốt chính sách xã hội hóa giáo dục, phát huy năng lực xã hội dựa trên quan điểm “Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng phát triển giáo dục”, tạo thế chủ động sáng tạo cho các cơ sở, xóa bỏ cơ chế xin cho, chính sách xã hội hóa thực hiện thông qua sự gắn kết giữa công tác đào tạo, công tác khoa học công nghệ với các công ty, xí nghiệp, với các cơ sở sản xuất và các hoạt động kinh tế xã hội tạo nên “ Mô hình giáo dục – khoa học công nghệ - kinh tế xã hội”.

BD2

Ngày 20 tháng 12 năm 2002, Lễ trao bằng tốt nghiệp sinh viên khóa I.
Từ trái sang: PGS.TS Nghiêm Đình Vì – Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương,
Ông Hồ Minh Phương – Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Dương, GS.TS Trần Hồng Quân – Nguyên Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TS Cao Văn Phường – Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Đại học Bình Dương.
 
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516