Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcẤn tượng về trường đại học Bình Dương

Ấn tượng về trường đại học Bình Dương

Thứ ba, 18 Tháng 9 2012 07:31
Thấm thoắt 20 năm đã trôi qua, tôi có nhiều dịp đến làm việc với một số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhưng đây là lần đầu tiên tôi ở lại dài nhất để tìm hiểu một mô hình giáo dục đào tạo, đó là Trường Đại học Bình Dương.

Binh_Duong

GS.VS. Trần Văn Khê, các thầy cô chúc mừng GS.VS. Cao Văn Phường đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.

Ngôi trường tạo ấn tượng và cuốn hút tôi trước hết bằng những Triết lý giáo dục rất rõ ràng, cô đọng trong bốn chữ “HỌC – HỎI – HIỂU – HÀNH” được khắc họa trên một tảng đá lớn đặt trang trọng trước sân trường bên cạnh Đại lộ Bình Dương. Những tập sách KIM CHỈ NAM do Nhà trường biên soạn phát hành “nhằm cung cấp cho SV những chương trình hàn lâm một cách tổng quát nhất…” nhưng “không phải là một cam kết bất biến…” – Điều này thật độc đáo hiếm có một trường học khác làm được!?

Binh_DUong1

Ngày 27 tháng 1 năm 2010, Đoàn Giáo sư Viện Hàn Lân Khoa học Công nghệ Liên Bang Nga do GS.VS. Gulyaev Y.V - Chủ tịch - Trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm với các GS Trường Đại học Bình Dương trước biểu tượng triết lý giáo dục.

Tôi ngạc nhiên và khâm phục khi thấy danh sách hơn 50 vị Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ, Nhà giáo… những trí thức hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của nước ta và nước ngoài như: Liên Bang Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản… tập hợp trong Hội đồng GD&ĐT của trường để sẻ chia, hợp tác công việc đào tạo nguồn nhân lực mới cho đất nước. Tôi bất ngờ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi biết, từ TP. Thủ Dầu Một, nơi đứng chân của trường, cách xa hàng trăm, hàng ngàn km với bao vực sâu, đèo cao…tại điểm đầu của miền Tây Bắc và điểm cực Nam Tổ quốc là hai tỉnh Lai Châu và Cà Mau, ở đó Trường Đại học Bình Dương đã có hàng ngàn SV theo học. Đặc biệt, ngày 26, 27 tháng Tám 2012 vừa qua đã có hơn 400  thí sinh từ nhiều địa phương về hai địa điểm của trường tại TP. Thủ Dầu Một và TP. Cà Mau dự thi “đầu vào” để chọn lấy 200 học viên lớp Cao học khóa 5. Nhiều người muốn lấy bằng Thạc sĩ của Trường Đại học Benedictine – Hoa Kỳ liên kết đào tạo với Trường Đại học Bình Dương, họ đang theo học khóa thứ 2.

15 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Bình Dương đã thực sự trở thành một trường đại học kinh tế sinh thái đa lĩnh vực, bao gồm 13 ngành đào tạo với 35 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, khoa học xã hội nhân văn, đa cấp, đa hệ. Nhà trường đã tổ chức đào tạo hơn 45.000 lượt học viên và các cấp học: thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp với nhiều hình thức đào tạo; đào tạo chính quy và không chính quy, đào tạo từ xa qua đài phát thanh truyền hình, mạng internet. Nhà trường đã cung cấp cho xã hội 14.202 học viên tốt nghiệp 11 khóa, trong đó có 9.645 cử nhân đại học và cao đẳng; 4.457 SV hệ đào tạo ĐH từ xa và trung học chuyên nghiệp; 70 thạc sĩ, trong đó có 24 thạc sĩ do Đại học Benecdicitine Hoa Kỳ cấp bằng. Số SV tốt nghiệp ra trường đã góp phần tích cực vào các hoạt động kinh tế xã hội cua địa phương và khu vực. Nhiều người trong số họ đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các công ty, xí nghiệp; nhiều người tiếp tục con đường học vấn trở thành thạc sĩ, tiến sĩ tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ĐH.

Một trong những thành công của Trường Đại học Bình Dương 15 năm qua đó là, Nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ liên kết hợp tác với 17 cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu trong nước và 17 trường ĐH, viện nghiên cứu các nước. Trường Đại học Bình Dương đã xây dựng được hệ thống tổ chức với hơn 1.200 cán bộ khoa học, nhân viên, cộng tác viên làm việc thường xuyên đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả cao. 15 năm qua đã có 110 cán bộ hoàn thành các chương trình đào tạo sau đại học là thạc sĩ, tiến sĩ, đã có 2 tiến sĩ được phong hàm Phó Giáo sư. Nhà trường đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước với người lao động như: đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế và các chính sách khác.

Là trường ĐH ngoài công lập phải tự tạo nguồn kinh phí, 15 năm qua, từ thu không đủ chi, cơ sở trường lớp hầu như không có gì, nợ phải trả hơn 12 tỷ đồng; Phát huy tiềm năng trong xã hội, nhà trường đã nhận được sự chung sức của nhiều nhà giáo tâm huyết với giáo dục, góp vốn xây dựng trường. Hàng năm nhà trường trích 20% trên tổng thu dành cho xây dựng cơ sở vật chất; vì vậy nhà trường không chỉ thanh toán những khoản nợ phải trả, đồng thời nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu dạy và học, các hoạt động vui chơi giải trí của thầy và trò với tổng giá trị là 368.562.226.653 đồng  (theo đánh giá của Công ty Cổ phần thẩm định giá Đông Á ngày 12 háng 12 năm 2011). Nhà trường có tổng diện tích xây dựng 37.000m2 bao gồm 4 cơ sở và Chi nhánh Cà Mau. Nhà trường đã được UBND các tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long, Cà Mau giải quyết 360.000 m2 (36 ha) để xây dựng cơ sở trường lớp và các dịch vụ công cộng cho SV với cơ sở vật chất hiện có, đảm bảo chất lượng cho các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ của trường.

Điều gì đã  làm nên sức sống và vị thế của Trường Đại học Bình Dương hôm nay? Câu trả lời ngắn gọn mang tính nguyên lý đã chỉ ra rằng:  Vai trò tổ chức, lãnh đạo của Người đứng đầu là quyết định, dù tập thể đó lớn hay nhỏ. Giáo sư -Tiến sĩ khoa học - Viện sĩ Cao Văn Phường làm Chủ tịch HĐQT – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương từ năm 2001 đến nay. Trước đó ông rất thành công khi đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện Đào tạo Mở rộng, Thành viên sáng lập, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở -  Bán công TP. Hồ Chí Minh (1990 -10/1995). Trên cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Nhà trường, GS.VS Cao Văn Phường đã cùng Ban Lãnh đạo không ngừng phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua bao khó khăn gian khổ để xây dựng được Trường Đại học Bình Dương như ngày nay. Trong công tác và đời sống ông có sức cuốn hút mọi người rất lớn bằng trí tuệ và tình cảm, trong đó có  sự bình dị, khiêm nhường được thể hiện cả  trong Lời Ngỏ ở đầu cuốn KIM CHỈ NAM: “Công tác giáo dục của nhà trường được thực hiện thông qua phương pháp “ CỘNG HỌC”  giữa thầy và trò”. Đó chính là phương châm cơ bản của giáo dục và đào tạo mà GS. VS Cao Văn Phường luôn tâm huyết. Ông đã dành nhiều công sức đầu tư nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn đời sống để mong đạt tới giá trị nhân văn đích thực đó là, ai cũng có cơ hội học tập, học bằng nhiều hình thức khác nhau, học ở mọi nơi, mọi lúc và học suốt đời...

Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, tỉnh Bình Dương nhiều năm là địa phương luôn dẫn đầu cả nước thu hút vốn đầu tư để làm nên một vóc dáng, một phong cách hiện đại. Ở đó và các tỉnh thành phố trong khu vực cùng cả nước đã có hàng ngàn cựu SV trưởng thành từ Trường Đại học Bình Dương đóng góp. Họ đang tiếp tục say mê cống hiến sức lực, trí tuệ để làm giàu cho bản thân và cho quê hương đất nước.

Ban Biên tập Tạp chí Giáo dục & Xã hội đã ra số đặc biệt về Trường Đại học Bình Dương và xin chúc mừng những thành tựu vẻ vang do các thầy cô, mỗi cán bộ, nhân viên, SV Nhà trường phấn đấu đạt được 15 năm qua. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới các nhà khoa học quản lý giáo dục, nhà báo, học sinh, SV hãy đến với Trường Đại học Bình Dương để khám phá thêm những điều mới lạ thực sự bổ ích, lý thú cho chính mình,  phù hợp với điều kiện dạy và học ở nước ta; từ đó có thể nhân rộng ra các trường học khác trong cả nước.

Giai đoạn mới, chắc chắn Trường Đại học Bình Dương sẽ có thêm sức bật mới để làm nên một tầm vóc mới ./.

TDM 25-8- 2012
Đoàn Xuân Trường
Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục & Xã hội
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516