Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtKinh tếHợp tác ASEAN về phát triển Thương mại điện tử và vấn đề đặt ra đối với hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử ở Việt Nam (*)

Hợp tác ASEAN về phát triển Thương mại điện tử và vấn đề đặt ra đối với hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử ở Việt Nam (*)

Chủ nhật, 16 Tháng 5 2021 06:10
 

ThS. ĐOÀN QUỲNH THƯƠNG

(*) Bài viết đăng Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên số” do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương tổ chức ngày 04/11/2020 tại Trường Đại học Thương mại Hà Nội.

Hợp tác ASEAN về phát triển thương mại điện tử (TMĐT) được triển khai từ năm 2000, từ hoạt động đầu tiên là hợp tác thiết lập mạng lưới công nghệ thông tin của khu vực, đến năm 2019, ASEAN mới ký kết được hiệp định chung đầu tiên về TMĐT. Sự ra đời của Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hợp tác phát triển TMĐT của ASEAN bởi nó sẽ đặt ra một số nghĩa vụ các nước thành viên trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về TMĐT để tạo dựng cơ sở hạ tầng pháp lý an toàn cho mô hình này, đồng thời đảm bảo quá trình hội nhập khu vực và quốc tế bền vững. Trên cơ sở phân tích hợp tác ASEAN về phát triển TMĐT, tác giả đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện pháp luật TMĐT ở Việt Nam trong quá trình Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thành viên ASEAN.

 

 

 

 

 

HỢP TÁC ASEAN VỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM

 

                                                            ThS. ĐOÀN QUỲNH THƯƠNG

 

 

 

TÓM TẮT:

Hợp tác ASEAN về phát triển thương mại điện tử (TMĐT) được triển khai từ năm 2000, từ hoạt động đầu tiên là hợp tác thiết lập mạng lưới công nghệ thông tin của khu vực, đến năm 2019, ASEAN mới ký kết được hiệp định chung đầu tiên về TMĐT. Sự ra đời của Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hợp tác phát triển TMĐT của ASEAN bởi nó sẽ đặt ra một số nghĩa vụ các nước thành viên trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về TMĐT để tạo dựng cơ sở hạ tầng pháp lý an toàn cho mô hình này, đồng thời đảm bảo quá trình hội nhập khu vực và quốc tế bền vững. Trên cơ sở phân tích hợp tác ASEAN về phát triển TMĐT, tác giả đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện pháp luật TMĐT ở Việt Nam trong quá trình Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thành viên ASEAN.

 

TỪ KHOÁ: ASEAN, thương mại điện tử, Hiệp định thương mại điện tử ASEAN 2019, giao dịch điện tử.

 

NỘI DUNG

 

1. KHÁI NIỆM THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

 

TMĐT đã xuất hiện từ lâu nhưng cho đến nay trên thế giới vẫn tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau về TMĐT. Nghiên cứu một số khái niệm TMĐT được định nghĩa bởi các tổ chức uy tín thế giới là Uỷ ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL), WTO và OECD có thể thấy hiện nay có hai cách tiếp cận về TMĐT:

 

- Theo cách tiếp cận hẹp, TMĐT được hiểu là một phương thức thực hiện các hoạt động thương mại thông qua các phương tiện thông tin liên lạc điện tử như điện thoại, telex, fax, hệ thống thanh toán và chuyển tiền điện tử, internet v.v…; ví dụ như mua bán hàng hoá qua mạng internet, cung ứng các dịch vụ qua các phương tiện viễn thông, quảng cáo trên phương tiện điện tử,… Đây là cách tiếp cận của UNCITRAL [1] và WTO.[2]

 

- Theo cách tiếp cận rộng hơn, TMĐT không chỉ giới hạn ở các hoạt động thương mại mà bao gồm tất cả các giao dịch mua hoặc bán hàng hoá, dịch vụ trực tuyến; việc thanh toán và giao hàng có thể được tiến hành trực tuyến hoặc ngoại tuyến. Đây là cách tiếp cận của OECD. Trong cách tiếp cận này, OECD lại đưa ra hai định nghĩa rộng và hẹp về giao dịch TMĐT: (i) theo định nghĩa rộng, giao dịch TMĐT là hoạt động mua, bán hàng hóa hoặc dịch vụ giữa các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, chính phủ và các tổ chức hoặc cá nhân khác, được thực hiện qua các mạng máy tính trung gian (ứng dụng internet, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) hoặc hệ thống điện thoại tương tác; (ii) theo định nghĩa hẹp thì giao dịch TMĐT là hoạt động mua, bán hàng hóa hoặc dịch vụ giữa các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, chính phủ và các tổ chức hoặc cá nhân khác, được thực hiện qua mạng internet.[3]

 

2. CƠ CHẾ HỢP TÁC ASEAN VỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

 

2.1. Tiếp cận của ASEAN về thương mại điện tử

 

Nhờ có internet, người tiêu dùng Đông Nam Á đã có thể tiếp cận và thực hiện các giao dịch điện tử từ những năm 1990 với giao dịch chủ yếu là các đơn hàng được đặt mua từ Mỹ và châu Âu. Thấy rằng các phương tiện điện tử mới giúp hoạt động thương mại trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn, các nước thành viên ASEAN bắt đầu từ hợp tác khu vực trong công nghệ - thông tin và truyền thông (CNTT-TT) bằng việc ký kết Hiệp định khung e-ASEAN năm 2000. Chuyển sang giai đoạn xây dựng Cộng đồng ASEAN từ năm 2003, trong Bản kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) 2003-2015, lần đầu tiên ASEAN đề cập đến TMĐT là các giao dịch trực tuyến hàng hoá trên mạng, chưa đề cập đến các hoạt động thương mại khác được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử.[4] Năm 2015, khi ghi nhận mục tiêu hợp tác về phát triển TMĐT cho giai đoạn mới 2015-2025, ASEAN đã dẫn chiếu định nghĩa hẹp về TMĐT của OECD trong Bản kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015-2025. Như vậy, trong hợp tác về phát triển TMĐT giai đoạn hiện nay, ASEAN tiếp cận TMĐT là các giao dịch mua, bán hàng hoá và dịch vụ thông qua mạng internet. [5]

 

2.2. Nội dung hợp tác ASEAN về phát triển thương mại điện tử

 

Xác định internet và công nghệ thông tin là điều kiện tiên quyết của TMĐT, Hiệp định khung e-ASEAN 2000 đã xác lập các thoả thuận về thiết lập cơ sở hạ tầng thông tin ASEAN, tạo lập một thị trường chung cho hàng hóa và dịch vụ CNTT-TT, đồng thời bước đầu đặt ra nghĩ vụ cho mỗi quốc gia thành viên phát triển cơ sở hạ tầng pháp lý quốc gia về TMĐT. Mục tiêu chính của Hiệp định khung e-ASEAN 2000 là xây dựng một môi trường TMĐT thân thiện và đáng tin cậy trong khu vực thông qua việc các quốc gia thành viên sẽ thừa nhận các chuẩn mực quốc tế hiện hành về TMĐT như công nhận lẫn nhau về chữ ký số, giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ TMĐT, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp trong giao dịch trực tuyến.

 

Để thực hiện những mục tiêu được ghi nhận trong Hiệp định khung e-ASEAN, ASEAN đã thành lập Nhóm đặc trách về TMĐT và các nhóm làm việc kỹ thuật có nhiệm vụ chính là giám sát pháp luật TMĐT về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp trực tuyến, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư. Năm 2001, Nhóm đặc trách về TMĐT đã xây dựng Khung tham chiếu ASEAN về cơ sở hạ tầng pháp lý cho TMĐT làm tài liệu tham khảo chung để xây dựng pháp luật TMĐT cho các quốc gia thành viên trong khu vực trên cơ sở tham khảo luật TMĐT của các quốc gia thành viên trong khối; ý kiến của các chuyên gia pháp lý; Luật mẫu về Thương mại điện tử của UNCITRAL và các luật về TMĐT, chữ ký điện tử của một số quốc gia có thị trường TMĐT phát triển lâu đời như Luật Thương mại điện tử và chữ ký điện tử của bang Utah, bang Illinois - Hoa kỳ, Luật Thương mại điện tử của Cộng hoà Liên bang Đức.

 

Từ năm 2003, cùng với kế hoạch hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hợp tác ASEAN về phát triển TMĐT tiếp tục được đưa ra trong Bản kế hoạch tổng thể xây dựng AEC 2015 và Bản kế hoạch tổng thể xây dựng AEC 2025. Trong giai đoạn xây dựng AEC từ 2003-2015, các nước thành viên ASEAN tiếp tục ưu tiên vấn đề ban hành luật TMĐT tại tất cả các quốc gia thành viên và hướng tới hài hoà hoá pháp luật về hợp đồng điện tử, giải quyết tranh chấp trong TMĐT, công nhận lẫn nhau về chữ ký số bởi luật TMĐT của các quốc gia thành viên ASEAN vẫn có những quy định khác nhau. Bước sang giai đoạn 2015-2025, TMĐT được xác định là một trong bốn trụ cột nội dung của AEC, là một trong những yếu tố để tăng cường kết nối và hợp tác chuyên ngành, ASEAN tiếp tục tăng cường hợp tác TMĐT để đi đến ký kết hiệp định chung đầu tiên trong lĩnh vực TMĐT. Bên cạnh việc tập trung vào xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về TMĐT quốc gia, ASEAN tiếp tục đưa ra các sáng kiến bổ sung về phát triển CNTT-TT, logistics, kết nối thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hoá đơn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của TMĐT trong khu vực như Kế hoạch tổng thể về CNTT-TT của ASEAN (AIM) 2015 và AIM 2020, Lộ trình hội nhập ngành logistics ASEAN (RILS)…

 

Ngày 12 tháng 11 năm 2019, tại Hà Nội, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã ký kết Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử 2019. Tính đến nay, đã có 5 quốc gia phê chuẩn Hiệp định này là Campuchia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

 

Hiệp định bao gồm các thoả thuận về phạm vi hợp tác phát triển TMĐT; nguyên tắc hợp tác; nghĩa vụ của các nước thành viên trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về TMĐT; hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT là an ninh mạng, thanh toán điện tử, logistics nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch trực tuyến hàng hoá và dịch vụ qua mạng internet, tạo dựng môi trường TMĐT đáng tin cậy trong khu vực, thúc đẩy sử dụng TMĐT góp phần tăng trưởng kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Hiệp định cũng quy định ngoại lệ là các nghĩa vụ trong Hiệp định sẽ không áp dụng cho mua sắm công.

 

Hiệp định xác định nghĩa vụ hợp tác về TMĐT của các nước thành viên sẽ thực hiện trong các lĩnh vực sau: cơ sở hạ tầng CNTT-TT; giáo dục và công nghệ; bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến; khung pháp lý TMĐT; bảo mật giao dịch điện tử, bao gồm bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến; giao dịch điện tử và thanh toán điện tử; thuận lợi hóa thương mại, quyền sở hữu trí tuệ; cạnh tranh; an ninh mạng; logistics để thuận lợi hoá TMĐT.

 

Triển khai các hoạt động hợp tác về phát triển TMĐT, các nước thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc được đề ra trong Hiệp định. Các quốc gia thành viên phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Mặc dù không trực tiếp đề cập song có thể hiểu các luật mẫu, quy ước… mà Hiệp định nhắc tới là Luật mẫu của UNCITRAL về TMĐT năm 1996, Luật mẫu của UNCITRAL về Chữ ký điện tử năm 2001, Công ước Liên Hợp Quốc về Sử dụng phương tiện điện tử trong hợp đồng quốc tế. Trong quản lý nhà nước về TMĐT, quốc gia thành viên cần tuân thủ nguyên tắc trung lập về công nghệ (technology neutrality). Theo nguyên tắc này, chính phủ các nước cần coi trọng quyền tự do của các cá nhân và tổ chức trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với nhu cầu và yêu cầu để sử dụng, thương mại hoá hoặc phát triển; các quy định pháp luật quốc gia chỉ được phép đưa ra các yêu cầu cơ bản về chức năng mà công nghệ cần phải có để làm cho thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương thông tin trên giấy chứ không được ủng hộ hay thiên vị một công nghệ cụ thể nào bởi điều này có thể làm cản trở sự hình thành, phát triển của các công nghệ tốt hơn trong tương lai. Hiệp định yêu cầu các quốc gia thành viên khuyến khích sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thay thế để giải quyết các tranh chấp trong TMĐT. Bên cạnh nghĩa vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật TMĐT quốc gia, để đạt được mục tiêu tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới, quốc gia thành viên thừa nhận sự cần thiết của liên kết chính sách và quy định pháp luật về TMĐT giữa các nước thành viên.

 

Thiết lập nghĩa vụ cho các nước thành viên trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về TMĐT, Hiệp định nhấn mạnh các yêu cầu về quản lý các giao dịch không giấy tờ, chữ ký điện tử, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, lưu chuyển thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử qua biên giới, bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến. Theo đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ sử dụng phiên bản điện tử của chứng từ hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi tài liệu điện tử trong quản lý về hải quan với các nước thành viên khác; công nhận tính hợp pháp của chứng thực điện tử và chữ ký điện tử; duy trì hoặc thông qua các biện pháp xác thực điện tử dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế; bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến tương tự như bảo vệ người tiêu dùng trong các hình thức thương mại khác, trong đó phải áp dụng và duy trì các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng minh bạch và hiệu quả; cắt giảm hoặc xoá bỏ các rào cản đối với thông tin xuyên biên giới, bao gồm cả thông tin cá nhân; áp dụng và duy trì các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến của người dùng trong TMĐT; không yêu cầu pháp nhân của các quốc gia thành viên và các công ty liên kết của pháp nhân đó phải đặt hệ thống máy chủ trên lãnh thổ của mình như điều kiện để tiến hành hoạt động kinh doanh tại lãnh thổ của mình (ngoại trừ các dịch vụ tài chính và nhà cung cấp dịch vụ tài chính theo Phụ lục về Dịch vụ tài chính của GATS).

 

Hiệp định thừa nhận tầm quan trọng của hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT, Hiệp định đưa ra yêu cầu về đảm bảo an ninh mạng, bảo mật hệ thống thanh toán và logistics xuyên biên giới hiệu quả. Trong đó, các nước thành viên có nghĩa vụ nâng cao khả năng đảm bảo an ninh mạng và hợp tác với nhau về các vấn đề liên quan đến an ninh mạng; đảm bảo hệ thống thanh toán điện tử bảo mật, an toàn, hiệu quả; nỗ lực giảm chi phí, cải thiện tốc độ và độ tin cậy của các chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

 

Có thể thấy rằng, trong hợp tác phát triển TMĐT khu vực từ năm 2000 đến nay, ASEAN tập trung vào vấn đề xây dựng, hoàn thiện và hài hoà hoá pháp luật của các quốc gia về TMĐT và giải quyết tranh chấp trực tuyến; phát triển hạ tầng phụ trợ cho TMĐT là an ninh mạng, thanh toán điện tử, logistics nhằm phát triển TMĐT trong nước và tạo thuận lợi cho giao dịch mua, bán hàng hoá và dịch vụ giữa các quốc gia thành viên thông qua mạng internet. Những vấn đề này đã được các quốc gia thành viên ASEAN thoả thuận và ghi nhận trong Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN 2019. Việc phê chuẩn Hiệp định này sẽ đặt ra các nghĩa vụ mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ khi ban hành, áp dụng các biện pháp có tác động tới hoạt động mua bán hàng hoá, dịch vụ bằng các phương tiện điện tử.

 

Xét về bản chất, ASEAN là tổ chức quốc tế liên chính phủ, các hoạt động hợp tác của ASEAN được xây dựng và thực hiện trên cơ sở sự thoả thuận giữa các quốc gia thành viên theo nguyên tắc tham vấn, đồng thuận (Điều 20 Hiến chương ASEAN 2007) – cơ chế này hình thành nên các điều ước quốc tế, được gọi là pháp luật ASEAN. Pháp luật ASEAN sau khi xây dựng sẽ được thực thi theo cơ chế cộng đồng và cơ chế quốc gia. Cơ chế quốc gia thực chất là quá trình thực thi các cam kết ở của các nước thành viên, tức là mỗi quốc gia thông qua những cơ quan có thẩm quyền do pháp luật quốc gia quy định để thực hiện những nội dung theo các quy định của ASEAN. Còn ở cơ chế khu vực, việc thực thi pháp luật Cộng đồng ASEAN được thực hiện thông các hoạt động chức năng theo nhiệm vụ của các thiết chế trong ASEAN. Các thiết chế này có nhiệm vụ điều phối quá trình hợp tác và theo dõi việc thực hiện các thoả thuận của các nước thành viên. Trong quá trình thực thi pháp luật ASEAN, nguyên tắc quan trọng nhất mà quốc phải tuân thủ là tận tâm thiện chí thực hiện cam kết quốc tế. Ngoài ra, xuất phát từ đặc thù của ASEAN là sự chênh lệch khoảng cách trong phát triển kinh tế giữa các thành viên khá lớn, Điều 21 Hiến chương, Điều 1 Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN năm 1992 đã ghi nhận hai nguyên tắc riêng của tổ chức này trong quá trình thực thi các cam kết kinh tế là nguyên tắc “-X” và “2+X”. Theo nguyên tắc “‑X”, các quốc gia chưa đủ điều kiện để hội nhập có thể thực hiện các cam kết kinh tế chậm hơn so với lộ trình chung nhưng sẽ không được hưởng các ưu đãi mở cửa từ các quốc gia thực hiện theo đúng lộ trình chung. Ngược lại, theo nguyên tắc “2+X”, trong quá trình thực thi các thoả thuận kinh tế, hai nước ASEAN trở lên có thể tiến hành trước nếu các quốc gia thành viên khác chưa sẵn sàng thực thi những thoả thuận này.

 

Hợp tác về phát triển TMĐT trong ASEAN là một trong các hoạt động hợp tác của ASEAN vì vậy cơ chế thực thi các thoả thuận trong lĩnh vực hợp tác này cũng được thực hiện dựa trên các nguyên tắc trên: mỗi quốc gia sẽ thông qua những cơ quan có thẩm quyền do pháp luật quốc gia quy định để thực hiện những nội dung được đề ra trong Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN 2019; các thiết chế của ASEAN sẽ có nhiệm vụ điều phối quá trình hợp tác và theo dõi việc thực hiện các cam kết của các nước thành viên theo Hiệp định này. Trong quá trình thực thi, các nước thành viên được quyền áp dụng nguyên tắc “­-X” hoặc “2+X” bởi TMĐT thuộc lĩnh vực hợp tác về kinh tế. Trong phần 3) của bài viết, tác giả tập trung phân tích làm rõ một số vấn đề cần hoàn thiện trong pháp luật TMĐT ở Việt Nam trên cơ sở các cam kết trong Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN 2019 để đảm bảo hiệu quả thực thi Hiệp định này của Việt Nam.

 

2.3. Thiết chế điều phối hợp tác ASEAN về phát triển thương mại điện tử

 

Thiết chế điều phối hợp tác ASEAN về phát triển TMĐT bao gồm chủ yếu là các cơ quan hoạt động theo kỳ họp: (1) Hội nghị cấp cao ASEAN có thẩm quyền đưa ra các chỉ đạo về chính sách và quyết định các vấn đề then chốt liên quan đến hợp tác về phát triển TMĐT trong ASEAN; (2) Hội đồng Cộng đồng kinh tế có thẩm quyền điều phối và đảm bảo thực hiện các chính sách, quyết định của Hội nghị Cấp cao có liên quan đến hợp tác ASEAN về phát triển TMĐT; (3) Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) có chức năng thảo luận và xem xét các vấn đề về TMĐT trong cuộc họp giữa các bộ trưởng kinh tế ASEAN; (4) Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông (TELMIN) có chức năng thảo luận và xem xét các hoạt động hợp tác khu vực về CNTT-TT; ngoài ra, giúp việc cho Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN là Hội nghị các quan chức cao cấp về công nghệ thông tin và truyền thông (TELSOM) và Hội nghị quan chức kinh tế cao cấp ASEAN (SEOM). Bên cạnh các cơ quan hoạt động theo kỳ họp, ASEAN còn thành lập các nhóm làm việc chuyên sâu với nhiệm vụ tư vấn, điều phối cho các thoả thuận, các chương trình hợp tác của các nước thành viên về phát triển TMĐT và các vấn đề liên quan như công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán, bảo vệ người tiêu dùng,… đó là các cơ quan: Uỷ ban điều phối ASEAN về thương mại điện tử (ACCEC); Nhóm công tác về hợp tác sở hữu trí tuệ các nước ASEAN; Uỷ ban điều phối ASEAN về doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nhóm công tác các nhà quản lý viễn thông ASEAN (ATRC JWG/WGs); Ủy ban tham vấn Thuận lợi hóa Thương mại ASEAN (ATF-JCC); Nhóm công tác ASEAN về hệ thống thanh toán (WC-PSS), Nhóm chuyên gia ASEAN về cạnh tranh (AEGC).

 

3. HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM ĐỂ THỰC THI HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ASEAN 2019

 

3.1. Hệ thống quy định pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam

 

Cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động TMĐT ở Việt Nam ra đời khá muộn so với nhiều nước trên thế giới. Dựa trên Luật mẫu UNCITRAL về Thương mại điện tử 1996 và các hướng dẫn trong Khung tham chiếu về Thương mại điện tử ASEAN 2002, năm 2005, Việt Nam đã soạn thảo và thông qua Luật Giao dịch điện tử, đặt nền móng cho khung pháp lý về TMĐT tại Việt Nam. Luật quy định về những vấn đề cơ bản của hoạt động TMĐT như quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; quy định chi tiết về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử. Cùng với Luật Giao dịch điện tử, năm 2005, Quốc hội Việt Nam cũng thông qua hai luật có tính chất đặt nền tảng pháp lý cho TMĐT, đó là Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự (nay đã thay thế bằng Bộ luật Dân sự 2015). Ngoài ra, hoạt động TMĐT còn chịu sự điều chỉnh của một số luật như Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Viễn thông năm 2009, Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019).

 

Ngoài ra, để hướng dẫn, quản lý giao dịch điện tử và các hoạt động liên quan đến TMĐT, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản dưới luật để quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện luật về TMĐT và xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT như: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử ngày 16 tháng 5 năm 2013 (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP); Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về Thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015), Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm luật khác có sử dụng công nghệ cao… Về thông tư hướng dẫn, có nhiều văn bản hướng dẫn trong nhiều lĩnh vực, có thể kể đến một số văn bản như: Thông tư số 37/2009/TT-BTTTT ngày 22/7/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hồ sơ và thủ tục liên quan đến cấp phép, đăng ký, công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; Thông tư số 47/2014/TT-BTC ngày 5/12/2014 của Bộ Công thương quy đinh về quản lý website thương mại điện tử; Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế…

 

3.2. Đánh giá thực trạng pháp luật về thương mại điện tử ở Việt Nam và một số đề xuất hoàn thiện

 

3.2.1. Giao dịch không giấy tờ

 

Kể từ khi ký kết Hiệp định về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN năm 2005 và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN năm 2006, Việt Nam đã tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN thông qua việc xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức và nguồn lực; rà soát, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về cơ chế một cửa quốc gia. Cơ chế một cửa quốc gia chính thức được quy định tại Điều 4 Luật Hải quan năm 2014. Đến ngày 15/5/2020, cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối chính thức 13 Bộ, ngành với 198 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành khác đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.[8] Theo kết quả Khảo sát “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua NSW” thực hiện với 12 thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn nhất qua NSW tính đến tháng 10 năm 2019 cho thấy doanh nghiệp đánh giá việc triển khai NSW đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như Cổng thông tin NSW có tình trạng hoạt động thiếu ổn định do lỗi kết nối, tốc độ xử lý khiến các tác vụ trên cổng còn chậm; hệ thống xử lý thủ tục của bộ quản lý chuyên ngành chưa được “điện tử” hoàn toàn; tình trạng một số doanh nghiệp bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần; thời gian các bộ ngành xử lý hồ sơ của một số doanh nghiệp tương đối lâu.[8] Đây là những vấn đề mang tính kỹ thuật cần được khắc phục ngay lập tức để không cản trở tốc độ và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính. Đối với vấn đề kết nối hải quan các nước, tính đến nay, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ hàng hoá mẫu D điện tử với tất cả các quốc gia thành viên.

 

3.2.2. Quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử

 

Thông điệp dữ liệu là vấn đề cốt lõi của giao dịch điện tử, do vậy, việc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu là cơ sở để thừa nhận các giao dịch TMĐT. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Luật Giao dịch điện tử 2005 đã đưa ra định nghĩa thông điệp giữ liệu; thừa nhận giá trị pháp lý của thông tin trong thông điệp dữ liệu; công nhận thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản và có giá trị như bản gốc và có giá trị làm chứng cứ nếu đáp ứng các quy định của pháp luật; đồng thời đưa ra các quy định cụ thể về thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu; thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu. Những quy định này hoàn toàn phù hợp với Luật mẫu về TMĐT của UNCITRAL về giá trị pháp lý, giá trị như văn bản, giá trị như bản gốc và giá trị làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu tại Điều 5, 6, 8,9 của Luật mẫu.

 

Luật Giao dịch điện tử đã thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, coi chữ ký điện tử có giá trị giống như chữ ký tay được sử dụng trong văn bản giấy khi chữ ký điện tử được tạo ra phù hợp với các quy định của pháp luật. Luật không quy định về công nghệ cụ thể để tạo ra chữ ký điện tử mà chỉ cần chữ ký điện tử được lập bởi phương pháp tin cậy và cho phép xác nhận người ký và chứng tỏ người ký đã đồng ý với nội dung thông tin được thể hiện trong thông điệp dữ liệu. Quy định này của Luật Giao dịch điện tử tương đồng với quy định của Luật mẫu về chữ ký điện tử của UNCITRAL tại Điều 2 Mục 2, quy định của Hiệp định thương mại điện tử ASEAN 2019 về tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong xác thực điện tử và chữ ký điện tử, tuân thủ nguyên tắc công nghệ trung lập trong hoạt động quản lý về TMĐT.

 

Bên cạnh các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị định số 130/2018/NĐ-CP đã đưa ra các quy định khá cụ thể về hoạt động chứng thực chữ ký số. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử, trong thực tế, ngoài chữ ký số, chữ ký điện tử còn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác như chữ ký dựa trên các số nhận dạng cá nhân (PINs), chữ ký tạo bằng thẻ thông minh... nhưng những hình thức này chưa được quy định cụ thể trong luật.

 

Việt Nam cũng đã bước đầu xây dựng những quy định về công nhận chữ ký điện tử, chứng thư điện tử nước ngoài, đặc biệt đưa ra hướng dẫn cụ thể về công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài. Mặc dù vấn đề này chưa được đề cập trong Hiệp định thương mại điện tử ASEAN 2019, nhưng những quy định về công nhận chữ ký điện tử, chứng thư điện tử nước ngoài trong Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị định 130/2018/NĐ-CP hiện nay đã bước đầu phù hợp với nội dung về công nhận lẫn nhau về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử mà ASEAN đặt ra trong Khung tham chiếu ASEAN về cơ sở hạ tầng pháp lý cho TMĐT 2001, Bản kế hoạch tổng thể xây dựng AEC giai đoạn 2015- 2025.

 

Hợp đồng điện tử và giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử cũng đã được thừa nhận trong Luật Giao dịch điện tử 2005, tương thích với quy định của BLDS 2015 và Luật Thương mại 2005 về hợp đồng mua bán hàng hoá và hợp đồng dịch vụ. Tuy nhiên, mục tiêu hợp tác phát triển TMĐT mà ASEAN hướng đến không chỉ phát triển TMĐT trong nước mà còn tạo thuận lợi cho giao dịch mua, bán hàng hoá và dịch vụ xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên do vậy cần phải xem xét sự thừa nhận của pháp luật Việt Nam đối với hợp đồng giao kết qua phương tiện điện tử có yếu tố nước ngoài. Còn các vấn đề lựa chọn luật áp dụng, lựa chọn toà án giải quyết tranh chấp… trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài sẽ do các bên thoả thuận và áp dụng các quy tắc của tư pháp quốc tế, luật thương mại quốc tế, BLDS 2015. Từ cách tiếp cận của ASEAN về TMĐT có thể hiểu các giao dịch mua, bán hàng hoá và dịch vụ giữa các nước thành viên mà ASEAN đề cập bao gồm giao dịch mua, bán hàng hoá, dịch vụ là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và mua bán hàng hoá, dịch vụ quốc tế - quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài. Về giao dịch mua, bán hàng hoá, dịch vụ là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hiện BLDS 2015 đã đưa ra cơ sở pháp lý đầy đủ đề thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ giao kết qua phương tiện điện tử có yếu tố nước ngoài, cụ thể là các quy định về khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; quy định về hợp đồng và thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; quy định về hình thức giao dịch dân sự và thừa nhận giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch dân sự được coi là giao dịch bằng văn bản (Điều 119). Về giao dịch mua bán hàng hoá, dịch vụ quốc tế, Luật Thương mại 2005 mới chỉ ghi nhận giá trị pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế giao kết qua phương tiện điện tử (Điều 27 Luật Thương mại 2005) và hợp đồng mua bán ngoại tệ (Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-NHNN ngày 02/10/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối) mà chưa có quy định rõ ràng đối với hợp đồng mua bán dịch vụ quốc tế giao kết qua các phương tiện điện tử. Điều này đặt ra nghĩa vụ bổ sung quy định thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng mua bán dịch vụ quốc tế giao kết qua phương tiện điện tử trong Luật Thương mại trong bối cảnh hợp tác phát triển TMĐT ASEAN đặt ra đối với cả thương mại hàng hoá quốc tế và thương mại dịch vụ quốc tế trong khu vực.

 

Ngoài một số thiếu sót trong quy định pháp luật, thực tiễn thực thi pháp luật cũng cho thấy còn thiếu cơ chế kiểm tra chặt chẽ để xác minh tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và hiệu lực của chữ ký số. Việc xây dựng cơ chế này là cấp bách đối với các nhà làm luật Việt Nam để đảm bảo an toàn của giao dịch điện tử hay giúp các cơ quan có thẩm quyền kiểm định độ tin cậy của thông điệp dữ liệu khi xác định thông điệp dữ liệu có giá trị chứng cứ hay không trong hoạt động tư pháp.

 

3.2.3. Quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

 

Hiện nay, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT tại Việt Nam áp dụng quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Như vậy, không có sự phân biệt giữa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại truyền thống. Đối chiếu với cam kết của của các quốc gia thành viên trong Hiệp định thương mại điện tử ASEAN 2019, Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến tương tự như bảo vệ người tiêu dùng trong các hình thức thương mại khác.

 

Ngoài ra, vấn đề bảo về thông tin cá nhân trực tuyến của người tiêu dùng trong TMĐT đã được các nhà làm luật ở Việt Nam quan tâm và đưa vào điều chỉnh trong một số điều khoản luật. Những quy định sau có thể áp dụng để bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động TMĐT: Điều 32, 38 BLDS 2015; Điều 46 Luật Giao dịch điện tử 2005; Điều 21, 22, 67, 72 Luật Công nghệ thông tin 2006; Điều 6 Luật Viễn thông 2009; Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Mục 2 Chương 2 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013; Điều 159 và 288 Bộ luật Hình sự năm 2017; Điều 84 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Như vậy, Việt Nam chưa ban hành đạo luật riêng về bảo vệ thông tin cá nhân mà những quy định về bảo vệ thông tin cá nhân rời rạc bởi nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Nghiên cứu những quy định này cho thấy một số hạn chế sau: định nghĩa “thông tin cá nhân” trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP chưa đầy đủ và chưa bao quát được các loại thông tin cá nhân của người tiêu dùng có thể có trên môi trường điện tử cần được bảo vệ; các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân tập trung chủ yếu vào vấn đề trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng; nhiều vấn đề có liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân chưa được làm rõ trong luật như: định nghĩa về các thuật ngữ hiện đang được sử dụng trong luật là “thông tin số”, “thông tin riêng”, “thông tin cá nhân trên môi trường mạng” (Luật Công nghệ thông tin 2006), “thông tin về bí mật đời tư” (Luật Giao dịch điện tử 2005), “thông tin riêng” (Luật Viễn thông 2009), “dữ liệu về thông tin cá nhân” (Luật An toàn thông tin mạng 2015); quy định các hình thức lưu trữ thông tin cá nhân, các nguyên tắc trong bảo vệ thông tin cá nhân, thực hiện quyền cung cấp và bảo mật thông tin cá nhân của người dùng trên không gian mạng, các hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan tới thông tin cá nhân đang diễn ra hiện nay chưa được quy định trong luật.

 

Với mục tiêu hoàn thiện và hài hoà hoá pháp luật về TMĐT giữa các quốc gia thành viên ASEAN được đưa ra trong Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN 2019, định nghĩa “thông tin cá nhân” hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tham khảo quy định pháp luật của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới và quốc gia trong khu vực về dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân. Ví dụ, theo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Malaysia năm 2010, dữ liệu cá nhân được chia làm hai loại: thông tin của người lao động và thông tin cá nhân của khách hàng; thông tin của khách hàng là đối tượng bảo vệ của Luật bao gồm tên, địa chỉ, số thẻ nhận dạng cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số hộ chiếu, số điện thoại cá nhân, địa chỉ nhà, địa chỉ email cá nhân, các dữ liệu cá nhân nhạy cảm (chủng tộc, tôn giáo, tình trạng sức khoẻ, quan điểm chính trị, lý lịch tư pháp).

 

3.2.4. Quy định về an ninh mạng

 

Các quy định về an toàn, an ninh của môi trường mạng ở Việt Nam hiện nay được quy định ở nhiều văn bản: Luật An ninh mạng 2018, Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Hình sự 2015, Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật Viễn thông 2009, Luật Giao dịch điện tử 2005. Trong đó, Luật An ninh mạng 2018 là văn bản đưa ra các quy định quan trọng và trực tiếp về bảo vệ an ninh mạng, hiện nay, Chính phủ cũng đang xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này. Điều này cho thấy Việt Nam đã coi trọng vấn đề đảm bảo an ninh mạng. Tuy nhiên, vì có nhiều văn những văn bản này vẫn có sự chồng chèo, trùng lặp nhau, đặc biệt là nhiều trùng lặp giữa Luật an toàn thông tin mạng 2015 và Luật an ninh mạng 2018 cần phải được xem xét và tích hợp trong một văn bản. Ví dụ như sự trùng lặp quy định về phân cấp “hệ thống thông tin” trong Luật An toàn thông tin mạng 2015 (Điều 21) và Luật An ninh mạng 2018 (Điều 21); quy định về trách nhiệm và nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin tại Điều 27 Luật An toàn thông tin mạng 2015 và Chương 6 Luật An ninh mạng 2018.

 

3.2.5. Quy định về thanh toán điện tử

 

Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý riêng về quy trình cung ứng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tiền điện tử. Các quy định về thanh toán điện tử hiện nay được quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, các thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, các văn bản này chưa đồng bộ, các quy định để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho thanh toán điện tử còn yếu và thiếu, vì vậy chưa thực sự tạo thuận lợi cho thanh toán điện tử tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, “tiền điện tử” vốn được xem là phương tiện thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán TMĐT và thuật ngữ này đã được sử dụng trong văn bản luật (điểm đ khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền) nhưng định nghĩa “tiền điện tử” chưa được làm rõ trong các văn bản pháp luật; chưa có quy định pháp lý cụ thể đối với các giao dịch thanh toán quốc tế, chuyển tiền quốc tế; chưa có cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong TMĐT; quy định về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử chưa đầy đủ.

 

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2019, hiện nay tỷ lệ người dùng trả tiền trực tuyến khi mua hàng trên mạng còn rất thấp, chỉ chiếm 10%. Điều này xuất phát một phần từ thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân và mối lo ngại các rủi ro khi sử dụng thanh toán bằng thẻ; thêm vào đó mặc dù Chính phủ đã hai lần đưa ra Đề án thanh toán không dùng tiền mặt song lại chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy người dân sử dụng các phương thức thanh toán điện tử; chính sách, pháp luật chưa tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, đặc biệt là nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (quy định điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khá chặt chẽ khi nhà cung cấp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và có vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ đồng; nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài bị hạn chế tỷ lệ sở hữu trong các công ty công nghệ tài chính) cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới sự phổ biến của thanh toán điện tử tại Việt Nam.

 

Trong bối cảnh tỷ lệ người mua hàng thanh toán trực tuyến trên mạng internet thấp, nhiều sàn TMĐT đã chấp nhận phương thức thanh toán giao hàng thu tiền (COD) nhưng các sàn TMĐT này lại đối mặt với khó khăn khi mua ngoại tệ và thanh toán lại cho nhà bán hàng nước ngoài bởi quy định hiện hành yêu cầu nhiều loại giấy tờ mà nhiều trường hợp hàng hoá mua bán qua sàn giao dịch TMĐT không có, đặc biệt là những hàng hoá có giá trị nhỏ do cá nhân cung cấp như hợp đồng ngoại thương, đơn đặt hàng.

 

Hợp tác phát triển TMĐT ASEAN đề cập tới thanh toán điện tử đã nhấn mạnh nghĩa vụ đảm bảo hệ thống thanh toán điện tử bảo mật, an toàn, hiệu quả của quốc gia thành viên. Xuất phát từ những bất cập trong thanh toán điện tử đã đề cập ở trên, tác giả cho rằng trước hết Việt Nam cần có chính sách khuyến khích nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toàn bằng cách tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài; về cơ sở pháp lý cần nhanh chóng làm rõ định nghĩa về “tiền điện tử” cùng với quy định về hình thức thể hiện của tiền điện tử, đối tượng cung ứng tiền điện tử; cần có quy định về các giao dịch thanh toán quốc tế, chuyển tiền quốc tế trong đó có quy chế riêng phù hợp cho thương nhân kinh doanh TMĐT; cần xây dựng cơ chế bảo vệ khách hàng trong thanh toán điện tử và quy định về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao có tính răn đe, có cơ sở pháp lý xử lý nghiêm các hành vi phạm tội.

 

3.2.6. Quy định về logistics trong thương mại điện tử

 

Tại Việt Nam, dịch vụ logistics được quy định trong Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn, không có quy định riêng về logistics trong TMĐT và chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch TMĐT, việc quản lý hàng hoá này hiện nay được thực hiện như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường. Điều này gây ra một số bất cập: (i) Quy định yêu cầu hàng hóa vận chuyển trên đường phải có hóa đơn khi áp dụng đối với hoạt động vận chuyển hàng hoá trong TMĐT không thực hiện được với trường hợp hàng hoá có trị giá rất nhỏ bởi những hàng hoá này thường không có hoá đơn; (ii) Thực tế áp dụng các quy định về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế trong quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu thông thường đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch TMĐT cho thấy khó khăn thường gặp là số lượng các lô hàng nhỏ có giá trị thấp lớn và ngày càng tăng, việc đổi trả hàng hoá thường xuyên xảy ra… trong khi nhiều hàng hoá là hàng tiêu dùng nhỏ lẻ không có đầy đủ giấy tờ, chứng từ để chứng minh chất lượng, nguồn gốc gây ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý và tốc độ thông quan hàng hoá; việc thiếu thông tin hoặc thông tin về hàng hoá không chính xác khiến việc ngăn chặn các hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu trở nên khó khăn; thủ tục hoàn thuế khi áp dụng đối với các đơn hàng giao dịch qua TMĐT cần hoàn trả tốn kém thời gian, công sức cho người bán dẫn đến nhiều trường hợp không thực hiện được; nhiều lô hàng thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác cũng khiến việc ngăn chặn các hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu trở nên khó khăn.

 

Đối với dịch vụ logistics, Hiệp định thương mại điện tử ASEAN 2019 yêu cầu các quốc gia có các biện pháp để thực hiện logistics xuyên biên giới hiệu quả, giảm chi phí và cải thiện tốc độ, độ tin cậy của chuỗi cung ứng. Với yêu cầu đó, Việt Nam cần khẩn trương ban hành quy về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu qua TMĐT theo hướng đơn giản hoá quá trình thông qua cho các sản phẩm giao dịch qua TMĐT và hướng đến giảm khối lượng hàng hoá cần kiểm tra, cân nhắc việc thiết lập quy định về kiểm soát hải quan đối với các hàng hoá dựa trên trị giá của hàng hoá để miễn kiểm tra đối với những mặt hàng tiêu dùng có giá trị nhỏ; (ii) có quy định về chế độ hoá đơn đối với hàng hoá nhập khẩu qua TMĐT riêng thay vì áp dụng chế độ hoá đơn chung với hàng hoá nhập khẩu thông thường.[7] Ngoài ra, một hình thức dịch vụ hậu cần mới được gọi là “e-logistics” đã có mặt và phát triển ở Việt Nam được vài năm thông qua một số công ty logistics như DHL, UPS cũng cần có sự điều chỉnh của pháp luật.

 

3.2.7. Quy định về giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử

 

Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT có nghĩa vụ công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT của mình. Theo Nghị định, các tranh chấp trong TMĐT có thể được giải quyết thông qua các phương thức thương lượng, hoà giải, trọng tài, toà án; quy định này tương thích với quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 bởi tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT là tranh chấp dân sự hoặc tranh chấp kinh doanh thương mại. Đối với tranh chấp dân sự hiện nay không có trung tâm hoà giải riêng mà tranh chấp sẽ được hoà giải tại toà án (Điều 10 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Đối với tranh chấp thương mại phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT, Việt Nam hiện nay có Trung tâm hoà giải Việt Nam và 14 trung tâm trọng tài thương mại; cơ sở pháp lý có Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định quy trình trọng tài thương mại, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại. Ngoài ra, ở Việt Nam cũng đã có nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến - Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (HIAC) của Trung tâm Trọng tài quốc tế Hà Nội; cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hoà giải theo phương thức trực tuyến đối với các tranh chấp TMĐT giá trị dưới 30 triệu; cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải tại trụ sở HIAC (offline) được hỗ trợ một phần bởi hệ thống trực tuyến đối với các tranh chấp TMĐT có giá trị từ 30 triệu trở lên. Giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) cho phép các tổ chức, cá nhân có thể giải quyết tranh chấp thương mại bằng hoà giải hoặc trọng tài từ bất kỳ địa điểm và thời gian nào khi truy cập vào hệ thống internet. Nhờ vậy, quá trình giải quyết tranh chấp sẽ nhanh chóng, thuận tiện cùng mức chi phí thấp hơn so với các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế truyền thống. ODR đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới và cho thấy sự phù hợp, thuận lợi trong việc giải quyết các tranh chấp TMĐT, đặc biệt là các tranh chấp TMĐT xuyên biên giới khi các bên tranh chấp ở khoảng cách rất xa nhau. Ở nhiều quốc gia, ODR gồm có các phương thức: thương lượng trực tuyến, trọng tài trực tuyến, hoà giải trực tuyến và toà án trực tuyến. Rà soát các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam thì chưa thấy có quy định nào về các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến như định nghĩa, phân nhóm các phương thức ODR, thủ tục ODR, thực thi các thoả thuận thương lượng trực tuyến và hoà giải trực tuyến, thực thi phán quyết của trọng tài trực tuyến và toà án trực tuyến…; thương lượng trực tuyến có thế thực hiện trên nền tảng website TMĐT hay không? Vì lẽ đó, nhu cầu về quy phạm pháp luật quy định và hướng cụ thể về ODR là điều cần thiết.

 

Ngoài vấn đề các phương thức giải quyết tranh chấp TMĐT, quá trình áp dụng pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự, tranh chấp thương mại truyền thống và pháp luật TMĐT vào giải quyết các tranh chấp TMĐT cho thấy luật hiện hành đã có những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp TMĐT như công nhận thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ (Điều 14 Luật Giao dịch điện tử 2005) và dữ liệu điện tử có giá trị là nguồn chứng cứ (Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015); quy định về xác định thông điệp dữ liệu là chứng cứ (Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015); quy định về xác minh, thu thập chứng cứ (Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Tuy nhiên việc sử dựng thông điệp dữ liệu làm chứng cứ trong thực tế vẫn còn một số vướng mắc là chưa có định nghĩ về “chứng cứ điện tử”; chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, cách thức “thu thập chứng cứ” và “phục chế chứng cứ” (Điều 110 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015); chưa có cơ chế kiểm tra chặt chẽ để xác minh tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và hiệu lực của chữ ký số cho nên quá trình thu thập chứng cứ điện tử được thực hiện tuỳ nghi, tương tự.     

 

KẾT LUẬN

 

Có thể nói rằng, cùng với cuộc cách mạng CNTT-TT đang diễn ra mạnh mẽ, TMĐT đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh tế của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Trước bối cảnh đó, hợp tác ASEAN về phát triển TMĐT nhằm xây dựng môi trường TMĐT thân thiện, tin cậy, thuận lợi, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động mua, bán hàng hoá trực tuyến giữa các quốc gia thành viên góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thu hẹp khoảng cách phát triển là điều cần thiết. Là một thành viên tích cực trong ASEAN, vấn đề hoàn thiện khung pháp luật quốc gia về TMĐT phù hợp với các chương trình hợp tác của ASEAN vừa là nghĩa vụ thành viên, vừa đảm bảo quá trình hội nhập khu vực bền vững cho Việt Nam.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Điểm a, b Điều 2 Luật mẫu của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) về Thương mại điện tử năm 1996.

 

2. WTO; Work programme on electronic commerce (WT/L/274) (Adopted by the General Council), 25 September 1998.

 

3. OECD, Measuring the information economy 2002, Annex 4. The OECD definitions of Internet and E-commerce transactions, truy cập tại đường link http://www.oecd.org/internet/ieconomy/2771174.pdf ngày 10/5/2020.

 

4. AEC Blue prints 2015, B6. E-Commerce, pp. 23.

 

5. AEC Blue prints 2025, C.3. E-Commerce, pp.52.

 

6. Bộ Công thương - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, 2019, tr.103.

 

7. Bộ Công thương, Báo cáo logistics Việt Nam 2018 - Logistics và thương mại điện tử, Nxb Công Thương, tr.141.

 

8. Diệu Linh, Cơ chế một cửa quốc gia: Cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp, Thời báo Tài chính Việt Nam online, ngày 12/6/2020; truy cập tại link: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-06-12/co-che-mot-cua-quoc-gia-cai-thien-nang-cao-muc-do-hai-long-cua-doanh-nghiep-88034.aspx ngày 20/8/2020.

 

9. Hồng Dung, Thanh toán điện tử “lệch pha” với thương mại điện tử, Tạp chí Đầu tư chứng khoán online, ngày 18/1/2020; truy cập ngày 22/8/2020.

 

10. Rizky Banyualam Permana, Faculty of Law, Maastricht University, the Netherlands/Dept. of International Law, Faculty of Law, Universitas Indonesia, Indonesia, ASEAN e-commerce agreement: ASEAN way of digital trade?, Draft prepared for International Conference on ASEAN Studies, UGM, Yogyakarta, Indonesia, 13-14 March 2018 - Revised version of 28 March 2019.

 

 

 

 

 

 

 

 


Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516