Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtKinh tếSắp hết cảnh ôtô nối đuôi nhau nộp "thuế đường"

Sắp hết cảnh ôtô nối đuôi nhau nộp "thuế đường"

Thứ tư, 11 Tháng 3 2015 03:30
Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thí điểm hệ thống thu phí không dừng (ETC) kết hợp kiểm soát tải trọng xe trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sau mở rộng và dự kiến vào tháng 5 tới sẽ áp dụng đại trà trên các trạm thu phí cả nước.

Ngày 10/3, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức họp báo công bố công nghệ thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao Công ty cổ phần TASCO và Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai thí điểm 3 trạm thu phí không dừng, gồm: Hoàng Mai, trạm Km604+700 Quốc lộ 1 và trạm Km1813+650 trên đường Hồ Chí Minh trong tháng Ba.

Công nghệ thu phí không dừng được thí điểm áp dụng tại 3 trạm thu phí trên là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Hoa Kỳ phát triển và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Công nghệ này có nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác đến 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận (do thẻ RFID được cấp miễn phí).

Để sử dụng dịch vụ thu phí tự đồng không dừng, chủ phương tiện sẽ áp được phát một thẻ định danh E-tag (miễn phí) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như nạp trực tiếp, qua mạng internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại.

Sau khi xe được gắn thẻ E-tag chạy vào làn thu phí không dừng, hệ thống sẽ nhận diện xe bằng công nghệ Laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống Atena sẽ phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag.

Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu ơhis của xe. Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện, thanh chắn barrier sẽ mở tự động để xe qua, tin nhắn SMS sẽ gửi về số điện thoại đã đăng ký.

vnm 2015 629794

Bộ Giao thông vận tải cho biết, tháng 5 tới đây sẽ đồng loạt áp dụng thu phí không dừng trên hệ thống đường giao thông đường bộ. Ảnh: Vạn Xuân

Trường hợp tài khoản thu phí của xe không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag đi vào làn thu phí tự động, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu phí một dừng (MTC). Toànbộ giao dịch thu phí tại trạm bao gồm ECT và MTC đều được chuyển và lưu trữ trên mạng trung tâm dữ liệu của hệ thống. Tại bất kỳ thời điểm nào, nhà đầu tư BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều kiểm soát được thông tin dữ liệu này qua mạng internet.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bên cạnh hệ thống thu phí không dừng, Bộ Giao thông vận tải cũng đang nghiên cứu áp dụng công nghệ cân xe tự động cảm biến thạch anh thay thế cho hệ thống cân tĩnh đang được sử dụng hiện nay. Công nghệ này được đánh giá phù hợp với nhiều loại hình thái thời tiết, tốc độ xe có thể dao động từ 1-230km/giờ, độ chính xác lên tới 98%.

Khi xe đi qua hệ thống cân tự động này, thông tin về tải trọng phương tiện quá tải sẽ được hiển thị ngay trên bảng điện tử VMS đặt bên lề đường. Tất cả hình ảnh, thông tin, dữ liệu chi tiết về tải trọng mọi phương tiện đi qua trạm cân đều được chuyển về lưu trữ tại trung tâm dữ liệu. Kết quả cân xe sẽ được sử dụng để xử phạt các phương tiện vi phạm tải trọng.

Sẽ tiết kiệm 3.400 tỷ đồng mỗi năm

Là đơn vị trực tiếp xây dựng hệ thống trạm thu phí không dừng, ông Phạm Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TASCO cho biết, năm 2016 sau khi quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng sẽ có khoảng 100 trạm thu phí đưa vào hoạt động. Việc áp dụng các trạm thu phí ETC sẽ giúp tiết kiệm khoảng 3.400 tỷ đồng/năm.

Để dẫn chứng, ông Dũng cho biết, theo tính toán bình quân, ở mỗi trạm thu phí hiện nay, lái xe phải dừng mất 3 phút, mỗi năm có khoảng 6.000 lượt xe qua các trạm thu phí trên 2 tuyến đường này. Lợi ích về mặt thời gian nếu áp dụng công nghệ thu phí ETC sẽ tiết kiệm 2.800 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, mỗi trạm thu phí một dừng hiện nay, riêng tiền in vé tốn khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Khi xe phải dừng thì khấu hao xe, chi phí nhiên liệu cũng tốn mấy trăm tỷ/năm.

“Người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng lại tiết kiệm được thời gian. Nhà đầu tư cho dự án BOT cũng yên tâm hơn khi lượng phí đi qua trạm bao nhiêu thì truyền về ngân hàng kiểm soát được luôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chống được thất thoát, tiêu cực,” Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Trước những lo ngại về việc áp dụng công nghệ mới, phí đường bộ mà người dân phải đóng sẽ tăng lên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, mức phí chủ phương tiện phải đóng vẫn sẽ giữ nguyên như hệ thống thu phí hiện tại đang áp dụng.

Để hoàn vốn cho các nhà đầu tư BOT khi công ngày này được đưa vào triển khai trong khi mức phí vẫn giữ nguyên, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị và đề xuất Chính phủ cho phép các nhà đầu tư được kéo dài thêm thời gian thu phí.

Sau khi thực hiện thí điểm xong Bộ Giao thông vận tải sẽ tính toán chi tiết về thiết kế mẫu cho từng trạm, tính toán về vật tư, thiết bị phục vụ cho trạm và đưa ra bộ đơn giá tiêu chuẩn cho 1 trạm trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và Quốc lộ 14-đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bắt đầu từ tháng Năm tới đây.

“Hệ thống này đảm bảo sự minh bạch, chính xác do sử dụng hoàn toàn phần mềm điện tử, không có tác động của con người,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Theo VnMedia

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516