Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtNhân vậtHọc từ những người giỏi

Học từ những người giỏi

Thứ sáu, 07 Tháng 10 2011 02:36
Gần hai thập kỷ trước, nữ sinh viên Hàn Quốc Choi Hana đã chọn chuyên ngành Việt Nam học và vào học trường ĐH ngoại ngữ Hàn Quốc, môn tiếng Việt, ngay sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập mối quan hệ mới. Và từ đó, Việt Nam gắn chặt với công việc và cuộc đời cô.

Gần hai thập kỷ trước, nữ sinh viên Hàn Quốc Choi Hana đã chọn chuyên ngành Việt Nam học và vào học trường ĐH ngoại ngữ Hàn Quốc, môn tiếng Việt, ngay sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập mối quan hệ mới. Và từ đó, Việt Nam gắn chặt với công việc và cuộc đời cô.

Với Sài Gòn là “cô bé dễ thương”

Cuối năm 1992, Hana là một trong số hiếm sinh viên Hàn Quốc chọn môn tiếng Việt làm ngành học chính. Lựa chọn ấy được bố cô động viên, rằng: “Con hãy làm cái gì mà người khác không làm.” Ngay sau đó, ngày 22.12.1992 Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức. Đó là cơ hội rõ rệt hơn cho cô.

Cuối năm 1993, Hana được đến Việt Nam lần đầu tiên, thực tập ở trường ĐH Tổng hợp Tp. HCM một tháng tiếng Việt. Cô sinh viên Hàn Quốc choáng váng khi mình đã học tiếng Việt ở Hàn Quốc suốt 1 năm trời mà khi tới Tp. Hồ Chí Minh, cô nói tiếng Việt và không ai hiểu gì hết. Cô đã khóc vì bất lực. Thầy cô, bạn bè, hàng xóm ở đây dễ dàng kết thân với Hana, nhưng cô không hài lòng vì mình không đủ ngôn ngữ để bày tỏ cảm xúc. Khi nói chuyện với mọi người, cô chỉ hỏi được, mà khi người khác nói, cô không thể hiểu, hoặc cũng không trả lời được câu dài, chỉ nói “có”, hoặc “không”. Tuy vậy cô đã có nhiều người thân ở Tp. HCM, và mọi người đều gọi Hana là “cô bé dễ thương”. Hana chỉ bị phiền khi biết cô là người nước ngoài, những chàng xích lô Sài Gòn cứ mè nheo theo cô cả tiếng đồng hồ dụ lên xe, có khi chỉ để chở cô một đoạn với thù lao 1 đô la. Hay có buổi đi chợ, cô bị cả đoàn xích lô bao vây.

Người nước ngoài viết tiếng Việt hoàn hảo

Về nước, nhưng trong tâm trí Hana vẫn là những câu hỏi về Việt Nam. Có phải Việt Nam là nước như các nhà nghiên cứu phương Tây đánh giá? Qua thực tế một tháng ở Việt Nam Hana cho rằng những gì mình biết qua sách vở chưa phải là Việt Nam. Cuối 1994, Hana là sinh viên Hàn Quốc đầu tiên đến ĐH Tổng Hợp HN học tiếng Việt.

Ấn tượng đầu tiên mà Hana có về Hà Nội là những mảng tường xám và mốc thếch của những ngôi nhà tập thể, cơ quan cũ. Người HN mặc màu nâu, xám, màu tối, ít người mặc màu sặc sỡ. Mọi người đa phần sống tiết kiệm vì vừa ra khỏi thời kỳ bao cấp. Giá cả phân biệt hai mức cho người VN và người nước ngoài, người nước ngoài phải chịu mức giá cao hơn. Hana may mắn được học những thầy nổi tiếng như Phan Huy Lê, Đoàn Thiện Thuật, Phạm Quang Long... Những bạn bè Việt học cùng Hana giờ đều thành đạt, có người mang hàm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Phó Giám đốc Đài truyền hình, Tổng Biên tập báo…

Là Giảng viên Đại học Văn hóa Hàn Quốc và chuyên viên Văn phòng Tp. Seoul, với vốn hiểu biết dày dặn về Việt Nam, Hana trở thành người phiên dịch cho nhiều cuộc đàm phán của đoàn Chính Phủ Hàn Quốc và Chính Phủ Việt Nam. Trong quá trình phiên dịch, đặc biệt là những đàm phán về hợp tác đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, Hana nhận thấy một điều là những khác biệt nhỏ về văn hóa, những sự chưa thấu hiểu tường tận về thói quen, tập quán và hệ thống luật pháp ở Việt Nam đã gây những trở ngại không nhỏ trong quá trình hợp tác kinh doanh. Cô thấy rõ tầm quan trọng của những nghiên cứu khoa học về Việt Nam đối với các doanh nhân và Chính phủ Hàn Quốc trong mối quan hệ ngoại giao và hợp tác hay viện trợ tại VN. Và cô lập tức quyết định: sang Việt Nam học tập và nghiên cứu. Sau hơn 2 năm học tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội, tháng 6.2011 Hana đã bảo vệ xuất sắc luận án thạc sỹ với số điểm 9,9 cho đề tài “Hợp tác phát triển Hàn-Việt qua ODA giai đoạn 2001-2010.”

Luận văn của nữ học viên Hàn Quốc Choi Hana dày hơn 100 trang và theo nhận xét của giáo sư sử học Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia HN) thì “Đây là luận văn của người nước ngoài viết bằng tiếng Việt hoàn hảo, không có một lỗi chính tả nào. Luận văn thể hiện trình độ chuyên môn, trình độ ngôn ngữ tiếng Việt của học viên rất cao”. Giáo sư cũng khuyến khích Hana nên đào sâu thêm một số khía cạnh trong luận văn để có thể xuất bản thành một cuốn sách chuyên khảo có giá trị khoa học cao.

Để tránh được nhược điểm thường gặp của những nhà nghiên cứu Hàn Quốc về Việt Nam là nói được tiếng Việt nhưng không viết được bằng tiếng Việt, Hana đã tự mình học, rèn viết tiếng Việt rất công phu. Cô cho rằng đây là việc khó nhất đối với mình trong cả quá trình nghiên cứu, học tập. Cô từng đề nghị các giáo sư trong trường ĐH Quốc gia đào tạo môn viết cho mình, nhưng bị từ chối vì nhà trường không có chức năng đào tạo viết tiếng Việt. Cô bèn chủ động qua các người quen, tìm tới hơn chục chuyên gia ngôn ngữ cả người Việt và người nước ngoài để nhờ họ dạy mình viết tiếng Việt. Họ đơn giản chỉ đưa cho cô những luận văn, sách của họ và bảo cô tự nghiên cứu. Hana đã tích cực đọc rất nhiều luận văn, tiểu luận, bài viết  như thế. Phương pháp học viết tiếng Việt của cô là tìm đến những chuyên gia ngôn ngữ giỏi nhất, xin tài liệu, đặt vấn đề họ giúp mình đọc, góp ý bài viết, luận văn của mình.  May mắn là những chuyên gia này khi được một học viên nước ngoài đến hỏi về chuyên môn của họ thì họ rất phấn khởi và tận tình giúp đỡ. Nhờ phương pháp học tích cực, chủ động và tìm người giỏi để học theo mà Hana giờ đã viết tiếng Việt tốt gần như tiếng Hàn.

Tiếp theo sự thành công này, Hana sẽ xây dựng đề tài tiếp theo là nghiên cứu về người phụ nữ Việt Nam và những vấn đề của họ. Đây nhiều khả năng sẽ là luận án tiến sỹ của cô. Phụ nữ Việt Nam, sống trong lòng châu Á có cuộc sống và số phận tuy bó buộc, nhưng lại có tư tưởng phóng khoáng, tự do, với tính cách khôn khéo đã thực sự cuốn hút Hana.

Giới trẻ Việt nhiều người không biết mình muốn làm gì.

Nhận xét về bạn trẻ Việt, Hana cho rằng nhiều bạn hiện nay thực sự không biết mình muốn làm việc gì. Họ cứ nhìn những người xung quanh làm rồi làm theo, hoặc nghe theo lời khuyên của bố mẹ, anh chị để chọn công việc mình làm. Họ làm với thái độ “kệ cái gì đến thì đến”, không chủ động tự mở một con đường cho riêng mình. Họ chỉ việc đi theo một con đường có sẵn, do bạn mình đã đi, hoặc bố, mẹ, anh chị đã đi.

Quan sát bằng con mắt người nước ngoài, Hana nhận thấy rõ nhược điểm của người Việt, đó là có rất nhiều thứ dở ở xung quanh, người Việt nhìn thấy nhưng không chịu giải quyết ngay dù nó trong tầm tay mình. Điều này giống ở Hàn Quốc những năm 60,70 thế kỷ trước, nhưng hiện nay  Hàn Quốc đã sửa được thói quen tệ hại đó, thấy cái gì sai là sửa ngay, có như vậy mới phát triển tốt được về mọi mặt.

Trở về Hàn Quốc vào giữa tháng 7.2011, Hanna bắt tay dịch tác phẩm “Trong sương hồng hiện ra” của nhà văn Hồ Anh Thái. Cô tình cờ quen Hồ Anh Thái do một người  bạn Hàn Quốc là đạo diễn sân khấu giới thiệu.  Người bạn này từng gặp Hồ Anh Thái ở Ấn Độ.  Năm 1995 khi gặp Hồ Anh Thái lần đầu, Hana không biết anh vừa là nhà văn, vừa là nhà ngoại giao. Mãi sau này, sau nhiều lần gặp gỡ, được anh tặng sách, cô mới biết đến những tác phẩm của anh và  đọc thử, kể cả những tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh. Hana nảy ý định sẽ dịch tác phẩm của Hồ Anh Thái sang tiếng Hàn để xuất bản ở Hàn Quốc, nhưng cô muốn tiếng Việt của mình phải thật chuẩn đã.  Bây giờ, hoàn toàn tự tin với vốn tiếng Việt của mình, Hana muốn ngay khi trở về Hàn Quốc sẽ tập trung dịch cuốn “Trong sương hồng hiện ra” của Hồ Anh Thái. Theo cô, đây là tác phẩm xuất sắc về cuộc sống Việt Nam đương đại, cuốn này từng được dịch ra nhiều thứ tiếng rồi và được giới nghệ sỹ, nhà nghiên cứu xã hội nhiều nước quan tâm.  Hana muốn dịch cuốn này cũng vì muốn độc giả Hàn Quốc hiểu thêm về điều kiện xã hội Việt Nam đương đại. Cô tin rằng những chuyên gia Hàn Quốc chuyên nghiên cứu về Việt Nam, giới nhà văn Hàn Quốc sẽ rất quan tâm tác phẩm này. Trước đó cô đã từng dịch tác phẩm “Người đàn bà trên đảo” cũng của nhà văn Hồ Anh Thái sang tiếng Hàn.

Bích Hậu

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516