Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtNhân vậtNSND Lệ Thủy "cánh chim không mỏi" của sân khấu cải lương Việt

NSND Lệ Thủy "cánh chim không mỏi" của sân khấu cải lương Việt

Thứ hai, 10 Tháng 3 2014 14:21
Thế hệ nghệ sĩ cải lương của thời hoàng kim vẫn thường được xưng tụng là "những cánh chim không mỏi". Ở hàng tuổi gần "thất thập cổ lai hy" họ vẫn đứng dưới ánh đèn sân khấu, không chỉ là gìn giữ lửa nghề trong tâm hồn mình, mà còn làm luôn nhiệm vụ truyền tiếp hơi nóng của ngọn lửa nghệ thuật đó đến từng khán giả.

Trong số những tên tuổi đó, có người trong giọng hát đã có nhiều "hột" hơn, có người dáng đi đã lọm khọm hơn, nhưng NSND Lệ Thủy thì vẫn vậy. Trên sân khấu, giọng hát của cô vẫn lanh lảnh, nét diễn vẫn nhanh nhạy và nhất là sức khỏe vẫn còn đủ dồi dào để có thể có mặt ở bất cứ nơi đâu khán giả cần, dù là vùng xa vùng sâu hay tận phương trời xứ người.

Bắt đầu đi hát từ rất sớm do gia cảnh khó khăn, cô bé Dương Thị Lệ Thủy 13 tuổi đã có được thành công đầu tiên với bài ca cổ "Cô gái bán đèn hoa giấy" và những vai kép con. Rất nhanh, chỉ 1 năm sau đó, Lệ Thủy đã được nâng cấp khi được phân công những vai

đào nhì. Và đúng như câu nói "tài năng không đợi tuổi", 15 tuổi, Lệ Thủy bắt đầu nổi tiếng khi bắt đầu thủ diễn những vai đào chính. 16 tuổi, Lệ Thủy được trao giải Thanh Tâm, giải thưởng danh giá nhất, uy tín nhất của giới sân khấu thời bấy giờ. Cô cũng là nữ nghệ sĩ trẻ nhất sở hữu được giải thưởng này sau 10 lần tổ chức trao giải.

le thuy

NSND Lệ Thủy

Những năm tiếp theo, Lệ Thủy vươn tới được đỉnh cao đầu tiên trong sự nghiệp khi được công chúng phong tặng là cặp đôi "bão biển" khi đứng cạnh nghệ sĩ Minh Phụng tạo thành một cặp đào kép ăn ý. Liên tục những vai diễn của cả hai đều được khán giả đón nhận, ghi nhớ và trở thành bất tử với thời gian như Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau... Trong mắt những người yêu mến, tuy rằng những vai diễn trong thời kỳ này của Lệ Thủy cứ hao hao giống nhau từ tính cách đến số phận, nhưng chỉ cần thấy được cặp đôi vừa đẹp vừa ca hay Lệ Thủy - Minh Phụng thì đã là quá đủ, không còn trông mong gì hơn nữa.

Sau khi đất nước thống nhất, trong không khí người người lao động, nhà nhà lao động, Lệ Thủy tạm lánh xa sân khấu Sài Gòn suốt một thời gian dài vì mải miết phục vụ khán giả ở vùng xa. Ngày trở lại với sân khấu lớn, không vì xa cách lâu ngày mà giọng ca của chị bớt "sắc bén". Lệ Thủy tiếp tục có được đỉnh cao thứ hai của mình cùng đoàn hát 2-84 mang trên vai trách nhiệm "mang chuông đi đánh xứ người". Và chính ở đây hình ảnh không thể phai mờ của một Tô Ánh Nguyệt một mình bươn chải giữa những luân lý cố cựu của xã hội cũ đã được Lệ Thủy khắc họa đậm nét để trở thành không chỉ là dấu ấn không phai của riêng chị mà còn là một vai diễn kinh điển của ngành nghệ thuật cải lương.

Nói về Lệ Thủy, người ta sẽ nhắc ngay đến một giọng hát lanh lảnh, trong trẻo, vang rền và luôn giữ được nét giản dị, mộc mạc. Nếu ở Bạch Tuyết là nét dịu dàng, nỉ non có phần yểu điệu của những tiểu thư khuê các, ở Ngọc Giàu là cái hùng hồn, mạnh mẽ, thâm trầm của những tâm hồn nhiều uẩn khúc, ở Mỹ Châu là lối ca diễn ma mị, uyển chuyển ra ngoài khuôn khổ thì ở Lệ Thủy chỉ có thể là một giọng ca mộc mạc và chỉ có như thế mà thôi. Một lối hát thẳng thớm, không nhiều kỹ thuật luyến láy điêu luyện, nhưng trong đó chất tình và cảm xúc đã được truyền thẳng từ trái tim người hát đến trái tim người nghe, một lối truyền đạt trực tiếp và sâu thẳm.

Nói về Lệ Thủy, người ta cũng sẽ nhắc đến cái tâm với nghề nghiệp. Từ xa xưa người ta vẫn hay bảo nhau "con gà ganh nhau tiếng gáy", và ngày nay cũng thế mà thôi, khi có danh tiếng, những người nghệ sĩ với cái tâm hồn bay bổng cũng có khi trở nên ích kỷ để có những lề luật riêng của mình nhằm bảo vệ cái tôi của mình trước những cái tôi khác. Nhưng điều đó không tồn tại ở Lệ Thủy. Cô có thể là một Tô Ánh Nguyệt, nhân vật xuyên suốt của một vở diễn lớn, nhưng cô cũng có thể là cô gái Kim Anh, một nhân vật nhỏ với số màn xuất hiện đếm không quá một bàn tay trong tuồng "Đời cô Lựu". Không vì là một vai diễn nhỏ mà diễn qua loa, Kim Anh với nét diễn của Lệ Thủy cũng có những tính cách riêng, lối nói riêng, tâm hồn riêng và những dấu ấn rất riêng.

le thuy 1

NSND Lệ Thủy và con trai - Dương Đình Trí

50 năm theo nghề hát, từ nghệ sĩ Lệ Thủy đến NSƯT Lệ Thủy và bây giờ là NSND Lệ Thủy, thời gian vẫn chưa thể chạm được đến giọng hát, niềm đam mê yêu nghề của cô. Không chỉ đứng trên sân khấu lớn, NSND Lệ Thủy còn dành rất nhiều thời gian để tham gia vào các hoạt động từ thiện và các chương trình mang tính thiện nguyện để đến, gặp gỡ và chia sẻ với những mảnh đời khó khăn, cần sự giúp đỡ.

Niềm vui của những ngày này đối với NSND Lệ Thủy không chỉ là được đứng trên sân khấu, gặp gỡ khán giả của mình mà còn là người con trai của cô, Dương Đình Trí, cũng đã có được một chỗ đứng trong làng giải trí sau khi hoàn thành nghĩa vụ học tập với gia đình. Dù thật lòng NSND Lệ Thủy và chồng không hề thích con cái đi theo nghiệp biểu diễn nhưng như một cái duyên và định mệnh, Dương Đình Trí đã tiếp nối được ngọn lửa nghề của mẹ mang tiếng hát phục vụ khán giả khắp nơi.

 

Nguồn DSPL

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516