Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtNhân vậtTrở về sau 19 năm mang danh… liệt sỹ

Trở về sau 19 năm mang danh… liệt sỹ

Thứ sáu, 27 Tháng 7 2012 02:55
Tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trườngLào, thời chống Mỹ xâm lược, hòa bình lập lại, anh em chiến sỹ nối tiếp nhau trở về nhưng gia đình vẫn không nhận được một dòng tin tức về ông. Sau 19 năm có giấy báo tử,  cuối thu năm 2010, ông trở về trước trước sự bất ngờ của gia đình và bà con bản người Thái. Đó là câu chuyện cảm động của người lính Lò Văn Cân( sinh năm 1941), ở làng Chinh, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.    

43 năm thất lạc

20 tuổi anh thanh niên Lò Văn Cân lập gia đình cùng chị Vi Thị Huyên, một cô gái Thái cùng quê. Sau khi kết hôn, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lúc này ông nhận nhiệm vụ chiến đấu tại nước bạn Lào và được biên chế ở Tiểu đoàn 923. Biền biệt nơi chiến trường bom đạn khốc liệt gần mười năm, mãi năm 1968 ông mới được về phép thăm người vợ trẻ ở quê nhà. Ở lại nhà được vài tháng, khi vợ mang bầu cũng là lúc ông phải lên đường tiếp tục cuộc kháng chiến gian khổ. Đứa con trai Lò Văn Thành sinh ra chưa một lần được nằm vào vòng tay ôm ấp của bố, bà Huyên một thân làm nương rẫy, trồng lúa để nuôi dạy con đi học và chăm sóc mẹ chồng là cụ Vi Thị Thận.

Chiến tranh kết thúc, bà Huyên ở nhà vẫn mong ngóng tin chồng nhưng không nhận được một dòng tin tức. Hỏi thăm các người bạn của ông đã xuất ngũ nhưng ai cũng không biết. Họ chỉ nhớ lại những trận đánh ác liệt nhất và chỉ những chiến trường xưa để bà và các con đi tìm tung tích của ông. Mãi đến cuối năm 1992, gia đình mới nhận được giấy báo tử, rằng ông Cân đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Hung tin đó khiến vợ ông lâm bệnh vì thương chồng. Một năm sau bà bệnh nặng và qua đời.

Anh Thành lớn lên chưa một lần biết mặt cha, mẹ mất sớm một mình anh gánh vác công việc gia đình. Dù vậy, anh vẫn nuôi hy vọng tìm lại được hài cốt của cha để về an táng nơi quê nhà cho trọn chữ hiếu. Tình cờ một lần anh Thành đi làm ăn xa, gặp được ông Phan Thế Hạnh người Nghệ An, bạn kháng chiến năm xưa của ông Cân kể chuyện. Niềm hy vọng ấy bùng lên trong anh khi nghe tin cha vẫn còn sống và đang lưu lạc bên nước bạn Lào. Gia cảnh khó khăn, không có tiền trong tay nên anh quyết định đem bán hết những tài sản có giá trị trong nhà để cùng ông Hạnh vượt hàng trăm cây số đường rừng sang nước bạn Lào tìm tung tích cha.

Đúng như lời của ông Hạnh và một số người bạn lính kể, ông Cân vẫn còn sống, đã có vợ và ba người con, hai trai một gái là Nọi, Đui, Đây ở bản Bạc Nhỏ, huyện Lào Ngang, tỉnh Xa-lạ-vằn của nước bạn Lào.

Ngày đoàn tụ

Ông Cân bồi hồi kể lại: “Sau trận đánh năm 1972, hầu hết anh em trong đơn vị đều bị thương nặng và phải di tản. Tôi bị trúng đạn, một  chân bị địch bắn nát, toàn thân bị thương nặng phải nằm lại giữa rừng. Những tưởng cuộc đời bị chôn vùi nơi chốn rừng thiêng nước độc mà không được gặp lại mẹ già và người vợ ở quê nhà. May sao, một cô gái Lào tên Lít đi làm rẫy trông thấy liền đưa về nhà chăm sóc và điều trị vết thương. Lúc này, một chân tàn phế, tiền không có, không thể trở về quê hương được. Cảm động trước sự chân tình của cô gái Lào nên tôi quyết định ở lại vùng đất Xa-lạ-văn kết duyên cùng cô. Có với nhau ba người con, nhưng cuộc sống rất khó khăn vì tôi chỉ còn lại một chân trái, đã thế lại thường xuyên đau ốm bởi vết thương cũ tái phát, nhất là luôn đau đáu nổi nhớ mẹ, nhớ quê nhà. Tôi mong gặp được một người Việt Nam để hỏi thăm tin tức quê nhà nhưng vẫn bặt vô âm tín”.

2012-07-27_101347

Lúc anh Thành và ông Hạnh đón ông từ nước bạn Lào về, ông Cân mừng rỡ vì được đoàn tụ với gia đình quê hương nhưng ông cũng mang nỗii đau về trách nhiệm người chồng người cha hiện tại. Thế nhưng vợ ông và những người con bên Lào hiểu được nỗii lòng ông đành phải luyến tiếc chia tay để ông trở về quê hương. Người con trai ông Cân cũng cùng anh Thành và ông Hạnh đưa bố về tận nhà sau đó mới an tâm quay trở lại Lào.Ngày ông trở về bản gặp lại người thân, ông Cân vui mừng khôn xiết. Bà con khắp bản đến thăm hỏi, trò chuyện, chia vui cùng gia đình. Nhưng có lẽ ít ai nghĩ rằng người cựu binh năm xưa nay đã mang nhiều vết tích của chiến tranh đến vậy.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào mấy sào đất nương rẫy, trong khi ông Cân thường xuyên đau ốm gia đình ông đã làm hồ sơ đề nghị lên các cấp, các ngành địa phương xem xét, làm chế độ thương binh cho ông. Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: “Mặc dù giấy tờ của ông đã thất lạc nhưng chính quyền địa phương cũng đã làm hồ sơ gửi lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, tạo điều kiện làm chế độ thương binh cho ông Cân sớm ổn định cuộc sống”.

Chia tay chúng tôi, ông Cân nhìn xa xăm và chậm rãi nói: “Tôi vẫn hy vọng một lần được cùng gia đình sang thăm vợ và các con bên Lào. Con người bản làng bên ấy thật tốt bụng, họ đã cưu mang, đùm bọc tôi để tôi còn được sống và trở về mảnh đất quê hương ruột thịt của mình”.

ĐOÀN MẠNH NGHIỆP

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516