Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhDạy Tiếng Việt theo định hướng

Dạy Tiếng Việt theo định hướng

Thứ tư, 16 Tháng 10 2013 01:38
HS hứng thú với các tiết Tiếng Việt tích hợp HS hứng thú với các tiết Tiếng Việt tích hợp
Trong tích hợp đổi mới phương pháp, dù hiện hữu hay không nhưng phân môn Tiếng Việt luôn được dạy bài bản ở bộ môn Ngữ văn.  Có thể nói các thao tác dạy như: Chú thích từ ngữ, tìm các biện pháp nghệ thuật tu từ hay phân tích câu… không chỉ liên quan đến phân môn Giảng văn mà còn gắn kết với phân môn Tiếng Việt.

Tuy nhiên năm 2000, mặc dù bộ sách lớp 12 chỉnh lý hợp nhất ra đời nhưng không có phần Tiếng Việt, khi đó phân môn này chỉ dành riêng cho 2 khối 10 và 11. Theo nội dung sách giáo khoa (SGK) mới, phần Tiếng Việt đã được đưa trở lại chương trình khối 12. Tuy nhiên việc tìm kiếm cách dạy và học phân môn này vẫn chưa có nhiều ý kiến thống nhất và đưa ra trao đổi một cách cụ thể rõ ràng. Một điều dễ thấy nữa là các đề thi dành cho khối cuối cấp không bao giờ có mặt những câu hỏi liên quan đến phần Tiếng Việt. 

Khi dạy bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thầy Trần Thế Minh – GV Trung tâm GDTX Tân Phú, TPHCM đã truyền thụ cho HS hai nội dung cơ bản, đó là Khái niệm sự trong sáng của tiếng Việt và Trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Ở  phần 2, GV còn phân tích sâu thêm 3 phương diện, gồm tình cảm, nhận thức và hành động thiết thực nhằm có trách nhiệm cao trong ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vì theo thầy Minh, đây là loại bài phân môn Tiếng Việt thiên về hình thành kiến thức, kỹ năng mới nên trách nhiệm cung cấp tri thức khoa học được đặt lên hàng đầu. Khi dạy bài Nhân vật giao tiếp và bài Luật thơ, cô Nguyễn Thị Hồng Lan – GV Trường THPT Thanh Đa, Q. Bình Thạnh đã đưa ra khái niệm để làm điểm xuất phát.

Sau đó GV giúp các em  hiểu thêm về đặc điểm của nhân vật giao tiếp cũng như các thể thơ tiêu biểu Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây nền kiến thức mới ở loại bài này chưa phải là hết vì cung cấp tri thức một cách đơn phương không phải là đặc thù của phân môn Tiếng Việt.

Theo thầy Minh, hình thành kiến thức mới là trọng trách được đưa lên trước, vẫn còn những yêu cầu khác tiếp theo rất quan trọng mà không được bỏ qua. Đó là thao tác hướng dẫn HS phân tích ngữ liệu. Xét về mặt vai trò, phân tích ngữ liệu chính là “cánh tay phải” của việc hình thành những tri thức lần đầu tiên xuất hiện trong lớp.

Có thể ví phân tích ngữ liệu là chiếc cầu nối để người học bước được sang được bờ bên kia của luyện tập thực hành. Căn cứ vào “kim chỉ nam” đó, khi soạn giáo án, cô Hồng Lan đã tiến hành theo 3 bước. Để phân tích được sâu, trước hết GV cho HS đọc to phần ngữ liệu theo SGK để cả lớp lắng nghe và thẩm thấu. Cũng giống như đọc văn bản, tùy theo ngữ liệu mà yêu cầu giọng đọc to rõ, nhẹ nhàng với ngữ điệu, trọng âm phù hợp.

Thầy cô nên gợi dẫn dể các em biết ngữ liệu đó đi ra từ văn bản văn học nào. Thực tế cho thấy các ngữ liệu ở đây luôn nằm trong văn cảnh, tách biệt với văn bản nên GV cần giải thích cho HS rõ từng ngữ liệu. Các em sẽ không còn khó khăn trong khâu thực hành khi đã nắm chắc các chất liệu, vật liệu ngôn ngữ.. 

Ở phần Luyện tập, theo thông lệ, GV có thể cho các em làm bài theo cá nhân hoặc theo nhóm, tổ. Tuy nhiên, đối với Tiếng Việt, thảo luận nhóm tổ là hình thức phù hợp hơn cả. Có như vậy mới mang đậm sắc thái riêng của phân môn này. Là linh hồn của một tập thể lớp, cuối cùng GV phải đưa ra đáp án thống nhất cho mỗi bài tập.

Công việc này gần giống với dạy loại bài Tiếng Việt nặng về thực hành nhằm củng cố kiến thức và kỹ năng đã có như: Thực hành về một số phép tu từ ngữ âm, cú pháp hay thực hành về hàm ý. Ở loại bài này GV chú ý nghiêng về các hoạt động như cho HS đọc và hiểu đúng bài tập thông qua việc lục lại trí nhớ những tiết đã học trước đó.

Một căn cứ khác rất đáng tin cậy cho các em dựa vào để phân tích ngữ liệu chính là câu hỏi trong SGK. Tuy chưa có đáp án cụ thể nhưng hệ thống câu hỏi có tác dụng khơi mào rất tốt. Đây còn là cách để các em chủ động và tự tin trong hành trình khai phá tri thức. Nhưng nên nhớ lúc nào thầy cô cũng phải là người đứng ra tổ chức hoạt động này để cầm lái con thuyền tri thức cập bờ đúng hướng. 

Điểm lưu ý nữa là bài tập Tiếng Việt thường có những yêu cầu khác nhau về mức độ nên người dạy phải tùy theo tình hình thực tế ở từng vùng miền, từng lớp học và tùy thời gian thực tế để lựa chọn loại “khẩu vị và thực đơn” thích hợp. Mặc dù SGK đã có bày biện sẵn phần Ghi nhớ nhưng GV cũng nên chốt lại những nội dung cơ bản và sau đó để các em nhập tâm bằng cách đọc to cho cả lớp nghe. 

Theo: gdtd.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516