Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhDự án việc làm sinh viên tới năm 2020: "Công thức" cho các bạn trẻ để sau khi ra trường có việc làm ngay

Dự án việc làm sinh viên tới năm 2020: "Công thức" cho các bạn trẻ để sau khi ra trường có việc làm ngay

Thứ ba, 17 Tháng 12 2013 02:19
"Đầu tiên các bạn trẻ cần phải hiểu tự bản thân các bạn cần tự học và tự phát triển vì đó là quyền lợi của các bạn. Nếu sống lờ vờ, học lờ mờ thì chắc chắn thất nghiệp đang đợi bạn. Thứ hai, một kết quả tốt và bền vững yêu cầu các bạn phải học và phát triển hệ thống". Ông Vũ Tuấn Anh, một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và phát triển giáo dục cho cộng đồng nhấn mạnh.

Cách đây không lâu, trong chương trình làm việc với ĐH Quốc Gia Hà Nội, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc nhở tới: “Coi trọng việc tăng khả năng có việc làm cho người học” tại ĐH Quốc Gia nói riêng và trên toàn bộ hệ thống các trường đại học và cao đẳng nói chung. 

Trong thế kỷ 21 khi công tác giáo dục không còn là việc của hệ thống giáo dục mà còn là trách nhiệm của các cá nhân tâm huyết, các đơn vị đóng góp cho cộng đồng và các tổ chức phi lợi nhuận. Xu hướng này cũng là điểm nhấn trong cải tổ hệ thống giáo dục của Việt Nam trong thời gian tới “Làm thế nào để huy động toàn bộ nguồn lực và tri thức trong xã hội" cho mục tiêu giáo dục và phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp hóa đất nước. 

Ngày 12-05 tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cuộc họp nhằm triển khai chương trình “Giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng trong và ngoài nước chưa có việc làm đến năm 2020”. Như vậy từ lãnh đạo cao nhất của chúng ta và tới Bộ chủ quản, việc làm thanh niên đã trở thành vấn đề mang tính chất thời sự và quốc gia.  

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực hiện một lọat bài phỏng vấn đặc biệt với ông Vũ Tuấn Anh – chuyên gia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam về chương trình “Smart Money- Hành Trang Nghề Nghiệp" nhằm giúp cho cộng đồng sinh viên trên cả nước nhận thức, tự đào tạo và phát triển bản thân hiện thực hóa những lời căn dặn của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng như hành động cho chương trình “Việc Làm Sinh Viên tới năm 2020" của bộ giáo dục và đào tạo.

PV: Ông có thể cho biết tầm quan trọng của chương trình và ý nghĩa của nó với xã hội?
 
Ông Vũ Tuấn Anh: Sinh viên có thể nói là rường cột của nền kinh tế vì các em là đầu vào của lực lượng lao động trong xã hội. Để chuẩn bị cho lực lượng lao động, tôi nghĩ rằng có 3 cấp độ mà hệ thống đào tạo cần nhắm tới. Cấp độ 1: có việc làm, Cấp Độ 2 : làm việc có năng suất và chất lượng, Cấp Độ 3: Đạt trình độ cao và vượt bậc so với các nước trên thế giới. 

Chất lượng nguồn nhân lực tại Đức, Nhật và Châu Âu đã đạt tới cấp độ 3. Nhìn rộng ra chúng ta thấy hầu như các nước Asean đã đạt cấp độ 2. Nhìn thẳng và nhìn thật là cái tôi cảm thấy rất thú vị từ lời căn dặn của Tổng Bí Thư và Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta còn đang ở cấp độ 1 và hướng tới cấp độ 2. 

Nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục. Trong thời đại ngày nay, hùng mạnh về kinh tế chính là yếu tố kiên quyết để tạo vị thế cho quốc gia trong giai đoạn toàn cầu hóa. Các nước có vị thế mạnh đều có nguồn lao động sáng tạo và có năng suất cao như Nhật, Mỹ , Israel. Có thể nói nguồn nhân lực tốt là quả trứng để tạo ra con gà- kinh tế và chủ quyền dân tộc vững mạnh.
 

PV: Với kinh nghiệm 20 năm giảng dạy đại học và làm công tác nhân sự trực tiếp quản lý lao động Việt Nam, ông nhận thấy những sức ép nào từ bên ngoài đang đè nặng lên lực lượng lao động và bắt họ phải thay đổi? 

 

Ông Vũ Tuấn Anh: Theo kinh nghiệm và quan sát của tôi như đã trình bày trong một số bài báo chung với đại diện ngân hàng thế giới và các chuyên gia nghiên cứu, sức ép lớn nhất chính là năng suất và phương thức làm việc chưa chuyên  nghiệp của lao động Việt Nam. 

Cái thứ hai đó là các nước và nhà đầu tư họ không chờ được nữa. Họ có thể vì các lý do và thuận lợi nán đợi chúng ta nâng cấp nguồn nhân lực nhưng bây giờ không còn đợi được. Hơn nữa người tới trước sẽ nói người tới sau làm ảnh hưởng uy tín thu hút đầu tư của Việt Nam. Cái thứ ba đó là vào năm 2015 khi chúng ta mở cửa thị trường lao động ASEAN đây là một bước ngoặt và thách thức với lao động khi họ có thể luân chuyển tự do trong các nước ASEAN. 

PV: Theo ông đánh giá chương trình nói trên của Bộ GD&ĐT thật sự có hiệu quả hay không? 


Ông Vũ Tuấn Anh: Theo kinh nghiệm của tôi, chương trình này là một bước tiến rất tốt vì nó kết hợp Bộ GD&ĐT cùng với VCCI. Doanh nghiệp là khách hàng của đào tạo. Cùng với sự góp mặt của VCCI tôi nghĩ rằng chương trình này sẽ mang lại hiệu quả rất nhiều.  

Điều thứ hai khi tôi tham gia hội nghị tôi thấy sự mong mỏi và thật sự các thầy cô giáo tại các trường, đại diện Bộ GD&ĐT rất tâm huyết muốn giúp các bạn sinh viên. Cuộc họp kéo dài hơn một tiếng trong phần tham luận mặc dù đã tới giờ nghỉ. Tâm huyết các thầy cô trực tiếp làm, kế hoạch của lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng với ý chí của lãnh đạo nhà nước sẽ là kiềng ba chân cho chương trình thành công. 

Điểm thứ ba tôi nhận thấy đó là chương trình sâu và rộng đúng nghĩa. Chương trình quan tâm tới vấn đề hướng nghiệp các em học sinh lớp 9 và 12 là cái gốc đảm bảo vấn đề việc làm. 

Điểm thứ tư đó là trong dự thảo đã có chỉ ra lộ trình rất cụ thể chi tiết việc gì cần làm, ai làm và làm như thế nào.  

Điểm thứ năm đó là tinh thần hãy làm ngay đi để giúp các em sinh viên. Chúng ta có thể chưa giúp hết nhưng giúp được 5-10 % đã là quý đã là tốt theo tinh thần của lãnh đạo bộ giáo dục và đào tạo. Cái này bản thân tôi rất thích và tâm đắc, chúng ta hãy làm ngay đi vì việc làm là cấp bách với các bạn sinh viên, với nhà trường và xã hội. 


PV: Trên kinh nghiệm của ông, ông có thể tóm tắt công thức cho các bạn trẻ để sau khi ra trường có được việc?

 

Ông Vũ Tuấn Anh: Đầu tiên các bạn trẻ cần phải hiểu tự bản thân các bạn cần tự học và tự phát triển vì đó là quyền lợi của các bạn. Nếu sống lờ vờ, học lờ mờ thì chắc chắn thất nghiệp đang đợi bạn. Thứ hai, một kết quả tốt và bền vững yêu cầu các bạn phải học và phát triển hệ thống. 

Thứ ba thành công không tới trong ngắn hạn, muốn có việc các bạn cần phải chuẩn bị ngay từ năm thứ nhất khi học đại học. Tôi có một đoạn video nói lý thú về vấn đề này “Hãy viết CV từ năm thứ nhất". 

Thứ tư các bạn cần phải học và phát triển từ nhiều nguồn, từ mọi cơ hội, từ mọi người trong cuộc sống. Sự hoàn hảo tới từ chắt lọc. Công thức thành công rất dễ dàng đó là làm việc một cách chăm chỉ. Tại sao tỷ lệ thành công lại rất ít chỉ có 4-5 %. Lý do như sau 80 % là nói nhưng không làm. 

Trong số 20 % làm thì 80 % làm không đều đặn- không kiên trì. Cuối cùng chỉ còn lại 20 % của 20 % làm kiên trì tương đương 4 % thành công. Các bạn chỉ cần nhớ làm chăm chỉ. Câu hỏi tiếp , các bạn nên làm cái gì. 

Tôi có thể trả lời có các nhóm công việc như sau nếu như các bạn làm đều đặn suốt quá trình học : hãy chọn nghề , ngành trường thật cẩn thận trong năm học cấp 3- học đại học/ cao đẳng/ trường nghề  hiệu quả - tiếng Anh- Phát triển bản thân và năng lực nghề nghiệp ( bao gồm kỹ năng mềm và kỹ năng sống) chắc chắn các bạn sẽ thành công 

 

PV: Theo ông đánh giá, còn có những điểm nào chương trình của Bộ GD&ĐT cần phải thực hiện để hoàn thiện thêm cho chương trình này?

 

Ông Vũ Tuấn Anh: Sau khi đọc bản đề cương tôi nhận thấy rất tốt tuy nhiên nếu vai trò các nguồn lực sau được tích hợp thì chương trình sẽ còn phát triển nhanh, mạnh và sâu hơn nữa. Thứ nhất: vai trò của các tổ chức quốc tế và NGO như ngân hàng phát triển thế giới, ngân hàng châu Á. 

Thứ hai: vai trò của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thứ ba: vai trò của lực lượng chuyên viên nhân sự trong các công ty và tổ chức tại Việt Nam. Thứ tư: vai trò của các chuyên viên đóng góp xã hội và các doanh nghiệp xã hội như bản thân tôi và Viện Quản Lý Việt Nam. Thứ năm: vai trò của truyền thông ví dụ tôi có thể nghĩ rằng báo Giáo dục Việt Nam có thể là cầu nối cho chương trình quốc gia Việc Làm Sinh Viên Tới Năm 2020 để kết nối toàn bộ các bên liên quan và truyền thông ra xã hội. Nếu làm được điều đó, kết quả sẽ rất lớn đối với xã hội. 

 

PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và phát triển giáo dục cho cộng đồng, ông có thể chia sẻ những góc nhìn để các chuyên gia tâm huyết khác có thể đóng góp những sức mạnh thêm cho chương  trình này? 

 

Ông Vũ Tuấn Anh: Xã hội rất trân trọng những gì đóng góp từ các chuyên viên. Vì vậy, nếu như chúng ta có thể làm được cái gì đó ví dụ như một bài báo, một đoạn video, tham gia vào hội thảo giúp cho các bạn sinh viên đều rất tốt. Tiếp xúc nhiều các bạn sinh viên tôi thấy các bạn rất khát khao và muốn nghe từ những người đi trước. Quay trở lại, nếu như báo Giáo dục Việt Nam là cầu nối cho những nỗ lực vì xã hội từ các cá nhân thì tôi nghĩ rằng sẽ còn nhiều chuyên gia tâm huyết tham gia vào chương trình 


Các các hoạt động Viện quản lý Việt Nam có thể hỗ trợ cho các thầy cô hướng nghiệp tại các trường đại học trên cả nước và cộng đồng sinh viên chuẩn bị có việc làm sau tốt nghiệp: 
 
Viện quản lý Việt Nam có chương trình tặng bài giảng chi tiết 10 kỹ năng mềm mà Ngân Hàng Thế Giới khuyên các bạn trẻ Việt Nam nên học và ứng dụng. Chương trình video thực hiện cho cộng đồng Smart Money – FBNC với chuỗi hành trang nghề nghiệp bao gồm 16 video có tổng thời lượng 8 giờ . Chương trình hướng dẫn học đại học hiệu quả bao gồm 6 số - 3 tiếng video cùng với FBNC. Chương trình hướng nghiệp cho các bạn học sinh lớp 12 và phụ huynh do FBNC thực hiện, Chương trình hướng dẫn phương pháp luyện thi tốt nghiệp THPT và đại học năm 2014 ,  Chương trình phát triển nghề nghiệp cho các bạn sinh viên kéo dài 8 tiếng . Các chương trình này đều được đặt tại www.youtube.com/user/vimtraining để xem trực tuyến 
 
Ngoài ra bản thân tôi và các chuyên gia cộng đồng rất vui lòng thực hiện công tác chuyển giao năng lực và kinh nghiệm phát triển nghề nghiệp cho các trường đại học và các thầy cô có quan tâm thông qua các hội thảo tổ chức tại trường , hội thảo trực tuyến, đào tạo và chuyển giao năng lực. Các đơn vị và cá nhân quan tâm có thể liên hệ email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Theo: GDVN

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516