Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhGiáo dục và câu chuyện “ném đá phòng lạnh”

Giáo dục và câu chuyện “ném đá phòng lạnh”

Thứ sáu, 20 Tháng 6 2014 01:02
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.
Tiền túi của người dân hay ngân sách đều không phải là tiền chùa, hãy bớt phung phí đi để có thêm tiền xây trường, cải thiện đời sống giáo viên...

Cần phải nói rằng người viết bài vốn không thích kiểu đao to búa lớn trong ngôn từ,  rất muốn dùng từ ngữ nhẹ nhàng, cách nói ẩn dụ đề góp ý cho một số quan chức ngành Giáo dục, tiếc rằng bao nhiêu góp ý của những người tâm huyết cũng chỉ như gió thoảng, không thể lay chuyển mấy cái đầu hóa đá nên dẫu muốn cũng không thể nhẹ nhàng thêm được nữa.

Quá nhiều người đã nêu câu hỏi “liệu có cần thiết tổ chức một kỳ thi khi mà mục đích cuối cùng của người tổ chức - Bộ GD&ĐT, là tỷ lệ tốt nghiệp phải đạt xấp xỉ 100%”? Để đạt tỷ lệ này, chẳng cần Bộ phải vẽ vời chuyện ra đề, chuyện thanh tra “thanh kiu”, cứ để các trường THPT lập danh sách học sinh tốt nghiệp gửi về, Bộ chỉ việc cộp dấu rồi gửi cho truyền thông công bố là xong. Tổ chức một kỳ thi quốc gia giống như một trò giải trí biết trước kết quả thì cần gì những bộ óc siêu việt của các giáo sư, tiến sĩ, của cả một Bộ?

Sự thật ai cũng thấy là một kỳ thi như vậy lãng phí tiền của dân, có người cứ giả ngây giả ngô cho rằng kinh phí tổ chức kỳ thi là từ ngân sách (chứ không phải tiền thuế do dân đóng góp). Phải chăng vì ngành Giáo dục chưa có ai bị xử tù do tội gây lãng phí nên các quan chức Bộ chưa biết sợ? Tại sao một số lãnh đạo ngành Giáo dục lại cứ cố tình kéo dài hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ) thêm hai năm nữa cho đến 2016? Số tiền lãng phí trong mấy năm ấy đủ xây bao nhiêu cây cầu để cho học sinh và thầy cô không phải chui bao nilon qua sông, đủ xây bao nhiêu ngôi trường cho con em các dân tộc vùng sâu, vùng xa?

Vừa qua, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay “phản ánh những điều chỉnh, đổi mới và đã có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT”.

Nói thẳng rằng một kết luận như vậy nếu không phải là theo kiểu AQ thì cũng là kiểu Chí Phèo. Điều mà xã hội cần là nâng cao chất lượng dạy và học chứ không phải là “chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT”. 

Một khi thày chưa giỏi, trò không chăm học thì dù có nâng cao chất lượng đánh giá lên chín tấng mây nền giáo dục Việt Nam vẫn mãi nằm ở đáy giếng. Học sinh thực sự giỏi thì đánh giá chất lượng kiểu gì cũng không thể trở thành học sinh kém. Có thể ông Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD ngồi chưa nóng chỗ nên kết luận của Cục có phần viển vông, thế nhưng Bộ có bao nhiêu người chứ đâu chỉ có Cục Khảo thí?

Với các chủ trương, quyết sách mà Bộ GD&ĐT thực hiện trong vài năm gần đây, thiết nghĩ Bộ chưa có người đủ năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục tạo đào, ngược lại Bộ cũng rất thừa người để ngồi nghĩ những chuyện tủn mủn, chẳng hạn chuyện cộng điểm cho bà mẹ anh hùng hoặc con đối tượng tham gia cách mạng thời kỳ 1945, hoặc chuyện thanh minh Bộ không phải là chủ quản của báo này báo nọ...

Người viết đành phải một lần nữa nhắc lại ý kiến đã nêu trong bài “Lịch sử và nghịch lý trái tim bên trái”, rằng không ít quan chức được “kéo” về làm việc ở Bộ GD&ĐT hiện nay vừa thiếu tâm vừa không đủ tầm. 

Tại sao họ không thấy đau xót khi mà biên giới biển đảo đang dậy sóng, kẻ thù đang ngày đêm xâm phạm bờ cõi thì chỉ lèo tèo vài thí sinh chọn thi môn Lịch sử, thậm chí có những trường không một thí sinh nào lựa chọn thi môn Lịch sử.

Người (hay một số người) quyết định để Lịch sử thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua đang nghe theo ai, đang tiếp tay cho ai, họ đang biến việc dạy và học môn Lịch sử trở thành một nỗi ám ảnh, một câu hỏi đau lòng với những người có lương tri? Phải chăng những kẻ đang dựa vào lịch sử để đòi hỏi chủ quyền biển Đông rất muốn người Việt quên đi lịch sử, rất muốn người Việt chỉ nên biết duy nhất món mì ăn liền “hảo hảo”? Những kẻ đó chắc chắn sẽ cảm ơn quan chức giáo dục Việt Nam trong chiến lược khiến cho người Việt dần dần lãng quên quá khứ, để cho những lá cờ năm sao có điều kiện len lỏi vào tận cổng trường mẫu giáo.

Có người ngụy biện rằng “không chọn thi lịch sử không có nghĩa là học sinh không học lịch sử”. Cần nói thẳng rằng học Sử và thi môn Sử còn chưa hiểu Lịch sử huống hồ chỉ học lớt phớt cốt có điểm trung bình.

Ở một số nước theo đạo Hồi, người ta dùng hình thức ném đá để xử tử hình những người vi phạm các điều luật. Nước ta, dù dư luận không ghét bỏ giáo dục sao lại cứ phải “ném đá” vào không ít chủ trương mà Bộ đưa ra? Người ta bảo quân tử thà chết chứ không chịu nhục, không biết mấy vị quan chức Bộ có ngón võ gì dù bị “mưa đá” như vậy nhưng vẫn ung dung tại vị? Có người nói vui “mưa đá” thì lạnh, ném vào căn phòng còn lạnh hơn cả đá thì có tác dụng gì!!!

Xin nhắc lại một lần nữa rất nhiều ý kiến đã góp ý, rằng chỉ nên tổ chức một kỳ thi quốc gia,  hãy ghép hai kỳ thi làm một, vừa là thi tốt nghiệp THPT, vừa là thi tuyển sinh ĐH-CĐ ngay từ năm 2014 thế nhưng Bộ không nghe, hệ quả là chính Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phải thừa nhận “kết quả thi tốt nghiệp chưa sát với chất lượng”! 

Nói là “chưa sát” chỉ là cách nói theo kiểu “giảm nhẹ thiên tai” còn nếu dũng cảm thì phải thẳng thắn thừa nhận, cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vừa không đánh giá chính xác chất lượng dạy và học, vừa tốn tiền của dân, đây thực sự là sự “đổi lùi” chứ không phải đổi mới giáo dục.

Nói vậy không phải là một nhận xét vội vàng vì việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ được kết hợp theo trọng số 50% là điểm trung bình bốn môn thi và 50% là điểm trung bình kết quả học tập năm học lớp 12. 

Chỉ cần điểm kết quả học tập lớp 12 được 7 thì dù cả bốn môn thi đều được 3 điểm, bình quân vẫn là 5, vẫn tốt nghiệp. Cả bốn môn thi đều được 3 điểm vẫn tốt nghiệp thì thi để làm gì?

Luật pháp Mỹ có một quy định rất nghiêm túc: “một kiến nghị đạt được 100.000 chữ ký thì trong vòng 30 ngày Tổng thống phải xem xét trả lời”.  Người viết mong muốn báo GDVN hãy tổ chức lấy ý kiến bạn đọc về việc có nên kéo dài hai kỳ thi hết năm 2016 hay ngay năm 2015 chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất.

Tiền túi của người dân hay ngân sách đều không phải là tiền chùa, hãy bớt phung phí đi để có thêm tiền xây trường, cải thiện đời sống giáo viên, hoặc để mua thêm vũ khí, trang bị bảo vệ tổ quốc.  

Người Việt luôn dũng cảm trong chiến tranh vệ quốc, giờ đây chúng ta cũng cần những con người dũng cảm từ bỏ chiếc ghế  quyền lực nếu năng lực và uy tín không đáp ứng mong đợi của toàn dân. Biết rút lui đúng lúc chính là hành xử của người có học.

Theo: giaoduc.net.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516