Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kính"Kết quả đánh giá tiểu học lởm khởm, mặt bằng đánh giá lung tung"

"Kết quả đánh giá tiểu học lởm khởm, mặt bằng đánh giá lung tung"

Thứ hai, 29 Tháng 9 2014 01:27
TS Ngô Gia Võ - Trưởng khoa Giáo dục tiểu học - Trường đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho rằng việc thực hiện cách đánh giá học sinh tiểu học mới ngay trong tháng 10 có phần vội. Ảnh: Hồng Nhung TS Ngô Gia Võ - Trưởng khoa Giáo dục tiểu học - Trường đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho rằng việc thực hiện cách đánh giá học sinh tiểu học mới ngay trong tháng 10 có phần vội. Ảnh: Hồng Nhung
Nơi đô thị lớn thì đánh giá tốt, nhỏ hơn thì đánh giá khá, có nơi đánh giá trung bình, nhưng cũng có nơi không biết thế nào là đánh giá....

Tiếp tục là những ý kiến liên quan đến Thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28/8/2014, theo đó, thay vì đánh giá học sinh tiểu học theo cách truyền thống cho điểm, giáo viên sẽ đánh giá bằng nhận xét, lời nói và chỉ đánh giá cho điểm vào bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học. 

Thông tư này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2014.

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, TS Ngô Gia Võ – Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã bày tỏ quan điểm về cách đánh giá mới này.

Hơi vội

Theo TS Ngô Gia Võ, quy định đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành thể hiện tư tưởng đổi mới toàn diện căn bản giáo dục Việt Nam, đáp ứng đúng tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam hiện nay. Quy định này tạo ra bước chuyển tương đối mới mẻ và căn bản trong công cuộc giảng dạy của giáo viên và học sinh ngành tiểu học cả nước.

Tuy nhiên, việc thi hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học chính thức có hiệu lực từ tháng 10 tới, theo TS Ngô Gia Võ là “hơi vội”.  

Lý giải về điều này, TS Ngô Gia Võ cho biết: “Mấy chục vạn giáo viên tiểu học trên khắp cả nước đang dạy học được đào tạo theo chương trình cũ, chương trình đánh giá bằng kiến thức, bây giờ thay bằng đánh giá năng lực. Từ đánh giá bằng kiến thức sang đánh giá bằng năng lực rất khác nhau, cần có thời gian cho sự thay đổi học hành, chuẩn bị”.

TS Ngô Gia Võ chia sẻ thêm: “Giáo viên tiểu học chưa được chuẩn bị kĩ, trong khi Vụ Giáo dục Tiểu học cũng chưa có thời gian tập huấn, chưa có thời gian in ấn tài liệu, hướng dẫn cho các Sở, các phòng giáo dục, các giáo viên tiểu học như thế nào.

Chính vì vậy sẽ dẫn đến tình trạng chênh lệch về mặt con người, về trình độ, về kết quả đánh giá ở nước ta”.

Lấy thí dụ về sự chênh lệch này, TS Ngô Gia Võ cho biết: “Có những nơi đô thị lớn họ có thể được tập huấn, nhận thức cao thì họ đánh giá tương đối tốt, nhưng những nơi mà đô thị kém hơn thì họ đánh giá khá, có nơi họ đánh giá trung bình, nhưng cũng có nơi họ không biết đánh giá thế nào là đánh giá, nên kết quả đánh giá tiểu học trong năm tới sẽ hết sức lởm khởm, một mặt bằng đánh giá hết sức lung tung”.

Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học nhấn mạnh thêm rằng: “Giáo viên chưa được học về đánh theo kiểu mới, trong khi trước tới nay vẫn thực hiện giảng dạy theo kiểu đánh giá cho điểm, tự nhiên giờ áp dụng cách mới thì nhanh quá, có thể tạo ra một sự bất cập thậm chí là cách làm ẩu, bị động”.

Giảm áp lực nhưng tăng sự lười biếng

Khi được hỏi về lộ trình hay thời điểm thích hợp cho việc áp dụng quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học, TS Ngô Gia Võ cho rằng “có nhiều vấn đề cần phải bàn”.

Ông chia sẻ: “Cần có sự chỉ đạo tương đối thống nhất giữa cơ quan của Bộ, ví dụ như Vụ Giáo dục Tiểu học, cho đến sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở giáo dục, các Phòng giáo dục, và phải có hệ thống văn bản, tài liệu hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên, cho giáo viên chuẩn bị trước 1 vài tháng xong áp dụng thì có lẽ hiệu quả tốt hơn”.

Đánh giá về mục đích của quy định nhằm “giảm áp lực cho học sinh tiểu học”, theo TS Ngô Gia Võ: “Giảm áp lực cho học sinh tiểu học là có thật, có giảm thật. Nếu giảm thật thì cũng dẫn đến trường hợp vì không đánh giá điểm nên học sinh lười học, không cố gắng. Giảm áp lực được rồi nên học sinh lười, học sinh chỉ chơi. Có khi được lợi mặt này nhưng lại hỏng mặt khác.

Giảm áp lực lại tăng sự lười biếng, chuyện này lại thành phản tác dụng”.

Dẫn chứng chính cháu đang là học sinh tiểu học, TS Ngô Gia Võ cho biết: “Cháu tôi đi học, nay không chấm điểm nữa tự nhiên nó lười, bản thân cháu tôi lười không chịu học chăm như trước kia nữa. Đấy cũng là một điều chúng tôi đang băn khoăn, đang phải nghĩ ngợi”.

Vì thế, TS Ngô Gia Võ cho rằng kết quả của cách đánh giá mới này như thế nào thì chưa thể biết được, vẫn cần phải tìm hiểu.

Chia sẻ thêm về việc đào tạo giáo viên tiểu học tương lai, các sinh viên đang theo học tại Khoa Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, TS Ngô Gia Võ cho biết:

“Nhà trường đã thay đổi chương trình theo đúng định hướng đánh giá mới này, xây dựng những học phần mới về đánh giá, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của Bộ GD&ĐT. Trường tiếp nhận những lý thuyết, kinh nghiệm, kiến thức về khoa học đánh giá của nhiều nước và của nhiều nơi , xây dựng học phần mới. Sinh viên ra trường sẽ hòa nhập được nhanh với cách đánh giá mới”.

Vấn đề băn khoăn lớn nhất với TS Ngô Gia Võ không phải là đối tượng sinh viên đang theo học khoa Giáo dục tiểu học tại các trường đại học mà là những giáo viên đang dạy hiện nay: “Mấy chục vạn giáo viên đang dạy tiểu học ở khắp đất nước hiện nay thì họ không được chuẩn bị, còn sinh viên đang học chắc chắn sẽ được chuẩn bị tốt”.

Theo: giaoduc.net.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516