Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtỐng kínhĐồng Tháp: HIỆU QUẢ MÔ HÌNH PHÒNG, CHỐNG HỌC SINH CÚP TIẾT BỎ HỌC MÊ GAME-ONLINE

Đồng Tháp: HIỆU QUẢ MÔ HÌNH PHÒNG, CHỐNG HỌC SINH CÚP TIẾT BỎ HỌC MÊ GAME-ONLINE

Thứ năm, 13 Tháng 12 2012 08:34
Giáo dục tốt cho thế hệ trẻ chính là cơ sở xây dựng một thế hệ nhân tài của đất nước trong tương lai. Trên cơ sở kết quả phối hợp vận động học sinh trở lại lớp do mê Game-online cúp tiết bỏ học năm học 2010-2011, được Huyện ủy Cao Lãnh và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp thống nhất nâng lên thành mô hình “Phòng, chống học sinh cúp tiết, bỏ học do mê game và bạo lực học đường”.

Trên địa bàn huyện Cao Lãnh có 24 trường Tiểu học, THCS, THPT. Qua khảo sát lập danh sách, có 259 học sinh cúp tiết, bỏ học do mê game. Trước tình hình trên, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện Cao Lãnh triển khai kế hoạch đến các trường tiểu học, THCS, THPT trong toàn huyện. Trên cơ sở đó, cấp huyện, cấp xã thành lập Ban vận động, đồng thời giao cho các xã, thị trấn có liên quan với địa chỉ của học sinh trong danh sách, phân công các thành viên trong Ban vận động để theo dõi, giám sát, kiểm tra và cùng cơ sở vận động. Phương thức thực hiện: MTTQ huyện chỉ đạo Mặt trận xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phân kỳ vận động con em là đối tượng thuộc đoàn thể mình quản lý, báo cáo kết quả hàng tháng số lượng học sinh trở lại lớp với Ban vận động. Phòng Giáo dục - đào tạo thông báo cho Ban Giám hiệu nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm, cán bộ phụ trách đoàn, đội quản lý học sinh, theo dõi học sinh thời gian đến lớp và thông báo với cha mẹ học sinh khi các em vắng mặt không lý do trên 02 tiết trong buổi. MTTQ cùng các ngành Công an, Văn hóa thông tin, Trung tâm Viễn thông, Đội 814 tổ chức tuyên truyền, vận động các dịch vụ Internet về quy định của Chính phủ trong hoạt động dịch vụ Internet, quản lý mạng điện thoại di động trong toàn huyện; phân tích cho học sinh nắm bắt thông tin về lợi và hại của game-online; Yêu cầu các chủ cơ sở dịch vụ đóng trên địa bàn, nhất là các điểm gần trường học phải viết cam kết thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ Internet và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các trường hợp có vi phạm.

Mặt trận, đoàn thể xã, thị trấn, các tổ Dân phòng liên kết tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, nhân dân trong các buổi họp tổ định kỳ, phát huy tính tự quản từ gia đình kết hợp với giáo dục con em mình bị nghiện Game – Online ảnh hưởng đến thời gian, tiền của và nhất là việc bỏ học, xa hơn nữa sẽ đi đến tình hình trộm cắp, xin đểu gây mất trật tự địa phương… Từ đó, cha mẹ phải có trách nhiệm tự quản lý con em mình ngoài giờ đến trường và không cho con tự xài tiền không có lý do.

Qua một năm thực hiện (năm học 2011-2012), với tinh thần trách nhiệm của Ban vận động huyện, xã, thị trấn và Ban Giám hiệu các trường học tập trung thực hiện đã đem lại kết quả bước đầu rất phấn khởi. Đội 814 của huyện đã tổ chức kiểm tra 40 lượt ở 168 điểm, phát hiện 11 cơ sở vi phạm cho học sinh chơi game trong giờ học; 01 cơ sở bị cảnh cáo do hoạt động quá giờ quy định; 02 cơ sở có trò chơi điện tử đánh bạc bị tịch thu máy và phạt 2.000.000 đồng. Hiện nay, có 11 cơ sở dịch vụ ngừng hoạt động hoặc chuyển ngành kinh doanh khác; có 214/259 học sinh nghiện Game-online, cúp tiết, bỏ học trở lại lớp đạt tỉ lệ 82,63% và kết quả học tập có nhiều chuyển biến tốt. Theo đánh giá chung, tỉ lệ học lực cuối năm so với đầu năm học trong số 214 em như: Loại giỏi tăng 1,87 (trước không có), khá tăng 19,62 (trước không có); trung bình trước 28,57%, sau 64,49% (tăng 35,92%); yếu trước 71,42, sau còn 14,02% (giảm 57,40%). Về hạnh kiểm, xếp loại tốt 22,43% (trước không có); khá tăng 45,97%; trung bình trước 100%, sau giảm còn 17,6%. Việc ngăn chặn hành vi bạo lực trong học đường cũng được đặc biệt quan tâm, theo thông tin từ Ban vận động có 13 em biểu hiện có thể xảy ra bạo lực trong nhà trường, Ban vận động đã kết hợp với Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn trường vận động, cảm hóa các em, kết quả là các em được đưa ra khỏi danh sách có thể xảy ra bạo lực học đường.

Hiệu quả thực hiện mô hình phòng, chống học sinh cúp tiết, bỏ học do mê Game-online của MTTQ huyện Cao Lãnh xuất phát từ sự phối kết hợp chặt chẽ của nhà trường, gia đình và các đoàn thể trong hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò của Nhà trường và gia đình rất quan trọng, quyết định thành công của mô hình; công tác tuyên truyền, vận động đồng bộ và sự phân công trách nhiệm, cụ thể và tâm huyết của các thành viên Ban chỉ đạo đã tạo ra tiền đề tích cực.

 

Trần Thắng

(UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp)

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516