Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtThế giớiVỀ VIỆC GIẢNG DẠY LỊCH SỬ BẬC PHỔ THÔNG TRUNG HỌC Ở PHÁP VÀ KHẢ NĂNG VẬN DỤNG VÀO VIỆT NAM

VỀ VIỆC GIẢNG DẠY LỊCH SỬ BẬC PHỔ THÔNG TRUNG HỌC Ở PHÁP VÀ KHẢ NĂNG VẬN DỤNG VÀO VIỆT NAM

Thứ tư, 13 Tháng 6 2012 07:58
Pháp là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầutrên thế giới ở cả hệ thống những trường đại học (ĐH)danh tiếng với sự đa dạng của ngành đào tạo. Ở bậc phổ thông trung học (PTTH), Lịch sử (LS) là môn thi được lựa chọn cố định trong các kỳ thi hết cấp, là môn học được định hướng nhằm phát triển tư duy logic, khả năng phân tích, đánh giá và trình bày vấn đề của học sinh (HS). Vì vậy, tìm hiểu việc giảng dạy LS bậc PTTH ở Pháp, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm để có thể vận dụng vào Việt Nam là một vấn đề cần thiết.

1. Về việc giảng dạy LS bậc PTTH ở Pháp.

Trong hệ thống giáo dục của Pháp, bằng tốt nghiệp PTTH (bằng Tú tài) rất có giá trị, được sử dụng để đăng kí vào học ở các trường ĐH công, CĐ, trung cấp và các trường dạy nghề[1]. Do đó, có được bằng Tú tài không phải là điều dễ dàng đối với những HS cuối cấp, họ phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp gắt gao và tỉ lệ trượt tốt nghiệp THPT ở Pháp hàng năm không nhỏ. Với mục tiêu trang bị cho HS tốt nghiệp PTTH kiến thức xã hội rộng, có khả năng phân tích và định hướng tương lai tốt, sách giáo khoa (SGK) môn LS gồm 2 quyển: dành cho chuyên ban Xã hội và các chuyên ban khác, với lượng kiến thức khác nhau. Tiêu biểu là SGKLS 12[2] chuyên ban Xã hội (Manuel de Terminale L/ES) do Nxb Nathan ấn hành (2004) gồm 14 chương với 384 trang; quyển dành cho các chuyên ban khác (Manuel de Terminale S) gồm 10 chương với 288 trang[3]. Dù khác nhau về thời lượng kiến thức, nhưng cấu tạo bài học giữa hai cuốn lại tương đối thống nhất. Mục tiêu đề ra của môn LS là cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho người học. Do đó, cấu trúc của một bài học LS cũng chia ra làm nhiều phần để hướng tới việc rèn luyện các kỹ năng đó. Ví như:

- Nội dung giảng dạy LS nằm trong chương trình lớp 12 của Pháp được chia thành các chương khác nhau. Mỗi chương giải quyết một nội dung cơ bản lớn đã được lựa chọn trong chương trình. Cấu tạo mỗi chương gồm 2 nội dung: Phần 1:  nội dung bài học, Phần 2: luyện tập chuẩn bị cho thi Tốt nghiệp.

Ở phần 1, cấu trúc của nội dung bài học LS gồm 4 mục:

Mục 1- Mở đầu : Giới thiệu nội dung cơ bản của bài học và hệ thống "câu hỏi định hướng” (les questions clés). Phần này được viết rất ngắn gọn (khoảng 4 đến 5 dòng), chủ yếu nêu những sự kiện LS quan trọng của bài học một cách hệ thống, đưa ra từ 2 đến 3 câu hỏi định hướng mang tính khái quát, giúp HS hình dung được những nội dung chính sẽ triển khai trong bài và những nội dung cơ bản cần phải nắm được khi kết thúc bài học;

Mục 2 - Nội dung bài học và tài liệu bổ trợ. Trong phần này, những sự kiện cơ bản của bài học được lựa chọn và trình bày một cách hệ thống, ngắn gọn. Để làm rõ hơn nội dung những sự kiện đó, các nguồn tài liệu bổ trợ được giới thiệu kèm theo, thường là những đoạn trích từ các tài liệu gốc (các điều khoản của hiệp định, bài phát biểu của các nguyên thủ quốc gia, bản ghi nhớ của các hội nghị,…). Nhiệm vụ của người học là phải đọc, phân tích, đưa ra nhận xét về nội dung của các tài liệu đó dưới sự hướng dẫn của giáo viên (GV). Để hỗ trợ cho HS dễ dàng hiểu và nắm được nội dung chính của bài học, một hệ thống các khái niệm, từ vựng mới trong bài học có đề cập tới được lựa chọn ra và chú giải rõ ràng. Cách lựa chọn nội dung và biên soạn SGK như thế giúp nguời học có thể chủ động tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng phân tích, nhận xét.

Mục 3 - Hồ sơ tư liệu. Thực tế, đây là nội dung mới nằm trong chương trình cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục Pháp bắt đầu được triển khai từ năm 2004 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc PTTH. Đứng trước thực trạng giới trẻ Pháp ngày càng thờ ơ với các môn Khoa học xã hội, trong đó có môn LS, tình trạng “lười tư duy” ngày càng phổ biến do ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, Bộ Giáo dục Pháp đã quyết định tăng cường nội dung luyện kỹ năng phân tích, tư duy sáng tạo vào trong bài học LS thông qua mục Hồ sơ tư liệu. Trong phần này, SGK đưa ra một sự kiện thuộc kiến thức cơ bản của bài học với tiêu chí là sự kiện đó có ý nghĩa sâu sắc đối với nội dung của toàn bài, có tác động và ý nghĩa lớn đối với cả một giai đoạn LS sau đó. Để giải thích cho sự kiện này, SGK lựa chọn, giới thiệu từ 4 đến 5 đoạn trích từ các nguồn tài liệu khác nhau (văn bản gốc, các cuốn chuyên khảo, các bài báo,…), cùng với đó là hệ thống các câu hỏi hướng dẫn. Nhiệm vụ của HS là đọc các đoạn trích tài liệu, trên cơ sở đó phân tích, đưa ra nhận xét về sự kiện này theo định hướng của hệ thống câu hỏi hướng dẫn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đó, HS phải thể hiện sự hiểu biết và quan điểm riêng của mình về vấn đề vừa tìm hiểu thông qua một bài luận ngắn. Mục tiêu của phần học này nhằm rèn luyện cho người học kỹ năng làm việc độc lập với tư liệu, phân tích, phê phán tư liệu, đồng thời rèn luyện khả năng thể hiện ý tưởng thông qua bài luận.

Mục 4: Ôn tập: Ở phần này, SGK đưa ra những nhận xét được rút ra trên cơ sở nội dung chính của bài học đã được đề cập ở các phần trước, nhấn mạnh các "từ khoá" (les mots clés) của bài, nhân vật LS, sự kiện tiêu biểu. Đồng thời, trong mục này, SGK giới thiệu những công cụ học tập giúp HS có thể đi sâu tìm hiểu thêm về các nội dung đã học bao gồm: tài liệu tham khảo, các bảo tàng, các bộ phim tư liệu và một số trang web. Bên cạnh đó là hệ thống các bài tập dưới nhiều dạng khác nhau: câu hỏi trắc nghiệm, tự luận, vẽ sơ đồ, biểu đồ,… được áp dụng một cách đa dạng tùy vào từng nội dung với mục tiêu giúp HS ghi nhớ được các kiến thức cơ bản của bài học.

Ở phần 2, SGK tập trung vào luyện tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Phần này bao gồm các mục hướng dẫn cách đọc, phân tích tài liệu, trả lời câu hỏi,… và một bài kiểm tra thử. Ở mỗi mục lại có hướng dẫn chi tiết cho HS cách làm theo đúng yêu cầu, gợi ý dành cho mỗi nội dung và cách đánh giá cho điểm.

- Bên cạnh nội dung hết sức chi tiết trong từng bài học, SGKLS của Pháp còn sử dụng tối đa các kênh hình và màu sắc để thể hiện những nội dung khác nhau nhằm gây hứng thú cho người học, giúp dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ kiến thức đồng thời phát huy khả năng phân tích và tư duy. Bản đồ, tranh ảnh, bảng biểu,… được sử dụng với mức độ dày đặc trong mỗi nội dung bài học và chứa đựng rất nhiều thông tin. Việc sử dụng đa dạng những màu sắc để diễn tả các nội dung, sự kiện LS hoặc phân loại mức độ quan trọng của các sự kiện giúp người học ghi nhớ dễ dàng và lưu giữ thông tin lâu hơn (ví dụ: chữ màu đỏ được sử dụng ở các nội dung cơ bản nhất của bài, sau đó tầm quan trọng của nội dung bài học được minh hoạ lần lượt bằng các màu sắc khác nhau: vàng, tím, xanh,.....). Nhìn vào cuốn SGKLS của Pháp ta thường liên tưởng tới cuốn truyện tranh với cách trình bày đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn, giúp người đọc có thể ghi nhớ các sự kiện LS một cách dễ dàng và sâu sắc.

2. Một vài nhận xét và kiến nghị

2.1. Một vài nhận xét

- Thứ nhất, có thể khẳng định rằng, cấu trúc chương trình và nộidung SGK LS PTTH ở Pháp phù hợp với lý luận DH hiện đại là “lấy người học làm trung tâm”, song không làm giảm vai trò quan trọng của người thầy. Thậm chí, vị trí của người thầy cònđược đề cao hơn (dẫn dắt, định hướng, khuyến khíchlòng say mê, sự sáng tạo của HS trong quá trình học tập). Chươngtrình và nội dung đó cho phép cả thầy và trò phát huytính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình DH.

- Thứ hai, một bài học LS ở Pháp đòi hỏi HS phải nắmđược kiến thức tương đối rộng, rèn luyện được nhiều kỹnăng. Tuy nhiên, điều đó không làm cho  người dạy và người học cảmthấy nặng nề hoặc “quá tải”. Sự phân bố hợp lý, khoa học của lượng kiếnthức cũng như quá trình rèn luyện các kỹ năng từ dễ đến khó khiến chocác em có được cảm giác thích thú, say mê, khám phá kiến thức và khảnăng của bản thân. Điều này được thể hiện rất rõ trong 4 mục của nội dungbài học đã được giới thiệu ở phần trên. Do đó, việc dạy và học LS trongcác trường ở Pháp không chỉ dừng ở việc truyền đạt vàtiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện cho HS kỹ năng phân tích,đánh giá, nhận xét, thể hiện quan điểm của mình đối với môn LS.

- Thứ ba, ở mỗi nội dung, SGK đều đưa ra hệ thống cáccâu hỏi với mục tiêu định hướng cho HS tìm hiểu bài học, ghi nhớ, hiểu và phân tích, đánh giá được sự kiện. Một điểm đáng lưu ý là trong hệ thống câu hỏi đó, những câu hỏi kiểm tra sự ghi nhớ sự kiện mộtcách máy móc, đơn thuần chỉ cần "học vẹt" của HS là không có. Đểkiểm tra sự ghi nhớ sự kiện của người học, các câu hỏi đều kết hợp giữakiểm tra sự ghi nhớ đó trong bối cảnh mà người học phải lựa chọn sựkiện và lí giải tại sao lựa chọn sự kiện đó. Như vậy, hệ thống câu hỏi trợgiúp người học không phải ghi nhớ sự kiện một cách máy móc mà buộcngười học phải hiểu sự kiện. Do đó, người học sẽ ghi nhớ sự kiện lâuhơn, dễ dàng hơn trên cơ sở “hiểu”.

- Thứ tư, sau khi kết thúc mỗi bài học, phần ôn tập kiến thức, kiểmtra đánh giá và luyện tập để chuẩn bị cho bài thi tốt nghiệp trong SGKLS lớp 12 của Pháp thực sự đã giúp người học chủ động trong việc học tập, tạo tâm lí thoải mái khi biết trước những yêu cầumà mình phải đạt được. Bài kiểm tra LS ở Pháp không đòihỏi người học nhớ và nhắc lại một cách máy móc các sự kiện đã được nhắcđến trong nội dung bài học, được đánh giáđạt khi đảm bảo được 3 yêu cầu: diễn đạtvà ngữ pháp đúng, nắm được các sự kiện cơ bản và thể hiện được sự hiểubiết cá nhân.

- Thứ năm, hệ thống kênh hình đa dạng trong các bài học LS ởSGK của Pháp đã làm cho bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, cuốn hút, góp phần rèn luyện kỹ năng, hoàn thànhtốt nhiệm vụ “tạo biểu tượng”, để người học ghi nhớ các sự kiện một cáchdễ dàng hơn.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, SGK là yếu tố quan trọng hàngđầu quyết định cách thức dạy và học. Cấu trúc chương trình và nội dung củaSGKLS PTTH ở Pháp đã quy định cách thức dạy và học LS tích cực, chủ động, sáng tạo để môn LS trở nên hấpdẫn người học, là môn học “hay” và thực sự nhận được sự coi trọng ởtrong nhà trường cũng như ngoài xã hội.

2.2. Một vài kiến nghị.

Trên thực tế, sẽ không phù hợp nếu đem so sánh nền giáo dục của Pháp - một nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới với nền giáo dục Việt Nam. Việc áp dụng một cách dập khuôn, máy móc mô hình giáo dục Pháp vào Việt Nam cũng sẽ là điều không thể. Tuy nhiên, việc học hỏi có chọn lọc những mô hình giáo dục tiên tiến, áp dụng một cách phù hợp vào thực tiễn Việt Nam là điều hết sức cần thiết:

Một là, tiến hành cải cách lại chương trình giáo dục, đặc biệt viết lại SGK LS bậc THPT ở Việt Nam là cấp thiết. Trên thực tế, SGKLS của Việt Nam so với  Pháp và nhiều quốc gia khác trên thế giới là rất “nhẹ” cả về nội dung kiến thức lẫn yêu cầu rèn luyện các kỹ năng. Nếu so sánh cụ thể một bài học LS được trình bày trong SGKLS lớp 12 của Việt Nam với của Pháp sẽ thấy rõ điều đó. Cấu trúc một bài học trong SGKLS của Việt Nam không tạo cơ hội cho người dạy và người học thực hiện PP “lấy người học làm trung tâm”. Việc tiến hành “giảm tải kiến thức” của Bộ GD&ĐT nước ta hiện nay đối với môn LS ở trường THPT là một bước đi sai lầm, không phù hợp với xu thế chung của giáo dục thế giới. Chúng ta đang giảm đi những thứ vốn đã “quá nhẹ” so với mặt bằng chung của giáo dục thế giới. Do vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải thay đổi lại chương trình, nội dung của SGKLS bậc PTTH. Cách cấu tạo nội dung chương trình của SGKLS Pháp có thể học hỏi và áp dụng được ở Việt Nam.

Hai là, để có thể áp dụng PPDH hiện đại “nêu vấn đề”, kích thích tư duy sáng tạo của HS cần phải có hệ thống câu hỏiđịnh hướng chính xác, phù hợp trong mỗi bài học để người thầy có thể dễ dàng định hướng cho HS chủ động tìm hiểucác sự kiện LS, trình bày sự hiểu biết của mình bằng nhiều cách khácnhau. Bên cạnh hệ thống câu hỏi định hướng, việc xây dựng một kế hoạchhướng dẫn chi tiết, cụ thể cho HS phương pháp, cách thức làm việc vớitừng nội dung khác nhau trong bài học để đạt được mục tiêu rèn luyện từngkỹ năng khác nhau, đưa ra được hướng dẫn cụ thể về mặt thời gian dành chotừng nội dung đó sẽ giúp HS chủ động trong việc tự học của mình, điều đó tạo hứng thú cho HS khi học một bài LS, SGKLS bậc PTTH ở Pháp thể hiện rất tốt yêu cầu này.Do đó, việc học hỏi cách thức xây dựng một hệ thống câu hỏi và chươngtrình hướng dẫn chi tiết trong việc biên soạn SGKLS ở Việt Nam làđiều cần thiết và có thể làm được.

Ba là, để việc dạy và học LS ở THPT đạt chất lượng cao, để người học không có cảm giác “sợ” môn LS và phát triển tư duy sáng tạo của mình, cần phải có một công cụ kiểm tra đánh giá rõ ràng, chính xác, phù hợp. Về nguyên tắc, hình thức kiểm tra đánh giá sẽ quyết định cách thức tiến hành hoạt động của người dạy và người học. Nếu yêu cầu của bài kiểm tra chỉ tập trung chủ yếu vào việc đòi hỏi người học phải liệt kê các sự kiện, người học sẽ phải học một cách máy móc, thụ động để có thể ghi nhớ mà không “hiểu” bản chất của nó. Mặt khác, nếu yêu cầu của bài kiểm tra đòi hỏi người học phải thể hiện được sự hiểu biết của mình thông qua việc nhớ sự kiện, người học sẽ chủ động tìm hiểu theo cách thức và sự hiểu biết riêng của mình. Một bài kiểm tra LS bậc PTTH ở Pháp được chấm điểm không đơn thuần chỉ căn cứ vào các sự kiện được trình bày theo cách học thuộc lòng. Đòi hỏi bắt buộc để một bài kiểm tra được đánh giá đạt là người học phải thể hiện đựợc khả năng tư duy và hiểu biết về vấn đề mà mình trình bày.

Như vậy, hình thức kiểm tra, đánh giá môn LS ở Pháp đã không cho phép tồn tại hiện tượng “học vẹt”. Vì vậy, có thể học tập cách thức xây dựng công cụ đánh giá “chuẩn” như SGKLS bậc PTTH ở Pháp trong việc đổi mới nội dung và chương trình giảng dạy môn LS ở Việt Nam.

Bốn là, cách thức biên soạn SGKLS và lựa chọn thành phần tham gia biên soạn SGKLS ở bậc Phổ thông của Pháp cũng là điều đáng để chúng ta suy ngẫm và học tập. SGKLS của Pháp được “biên soạn” theo đúng nghĩa của nó, đó là: nhóm tác giả lựa chọn và tập hợp những sự kiện LS tiêu biểu theo từng nội dung cụ thể, sắp xếp theo trật tự logic, chọn lọc khối lượng tư liệu vừa đủ để làm rõ sự kiện đó, xây dựng hệ thống câu hỏi định hướng giúp HS hiểu rõ sự kiện và phát triển năng lực tự học cũng như năng lực tư duy, đưa ra một hệ thống các bài ôn tập và kiểm tra nhằm củng cố kiến thức, kiểm tra kết quả nhận thức. Toàn bộ những nội dung đó được đặt trong một chỉnh thể bài học hoàn chỉnh, có trật tự logic, mang tính sư phạm với việc định hướng tự học và phát triển tư duy cho HS từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Thành phần tham gia biên soạn SGK bậc PTTH ở Pháp thường được lựa chọn là 7 người. Trong đó, chỉ có một đại diện duy nhất đến từ trường ĐH, còn lại đều là những GV giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy ở trường Phổ thông. Đặc biệt, những GV từng được đào tại Trường ĐHSP Cao cấp Paris (Ecole Normale Supérieure de Paris) được đánh giá rất cao, là những hạt nhân trong nhóm biên soạn.

3. Kết luận

Trong bối cảnh “toàn cầu hoá” với xu hướng hội nhập quốc tế đóng vaitrò chủ đạo, để có thể hoà nhập với thế giới, nền giáo dục Việt Nam cần phảicó những bước đột phá. Đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy ở tất cảcác cấp học thông qua việc học tập, áp dụng có chọn lọc những mô hìnhgiáo dục phù hợp của các nước có nền giáo dục tiên tiến vào Việt Nam làđiều hết sức cần thiết. Nền giáo dụcPháp với thế mạnh làcác ngành khoa học xã hội, trong đó có môn LS, nên việc học hỏi mô hình giáo dục của họ, trên cơ sở chọn lọc những yếu tố thích hợp để áp dụng vào Việt Nam là một nhu cầu cần thiết.


Chú thích

[1]  Pháp không tổ chức các kỳ thi ĐH mang tính chất quốc gia. Ở hệ thống ĐHCL, thí sinh nộp hồ sơ đăng kí vào các ngành học. Tùy vào chỉ tiêu của các ngành học và hồ sơ học tập của bậc PTTH, cũng như kết quả kỳ thi tốt nghiệp mà hồ sơ của thí sinh được chấp nhận vào học ngay hoặc phải chờ đợi 01 năm, thậm chí vài năm.

[2]  Tác giả bài viết tạm gọi các cấp học ở Pháp theo cách gọi của Việt Nam.

[3]  Histoire, Term L/ES et Term S, Sous la Direction de Guillaume Le Quintrec, Nathan, 2004

Tài liệu tham khảo

1. Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông môn LS.NXB Giáo dục, H.2006.

2. Histoire, Term L/ES et Term S, Sous la Direction de Guillaume Le Quintrec, Nathan, 2004

3. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), PPDH Lịch sử, tập I, II, NXB Đại học Sư phạm, H.2009.

4. Phan Ngọc Liên (Tổng chủ biên), Lịch sử 12 (chương trình Chuẩn và Nâng cao), NXB Giáo dục Việt Nam, H.2011.

TS. NGUYỄN THỊ HẠNH

Khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Hà Nội

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516

Đọc nhiều

Yên Bái: Tuyển dụng hàng loạt giáo viên mầm non

Yên Bái: Tuyển dụng hàng loạ...

(GD&XH) - Ngày 23/8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Th...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ: Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào ...

Năm học 2017-2018, quy mô trường lớp và học sinh trên địa bàn tỉ...

Tỉnh Phú Thọ: Sẽ tuyển mới trên 300 chỉ tiêu biên chế giáo viên trong năm 2019.

Tỉnh Phú Thọ: Sẽ tuyển mới t...

Vừa qua trên trang điện tử Giaoducvaxhoi.vn đăng tải bài: “Huyện...

Hiệu trưởng cùng giáo viên bị bắt trên sới bạc

Hiệu trưởng cùng giáo viên b...

Hiệu trưởng, giáo viên trường THCS Tiên Minh (Tiên Lãng, Hải Phò...

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái: Cần chỉ đạo, làm rõ một HS Trường THPT Trần Nhật Duật hành hung nữ sinh Trường THCS thị trấn Yên Bình

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào ...

“ Em bị đánh là học sinh ngoan, học lực khá”.  Đó là lời khảng đ...