Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luật“Nộp tiền thay ở tù”: Hay… nhưng có thể thành “dao 2 lưỡi”

“Nộp tiền thay ở tù”: Hay… nhưng có thể thành “dao 2 lưỡi”

Thứ năm, 02 Tháng 4 2015 01:28
Đó là ý kiến của một số luật sư xung quanh đề xuất đưa hình phạt “nộp tiền” vào chế tài luật hình sự.

Trao đổi với Infonet, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM), bày tỏ quan điểm ủng hộ nhưng cũng không ít những trăn trở xung quanh câu chuyện này.

nop tien phat tu

Ảnh minh họa

Hiện nay, đang có những ý kiến, góp ý đề xuất "áp dụng nộp tiền thay ở tù". Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Về thực tiễn và lý luận tôi đồng ý với đề xuất này. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng một số tội phạm nhất định chứ không nên áp dụng tràn lan với nhiều loại tội phạm và phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền.

Theo luật sư, thay phạt tiền bằng phạt tù, có gây ra tình trạng bất công giàu nghèo không?

Hiểu ở một góc độ hẹp thì thay phạt tiền bằng phạt tù, sẽ gây ra tình trạng bất công giàu nghèo nhưng xét về phương diện lập pháp, khoa học pháp lý, sự bình đẳng trước pháp luật thì đề xuất này không bất công, vì chúng ta đều biết mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. 

Chẳng hạn như các tội về các tội phạm kinh tế, cố tình xâm phạm tài sản…. thì áp dụng hình phạt tiền, theo tôi, là tiến bộ, đúng với tinh thần và tính răn đe của pháp luật đối với từng loại tội phạm.

Tuy nhiên, phải kết hợp giữa phạt tiền với phạt tù tùy loại tội phạm và tính chất của hành vi. Và hình phạt tù vẫn là hình phạt chính và phạt tiền chỉ là biện pháp thay thế nhất định.

Tính răn đe của luật pháp sẽ ra sao, nếu người có tiền không sợ bị phạt tiền?

Nếu chúng ta lạm dụng hình phạt tiền để áp dụng với nhiều loại tội phạm, áp dụng mà không căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của người phạm tội thì tính răn đe của pháp luật sẽ không cao. 

Lúc này người giàu, người nhiều tiền sẽ cậy vào tiềm lực tài chính của mình để không sợ phải nộp tiền. Đồng thời từ quy định này nhiều người có tiền sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật, vì trong suy nghĩ họ cho rằng mình nhiều tiền thì sẽ không phải chấp hành hình phạt tù mà chỉ phải phạt tiền. 

Đa số tâm lý người nhiều tiền họ chỉ sợ phải chấp hành hình phạt tù còn lại hình phạt tiền đối với họ nhiều khi không có sức răn đe.

Lật ngược lại vấn đề, tại sao một số nước phát triển lại áp dụng hình phạt này, phải chăng nó cũng có những ưu điểm nhất định. Theo luật sư ưu điểm đó là gì?

Theo tôi, khi ban hành một quy định hay sửa đổi một điều luật, bộ luật, luật nào đó đều có hai mặt của nó. Tôi cho rằng sở dĩ có đề xuất này là do chúng ta đã nhìn nhận được một số tiến bộ của hệ thống pháp luật của một số nước tiên tiến khi họ áp dụng hình phạt chính là phạt tiền khá nhiều và áp dụng rộng rãi. 

Tuy nhiên, phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng nước, tập quán, kinh tế, chính trị…của từng nước để áp dụng chứ không thể thấy họ áp dụng là mình cũng áp dụng. Theo tôi hình phạt tiền có những ưu điểm nhất định. 

Các tội phạm về sở hữu, tham nhũng, tội phạm kinh tế…thì hình phạt tiền ngoài việc răn đe, giáo dục người phạm tội nó còn có tác dụng thu hồi được tài sản mà họ đã chiếm bất hợp pháp, do hành vi phạm tội mà có. Nếu nhà nước không thể thu hồi được những tài sản họ đã chiếm đoạt, tham nhũng…thì hình phạt tiền là cách để chúng ta thu hồi lại những gì người phạm tội đã chiếm đoạt, tham nhũng…. 

Bởi những tài sản, tiền họ chiếm được đã bán, tẩu tán hay chuyển dịch cho người khác hoặc đã cất dấu rồi nên không thể thu hồi lại được các tài sản này mà phải có hình phạt tiền thì rất phù hợp đối với những loại tội phạm này.

Để áp dụng biện pháp này, xã hội phải hội đủ các điều kiện gì mới có thể thực hiện hiệu quả?

Theo tôi để thực hiện biện pháp này thì trước tiên hệ thống pháp luật mà cụ thể pháp luật hình sự phải rõ ràng, khoa học và không có sự chồng chéo. Pháp luật hình sự phải chặt chẽ về mặt lý luận vừa có tính thực tiễn. Không phải cứ thấy các nước phạt tiền là chúng ta cứ đưa vào luật mà còn phải qua thời gian, lấy ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật, của người dân. Cần ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn các quy định chi tiết liên quan đến hình phạt tiền.

Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật cần công tâm, khách quan khi giải quyết các vụ án hình sự, ý thức chấp hành luật của người dân tốt và có tính tự giác. Hình phạt tiền chỉ nên áp dụng đối với tội phạm lần đầu, còn tội phạm nhiều lần thì theo tôi không nên bởi nó sẽ không có tính răn đe. Ở nước ta, khi hệ thống pháp luật chưa khoa học, còn nhiều văn bản chồng chéo nhau, khi người thực thi pháp luật năng lực chuyên môn chưa cao, nhiều lúc làm việc chưa khách quan, tình trạng tham nhũng không phải là ít, ý thức chấp hành pháp luật còn kém thì việc áp dụng hình phạt tiền nếu không khoa học, không thực tế, không phù hợp với tình hình xã hội, kinh tế, chính trị của chúng ta thì có khi nó là con dao hai lưỡi.

Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) cho rằng:

"Đây là một quy định tiến bộ, cái gì hay mà các nước trên thế giới đã làm và có hiệu quả thì chúng ta nên học hỏi, vận dụng. Tuy nhiên, theo tôi áp dụng thời điểm này là chưa phù hợp, chưa đạt được mục đích của chế định này.

Bởi, đối với các tội phạm kinh tế, hình thức phạm tội thường rất tinh vi, khó phát hiện. Người phạm tội có quá trình phạm tội, thường là trong một thời gian dài cho đến khi bị phát hiện, đồng nghĩa, tài sản từ phạm tội mà có có thể được tích lũy.

Lợi dụng quy định này, người phạm tội có thể chuẩn bị tài chính để đối phó khi phạm tội. Theo đó, mục đích phòng ngừa, ngăn chặn, giáo dục và răn đe tội phạm khó đạt được. Cho nên, thiết nghĩ trước hết chúng ta cần ưu tiên hoàn thiện chính sách, giải pháp phòng chống các tội phạm kinh tế trước khi đưa vào áp dụng quy định này. Ví dụ: để phòng ngừa tội phạm tham nhũng, cần có quy định hạn chế hoặc không thanh toán tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày".

Theo Infonet

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516