Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtTổng quan về các FTA thế hệ mới

Tổng quan về các FTA thế hệ mới

Thứ sáu, 22 Tháng 7 2016 07:38

TS. NGUYỄN THANH TÂM
Trường Đại học Luật Hà Nội

Abstract

Up to March 2016, Viet Nam has signed 12 bilateral and multilateral FTAs and is currently negotiating several more. This article focuses on the following four questions: 1) Why the “new generation” FTAs? 2) What is the legal basis of the “new generation” FTAs? 3) What are key analytical implications for the impact of the “new generation” FTAs? 4) How to face the “new generation” FTAs - some conclusions.
Keywords: “New generation” FTA; EVFTA; TPP; “WTO plus”; Article XXIV GATT.

1. Các FTA “thế hệ mới” là gì?
1.1. FTA là gì?
Theo quan điểm truyền thống, FTA là hiệp định hợp tác kinh tế được ký kết giữa ít nhất hai nước, nhằm cắt giảm các hàng rào thương mại, cụ thể là thuế quan, quota nhập khẩu (và các hàng rào phi thuế quan khác), đồng thời thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nước này với nhau. Một trong các đặc điểm quan trọng của FTA “truyền thống” là các thành viên của FTA không có biểu thuế quan chung trong quan hệ thương mại với các nước bên ngoài FTA. Các FTA điển hình theo khái niệm này là: FTA ASEAN (AFTA); FTA Trung Âu (CEFTA), …
1.2. Tại sao có một số FTA được coi là “thế hệ mới”?
Thuật ngữ “thế hệ mới” hoàn toàn mang tính tương đối, được sử dụng để nói về các FTA có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa, như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (T-TIP);các hiệp định thành lập EU; FTA Bắc Mỹ (NAFTA); Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); các FTA ASEAN+1; FTA Australia-Hoa Kỳ (AUSFTA); …
Các FTA nói trên được coi là “mới” vì 3 lý do sau đây:
1.2.1. Một sốFTA “thế hệ mới” nêu trên bao gồm cả các nội dung vốn được coi là “phi thương mại” như: lao động, môi trường, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt, …
Vấn đề tiêu chuẩn lao động và vấn đề môi trường đã từng được đưa ra khỏi Chương trình nghị sự thương mại toàn cầu kể từ Hội nghị Seattle của WTO năm 1999, bởi các nước đang phát triển lúc đó tỏ ra nghi ngại rằng liệu đây có phải là những“hàng rào bảo hộ mới”?(3)
Thực tế cho thấy: trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm trong thương mại quốc tế, nên trước hết họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đây là cách tiếp cận của các FTA “thế hệ mới” và đang trở thành một xu thế trong những năm gần đây trên thế giới. Nếu như vào thời điểm thành lập WTO năm 1995, chỉ có 4 FTA có nội dung về lao động, thì đến tháng 01/2015, đã có 72 FTA có nội dung về lao động.(4)
Việc đưa nội dung về lao động vào các FTA còn nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Nếu một nước duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và các điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng, thì được cho là sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với nước thực hiện những tiêu chuẩn lao động cao, dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng dựa trên “quyền lao động rẻ”.
Hiện nay, tiến trình toàn cầu hóa đã tạo ra một thị trường lao động trên toàn thế giới và biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, buộc cả các nước phát triển và các nước đang phát triển phải cùng nhau nỗ lực thực hiện những “chuẩn mực thương mại mới ”trong các FTA “thế hệ mới”. Các FTA “thế hệ mới ”không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động và môi trường, mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), và các tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN).
1.2.2. Nếu so với các FTA trước đây và các hiệp định của WTO, thì các FTA “thế hệ mới” bao gồm các nội dung mới hơn như: đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển cũng như dành thời gian chuyển đổi hợp lý để nước đi sau có thể điều chỉnh chính sách theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của mình, …
1.2.3. Các nội dung đã có trong các FTA trước đây và các hiệp định của WTO, nay được xử lý sâu sắc hơn trong các FTA “thế hệ mới”, như: thương mại hàng hóa, bảo vệ sức khỏe động vật và thực vật trong thương mại quốc tế, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ (IPR) (với “TRIPS cộng” và “TRIPS siêu cộng”), tự vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa và chống tham nhũng, giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS), …Thí dụ: trong các FTA “thế hệ mới”, về thương mại hàng hóa, phần lớn hàng nhập khẩu sẽ được loại bỏ thuế quan; về thương mại dịch vụ và đầu tư, các cam kết đều cao hơn so với cam kết WTO.
Như vậy, nếu so sánh với các hiệp định của WTO, thì các FTA “thế hệ mới” chính là các hiệp định “WTO cộng”, với những nội dung trước đây từng bị từ chối, thì nay lại cần thiết phải chấp nhận, bởi bối cảnh thương mại quốc tế đã thay đổi.
2. Cơ sở pháp lý của các FTA “thế hệ mới” là gì?
2.1. Các quy định của WTO về FTA
Các quy định của WTO về FTA xuất hiện trong Điều XXIV GATT áp dụng với thương mại hàng hoá; Điều khoản cho phép năm 1979 áp dụng cho các thỏa thuận khu vực liên quan đến các nước đang phát triển; Điều V và Điều Vbis GATS áp dụng với thương mại dịch vụ. Đồng thời, Điều 23 DSU cũng đưa ra các giới hạn về việc sử dụng các điều khoản của hiệp định này đối với các tranh chấp trong phạm vi FTA.
Về mặt pháp lý, các FTA và các hiệp định của WTO có thể củng cố lẫn nhau, với điều kiện các FTA được thiết kế tốt và được thực thi theo cách bổ sung cho tự do hóa thương mại toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, cần hoàn thiện những quy định chung về FTA trong luật WTO. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dường như “chiếc áo WTO đã chật”, không đủ để điều chỉnh thương mại quốc tế đang gia tăng mạnh mẽ, dẫn tới nhu cầu về một “luật chơi mới” của các FTA.
2.2. EVFTA và TPP được dựa trên cơ sở pháp lý nào?
Theo EVFTA, hiệp định này được dựa trên:
- Những nguyên tắc và giá trị chung được phản ánh trong Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA)năm 2012. Đây là hiệp định có phạm vi tự do hóa thương mại rất rộng.
- Cam kết của Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945.
- Các nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên bố nhân quyền toàn cầu năm 1948.
- Hiệp định thành lập WTO và các hiệp định và thỏa thuận song phương, khu vực và các hiệp định đa phương khác mà các bên là thành viên.
Lưu ý rằng, Điều 1.1.- Thiết lập Khu vực thương mại tự do nêu rõ: “Các bên ký kết Hiệp định này cùng thiết lập một Khu vực thương mại tự do phù hợp với Điều XXIV GATT 1994 và Điều V GATS”.
Trong khi đó, TPP chỉ nêu ra Hiệp định thành lập WTO với tư cách là một cơ sở pháp lý của Hiệp định. Điều 1.1. - Thiết lập Khu vực thương mại tự do được quy định giống hệt như Điều 1.1 EVFTA nêu trên.
Đứng dưới góc độ câu chữ của Điều 1.1. EVFTA và TPP, Điều XXIV GATT 1994 và Điều V GATS được ghi nhận là cơ sở pháp lý của hai FTA “thế hệ mới” này. Nhưng thực sự, nội dung của những chương tiếp theo của cả hai hiệp định đều đi quá xa “tầm kiểm soát” của Điều XXIV GATT 1994 và Điều V GATS.
3. Có thể phân tích gì về các FTA “thế hệ mới”?
3.1. Các nước có xu hướng tham gia đồng thời quá nhiều FTA-Hiệu ứng “bát mì Spaghetti”
Jadish Bhagwati là người đầu tiên so sánh sự chồng chéo của các FTA như một «bát mì Spaghetti»(5). Ở đây, sự bùng phát của các FTA đã tạo ra một mê cung lộn xộn về ưu đãi và quy tắc xuất xứ. “Bát mỳ Spaghetti” này tạo ra nhiều thách thức hơn cho các nhân viên hải quan và cho các nhà sản xuất, vì phải cố gắng thỏa mãn vô số những quy tắc theo từng hiệp định và thông thường là xung đột nhau. Sự bùng nổ của các FTA cũng khiến cho hoạt động kinh doanh của các nhà xuất khẩu trở nên phức tạp hơn. Càng nhiều bộ quy tắc khác nhau được áp dụng thì càng khó để gỡ rối.
3.2. Tác động của các FTA “thế hệ mới”
Cũng như tất cả các điều ước quốc tế, FTA mang đến cả tác động tích cực lẫn khó khăn.
3.2.1. Tác động đối với tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu, khu vực và mỗi quốc gia
- Thuận lợi:
Với điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi,TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP(6).
Các FTA được cho là làm tăng cơ hội kinh doanh, do quá trình giảm/loại bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, tạo cơ hội mới cho xuất khẩu và cơ cấu lại thị trường; tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tầm quan trọng về mặt kinh tế của các FTA dường như đang được phóng đại quá mức. Xét về khía cạnh kinh tế, việc các FTA mang đến sự gia tăng hay giảm sút phúc lợi kinh tế hiện chưa thể khẳng định.
- Khó khăn:
(i) Sự chuyển dịch lợi thế so sánh xuất phát từ việc thành lập FTA chỉ là tạm thời, diễn ra cho đến khi các FTA đưa cân bằng thị trường trở lại điểm ban đầu của nó. Vì thế, chưa chắc sẽ là ý tưởng hay khi đầu tư những nguồn lực khan hiếm vào đàm phán các FTA mà chỉ thu được sự thay đổi lợi thế so sánh ngắn hạn trên một số lượng hạn chế các thị trường, thay vì mở rộng tiếp cận thị trường ở phạm vi toàn cầu.(7)
(ii) Khó khăn lớn nhất do các FTA mang lại chính là tăng sức ép cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu. Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia FTA có thể làm một số doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.(8)
3.2.2. Tác động đối với hệ thống pháp luật của các thành viên
Các FTA đòi hỏi các thành viên phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật của nước mình, trước hết là các lĩnh vực thương mại, đầu tư, IPR, cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, lao động, đấu thầu, thương mại điện tử, môi trường, giải quyết tranh chấp, …
- Thuận lợi:
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật giúp các thành viên cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh, cụ thể:
(i) Bảo vệ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khỏi sự can thiệp trái pháp luật;
(ii) Tạo “sân chơi” công bằng cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân;
(iii) Thuận lợi hóa các thủ tục hải quan;
(iv) Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kinh doanh;
(v) Thuận lợi hóa việc công nhận các tiêu chuẩn sản phẩm;
(vi) Mở cửa thị trường mua sắm công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các thành viên của FTA;
(vii) Minh bạch hóa hoạt động các cơ quan nhà nước;
(viii) Bảo hộ IPR của cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.
- Khó khăn:
(i) Những lĩnh vực pháp luật nêu trên đều là những lĩnh vực mới và khó đối với Việt Nam và các nước đang phát triển.
(ii) Khó khăn lớn nhất đối với các nước đang phát triển luôn là vấn đề thực thi pháp luật.
3.2.3. Tác động đối với thể chế, chính sách của các thành viên
Các FTA đòi hỏi các thành viên phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, văn hóa của nước mình, để thực hiện minh bạch chính sách; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; xử lý mối quan hệ giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là “phi thương mại” - “các giá trị xã hội”, như: thương mại và quyền con người, bảo vệ người lao động trong thương mại quốc tế, thương mại và môi trường, thương mại và văn hóa, thương mại và an ninh, bảo đảm an toàn thực phẩm, thương mại, phát triển bền vững và quản trị tốt; quyền của nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, minh bạch chính sách, quyền tự do Internet, … theo hướng chuyểntừ “đối thoại giữa những người khiếm thính” sang thỏa hiệp đàm phán.
- Thuận lợi:
Việc rà soát toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, văn hóa của nước mình, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, sẽ giúp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Với tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư, các FTA “thế hệ mới” sẽ giúp Việt Nam kiện toàn, cải thiện hơn nữa bộ máy nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỉ luật, kỉ cương của công chức nhà nước, từ đó hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ IPR sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao.(9)
- Khó khăn:
Các FTA “thế hệ mới” tiềm ẩn nhiều hệ quả quan trọng không chỉ đối với hệ thống pháp luật của các thành viên mà còn liên quan tới các chính sách xã hội, văn hoá, kinh tế của các nước này.(10) Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư của bộ máy nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho các cơ quan nhà nước. Tiếp nữa, Chính phủ các thành viên của FTA sẽ phải thực hiện chính sách đầy khó khăn khi phải cân bằng giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là “phi thương mại”.
3.3.Chiến lược FTA của các nước trên thế giới
3.3.1. Sự cân nhắc ưu tiên về chính trị hay kinh tế khi ký kết FTA?
Không có gì mới khi nói về động cơ thúc đẩy các nướcký kết FTA. Động lực cơ bản của việc thành lập nên Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) chính là mong muốn thiết lập các liên kết giữa nước Pháp và nước Đức. Điều này được thể hiện rõ trong Hiệp ước thành lập Cộng đồng than thép châu Âu năm 1951, tiền thân của EEC. Một trong những mục đích của Hiệp ước là:
“…Việc thiết lập một cộng đồng kinh tế sẽ tạo cơ sở xây dựng một cộng đồng rộng lớn hơn và sâu sắc hơn giữa các dân tộc vốn đã từng bị chia cắt lâu dài bởi các cuộc xung đột đẫm máu …”.(11)
Tương tự, Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) cũng là một bước tiến trong quá trình tăng cường ổn định kinh tế-xã hội sau những căng thẳng và xung đột giữa một số nước Đông Nam Á vào những năm 1960.(12)
Trung Quốc hiện chưa tham gia TPP, vì vẫn còn khoảng cách chính trị và kinh tế giữa nước này với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Về phía Hoa Kỳ, việc hình thành FTA xuyên Thái Bình Dương này sẽ là một “bệ phóng” kinh tế lý tưởng để Hoa Kỳ có thể giữ Trung Quốc trong tầm kiểm soát, và tiếp tục là cường quốc kinh tế dẫn đầu ở cả khu vực Bắc Mỹ và Đông Á, Đông Nam Á.(13) Việc ký kết TPP cũng nằm trong chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ(14). Đối với Nhật Bản, việc tham gia FTA này sẽ củng cố vị trí kinh tế-chính trị của Nhật Bản so với một Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng(15).
Chiến lược FTA của Trung Quốc cũng là một phần của một kế hoạch lớn hơn, để giải quyết các mối quan ngại về địa chính trị. Dù nhiều nhà bình luận nghi ngờ các lợi ích kinh tế đem lại cho Trung Quốc từ Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), bởi cả ASEAN và Trung Quốc đều là các đối thủ cạnh tranh của nhau liên quan đến nhiều sản phẩm, nhưng Trung Quốc đã áp dụng phương châm “cho đi rất nhiều, yêu cầu rất ít” trong đàm phán các FTA, vì tầm quan trọng về chính trị trong một FTA như vậy có giá trị lớn hơn những cân nhắc về mặt kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc đã được hưởng lợi, khi mà tất cả các nền kinh tế tham gia vào các FTA với Trung Quốc đều công nhận quy chế nền kinh tế thị trường của Trung Quốc(16).
3.3.2. Các FTA là giải pháp tốt để đàm phán các vấn đề không được giải quyết đầy đủ ở cấp độ toàn cầu
Trong khi các vòng đàm phán thương mại toàn cầu của WTO đang bế tắc và trước mắt chưa thể có bước đột phá, thì các FTA “thế hệ mới” đang là cách duy nhất có tính khả thi để thúc đẩy các biện pháp tự do hóa thương mại và đầu tư, cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn bảo hộ IPR, môi trường và tiêu chuẩn lao động, vốn chưa được quy định trong các hiệp định hiện tại của WTO. Nói cách khác, các nước phát triển muốn ký những hiệp định “WTO cộng” - những hiệp định nhiều tham vọng hơn, bằng cách ký kết các FTA “thế hệ mới”.
3.3.3. Tận dụng mặt tích cực của hiệu ứng “bát mì Spaghetti” để khai thác các thị trường lớn hơn được tạo ra bởi các FTA
Điểm “chồng lấn” lớn nhất của các FTA là đặt ra vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi cấp bách phải cải cách thể chế. Như vậy, “chồng lấn” căn bản ở đây là “chồng lấn” tích cực, có thể giúp các nước đang phát triển và Việt Nam cải cách thể chế và dẫn dắt doanh nghiệp đi theo hướng tích cực hơn.
Trong mỗi khu vực, Trung Quốc thường chọn một đối tác thương mại để bắt đầu các cuộc đàm phán. Bằng cách này, Trung Quốc có tiềm năng khai thác các thị trường lớn hơn được tạo ra bởi sự “chồng chéo” các FTA. Đây là một cách khai thác các thị trường mới rất hiệu quả của Trung Quốc(17).
4. Làm thế nào để ứng xử với các FTA “thế hệ mới”?
4.1. Các FTA “thế hệ mới” là các hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và các FTA đã ký trước đây. Chúng được coi là các hiệp định “WTO cộng” vốn trước đây đã từng bị từ chối, nay lại được chấp nhận. Các FTA “thế hệ mới” nuôi tham vọng xử lý cả những vấn đề thương mại ở sau biên giới, như: đầu tư, lao động, môi trường, minh bạch chính sách, cải cách thể chế,... nên sẽ tạo ra sức ép to lớn để hội nhập.
4.2. Các FTA đang là chiến lược chủ đạo, và “toàn cầu hóa” đang trở thành chiến lược bị áp đảo ở các nước trên thế giới hiện nay. Có lẽ tất cả các nước khác cũng đang nỗ lực như Việt Nam để đi đến thoả thuận cho một “luật chơi mới”, khi mà “chiếc áo WTO đã chật”.
4.3. Các FTAs “thế hệ mới” được đánh giá là đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các thành viên FTA nói chung và Việt Nam nói riêng, cũng như trật tự thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, trong kinh doanh, “không rủi ro thì không lợi nhuận”, và không phải mọi thách thức đều đến từ FTA, mà đến từ chính bản thân mỗi thành viên. Từ một nước thiếu đói lương thực, Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản đều ở mức hàng đầu thế giới và thậm chí cả điện thoại di động. Điều đó cho thấy không phải là Việt Nam không thể cạnh tranh được trong môi trường thương mại quốc tế đầy thách thức. Nhà bác học Charles Darwin đã từng nói: “Không phải các loài mạnh nhất sẽ sống sót và cũng không phải các loài thông minh nhất sẽ sống sót. Mà loài thích nghi tốt nhất với sự thay đổi sẽ sống sót.”(18). Các nước trên thế giới, các doanh nghiệp đều cần phải học cách “thích nghi tốt nhất với sự thay đổi” để sinh tồn.
4.4. Hội nhập khu vực đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, và tham gia các FTA “thế hệ mới” là quyết định chủ động của Việt Nam, nhằm nâng cao vị thế của đất nước, nhất là vị thế trong một khu vực năng động và rất nhạy cảm như khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. So với 10 nước ASEAN, Việt Nam là nước chủ động và tích cực đàm phán, ký kết các FTA nhiều nhất, cụ thể ký kết FTA với 55 nước (tính đến thời điểm tháng 3/2016)(19).
5. Kết luận
Tuy nhiên, từ việc tích cực đàm phán hội nhập đến việc thực sự hội nhập là một chặng đường còn dài. Về phía Việt Nam, vẫn cần có thời gian để xem xét liệu rằng “mạng lưới” các FTA sẽ đem tới sức sống mới cho kinh tế-xã hội Việt Nam với một đà phát triển mới như kỳ vọng hay không. Nhưng các thành viên của các FTA-những đối tác của nhau, sẽ không được phép đánh mất niềm tin rằng chúng ta sẽ vượt qua được sự khác biệt về chính trị, trình độ kinh tế, văn hóa và “các giá trị” để chấp nhận cùng nhau hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, cùng phát triển kinh tế trong hòa bình, thông qua các FTAs, và tin tưởng rằng một thế giới giao thương cùng nhau sẽ có nhiều cơ may hơn để tồn tại cùng nhau.
Adam Smith từng viết: “Không có xã hội nào có thể chắc chắn đạt được thịnh vượng và hạnh phúc, khi mà đa số thành viên của xã hội là những người nghèo và khốn khổ”(20). Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang sẵn sàng tham gia các FTA “thế hệ mới”, thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức.
Ở đâu đó đã có người thông thái nói rằng: “Quy mô thị trường, dân số và địa lý - tất cả đều không phải là do số phận của dân tộc, không phải là hậu quả của chiến tranh. Mà sự phát triển phụ thuộc vào ý chí chính trị của các chính phủ có dám vượt qua những thử thách lớn lao trong quá trình cải cách kinh tế hay không?”.

Tài liệu tham khảo
1. WTO, https://www.wto.org/english/tratop_e/region_e/region_e.htm
2. 12 FTA đã ký: FTA ASEAN (AFTA); FTA ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA); FTA ASEAN-Ấn Độ (AIFTA); FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); FTA ASEAN-Trung Quốc (ACFTA); FTA Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); FTA Việt Nam-Liên minh Á-Âu (bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan); FTA Việt Nam-Chile (CVFTA); Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA); FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA).
Các FTA đang đàm phán: FTA Việt Nam-Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakztan; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) (ASEAN+6); FTA ASEAN-Hong Kong; FTA Việt Nam-Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (bao gồm Thuỵ Sĩ, Na-uy, Iceland, Liechtenstein); FTA Việt Nam-Israel.
3. WTO, https://www.wto.org/english/thewto_e/minist_e/min99_e/english/about_e/resum02_e.htm
4. Báo cáo số 79/BC-CP của Chính phủ về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 18/3/2016, tr. 10.
5. Jagdish N. Bhagwati, A Stream of Windows: Unsettling Reflections on Trade, Immigration, and Democracy, Học viện kỹ thuật Massachusetts, 1998, tr. 290.
6. Tài liệu Hội nghị Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam - Từ phê chuẩn tới thực hiện, Vĩnh Phúc, ngày 4-5/3/2016.
7. Ross Buckley,Vai Io Lo,Laurence Boulle, Challenges to Multilateral Trade: The Impact of Bilateral, Preferential and Regional Agreements, © 2008 Kluwer Law International BV, The Netherlands, ISBN 978-90-411-2711-2, tr. 25.
8. Tài liệu Hội nghị, như footnote 6.
9. Tài liệu Hội nghị, như footnote 6.
10. Y.S.Lee, Reclaiming Development in the World Trading System, tr. 151-152.
11. Hiệp ước thành lập Cộng đồng than thép châu Âu, Lời nói đầu, http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=URISERV:xy0022
12. Tuyên bố ASEAN (Tuyên bố Bangkok), Lời nói đầu, www.aseansec.org/1212.htm.
13. Ross Buckley,Vai Io Lo,Laurence Boulle, tr. 157-158; USTR, https://ustr.gov/tpp/
14. Tài liệu Hội nghị, xem footnote 6.
15. Ross Buckley,Vai Io Lo,Laurence Boulle, xem footnote 13.
16. Ross Buckley,Vai Io Lo,Laurence Boulle,tr. 61-63.
17. Ross Buckley,Vai Io Lo,Laurence Boulle,tr. 60.
18. University of Cambridge, Darwin Correspondence Project, https://www.darwinproject.ac.uk/people/about-darwin/six-things-darwin-never-said-and-one-he-did
19. Website Chính phủ Việt Nam, www.gov.vn, xem footnote 2.
20. http://www.brainyquote.com/quotes/quotes/a/adamsmith389733.html

Nhận bài ngày 10/4/2016. Duyệt đăng 12/4/2016.

 

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516