Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tức50 năm nói thật (Đọc “Làm báo mực mài nước mắt” của Lê Khắc Hoan – NXB Tổng hợp TPHCM 2016)

50 năm nói thật (Đọc “Làm báo mực mài nước mắt” của Lê Khắc Hoan – NXB Tổng hợp TPHCM 2016)

Thứ hai, 21 Tháng 8 2017 03:17

ZY-957-KGTM-Chân dung LKH2014

Nhà báo Lê Khắc Hoan, Phó tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội

Hồi mới bước vào nghề báo, tôi đọc say mê cuốn “40 năm nói láo” của nhà văn Vũ Bằng, bây giờ lớn tuổi, tôi lại mê mải đọc “50 năm nói thật” thực ra là cuốn “Làm báo mực mài nước mắt” của nhà báo Lê Khắc Hoan. Trong 50 năm ấy, có 25 năm làm báo bao cấp và 25 năm làm báo trong cơ chế thị trường ngổn ngang những câu chuyện tráng – bi – hài với nhiều pha cười ra nước mắt. Thực chất, Lê Khắc Hoan là con người văn chương nên ông viết cuốn hồi ký này mới độc đáo và lôi cuốn đến thế. Ông thành công về văn học từ rất sớm, cuốn sách nổi tiếng “Mái trường thân yêu” - NXB Kim Đồng ấn hành 1964 rồi hơn 50 năm qua, nhiều NXB ngoài Bắc trong Nam thi nhau tái bản mười mấy lần. Hồi ấy giới văn nghệ đã phán đoán, ngành giáo dục có hai cây bút triển vọng nhất là Ma Văn Kháng và Lê Khắc Hoan. Thời gian đã khẳng định thành công của Ma Văn Kháng trên lĩnh vực văn chương. Còn Lê Khắc Hoan thì sau giải nhất văn chương năm 1961 và tác phẩm “Mái trường thân yêu”, ông rẽ sang nhánh khác: báo chí. Và đến nay thì thời gian cũng khẳng định thành công của ông trên lĩnh vực báo chí đầy biến động mà cuốn sách “Làm báo mực mài nước mắt” là một minh chứng.

Cuốn sách phát hành cách nay trên một năm mà trên mạng vẫn thấy những thông tin đặt hàng, mua bán sôi động ì xèo chứng tỏ một số lượng không ít người đọc nhiệt thành đón nhận.

ZY-958-Bìa Muc-mai-nuoc-mat-2

Cuốn "Làm báo - Mực mài nước mắt" ra mắt nhân dịp kỉ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016)

Vì sao vậy? Tôi thấy có 4 thành công lớn.

Một là, nếu cái hay của Vũ Bằng là “nói láo” thì cái hay của Lê Khắc Hoan là nói thật (không ngoặc kép).

Trên 400 trang sách, chỗ nào cũng ngồn ngộn những chi tiết đời sống với những con người thật, thời gian địa điểm rõ ràng cụ thể, đặc biệt là những người trong cuộc còn có mặt hôm nay đọc thấy mình thấy bạn được tái hiện chân thực cảm động. Chuyện không xa mà với các đồng nghiệp báo chí hôm nay đã như cổ tích: với chiếc xe đạp cà tàng nhà báo vượt 600km đường núi Lai Châu, Phong Thổ, Tam Đường, Lào Cai, vượt qua con đèo Hoàng Liên Sơn cao nhất và dài nhất Việt Nam, để viết loạt bài về điển hình giáo dục vùng cao đăng nhiều kỳ gây xôn xao dư luận. Nhà báo ấy chính là Lê Khắc Hoan thập niên 60 thế kỷ trước, khi mới vào nghề. Tương tự, nhà báo Nguyễn Ngọc Chụ lặn lội vào Hà Tĩnh vùng bom đạn ác liệt để viết về cô giáo Nguyễn Thị Thảo; leo núi 4 ngày để viết về thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc. Hoàng Minh Tường vào trại phong Quỳnh Lập tìm thầy Nguyễn Đức Thìn chữa bệnh ở đó để hoàn thành thiên phóng sự, sau này in thành sách… Tôi về báo Giáo viên Nhân dân đã thấy Lê Khắc Hoan làm trưởng ban Điển hình tiên tiến. Số báo nào cũng dành vị trí nổi bật nhất cho nội dung này mà Lê Khắc Hoan viết nhiều nhất, sắc bén nhất. Hồi ấy được biểu dương trên báo là lập tức được bạn đọc quan tâm và ban Thi đua trung ương khoanh bút đỏ ngay, hầu hết những điển hình ấy không lâu đều được phong anh hùng lao động, tôi nghĩ, những nhà báo có công phát hiện như thế cũng mang bóng dáng anh hùng.

Làm báo cuối thời bao cấp và đầu thời cơ chế thị trường đều gặp không ít trắc trở kể cả tai nạn nghề nghiệp; có niềm vui “lên tiên” lại ngay sau đấy sa sẩy, thân bại danh liệt không phải ít, có người phải ngồi viết “Nhật báo trong tù”. Một Tổng biên tập tên tuổi đang nổi như cồn trong phong trào đổi mới bỗng dưng nhận quyết định “nghỉ hưu”; một tờ tạp chí đang ăn nên làm ra bỗng dưng đình bản, xẻ nghé tan đàn, niêu cơm gia đình bị vỡ... Lê Khắc Hoan không né tránh những pha gay cấn này có khi đụng đến những nhân vật quan trọng… Nhiều, nhiều lắm, đọc lại muốn rơi nước mắt.

Hai là, chuyện bếp núc nghề nghiệp và đời sống nhà báo; những cá tính bút mực sinh động hiếm có.

Một ông Tổng biên tập vốn là học trò trường Tây, sau Cách mạng Tháng tám từng làm chủ tịch tỉnh, hòa bình chuyển sang làm báo, rất tận tụy và cẩn trọng trong công việc; ông duyệt bài của phóng viên rất kỹ, có khi đọc bốn năm lần mới ký duyệt. Nhưng có lần ông thấy vấn đề điển hình Cẩm Bình quá quan trọng liền xông ra tự viết bài. Bài báo quá dài, ông thấy chả đáng bỏ chữ nào liền tự duyệt cho in hết 8 trang/ 8 trang của số báo. Cả tòa soạn ngơ ngác trố mắt mà không ai dám nói gì. Có lẽ trên thế giới chưa từng có! Sau đấy không lâu, Cẩm Bình được phong đơn vị anh hùng.  Ông luôn kêu gọi bài viết phải nhiều thông tin mà ngắn gọn, vậy nhưng có lúc ông lại khen một tin ngắn được diễn ca dài ra thành… “thơ”. Anh chị em phóng viên vừa nghiêm túc học ông những đức tính đáng quý đồng thời lại rất kiên trì góp ý với ông những điều bất cập. Tập thể rất gắn bó chân tình dựng nên tờ báo Người giáo viên nhân dân (nay là báo Giáo dục và Thời đại) từ trứng nước.

Thời bao cấp, đời sống khó khăn, nhà báo thường có nhiều sáng kiến hay, cơ quan tổ chức xuống cơ sở mượn đất sản xuất. Mọi người hào hứng nào xe ô tô, xe máy, xe đạp rầm rộ mấy tháng trời cuối cùng thu hoạch được đầy một rổ khoai nửa củ nửa dây, cả cơ quan luộc ăn một bữa thòm thèm. Tài năng trong làng báo Giáo dục không thiếu, có người đầu tư hàng năm trời viết cuốn sách được trả nhuận bút tới 5.500đ, số tiền lúc ấy có thể mua được hai căn nhà ở Hà Nội (như bây giờ giá hai căn khoảng 10 tỉ). Nhưng anh nghĩ đường dài, “đầu tư chiều sâu”, liền ra chợ giời mua chiếc máy chữ về đánh mổ cò để còn lưu bản thảo và mua chiếc xe đạp khung Sài Gòn, số tiền lớn còn lại mang gửi ngân hàng cho chắc chắn. Đùng một cái, đổi tiền, bốc hơi hết.

Nửa thế kỷ báo Giáo dục, bao lớp nhà báo đến rồi đi, mỗi người một cá tính bút mực đã được Lê Khắc Hoan khắc họa ngắn gọn nhưng sắc nét khó phai mờ. Tôi nghĩ phải là nhà văn tài năng mới làm được việc này. Một Trường Giang năng động luôn đi đầu khai phá cái mới. Một Trần Đức Tam hăng hái đấu tranh chống tiêu cực, lại là nhà báo đầu tiên “phát hiện” lá cờ đầu Bắc Lý. Một  Phạm Phát nhân hậu, đa tài, uyên bác; một Hoàng Minh Tường xông xáo nhiều khát vọng; một Đỗ Quốc Anh lôi cuốn hấp dẫn khi xuất hiện bất cứ chỗ nào; một Đào Khương chỉn chu mẫu mực; một Nguyễn Thị Trâm duyên dáng và tinh tế… Các vị lãnh đạo báo: Tô Văn Của, Hoàng Trọng Hanh, Trường Giang; Trần Đức Tam Nguyễn Ngọc Chụ, Trần Đăng Thao… mỗi người một nét  làm nên tờ báo Ngành đa sắc diện, số lượng phát hành lớn với những độc giả tinh hoa là các thầy cô giáo.

Ba là, bút ấn thời cuộc.

Tác phẩm báo chí không phải chỉ nhắc đến sự kiện lớn, nhân vật lớn mà có được dấu ấn thời cuộc, mà quan trọng là phải biết điển hình hóa, mang tính khái quát cao đồng thời hiểu và phác họa được tâm thế thời đại. Việc này cực khó đòi hỏi cái tâm, cái tầm nhiều lắm. Nhà báo Lê Khắc Hoan đã từng đối thoại với lãnh đạo Bộ, sở, có khi hai bên gay gắt không kiềm chế phải đập bàn (với giám đốc sở GD Hải Phòng). Đó là những nội dung có tầm từ vi mô đến vĩ mô của những thời điểm chuyển đổi quan trọng, có sự đấu tranh quyết liệt giữa bảo thủ và tiến bộ. Nhà báo không chỉ phản ánh mà còn phản biện; không chỉ thể hiện mà còn phát hiện vấn đề mang tính chuyển biến thời cuộc.

Ai cũng biết, giáo dục là lĩnh vực quan thiết đến mọi nhà, đến lứa tuổi đang phát triển thì lẽ ra cần ổn định nhưng ở ta lại khác, luôn có những cải cách, sửa đổi làm cho phụ huynh và các cháu phải quay cuồng chóng mặt. Các nhà báo giáo dục đi thực tế luôn phải cọ xát với những chuyện không kém phần gay cấn. Hồi ấy nhà báo xuống cơ sở nhiều khi được/ bị mời lên thuyết trình về một vấn đề nào đó mà giáo viên, phụ huynh học sinh còn vướng mắc. Anh chị nào ngại thì từ chối khéo nhưng Lê Khắc Hoan sẵn sàng đăng đàn diễn thuyết. Với trí nhớ tốt, diễn đạt tốt, ông nói mạch lạc lôi cuốn có thể liền một mạch ba bốn tiếng đồng hồ không cần một mẩu giấy. Nhiều vấn đề từ lớn đến nhỏ của ngành giáo dục được ông trình bày sáng rõ với những dẫn chứng thực tế sống động đầy thuyết phục. Bây giờ nhìn lại 50 năm qua, có nhiều cái trước đây do mơ hồ, ngộ nhận, ông đã đăng đàn, đăng báo khẳng định như đinh đóng cột, thì nay phải nói điều xin đại xá. Đây cũng chính là “mực mài nước mắt”, trong sách này, ông không ngần ngại giãi bày tâm sự. Vì thế, đọc sách, vừa thấy tâm tư một con người vừa thấy những trăn trở thời cuộc, qua đó mỗi người có thể suy ngẫm gạn chắt được cho mình những điều lý thú bổ ích. Các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy ở đây những dấu mốc lịch sử quan trọng, tiêu biểu của ngành Giáo dục mà các nhà báo giáo dục là những thư ký trung thực nhất.

Bốn là, bước phát triển mới của thể loại văn học phi hư cấu.

Sang thế kỷ 21, thể loại văn học được khai phóng mở rộng chiều kích để tiếp cận cuộc sống hiệu quả hơn. Điều này từng gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn ví như trường hợp giải Nobel trao cho nữ văn sĩ Svetlana Alecxevic của Belarus năm 2015. Không ít người chê bai là chất báo chí lấn chất văn học. Nhưng đọc tác phẩm của bà, người ta mới ngộ ra, sao nỡ tước đi cái quyền thuật đa năng của văn học? Và mọi người đã vui vẻ gật đầu tâm đắc với thể loại văn học phi hư cấu.

Lê Khắc Hoan đã giãi bày ngay ở đề tựa:  Làm báo - Mực mài nước mắt tái hiện lịch sử nửa thế kỷ báo chí giáo dục, bằng thể tài ký sự phi hư cấu, trong một cốt chuyện nhất quán, khắc họa chân dung các nhân vật điển hình nhà báo-nhà giáo tiêu biểu. “Tái hiện lịch sử nửa thế kỷ báo chí…” mà lại được thể hiện sinh động “trong một cốt chuyện nhất quán”, ấy chính là nhờ nhân vật trung tâm xuyên suốt chính là tác giả, đóng vai nòng cốt hoặc là chứng nhân của các sự kiện lịch sử tiêu biểu. Cũng nhờ tác giả là người trong cuộc nên mới có thể khắc họa chân dung vài chục nhân vật nhà báo, nhà giáo nổi tiếng - đều là dồng nghiệp thân thiết qua vài chục năm cùng làm báo đã thuộc người thuộc nết. Thử nhìn lại, xem qua các ấn phẩm “trường thiên ký sự phi hư cấu” về lịch sử báo chí (và kể cả lịch sử của tất cả các ngành, các giới, các địa phương…) thì thấy không một tác phẩm nào có được “một cốt chuyện nhất quán” và “khắc họa chân dung nhân vật điển hình”. Cho nên, có thể nói cuốn “Làm báo mực mài nước mắt” mở ra cách làm một loại hình văn học - báo chí khác biệt, hấp dẫn và đầy thuyết phục.

Lê Khắc Hoan có 3 tác phẩm chính. “Mái trường thân yêu” có một phần hư cấu. Hai cuốn sau “Trăm năm ly hợp” và “Làm báo mực mài nước mắt” thì phi hư cấu. Tôi nghĩ, cả ba cuốn đều là tác phẩm văn học đặc sắc. Làm việc với ông nhiều năm, tôi biết, có trí nhớ tuyệt vời đã đành, nhưng ông luôn ghi chép hàng ngày rất tỉ mỉ hầu như không bỏ sót một việc nào dù lớn nhỏ liên quan đến nghề báo, cả những chuyện bếp núc, chuyện bông phèng. Trong cuốn sách này, ông tái hiện những con người, sự việc, sự kiện nhiều khi thật hơn cả sự thật.

Thật vui mừng thấy văn học nước nhà đang có sự chuyển động mạnh mẽ với sự đóng góp rất hiệu quả của thể loại văn học phi hư cấu!

Nguyễn Vũ Tiềm

Nguồn: Báo Văn Nghệ số 33 ra ngày 18/8/2017

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516