Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcBất cập quy định của pháp luật về xử lý hành vi chính đối với hành vi không giao người chưa thành niên cho người nuôi dưỡng theo bản án, quyết định của tòa án ở các tỉnh Tây Nam bộ

Bất cập quy định của pháp luật về xử lý hành vi chính đối với hành vi không giao người chưa thành niên cho người nuôi dưỡng theo bản án, quyết định của tòa án ở các tỉnh Tây Nam bộ

Thứ sáu, 29 Tháng 6 2018 03:29

Nhận bài ngày 24/6/2018. Sửa chữa xong 27/6/2018. Duyệt đăng 28/6/2018.
Abstract
The Law on Handling of Administrative Violations of 2012 came into existence in replacement of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations No.44/2002/PL-UBTVQH10, Ordinance No. 31/2007/PL-UBTVQH11 amending and supplementing a number of articles of the Ordinance on Handling of Administrative Violations of 2002 and Ordinance No 04/2008/UBTVQH12 amending and supplementing a number of articles of the Ordinance on Handling Administrative Violations. This is an important legal document in the protection of order and discipline in administrative management, political security, social order and safety, human rights, the legitimate rights and interests of organizations. and citizens. Within the scope of this article, the author raises some shortcomings in the handling of administrative violations for the act of failing to hand over juveniles to the person in charge of rearing under the judgments or decisions of the courts in the southwestern provinces.
Keywords: Behaviors,penalty, administrative violations, handling of administrative violations

1. Về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính tại các tỉnh Tây Nam Bộ
Vấn đề xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là một trong những vấn đề cấp bách của cả nước nói chung, của các tỉnh Tây Nam Bộ nói riêng, nhằm tạo lập, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ các quan hệ xã hội, góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, hội nhập quốc tế và thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xử lý VPHC nhằm đảm bảo ổn định trật tự xã hội, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ đã nghiêm túc triển khai, thi hành Luật xử lý VPHC.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Xử lý VPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC, Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện công tác xử lý VPHC trên địa bàn, để đảm bảo quy định của pháp luật về xử lý VPHC được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nam Bộ cũng thường xuyên chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định pháp luật về xử lý VPHC dưới nhiều hình thức thiết thực như: tổ chức hội nghị triển khai, tuyên truyền thông qua tài liệu hỏi đáp pháp luật về xử lý VPHC, cấp phát miễn phí cho người dân và cán bộ, công chức, thực hiện tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về xử lý VPHC, tuyên truyền bằng hình thức qua pano, áp phích...
Sở Tư pháp là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước về xử lý VPHC, trong thời gian qua đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và nghiệp vụ xử lý VPHC cho các đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành tỉnh, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cán bộ, công chức tham mưu công tác xử phạt VPHC. Bên cạnh đó các đơn vị còn cử công chức tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên sâu do Bộ Tư pháp tổ chức và các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành các bộ ngành mình tổ chức (như ngành thuế, công thương...).
Nhìn chung, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Xử lý VPHC được Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nam Bộ quan tâm chỉ đạo triển khai với nhiều hình thức phong phú, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biết pháp luật về xử lý VPHC được các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ đến các đối tượng có liên quan; góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, trách nhiệm của những người thực thi pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng xã hội.
2. Bất cập quy định của pháp luật về xử lý VPHC đối với hành vi không giao người chưa thành niên cho người nuôi dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án
2.1. Khái niệm về xử lý VPHC
Nghĩa của từ “xử lý” được hiểu là những việc làm, những công việc cần xử lý để bảo vệ một trật tự xã hội nhất định, hoặc những hành vi vi phạm về đạo đức, về truyền thống, vi phạm pháp luật cần được phải được xử lý để bảo vệ sự công bằng, bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
Còn đối với “vi phạm hành chính” nội hàm của cụm từ này trong các văn bản pháp luật về xử lý VPHC cũng đã đề cập, trong đó có một số văn bản quan trọng như: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/7/1995, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10; Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 của Quốc hội; theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30/11/1989, tại Điều 1 đưa ra định nghĩa: “Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm các quy tắc quản lý hành chính nhà nước mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính”.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 giải thích khá đầy đủ về vi phạm hành chính, theo đó “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Từ những quy định trên có thể hiểu VPHC là hành vi do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện trái với quy định của pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước ở mức độ chưa cấu thành tội phạm hình sự (tức chưa phải là tội phạm) và hành vi đó được quy định trong các văn bản pháp luật về xử phạt VPHC. Hành vi vi phạm pháp luật đó phải được thực hiện bằng hành động cụ thể hoặc không hành động, mà hành động hoặc không hành động đó dẫn tới xâm phạm trật tự xã hội được pháp luật bảo vệ. Cũng cần lưu ý rằng, hành vi VPHC phải bằng hành động hoặc không hành động được thể hiện ra bên ngoài chứ không phải tồn tại trong suy nghĩ, trong ý thức của con người, bởi pháp luật Việt Nam hiện hành chưa điều chỉnh những hành vi còn tồn tại trong ý thức, trong suy nghĩ của con người.
Ngoài ra hành vi VPHC đó phải do tổ chức hoặc cá nhân có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật thực hiện và hành vi đó phải có lỗi, tức là người thực hiện hành vi VPHC phải nhận thức được vi phạm của mình, hình thức lỗi có thể là cố ý hoặc lỗi vô ý. Đối với hình thức lỗi cố ý, người thực hiện hành vi VPHC nhận thức được tính chất trái pháp luật trong hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi VPHC gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra theo ý mình, hoặc bản thân ý thức được hậu quả và để mặc cho hậu quả đó xảy ra. Đối với hình thức lỗi vô ý, tức là trong trường hợp người thực hiện hành vi VPHC thấy trước được hậu quả của hành vi do mình gây ra nhưng chủ quan cho rằng mình có thể ngăn chặn được hậu quả đó hoặc không thấy trước hậu quả sẽ xảy ra dù pháp luật bắt buộc phải thấy trước được hậu quả của hành vi VPHC gây ra.
Còn đối với xử phạt VPHC theo Luật Xử lý VPHC năm 2012 thì “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.
Từ những phân tích trên có thể xác định khái niệm về xử lý VPHC như sau: Xử lý VPHC là việc người có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, các biện pháp ngăn chặn đối với tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi và năng lực pháp luật đã thực hiện hành vi VPHC với lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến trật tự xã hội được pháp luật bảo vệ bằng hành động hoặc không hành động, mà chưa cấu thành tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý VPHC.
2.2. Quy định của pháp luật liên quan đến xử lý VPHC đối với hành vi không giao người chưa thành niên cho người nuôi dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án
2.2.1. Quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con như sau: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên; không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”; “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động xã hội của con. Khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được, cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con”. Cha mẹ có hành vi hành hạ, ngược đã, xúc phạm con sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, nhất là con chưa thành niên rất nhân văn, mục đích cuối cùng là bảo đảm sự phát triển bình thường của người chưa thành niên và sự ấm no, hạnh phúc của gia đình.
2.2.2. Quy định của Luật Thi hành án dân sự
Quy định về hành vi VPHC trong thi hành án dân sự, những hành vi sau sẽ bị xử phạt VPHC: “Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không có mặt để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng; Không thực hiện công việc phải làm hoặc không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định; Có điều kiện thi hành án nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án”. Quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC trong thi hành án dân sự: “Những người sau đây có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự: Chấp hành viên đang giải quyết việc thi hành án; Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Theo quy định tại Điều 120 Luật Thi hành án dân sự về cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định:
1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
2.2.3. Quy định của pháp luật về xử lý VPHC
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, theo đó quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định trong hoạt động thi hành án dân sự như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;
b) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;
c) Không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân;
d) Cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan Thi hành án dân sự.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự như sau:
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương V của Nghị định này.
2.3. Thực trạng và những bất cập về xử lý VPHC đối với hành vi không giao người chưa thành niên cho người nuôi dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án ở các tỉnh Tây Nam Bộ
Công tác xử lý VPHC nói chung và việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến người chưa thành niên nói riêng tại các tỉnh Tây Nam Bộ thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả của công tác này đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp vi phạm quy định về không giao người chưa thành niên cho người nuôi dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án cho thấy sự bất cập của quy định pháp luật cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật đối với các trường hợp này.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Trên cơ sở quy định này, khi giải quyết các vụ việc ly hôn, tòa án phải giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng. Thực tế trong tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án về giao người chưa thành niên cho người nuôi dưỡng phát sinh nhiều bất cập về xử phạt VPHC có thể xem xét khởi tố hình sự về tội không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015. Có thể minh chứng vụ việc cụ thể như sau:
Chi cục Thi hành án dân sự huyện A thụ lý thi hành Bản án số 36/2016/HNGĐ-PT, ngày 22/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh B tuyên: buộc bà NTH phải giao cháu NTD sinh ngày 08/6/2012 cho ông NVB là cha của cháu NTD trực tiếp nuôi dưỡng.
Qua các thủ tục thi hành án bà NTH không tự nguyện giao cháu NTD cho ông NVB nuôi dưỡng, nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện A đã ban hành Quyết định cưỡng chế buộc bà NTH phải giao cháu NTD cho ông NVB trực tiếp nuôi dưỡng, đồng thời tổ chức động viên và tiến hành lập biên bản VPHC đối với bà NTH để làm cơ sở đề nghị xử phạt hành chính. Trên cơ sở biên bản VPHC, Cục Thi hành án dân sự tỉnh B ban hành Quyết định xử phạt VPHC đối với bà NTH (vì vượt thẩm quyền xử phạt hành chính của Chi cục) với số tiền: 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) đối với hành vi VPHC là không giao cháu NTD cho ông VNB nuôi dưỡng. Đồng thời, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để bà NTH giao cháu NTD cho ông NVB nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà bà NTH không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Bà NTH chấp hành một phần quyết định xử phạt VPHC và tự nguyện đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện A nộp 3.000.000 đ tiền phạt theo đúng quy định, tuy nhiên bà NTH vẫn kiên quyết không giao cháu NTD cho ông NVB nuôi dưỡng.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện A tiến hành cưỡng chế buộc bà NTH phải giao cháu NTD cho ông NVB trực tiếp nuôi dưỡng; đến ngày cưỡng chế Chi cục thi hành án huyện A cùng các ngành chức năng đến nhà bà NTH để tổ chức cưỡng chế, nhưng bà NTH và cháu NTD không có mặt tại nơi cưỡng chế nên không tổ chức cưỡng chế được. Chi cục Thi hành án dân sự huyện A tiến hành lập thủ tục đề nghị khởi tố hình sự đối với bà NTH về tội không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật Hình sự.
- Việc xử phạt VPHC đối với bà NTH là tiền đề quan trọng mang tính quyết định để khởi tố hình sự đối với bà NTH. Tuy nhiên còn nhiều bất cập về xử phạt VPHC trong trường hợp này, cụ thể:
+ Bà NTH là dì ruột của cháu NTD, mẹ của cháu NTD sống cùng bà NTH chung một gia đình cho đến lúc chết, cháu NTD từ lúc sinh ra đã được bà NTH chăm sóc nuôi dưỡng thương yêu như con ruột của mình. Trước lúc mẹ của cháu NTD chết có nhờ bà NTH bao bọc nuôi dưỡng cháu cho đến lúc trưởng thành, chính vì thế mà bà NTH không đồng ý giao cháu NTD cho ông NVB nuôi dưỡng. Bà NTH đã nuôi dưỡng chăm sóc cháu NTD như con ruột của mình, tạo mọi điều kiện để cháu NTD được vui chơi, học tập và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác; tuy nhiên hành vi không giao cháu NTD cho ông NVB nuôi dưỡng bị xem là vi phạm pháp luật và phải bị xử phạt VPHC, hơn nữa là tiền đề để khởi tố hình sự đối với hành vi này. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không xem xét đến tình cảnh thực tế của bà NTH là bà đã tạo mọi điều kiện để cho cháu NTD được phát triển bình thường, thương yêu và chăm sóc cháu NTD như con ruột của mình, công sức và tình cảm của bà NTH lại bị pháp luật cho là VPHC và phải bị xử phạt hành chính làm đề cho khởi tố hình sự.
+ Bà NTH không có hành vi chống đối, sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, bà cũng sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt VPHC và đối diện với tội không chấp hành án không phải vì bà NTH cố tình vi phạm phát luật mà vì sự phát triển bình thường của cháu NTD, nên bà chấp nhận cả hình phạt tù để bảo vệ sự phát triển bình thường của cháu NTD. Bởi hơn ai hết, bà NTH biết rằng mục đích của ông NVB đòi giao cháu NTD cho ông nuôi dưỡng không phải vì ông thương con, muốn chăm sóc con với trách nhiệm của một người cha, mà sự thật là ông NVB muốn gia đình bà NTH phải đưa cho ông một khoản tiền lớn, nhưng do gia đình bà NTH không đồng ý nên ông tìm mọi cách để bắt cháu NTD; chính vì lý do đó, lợi dụng quyền làm cha, ông đã kiện ra tòa để yêu cầu tòa án giải quyết giao cháu NTD cho ông nuôi dưỡng.
+ Ông NVB không có tình yêu thương của một người cha đối với cháu NTD, vì lúc mẹ cháu NTD mang thai ông đã yêu cầu phá thai nhưng mẹ cháu NTD không đồng ý. Ông và mẹ của cháu NTD đã ly thân từ lúc mang thai cháu, ông đã bỏ đi sống như vợ chồng với người phụ nữ khác; mẹ cháu NTD mang thai và phải sống nương tựa vào người chị là bà NTH. Từ khi cháu NTD sinh ra cho đến giờ ông không hề quan tâm cũng không liên lạc nên cháu NTD cũng không hề biết ông NVB là cha của cháu. Mẹ của cháu NTD bị bệnh hiểm nghèo, bà NTH cưu mang và chăm sóc hai mẹ con cháu, mẹ cháu NTD chết nên bà NTH nuôi dưỡng cháu NTD cho đến ngày nay, bà xem cháu NTD như con ruột của mình, việc làm của bà NTH được nhân dân và chính quyền nơi cư trú ủng hộ.
+ Việc giao cháu NTD cho ông NVB nuôi dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của cháu, bởi cháu NTD chưa từng tiếp xúc với ông NVB, ông cũng chưa một ngày chăm sóc cháu cũng như không có sự quan tâm nào dành cho cháu NTD, nên việc một đứa trẻ mới 6 tuổi phải rời xa những người là điểm tựa cho cháu về mọi mặt, người hàng ngày chăm sóc nuôi dưỡng cháu về sống với một người đàn ông hoàn toàn xa lạ (mặc dù về mặt pháp lý ông NVB là cha đẻ của cháu) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sự phát triển bình thường của cháu. Mặt khác, ông VNB chỉ lợi dụng quyền làm cha để đòi hỏi bà NTH phải chi tài chính cho ông, mục đích của ông là vì tiền chứ không vì tình cảm cha con với cháu NTD.
Từ những phân tích nêu trên có thể khẳng định rằng, việc bà NTH không giao cháu NTD cho ông NVB nuôi dưỡng là có tình và có lý, phù hợp đạo đức xã hội và được nhân dân và chính quyền địa phương ủng hộ. Bởi vì hành vi không giao cháu NTD cho ông NVB nuôi dưỡng có mục đích duy nhất là vì sự phát triển bình thường của cháu NTD, nhưng hành vi có lý, có tình đó vẫn bị pháp luật xem là có lỗi và phải bị xử phạt VPHC và sẽ bị khởi tố hình sự. Đây là một bất cập rất lớn của quy định của pháp luật về xử lý VPHC trong trường hợp không giao người chưa thành niên cho người nuôi dưỡng theo bản án, quyết định của tòa án. Bởi yếu tố bắt buộc trong VPHC phải là hành vi có lỗi, trong khi đó hành vi của bà NTH nhằm mục đích bảo vệ trẻ em, bảo vệ sự phát triển bình thường của người chưa thành niên, được nhân dân và chính quyền địa phương ủng hộ thì tại sao bà NTH phải bị xử phạt VPHC và bị khởi tố hình sự về một việc làm có tính nhân văn sân sắc và cần được xã hội tôn trọng và bảo vệ.
Do vậy, quy định về xử lý VPHC đối với hành vi không giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng cần được xem xét sửa đổi mang tính linh hoạt, tích cực hơn, cần xem xét bản chất vụ việc để điều chỉnh hành vi phù hợp với phong tục tập quán, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, phù họp với sự phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay./.

 

Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
2. Quốc hội, Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
3. Quốc hôi, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
4. Quốc hội, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
5. Chính phủ, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, ngày 24 tháng 9 năm 2013.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516