Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcDự án Luật GDĐH đã nhận được sự đồng tình cao của các ĐBQH

Dự án Luật GDĐH đã nhận được sự đồng tình cao của các ĐBQH

Thứ sáu, 01 Tháng 6 2012 08:26
Hôm qua (25/5), Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Giáo dục Đại học (GDĐH). Đại đa số các đại biểu đều tán thành nội dung dự thảo cũng như đồng tình với việc cần thiết phải ban hành bộ luật này. Những vấn đề “nóng” của GDĐH đã được xử lý một cách thỏa đáng. Sự băn khoăn của các đại biểu tập trung chủ yếu vào mức độ chi tiết của luật trong xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra cho giáo dục đại học. Để làm rõ các ý kiến này, Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban soạn thảo về các vấn đề liên quan.

 

PV: Thưa Thứ trưởng, Luật Giáo dục Đại học đã hoàn thiện sửa đổi đến lần thứ 3. Sáng 25/5, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, đa số đại biểu đều đồng tình với những nội dung Dự thảo Luật, nhưng cũng còn có ý kiến băn khoăn liên quan đến mức độ chi tiết của dự Luật, quan điểm của Thứ trưởng về việc này như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13 về dự thảo 1 Luật Giáo dục Đại học, Ủy Ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc Hội (UBVHGDTNTNNĐ) đã phối hợp với ban soạn thảo Luật hoàn thiện dự thảo 2. Bản dự thảo này đã đưa ra lấy ý kiến chuyên gia qua hội nghị tại 3 địa điểm: Bình Dương, Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với sự chủ trì của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng và Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên, Nhi đồng Đào Trọng Thi. Đồng thời, bản dự thảo cũng được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý qua nhiều kênh khác nhau. Trên cơ sở kết luận của các đồng chí chủ trì hội thảo và ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý, UBVHGDTNTNNĐ đã hoàn thiện dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3. Như vậy là Ban soạn thảo đã làm việc rất kỹ, quy trình thực hiện từ cấp cơ sở cho đến cao nhất là Ủy Ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến, các ý kiến đóng góp đều được nghiên cứu rất cẩn thận để điều chỉnh nội dung dự thảo cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.

 Có thể đơn cử một vài thay đổi quan trọng của dự thảo lần này so với các lần trước. Ví dụ vấn đề tự chủ đại học trong dự thảo lần thứ nhất còn rất mờ nhạt, trong dự thảo lần thứ hai được đưa vào nhưng dưới hình thức được giao có điều kiện thì trong dự thảo lần này, tự chủ được xem là một thuộc tính của trường đại học, khi cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện hoạt động thì nó có đầy đủ các quyền tự chủ theo luật định. Hoặc như vấn đề phân tầng đại học, trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận… trong các dự thảo trước chưa được đề cập tới thì trong dự thảo này các vấn đề vừa nêu được xử lý một cách cơ bản.

Về mức độ chi tiết trong xử lý các vấn đề về hoạt động giáo dục đại học, qua các hội thảo, có ý kiến cho rằng luật cần thật chi tiết nhưng cũng có ý kiến cho rằng luật qui định những vấn đề chung nhất, bao quát nhất, các vấn đề chi tiết sẽ được xử lý bởi các văn bản dưới Luật như Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ… Quan điểm của Ban soạn thảo luật là những vấn đề nào đã được thực tế kiểm nghiệm thì đưa vào luật một cách ci tiết; những vấn đề còn mới thì được đưa vào ở mức độ khái quát và được hướng dẫn bởi các văn bản dưới luật. Như vậy dự luật vừa đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống giáo dục đại học, vừa nhắm tới những phát triển tương lai của hệ thống. Khi những vấn đề mới này đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn hoạt động thì chúng sẽ được bổ sung vào luật.

PV: Về quan điểm cho rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa đưa ra Luật lại vừa giám sát, kiểm tra. Công tác kiểm định đáng lẽ phải do các đơn vị kiểm định độc lập (tổ chức xã hội, hiệp hội…) thực hiện để đảm bảo khách quan; Hay Luật GDĐH còn hạn chế quyền tự chủ của các trường ngoài công lập (NCL). Vậy theo Thứ trưởng việc này là thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực hiện Nghị quyết số 48/2010/QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2010 của Quốc hội khóa 12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT tham mưu, tổ chức biên soạn dự thảo luật Giáo dục Đại học. Sau khi có ý kiến của Quốc hội khóa 13 tại kỳ họp thứ 2, dự thảo luật được chuyển cho các cơ quan của Quốc Hội chủ trì chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét ban hành theo đúng trình tự. Bộ GD&ĐT chỉ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật cho dự thảo luật, quyết định ban hành luật là của Quốc Hội.

Về kiểm định chất lượng chất lượng giáo dục đại học, khi tính tự chủ của các trường cao thì kiểm định chất lượng giáo dục trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng giáo dục. Đó là một trong những cơ chế thúc đẩy sự tiến bộ của nhà trường. Kiểm định chất lượng được thực hiện với một bộ tiêu chí đòi hỏi nhà trường phải chứng minh mục tiêu đào tạo của nhà trường phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước, đạt mức chất lượng cam kết, đảm bảo sự minh bạch và luôn chịu trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Kết quả kiểm định chất lượng được dùng làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và người sử dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

Điều 51 của dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã đưa ra những qui định đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đó là một tổ chức có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm công khai các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; công khai kết quả kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định chất lượng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 49 qui định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Theo đó cơ sở giáo dục đại học xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học; được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và  phương tiện thông tin đại chúng khác. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; phân tầng cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; là căn cứ để Nhà nước hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học (Điều 52).

Như vậy khi Luật Giáo dục Đại học được ban hành, chúng ta sẽ có được công cụ pháp lý cơ bản để thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học bao gồm việc thành lập các tổ chức kiểm định độc lập, các tiêu chí kiểm định chất lượng và cách sử dụng có hiệu quả kết quả kiểm định chất lượng trong công tác quản lý nhà nước. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong nâng cao chất lượng đào tạo, công khai, minh bạch hoạt động giáo dục đào tạo.

Trong hoạt động giáo dục đào tạo, không có sự khác biệt nào giữa cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập. Quyền tự chủ của trường đại học có ngay từ lúc nó được thành lập và cho phép hoạt động, không phân biệt đó là trường công hay trường tư.  Thực thi pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi công dân. Vì vậy trong dự luật không ghi rõ loại trường nào được quyền tự chủ, loại trường nào không mà tạo hành lang pháp lý, công khai minh bạch để các trường dựa vào đó hoạt động.

Điều 33 của dự thảo nêu rõ “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động chủ yếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong những hoạt động khác phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường. Cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, thì tùy thuộc mức độ, bị hạn chế quyền tự chủ, đình chỉ hoạt động đào tạo hoặc giải thể nhà trường”.

Theo GDTĐ

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516