Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcKết hợp đạo đức với pháp luật trong quản lý xã hội theo tinh thần Đại hội XII của Đảng

Kết hợp đạo đức với pháp luật trong quản lý xã hội theo tinh thần Đại hội XII của Đảng

Thứ hai, 12 Tháng 6 2017 03:27

ĐỖ THANH HẢI

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Tóm tắt

Kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội là một nét đặc sắc trong tư duy của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII. Tư tưởng ấy được khái quát ngắn gọn trong Văn kiện, nhưng mang ý nghĩa định hướng rất lớn cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta hiện nay. Trong phạm vi bài viết, tác giả đi vào luận giải cơ sở và nội dung biện pháp thực hiện kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội.

Từ khóa: Đạo đức; Pháp luật; Quản lý xã hội; Văn kiện Đại hội XII; Kết hợp đạo đức và pháp luật.

1. Cơ sở của sự kết hợp

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta nhấn mạnh: “Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội”(1); Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”(2). Kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội hiện nay là giải pháp quan trọng vừa phản ánh tính ưu việt của đạo đức, vừa thể hiện tính ưu việt của nhà nước pháp quyền. 

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, qui tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh cách đánh giá và cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Đạo đức là một phương thức điều chỉnh hành vi của con người. Loài người đã sáng tạo ra nhiều phương thức điều chỉnh hành vi con người: phong tục, tập quán, tôn giáo, pháp luật, đạo đức.v.v. Đối với đạo đức, sự đánh giá hành vi con người theo khuôn phép chuẩn mực và quy tắc đạo đức biểu hiện thành những khái niệm về thiện và ác, vinh và nhục, chính nghĩa và phi nghĩa. Đạo đức tồn tại ở ý thức đạo đức, thực tiễn đạo đức và quan hệ đạo đức, ở đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, thông qua đó mà phát huy vai trò, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. 

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và nhu cầu tồn tại của xã hội nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ổn định cho sự phát triển của xã hội. Pháp luật có thuộc tính bắt buộc chung được đảm bảo thực hiện bằng nhà nước, nhờ có cơ quan công quyền tiến hành tổ chức đưa pháp luật vào cuộc sống và xử lý vi phạm để quản lý xã hội. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những điểm yếu, đó là tính chủ quan, sự khái quát hoá quá cao khó đi vào cuộc sống và tính dễ bị lạc hậu so với sự thay đổi của cuộc sống. Hệ thống pháp luật hiện đang trong quá trình tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, nó cần và bắt buộc phải có sự hỗ trờ từ các phương thức điều chỉnh khác để giữ vững ổn định xã hội, ngăn chặn những hành vi đi ngược với lợi ích chung của toàn xã hội

Thực tiễn cho thấy, nếu chỉ dùng đạo đức hoặc pháp luật không thôi để quản lý xã hội sẽ không hiệu quả, mà đòi hỏi phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo đức và pháp luật để bổ khuyết cho nhau, phát huy thế mạnh của cả hai phương thức. Với vai trò của mình, pháp luật là chuẩn mực quy định hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội có tính cưỡng chế, bắt buộc mọi người phải thực hiện. Xét về phương thức thực hiện thì đạo đức và pháp luật đối lập với nhau, nhưng xét về bản chất và mục đích là thống nhất với nhau. Nó thể hiện ở chỗ, các nội dung quy phạm pháp luật phản ánh các giá trị đạo đức tốt đẹp, tiến bộ; cả hai đếu hướng đến điều chỉnh nhận thức, hành vi xã hội. Có lẽ vì thế mà đạo đức cũng có thể được hiểu là “pháp luật tối đa”, còn pháp luật được hiểu là “đạo đức tối thiểu”(3). Như vậy, tự thân đạo đức và pháp luật luôn song trùng, gắn kết với nhau phản ánh tiến trình phát triển của xã hội mặc dù biểu hiện vai trò của nó là khác nhau.

  Kết hợp giữa  đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội hiện nay còn có cơ sở từ thực tiễn cách mạng nước ta đang đòi hỏi. Hiện nay, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn biễn phức tạp, “đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng …”(4). Vai trò các thiết chế, các quan hệ đạo đức có dấu hiệu giảm sút trong một số tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng; việc lợi dụng mặt tiêu cực của đời sống đạo đức để trục lợi tiếp tục có những biến tướng khó lường.v.v.. Cùng với đó, tác động mặt trái của kinh tế thị trường, giao lưu, hội nhập, đặc biệt là mặt trái của internet đang làm băng hoại nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, truyền bá và lan rộng những hành vi phi đạo đức rất đáng lo ngại. Trong khi đó, pháp luật còn tồn tại nhiều kẽ hở, chưa thực sự hoàn thiện, thậm chí còn nhiều bất cập; thủ tục pháp lý, giấy tờ hành chính còn nhiều, năng lực quản lý xã hội bằng pháp luật có những yếu kém;  hiện tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm diễn biến phức tạp, đang là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ.

2. Nội dung, biện pháp kết hợp

2.1.Đạo đức đóng vai trò nền tảng cho việc thực thi pháp luật và ứng xử xã hội

Vai trò nền tảng của đạo đức trong quản lý xã hội thể hiện ở hệ giá trị quy định nhận thức, tình cảm, hành vi của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đồng trong xã hội. Trong đó, nổi bật lên vai trò của đạo đức xã hội thể hiện ở sự thức tỉnh lương tâm là cơ chế điều chỉnh hành vi xã hội. Lương tâm là phạm trù trung tâm của đạo đức, nó chi phối con người trong nhận thức và hành động theo tiêu chí chân, thiện, mỹ. Sự đấu tranh lương tâm là cơ sở để mỗi con người đưa ra những quyết định trong ứng xử xã hội, là mắt khâu có ý nghĩa quyết định để hoặc là hành vi của con người là đạo đức hay phi đạo đức. Sự thức tỉnh lương tâm của mỗi con người là cơ chế để đạo đức xã hội được chuyển hóa và thể hiện vai trò trong đời sống xã hội.

Do vậy, quản lý xã hội bằng pháp luật luôn phải đi liền với coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức. Quan tâm giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, các quan niệm, quan điểm, quy chuẩn đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Cần làm cho hệ giá trị đạo đức xã hội được bổ sung, hoàn thiện, được tuyên truyền sâu rộng sao cho nó ngấm vào mỗi con người, mỗi cá nhân, tổ chức, làm cho nó trở thành hệ giá trị quy định lương tâm con người trong nhận thức và hành động.Về điều này, Đảng ta khẳng định phải “tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luậtnhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”(5).

Vai trò nền tảng của đạo đức trong quản lý xã hội thể hiện thông qua các thiết chế và các quan hệ đạo đức. Thiết chế gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, luật pháp... tương ứng với nó là các quan hệ đạo đức như quan hệ gia đình, quan hệ nhà trường, quan hệ giữa các tín đồ theo đạo.v.v… chịu sự chế ước bởi các tiêu chuẩn đạo đức.Phát huy vai trò của đạo đức trong quản lý xã hội theo đó không chỉ dừng ở việc hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức mà còn phải phát huy vai trò các thiết chế đảm bảo cho đạo đức được hiện thực hoá trong đời sống xã hội. Đảng ta chỉ rõ “Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con ngườivề nhân cách, đạo đức, lối sống”(6).

Từ đó, phải chú trọng phát huy các giá trị tiến bộ, tích cực của đạo đức gia đình, đạo đức học đường, đạo đức công vụ, đạo đức trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.v.v..trong xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người, điều chỉnh các quan hệ xã hội.Về vai trò của đạo đức tôn giáo, Đảng ta nhấn mạnh phải “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo …Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”(7). 

Đối với đạo đức công vụ, Đảng ta đặc biệt quan tâm và chỉ rõ phải “khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao rình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; cất nhắc cán bộ phải kết hợp giữa đức và tài, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên làm nòng cốt trong xây dựng đạo đức xã hội. 

Kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội phải tạo ra được sức mạnh dư luận xã hội có tính răn đe, xử lý nghiêm minh, ngăn chặn kịp thời những nhận thức và hành vi xã hội lệch lạc, ngăn chặn tác động xấu của sự du nhập văn hóa, đạo đức, lối sống lệch chuẩn, đặc biệt từ môi trường internet. Phải gắn xây với chống, trong đó chú trọng “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”(8);Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”(9), gắn với đề cao pháp luật, chống ham ô, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

2.2.Kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội cần chú trọng nâng cao chất lượng ban hành và thực thi pháp luật

 Chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản luật được ban hành, dà soát, bổ sung, sửa đổi và tăng tính thực tiễn của luật. Tiếp tục tinh gọn, nâng cao hiệu lực quản lý xã hội của các cơ quan nhà nước. Nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục pháp luật trong nhân dân để nhân dân hiểu và tự giác thực hiện; đồng thời, cần có cơ chế giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh tuyệt đối trong việc chấp hành pháp luật, đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, xây dựng lối sống, lao động, học tập và hành xử theo pháp luật, làm cho chấp hành pháp luật trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi công dân. Bởi pháp luật càng nghiêm, tính răn đe càng cao, càng công bằng  thì theo đó đạo đức xã hội càng đi lên. Nếu pháp luật không nghiêm, lòng dân không thuận thì đạo đức đi xuống, dẫn tới coi thường, trà đạp lên các giá trị đạo đức, theo đó làm giảm hiệu quả quản lý xã hội của cả đạo đức và pháp luật.

Kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội cần tiếp thu các giá trị đạo đức tiến bộ vào trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, phù hợp với các giá trị chân, thiện, mỹ, bảo đảm, bảo vệ các giá trị quyền con người, làm cho các giá trị đạo đức thấm sâu vào pháp luật, làm cho lương tâm, tình cảm con người trở thành động lực thúc đẩy thực thi pháp luật. Pháp luật cần gần gũi hơn với truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc để nó dễ đi vào cuộc sống.

2.3. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền cần nêu gương sáng về thực hành đạo đức và chấp hành pháp luật

Mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước đều phải tiên phong trong thấm nhuần đạo đức cách mạng, biểu hiện ra hành động phải thực sự là công bộc của nhân dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ; ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện lạm quyền, sách nhiễu, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi pháp luật.v.v. Chỉ có như vậy thì thực sự mới phát huy được vai trò tiên phong về đạo đức và pháp luật của cán bộ, đảng viên, mới cảm hóa, thu phục nhân tâm, mới được nhân dân tin và theo một cách tự nguyện; và theo đó, mới thực sự phát huy vai trò đồng thời của đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội.

3. Kết luận

Chủ trương, đường lối của Đảng trong văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII đã thể hiện tư duy về sự kết hợp nhuần nhuyễn, tự nhiên giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội. Đây là hai lĩnh vực, hai phương thức quản lý xã hội khăng khít, hòa quyện vào nhau chứ không chỉ đơn thuần đứng cạnh nhau, ghép với nhau một cách cơ học. Cũng bởi sự gắn kết tự nhiên, tất yếu ấy, kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội là giải pháp quan trọng cần được nhận thức và vận dụng sáng tạo đối với mỗi chủ thể quản lý. Kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội cần đặt trong tính chỉnh thể, không siêu hình, chủ quan, tuyệt đối hóa đạo đức hay pháp luật mà cần thấy được ưu, khuyết điểm của mỗi phương thức để kết hợp nhuần nhuyễn trong thực tiễn. Làm được như vậy mới thực sự khơi dậy và phát huy vai trò của  đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội.

Chú thích

(1), (2), (4), (5), (6), (7), (8), (9). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lân thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.176, 170, 61, 126-127, 127-128, 165, 80, 126-127

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tr.170

(3). Nguyễn Đình Bắc, Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội, Tạp chí Triết học, số 3 (286), tr.14, 2015.

___________________

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Văn Đức, Mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội trong nền kinh tế thị trường ở việt nam hiện nay, Tạp chí Triết học số 1 (128), tháng 1/2002.

2. Nguyễn Đình Bắc, Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội, Tạp chí Triết học, số 3 (286), 2015.

3. Tô Huy Rứa, Hoàng Chí Bảo, Trần Khắc Việt, Lê Ngọc Tòng (Đồng chủ biên), Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ năm 1986 đến nay, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lân thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516