Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcThủ khoa có thật sự giỏi?

Thủ khoa có thật sự giỏi?

Thứ sáu, 13 Tháng 10 2017 02:10
Đừng buồn nhé, thủ khoa, mong đàn heo của thủ khoa mau lớn và là các chú heo sạch, không có thuốc an thần, không có thuốc tăng trọng, vậy là đã tốt lắm rồi!"

Hai hôm nay cộng đồng mạng "nổi sóng" với câu chuyện cô bé thủ khoa sư phạm thất nghiệp, ở nhà nuôi heo.

Tôi cứ băn khoăn mãi: giỏi thế sao lại thất nghiệp được nhỉ?

1. Tự dưng tôi liên tưởng đến bộ phim "Thiên tài quảng cáo Lee Tae Baek" mà các chị em trong công ty tôi đang tranh thủ giờ nghỉ trưa cùng nhau xem lại (trong phim có khá nhiều đoạn thú vị về nghề quảng cáo, truyền thông...). Lúc xem phim, chúng tôi đều cùng một suy nghĩ: anh chàng Lee Tae Baek chẳng phải là thiên tài gì cả.

Theo kịch bản phim, anh ấy rất giỏi; từ thời trung học đã có thể tạo ra nhiều sản phẩm quảng cáo ấn tượng, đủ để cô bạn gái mang các sản phẩm ấy đi giành được suất học bổng về quảng cáo ở Mỹ.

Ấy vậy mà sau khi cô bạn gái đi rồi, bản thân Lee Tae Baek lại khá chật vật trong việc kiếm sống, tìm kiếm việc làm... Anh trượt phỏng vấn ở hơn 50 công ty, triền miên thất nghiệp và phải đi làm nhân viên treo biển quảng cáo...

Nếu Lee Tae Baek thực sự giỏi, thực sự là thiên tài thì sau khi đưa hết các sản phẩm sáng tạo cho cô bạn gái, anh ta dư sức tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự nghiệp cho bản thân. Một người giỏi thực sự sẽ không thể nào để mình thất nghiệp 3-4 năm trời đến nỗi bạn gái cũ khi về nước cũng chẳng muốn gặp mặt, và gặp rồi thì mắng thẳng vào mặt anh ta là "kẻ thất bại".

(Nhân tiện nói về "thiên tài", về "giỏi từ trong trứng nước", tôi đề xuất nhân vật Kitajima Maya trong bộ truyện/phim Garasu no Kamen của Nhật Bản. Bên cạnh tài năng bẩm sinh, cô ấy còn luôn nỗ lực không ngừng, bền bỉ rèn luyện để có thể chạm tới ước mơ của mình... À mà thôi, khi nào rảnh tôi viết về nhân vật này sau vì đang lạc đề mất rồi).

2. Hồi còn làm ở công ty cũ, tôi có một "đệ tử ruột" theo học việc từ khi em ấy còn là sinh viên năm nhất. Ở lớp em ấy cũng là sinh viên giỏi, nhưng cái đó không quan trọng. Điều đáng quý hơn là em ấy hiểu được bản thân mình còn thiếu điều gì, cần phải tìm kiếm thông tin, kiến thức từ đâu để bổ sung cho những bài học trên lớp.

Suốt 4 năm đại học là 4 năm em ấy vừa học vừa làm ở một công ty truyền thông cũng thuộc loại "có số má" ở Việt Nam. Rồi em tìm kiếm học bổng nước ngoài, tiếp tục trau dồi tri thức... Trong thời gian du học, em ấy tiếp tục đi làm thêm với những kiến thức sở trường của mình, và vẫn hỗ trợ công việc cho tôi từ xa.

Tạm kết thúc việc học hành, hành trang của em ấy không chỉ là những bằng cấp mà còn là những kiến thức và sản phẩm từ công việc thực tế mà em ấy đã tự thu hoạch được. Với hành trang ấy, tôi tin chắc rằng em ấy đủ tự tin và đủ nền tảng để theo đuổi công việc mà em mơ ước.

Ở công ty hiện tại của tôi cũng thế. Các em theo tôi tìm hiểu về công việc từ khi còn là sinh viên, thậm chí có em mới chỉ là sinh viên năm nhất vừa nhập học được hơn một tháng... Với tôi, các em ấy mới là những người giỏi thật sự. Tôi tin chắc rằng các em sinh viên đang biết cách tự tạo con đường đi cho riêng mình ở chỗ tôi, hay ở bất cứ công ty nào khác; sau khi tốt nghiệp sẽ không phải về quê đuổi gà, chăn vịt, nuôi heo...

3. Bản thân tôi cũng từng là thủ khoa đại học (cả đầu vào và đầu ra), nhưng thực sự lúc đi xin việc sau khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi phải dùng những kinh nghiệm mình đã có, những bài báo mình đã viết được trong suốt thời gian đi học để làm hồ sơ.

Giám đốc Đài truyền hình nơi tôi xin việc ngày ấy ấn tượng với tôi vì tập hồ sơ thật dày những sản phẩm thực tế tôi đã làm chứ không phải vì những điểm 10 đẹp đẽ trong bảng điểm đại học.

Tôi còn nhớ rất rõ hôm đó, sau khi gặp bộ phận tuyển dụng, nhân sự; gần 20 ứng viên trong đó có tôi ngồi đó, hồi hộp chờ kết quả. Lát sau Chú Giám đốc đài bước vào, nhìn một vòng rồi giơ cao tập hồ sơ của tôi trong tay lên và hỏi: Ai là H?

1507804904-thu-khoa-nuoi-lon-va-cau-chuyen-phai-biet-tu-mo-cua-cho-chinh-minh-ha-noi-vinh-danh-98-thu-khoa-dai-hoc-xuat-sac14392-1507535232-width500height362

Ngày hôm sau, tôi được đi làm chính thức ở Đài...

4. Tôi có cô bạn "thân không ra thân", "đầu chẳng ra đầu", quen nhau tình cờ từ thời Yahoo 360 vẫn còn trên đỉnh. (Thực ra sau này tôi mới biết là cô ấy đã biết tôi từ trước, âm thầm ngưỡng mộ tôi từ hồi tôi còn học cấp 3 - lúc tôi đang phụ trách một chuyên mục trên tờ báo thiếu nhi ở tỉnh nhà). 

Từ khi chơi với cô ấy, tôi lại quay ra ngưỡng mộ cô ấy vô cùng. Cô ấy không có điều kiện học đại học như các bạn cùng trang lứa; nhưng cô ấy làm thơ, viết văn, viết truyện, xuất bản sách ầm ầm khiến một đứa vốn gốc chuyên văn như tôi cũng cảm thấy mình thật kém cỏi. 

5. Tôi lại nhớ cứ sau mỗi đợt tuyển sinh đại học, trên các báo lại xuất hiện hàng loạt các bài viết về những “tấm gương” nhà nghèo vượt khó học giỏi mà trong đó nào là mẹ suốt 10 năm ăn cám để dành tiền cho con đi học, nào là cha bán thận để lấy tiền đóng học phí cho con, thậm chí còn có trường hợp mẹ tự vẫn lấy tiền phúng điếu cho con nhập học...

Quả thực khi đọc những bài báo như thế, tôi thấy rất bức xúc... Bức xúc vì những người con đều đã ở tuổi trưởng thành, có thể phụ giúp cha mẹ hoặc thậm chí tự lao động kiếm sống nhưng vẫn ỷ lại vào cha mẹ; đẩy các đấng sinh thành đến cảnh khốn cùng chỉ vì chuyện học hành của mình.

Và tôi cũng bức xúc với chính các bậc cha mẹ trong các câu chuyện đó vì tại sao họ luôn nghĩ rằng phải cho con vào đại học thì con mới thành người, mới thành công (?).

Thực tế tôi biết rất nhiều người không hề sở hữu bất cứ bằng đại học nào (thậm chí kể cả bằng cao đẳng hay trung cấp) nhưng họ vẫn thành công, được mọi người xung quanh yêu mến, thừa nhận về tài năng và sự đóng góp của họ cho xã hội. Và dĩ nhiên, “quy ra thóc”, tiền mà họ kiếm được hàng tháng vẫn đủ khiến khối cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… mơ ước. Như cô bạn tôi kể ở trên là một ví dụ.

1507805050-thumb00 03530474674160

Bạn Hà, nhân vật gây xôn xao mấy hôm nay. Ảnh: Internet. 

6. Xin được phép trích nguyên văn một đoạn viết của bạn khác nhưng tôi tâm đắc: 

"Nói thế, không có nghĩa là không cần lên tiếng về chuyện thủ khoa sư phạm đi nuôi heo (dù nuôi heo là công việc tốt, đòi hỏi sự lương thiện và kiến thức), rất cần những phản ánh như thế. Nhưng phải là phản ánh của những bất cập của biên chế sư phạm chứ không chỉ kêu đòi cho một trường hợp đặc biệt.

Một hệ thống phụ thuộc vào biên chế, phụ thuộc vào chạy chọt, cứ gõ chữ "chạy biên chế giáo viên" trên thanh tìm kiếm để thấy, hàng chục, hàng trăm triệu đồng thay thế cho chuyên môn, hàng đống tiền kê chân thay cho chiều cao của sự tự trọng, các phong bì dày lấp mất tình yêu sư phạm, yêu con trẻ... thì tiếc nuối gì mà kèn cựa để cho 1 chân trong ấy.

Không chỉ có 1 thủ khoa sư phạm không có chỗ dạy, hàng chục ngàn người tốt nghiệp sư phạm bay loanh quanh các suất biên chế chờ dịp lao vào lửa. Các ngọn lửa nhen bằng tiền đó, từ ban đầu đã đốt rụi ý nghĩa của giáo dục.

Hôm trước, thấy bà chị đưa ra bằng chứng về học sinh không đi học thêm văn có điểm rất thấp so với các học sinh đi học thêm, mình bảo đừng quan tâm, khi nó đi làm, không ai hỏi nó sao hồi cấp 2 điểm văn em thấp vậy, mẹ em không cho đi học thêm hả hết. Trong một môi trường người giáo dục được chọn lọc phi tự nhiên thì việc dạy dỗ con cái cũng cần một đối sách khác, mạnh mẽ và tự nhiên hơn.

Đừng buồn nhé, thủ khoa, mong đàn heo của thủ khoa mau lớn và là các chú heo sạch, không có thuốc an thần, không có thuốc tăng trọng, vậy là đã tốt lắm rồi!".

Theo Khampha.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516