Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcVụ khiếu kiện 20 năm đòi quyền sở hữu trí tuệ của ký sư Lê Khắc Linh tiến triển với nhiều tình tiết mới

Vụ khiếu kiện 20 năm đòi quyền sở hữu trí tuệ của ký sư Lê Khắc Linh tiến triển với nhiều tình tiết mới

Thứ sáu, 09 Tháng 12 2011 09:59
   MỐC SON LỊCH SỬ: 7 NĂM THỰC HIỆN 7 GIẢI PHÁP        Ngày 02-11-2011, cụ Nguyễn Tuấn Bình, 81 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng hơn 60 năm tuổi Đảng, thuộc diện Trung ương quản lý, đã gửi Thư đề nghị tới Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị Đảng và Nhà nước một lần nữa xem xét thật sự khách quan và giải quyết dứt điểm việc công nhận và khen thưởng sáng kiến “tách tốc độ và 7 giải pháp nhằm rút ngắn thời gian chạy tàu Thống nhất” do kỹ sư Lê Khắc Linh cùng các cộng sự triển khai từ năm 1983 đến 1989 mà “tôi là nhân chứng lịch sử biết rõ việc này từ đầu tới cuối…”     …

Ai đã từng làm “hành khách” (khách bị hành hạ!) của tàu Thống Nhất những năm 1977-1982 hẳn không thể quên 3 ngày đày ải trên những toa chật như nêm, nóng như thiêu và…chậm như rùa.

    Năm 1936, thời Pháp thuộc, hành trình tàu hỏa Hà Nội-Sài Gòn là 40 giờ 35 phút. Sau thống nhất 1975, đường sắt mới khôi phục, thì hành trình tàu khách xuyên Việt ấn định 72 giờ (nhưng nhùng nhằng “giờ cao su”, thường phải kéo nhây thêm dăm bảy giờ).

    Tới đầu thế kỷ 21 thì như có phép lạ đổi đời: hành trình tàu khách Thống nhất Hà Nội - Sài Gòn rút lại chỉ còn … 40%, tức là trên dưới 30 giờ. Kỳ tích đó là thành quả lao động sáng tạo đổ mồ hôi sôi nước mắt của ngàn vạn cán bộ công nhân viên ngành đường sắt. Tuy nhiên, lịch sử đường sắt Việt Nam đã ghi nhận: sự kiện tạo đà nhảy vọt là sáng kiến có tính đột phá do kỹ sư Lê Khắc Linh đề xướng gồm 7 giải pháp hữu ích đồng bộ cải tiến quy trình và kỹ thuật vận hành.

      …Năm 1973, sau 21 năm công tác trong ngành Đường sắt với hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích lớn, kỹ sư Lê Khắc Linh chuyển công tác, kinh qua Phó ban chỉ huy thi công cầu Thăng Long, Phó trưởng ty Giao thông Vận tải tỉnh Cửu Long, rồi làm Trọng tài viên kinh tế Bộ Giao thông Vận tải. Đã rời Ngành đường sắt nhưng đi công tác, kỹ sư Linh vẫn chọn phương tiện tàu hỏa. Đóng vai hành khách nhưng không ngừng xem xét, phát hiện chỗ bất hợp lý trên đường vận hành, tìm cách cải tiến. Bấy giờ, tàu Thống nhất thường chậm, hành trình mất tới 80 chứ không phải 72 giờ! Kỹ sư Linh phát hiện trong quy phạm khai thác kỹ thuật đường sắt hình thành từ thời Pháp thuộc năm 1936 tồn tại một điều bất hợp lý là quy định bắt buộc đoàn tàu khách nhẹ (2,4 T/m) chạy chung tốc độ của đoàn tàu hàng nặng (4,2 T/m). Sau khi tính toán, kỹ sư Linh đề nghị tách tốc độ, cho tàu khách chạy nhanh hơn tàu hàng. Đồng thời, cần làm thêm đường tránh tàu ở một số ga, từng bước có trọng điểm nâng cấp cầu đường, tỉa thưa các điểm chạy chậm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp lý hóa tác nghiệp ở các ga đỗ…

     Ngày 30/8/1982, báo Giao thông Vận tải đăng tóm tắt kiến nghị của Lê Khắc Linh “7 giải pháp hữu ích đồng bộ rút ngắn thời gian chạy tàu khách đường sắt Thống nhất”.

     Tháng 12/1982, ông Đồng Sĩ Nguyên, phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Bùi Danh Lưu, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận toàn bộ đề nghị của kỹ sư Linh và trực tiếp chỉ đạo triển khai áp dụng.

     Ngày 12/01/1983, ông Nguyễn Tuấn Bình, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt chủ trì hội nghị khoa học kỹ thuật “Nâng cao tốc độ tàu khách Thống nhất”, cùng 36 nhà khoa học và quản lý trong ngành Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Giao thông Vận tải, thảo luận, chấp nhận sáng kiến của kỹ sư Linh.

    Ngày 13/5/1983, Thứ Trưởng Bùi Danh Lưu (sau này là Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong 10 năm) trực tiếp chỉ đạo kế hoạch triển khai 7 giải pháp đồng bộ.

    Từ năm 1983 tới 1988, toàn ngành Đường sắt áp dụng 6 biện pháp hỗ trợ, rút ngắn hành trình Bắc Nam còn 58 giờ.

    Đầu năm 1989, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tư quyết định áp dụng giải pháp chủ đạo “tách tốc độ”, nhờ thế hành trình rút ngắn thêm 10 giờ, còn 48 giờ, vượt mức kế hoạch nhà nước giao 7 năm, làm lợi 8.830 tỉ đồng (Nhà nước giao năm 1995 chạy 48 giờ).

    Thế là sau 7 năm (1983-1989) đã áp dụng toàn bộ 7 giải pháp, rút ngắn hành trình được 32 giờ.

    Sau nhiều đợt đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị, đến năm 2005, hành trình Bắc-Nam tàu khách từ 80 giờ chỉ còn 29 giờ 30 phút, và tàu hàng từ 120 giờ chỉ còn 50 giờ. 

                           ĐẤU TRANH 20 NĂM CHO LẼ CÔNG BẰNG

     Lợi ích mang lại cho nước cho dân không kể xiết. Còn việc tưởng thưởng cán bộ công nhân toàn ngành Đường sắt và tác giả sáng kiến cải tiến kỹ thuật thì sao?

   Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tư, trước khi chuyển công tác năm 1989, đã giao cho Phòng Thi đua tuyên truyền lập hồ sơ khen thưởng. Song, Hội đồng sáng kiến Tổng cục Đường sắt, khi xem xét, công nhận kỹ sư Linh đã đăng ký sáng kiến và sáng kiến có mang lại hiệu quả rõ ràng, nhưng nại lý do“đây là thực hiện mệnh lệnh sản xuất của Tổng cục Trưởng nên không thưởng sáng kiến”! ( Văn bản 06/SKSC ngày 15/4/1989 của Hội đồng sáng kiến Tổng Cục Đường sắt)

   Bắt đầu chặng đường gian khổ đấu tranh cho lẽ công bằng với sự tham gia của các cơ quan hữu quan, được đưa dần lên tới “thượng đỉnh”.

   Các cán Bộ lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường sắt trong thời gian chỉ đạo áp dụng sáng kiến này, Đồng Sĩ Nguyên, Bùi Danh Lưu, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Tuấn Bình và 21 người khác xác nhận sáng kiến, yêu cầu xét thưởng. Ông Đồng Sĩ Nguyên viết: “…chấp nhận chính thức tác giả đề tài thuộc về đồng chí Lê Khắc Linh là việc làm minh bạch, không mất gì cả mà giữ được tiếng thơm cho Tổng công ty Đường sắt”. Văn phòng Quốc hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Khoa học công nghệ, Cục Bản quyền tác giả… yêu cầu xem xét giải quyết. Năm 2005 và năm 2009, 2 lần Thủ Tướng và Văn phòng Chính phủ yêu cầu giải quyết! Năm 2007, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước 3 lần giao cho Trợ lý và chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đưa ra yêu cầu giải quyết. Ngày 16/3/2009, Chủ tịch nước tiếp kỹ sư Linh, trân trọng ghi nhận ý nguyện thiết tha của đương sự đề xuất giải quyết dứt điểm công nhận sáng kiến.

    Song, tất cả như sóng dội tường đá! Tổng công ty Đường sắt khăng khăng khước từ!

    Góp phần vào tiếng nói chung, 20 tờ báo và tạp chí đã lên tiếng ủng hộ quyền sở hữu trí tuệ chính đáng của kỹ sư Linh. Nhiều báo đăng liền ba bốn bài. Tạp chí Trí Tuệ - tiền thân của tạp chí Giáo dục và Xã hội - liên tục đăng 6 bài trên báo giấy và báo mạng. Đặc biệt, báo chí in đậm lời trần tình của kỹ sư Linh gửi Chủ tịch nước: “Tôi mong cấp có thẩm quyền công nhận sáng kiến. Còn tiền thù lao cho tác giả, điều lệ quy định được hưởng 5% số tiền làm lợi, thì tôi chỉ xin nhận 1%, còn 4% dành lại cho ngành đường sắt cải tạo bình diện nơi có R (bán kính đoạn đường vòng) bé và có độ dốc lớn để có nhiều lý trình đạt  tốc độ tàu khách lớn hơn…”

    Những lời chân thành thấm thía ấy dường như vẫn chưa lọt tai những người có trách nhiệm giải quyết.

     ĐÈN TRỜI SOI XÉT:  7 ĐIỀU SỰ THẬT SÁNG RÕ NHƯ BAN NGÀY

     20 năm gian truân khiếu nại, hồ sơ của vụ “đòi công nhận và khen thưởng sáng kiến” đã đóng quyển dày tới 400 trang. Kỹ sư Lê Khắc Linh đã chuẩn bị sẵn sàng chuyển sang giai đoạn hành động quyết liệt, khởi kiện đòi quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng trong thâm tâm không muốn đối đầu, dứt tình với ngành đường sắt từng gắn bó mật thiết 21 năm.

      Hãy dấn lên bước đấu tranh mới, lúc đất nước đang có những chuyển biến đầy hứa hẹn.

     Dồn dập các ngày 29/6/2011 và 30/9/2011, Thanh tra Chính phủ có công văn đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải chỉ đạo xem xét giải quyết việc công nhận sáng kiến của kỹ sư Linh và cộng sự. Liên tục các ngày 02/9/2011, 24/9/2011 và 02/11/2011, kỹ sư Linh trực tiếp gửi đơn kiến nghị với Bộ trưởng Đinh La Thăng, cùng với đề đạt công nhận sáng kiến “tách tốc độ và 7 giải pháp nhằm rút ngắn thời gian chạy tàu Thống nhất”, còn mạnh dạn đề xuất thêm 2 sáng kiến mới xin Bộ cho áp dụng ngay là “Tăng cường an toàn giao thông đường sắt”“Rút ngắn thêm một vài giờ trong hành trình chạy tàu Thống nhất Bắc Nam”, dựa vào  những cơ sở kinh tế-khoa học kỹ thuật tin cậy, khai thác tiềm năng sẵn có và vừa mới tạo ra.

     Và ngày 02/11/2011, cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Tuấn Bình gửi “Thư đề nghị”, văn bản nòng cốt, súc tích, thấu triệt bao quát toàn bộ vụ việc.

      “Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

       Sự việc hết sức rõ ràng và đầy đủ.

     1/ Sáng kiến “tách tốc độ và 7 biện pháp rút ngắn thời gian chạy tàu Thống nhất” là sự việc có thật 100% và có hiệu quả thiết thực góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của ngành Đường sắt Việt Nam.

    2/ Sáng kiến được 2 nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Đồng Sĩ Nguyên và Bùi Danh Lưu xác nhận bằng văn bản.

    3/ Sáng kiến được Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tư, 2 phó Tổng Cục trưởng Trần Mẫn và Nguyễn Tuấn Bình xác nhận bằng văn bản.

   4/ Sáng kiến được 25 cán Bộ Khoa học kỹ thuật của bộ Giao thông Vận tải và ngành Đường sắt làm nhân chứng xác nhận.

   5/ Sáng kiến được 4 bộ và cơ quan chức năng Nhà nước xác nhận sáng kiến và bản quyền sở hữu trí tuệ.

   6/ Sáng kiến được Thanh tra Chính phủ, Viện KSNDTC gửi công văn đến Bộ trưởng Giao thông Vận tải để công nhận sáng kiến theo thẩm quyền.

   7/ Sáng kiến được 20 tờ báo và tạp chí lên tiếng, đăng tải 36 bài, nêu vấn đề cần được xem xét giải quyết một cách công bằng.

     Tóm lại là: sáng kiến lớn, hiệu quả to nhưng bị phủ nhận và lãng quên.

     Với niềm tin vào Đảng và Chế độ, một lần nữa tôi đề nghị Đảng, Chính phủ, bộ Giao thông Vận tải xem xét giải quyết vần đề bức xúc tồn đọng hơn 20 năm qua.

     Trước mắt, tôi đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp thu, lắng nghe ý kiến của tác giả và cộng sự. Sau đó, tổ chức họp gồm tác giả, các cộng sự, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để đề xuất kiến nghị với Đảng và Nhà nước giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng.”

          Lời kêu cầu đã lên tới “thượng đỉnh”.Đã tới thời điểm “đèn trời soi xét”!

          Ban biên tập tạp chí Giáo dục và Xã hội                                             

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516