Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiHIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐH, CĐ NCL VIỆT NAM - NƠI GỬI GẮM NIỀM TIN ĐỔI MỚI

HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐH, CĐ NCL VIỆT NAM - NƠI GỬI GẮM NIỀM TIN ĐỔI MỚI

Thứ hai, 16 Tháng 4 2012 02:56
Hiệp hội là chỗ dựa tinh thần của các trường ĐH, CĐ NCL: Nhờ có chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) ra đời từ những năm 1988 và phát triển thành hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL như ngày nay. Hệ thống này gánh một phần  giáo dục đại học của cả nước, mở rộng cơ hội học đại học, học nghề nghiệp, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân lực phục vụ công cuộc CNH, HĐH đất nước.

Các trường ĐH, CĐ NCL hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, thu hút các nguồn lực xã hội để làm giáo dục, tuân thủ pháp luật hiện hành, phù hợp với Điều lệ Trường ĐH Việt Nam. Là loại hình mới, thành phần mới, tự chịu trách nhiệm về tài chính, về lao động, các trường ĐH, CĐ NCL phải có những tố chất mới năng động, sáng tạo, hiệu quả. Những năm qua các trường đã gặp khá nhiều khó khăn, cản trở.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam ra đời và hoạt động từ năm 2005, là chỗ dựa tinh thần, là tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các trường hội viên. Hiệp hội đã tư vấn, góp ý xây dựng các báo cáo, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, có liên quan đến giáo dục dục đào tạo (GDĐT) . Hiệp hội đã tổ chức các hội thảo, nghiên cứu khoa học phục vụ kịp thời sự nghiệp đổi mới và phát triển GDĐT Báo điện tử và tạp chí của Hiệp hội thời gian gần đây nhanh chóng lớn mạnh, đã và đang tuyên truyền tích cực cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, khẳng định vai trò của Hiệp hội và hệ thống các trường ngoài công lập trong sự nghiệp phát triển giáo dục.

Những năm tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan và các trường thành viên tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm mô hình hoạt động của trường ĐH, CĐ NCL, chọn ra một vài mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam, phù hợp đặc thù vùng miền, hội nhập xu hướng phát triển trường đại học tư của khu vực và thế giới. Trên cơ sở đó Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết mô hình ĐH NCL, có ý kiến chính thức về một số mô hình năng động hiệu quả phù hợp.

Từ những mô hình đó, Hiệp hội chủ trì tổ chức tuyên truyền phổ biến nhân rộng, tạo điều kiện cho các trường học tập làm tốt hơn. Phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất khang trang hơn, đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu đủ sức hoàn thành chương trình mục tiêu đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, cạnh tranh bình đẳng với các trường công lập trên địa bàn.

Các giai đoạn phát triển mạng lưới trường ĐH, CĐ NCL:

Tính đến thời điểm hết năm 2011 trong tổng số 412 trường ĐH, CĐ cả nước, có 81 trường NCL (hơn 30 trường CĐ và 50 trường ĐH), đào tạo 254.370 SV, chiếm 14,7 % tổng số SV cả nước. Có 4 giai đoạn phát triển:

Giai đoạn 1 (từ năm 1988 – 1994): Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng, ngành Giáo dục xây dựng mô hình đào tạo ĐH thí điểm “Trung tâm ĐH Thăng Long”. Từ mô hình thí điểm này, xây dựng Dự thảo quy chế hoạt động cho loại hình trường ĐH NCL và chuẩn bị điều kiện cần thiết khác để thành lập các trường ĐH NCL tiếp theo.

Giai đoạn 2 (từ 1994 – 1999): Xây dựng Quy chế tạm thời ĐHDL; dựa vào quy chế đó, thành lập một số trường ĐHDL. Việc thành lập trường ĐH DL do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Giai đoạn này thành lập 22 trường.

Giai đoạn 3 (từ năm 2000 – 2005): Xây dựng và ban hành Quy chế chính thức số 86/2000/ về trường ĐHDL. Các trường ĐHCDDL hoạt động theo quy chế tạm thời phải chuyển sang hoạt động theo Quy chế chính thức. Thực tế các trường thành lập trước phải bổ sung phần “mỗi trường phải có một tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, hoặc tổ chức kinh tế đứng ra xin thành lập trường” để phù hợp với Quy chế 86/2000. Giai đoạn này thành lập thêm 9 trường.

Giai đoạn 4 (từ 2005 – 2011): Xây dựng và phát triển trường ĐH, CĐ tư thục theo Quy chế 14/2005 và Quy chế 61/2009 của Chính phủ. Các trường ĐH, CĐ DL thành lập trước đó (19 trường) hoạt động theo Quy chế số 86/2000 và các trường ĐH, CĐ bán công (23 trường) phải chuyển sang hoạt động theo quy chế trường ĐH tư thục (Quy chế 14/2005 và Quy chế “tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục” ban hành theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg, gọi tắt là Quy chế 61). Các trường thành lập theo Quy chế 14/2005 và Quy chế 61/2009, nay là Quy chế 63/2011 đều hoạt động theo Quy chế trường ĐH tư thục.

Do nhiều yếu tố, lúc đầu cấp có thẩm quyền chỉ đạo thành lập trường theo mô hình tư thục, sau lại theo mô hình dân lập, và gần đây lại quay về theo mô hình trường tư thục. Hiện đang tồn tại 3 loại hình trường: trường dân lập, trường tư thục và trường 100% đầu tư của nước ngoài. Hiệp hội và các trường đang rất cần sự tổng kết khoa học tầm quốc gia để tìm ra và khẳng định các mô hình phù hợp, hiệu quả nhất.

Những đóng góp đáng ghi nhận của giáo dục ĐH, CĐ NCL:

+ Đã có một mạng lưới các trường ĐH, CĐ NCL của Việt Nam, với quy mô SV chiếm 14,7% tổng SV cả nước, đã đào tạo cung cấp cho xã hội hàng chục vạn lao động trình độ ĐH CĐ mà nhà nước không phải bỏ kinh phí chi cho đào tạo, đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nhà giáo, cán bộ, nhân viên làm việc cho các nhà trường.

+ Phần lớn các trường tuy khuôn viên chưa rộng lớn, nhưng có cơ sở khang trang, có thiết bị dạy học tương đối đủ cho các ngành nghề đào tạo. Về cơ bản các trường đã vượt qua tình trạng trường lớp tạm thời thuê mướn. Nhìn chung tốc độ xây dựng và phát triển cơ sở vật chất của các trường ĐH, CĐ NCL đã và đang được đẩy nhanh hơn các trường công lập.

+ Từng bước xây dựng đội ngũ GV, cán bộ cơ hữu bằng cách: mời các nhà giáo, nhà khoa học nghỉ chế độ mà còn sức khỏe và năng lực; mặt khác có chiến lược lâu dài tuyển chọn và đưa đi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ GV trẻ có trình độ phục vụ lâu dài cho nhà trường. Bên cạnh đó việc mời GV thỉnh giảng có chọn lựa cũng là biện pháp đảm bảo cơ bản chất lượng giảng dạy của nhà trường.

+ Chủ động tiếp thu và tiếp cận nhanh với các chương trình đào tạo tiên tiến; liên kết quốc tế trong đào tạo là nét mạnh dạn đi tắt đầy hứa hẹn thành công.

+ Nhiều trường chú trọng bổ sung các kỹ năng: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm cho SV nhằm trang bị cho họ khả năng thích ứng nhanh với công việc sau này. Đây là một khuynh hướng tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực của các trường ĐHNCL, chính điều này đang tạo sức hút cạnh tranh với cung cách đào tạo trì trệ cứng nhắc khác.

+ Các trường buộc phải tính toán tổ chức bộ máy quản lý gọn nhẹ, hiệu quả, ứng dụng tin học trong quản lý, nhất là trong quản lý quá trình dạy và học. Đây là một nét ưu điểm của các trường ngoài công lập.

Nhìn tổng quát, tốc độ phát triển các trường NCL là khá chậm so với mục tiêu chiến lược nhà nước. Nếu không có bước tiến đột phá thì đến năm 2020 khó mà đạt được mục tiêu 40% SV học tập ở các trường NCL như đã đề ra. Trong tư duy và chỉ đạo thực tế đang có sự sai lệch. Các trường ĐHCĐ công lập lẽ ra chỉ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề cần phải đầu tư lớn, đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực chuyên biệt, đặc thù mà các trường NCL không thể đảm đương được.

 

Khó khăn còn nhiều, nhưng quyết tâm lớn và tin vào tương lai:

Đang có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các trường công lập với các trường NCL thông qua việc nhà nước bao cấp chi phí đào tạo và các ưu đãi khác cho SV học trường công lập; giữa các trường có yếu tố nước ngoài với các trường của Việt Nam qua việc ưu đãi về quyền tự chủ. Thiếu đất xây trường, bị đánh thuế, bị phân biệt đối xử, bị định kiến, khó tuyển sinh do cạn kiệt nguồn tuyển, thiếu nhiều văn bản pháp quy cần thiết có liên quan, hoặc có mà không có chế tài thực hiện (như Nghị quyết 05, Nghị định 69).

Dù trước mắt đang có nhiều khó khăn, bề bộn, nhưng Hiệp hội và những nhà đầu tư, các nhà giáo tâm huyết đều tin rằng: Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng mang tầm chiến lược. Với chủ trương này, các trường ngoài công lập sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đây là xu thế tất yếu. Với sự năng động sáng tạo, với động lực tự thân mạnh mẽ, khi có Luật Giaos dục Đại học ban hành, trong những năm tới các trường ĐH, CĐ NCL sẽ có tốc độ trưởng thành nhanh chóng. Hiện nay đang có một số trường được đầu tư khá mạnh, đi vào hiện đại ngay từ đầu...Chúng ta tin rằng, với quyết tâm cao của các trường hội viên và phương hướng hoạt động tích cực, tầm nhìn xa, tư duy đổi mới do Đại hội II của Hiệp hội đề ra, dăm bảy năm nữa sẽ có một số trường ĐHNCL vươn lên tóp đầu của nền giáo dục đại học Việt Nam.

TS. VĂN ĐÌNH ƯNG
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516