Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiBắc Kạn: Những thí sinh dự thi viên chức ở huyện Pác Nặm nói gì?

Bắc Kạn: Những thí sinh dự thi viên chức ở huyện Pác Nặm nói gì?

Thứ năm, 17 Tháng 10 2013 06:46
(GD&XH) Huyện Pác Nặm được biết đến là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn, mặc dù đã thành lập được 10 năm trên cơ sở tách ra từ huyện Ba Bể. Cán bộ, công chức, viên chức nơi đây chủ yếu là người thuộc huyện Ba Bể được điều động lên công tác. Do địa hình tương đối phức tạp, đường xá còn gặp nhiều khó khăn nên việc thu hút cán bộ giỏi đến làm việc tại huyện là một bài toán khó. Vậy mà, mấy tháng gần đây có rất nhiều dư luận về vấn đề tuyển dụng viên chức ở  huyện vùng cao Pác Nặm này.

BK1

Thí sinh Mã Thị Năm đến từ huyện Ba Bể đang dự thi phỏng vấn

Lên Pác Nặm vào đúng dịp tại huyện đang tổ chức thi tuyển viên chức sự nghiệp ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2013, chúng tôi ghi nhận được công tác tuyển dụng ở huyện miền núi vùng cao như thế nào? Trước giờ thi, phóng viên đã có cuộc trao đổi với thí sinh Triệu Thị Nhung đến từ huyện Ngân Sơn cũng là huyện vùng cao cách Pác Nặm 80km. Em chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp Tiểu học tại tỉnh Thái Nguyên cũng là dịp nhận được thông tin tuyển dụng viên chức từ Cổng thông tin điện tử của huyện Pác Nặm về đợt thi tuyển viên chức năm 2013, lúc đầu suy nghĩ sẽ có ít người tham gia thi tuyển nên em quyết định mua hồ sơ đăng ký dự tuyển tại huyện. Hôm nay lên đến nơi mới biết thi sinh đăng ký dự tuyển rất đông, có đến 299 hồ sơ Trung cấp trên tổng số hơn 600 hồ sơ tham dự ở 3 bậc học. Trong đó chỉ tiêu giáo viên có trình độ Trung cấp Tiểu học tuyển 11 giáo viên, em thấy rất hoang mang vì tỷ lệ đấu chọi rất cao. Tuy là người huyện khác về dự tuyển nhưng khi tiếp xúc với cán bộ trong Hội đồng tuyển dụng (HĐTD) em cảm thấy tự tin hơn, bởi cách đón tiếp và quy trình làm việc của Hội đồng tuyển dụng rất khoa học, khách quan. Em cảm thấy yên tâm khi tham gia thi tuyển”. Cũng tâm trạng ấy, thí sinh Hà Thị Nga sinh năm 1985, đến từ huyện Ba Bể cho biết: “ Gia đình em rất nghèo, đường xá đi lại vô cùng khó khăn nên em không đủ tự tin để tham gia kì thi tuyển dụng ở các năm trước, mặc dù em đã tốt nghiệp từ rất lâu. Nhận được sự ủng hộ của bố, mẹ và của bạn bè nên em đã mạnh dạn mua hồ sơ tham gia thi tuyển viên chức sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo năm 2013. Đợt tuyển dụng viên chức đợt này của huyện Pác Nặm em cảm nhận được sự quan tâm của cán bộ trong HĐTD đến các thí sinh, đó là sự hướng dẫn công khai, khách quan, minh bạch. Theo em nhận định, không có vấn đề tiêu cực trong thi tuyển. Em sẽ cố ngắng hết mình để đạt được kết quả cao nhất”.

BK2

 Các thí sinh ngồi đợi ngoài phòng thi phỏng vấn

 Theo chúng tôi tìm hiểu thì với tổng số 50 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức ở 3 bậc học,  bậc Mầm non tuyển 17 chỉ tiểu trong đó giáo viên có trình độ Trung cấp là 7 chỉ tiêu, trình độ Cao đẳng trở lên là 9 chỉ tiêu, 1 chỉ tiêu Trung cấp nhân viên Y tế. Bậc Tiểu học có tổng số 25 chỉ tiêu trong đó giáo viên có trình độ Trung cấp là 11 chỉ tiêu, giáo viên có trình độ Cao đẳng trở lên 9 chỉ tiêu, và 1 chỉ tiêu giáo viên Âm nhạc, 2 chỉ tiêu nhân viên thư viện, 2 nhân viên Y tế. Bậc THCS có tổng số 8 chỉ tiêu trong đó 4 giáo viên trình độ Đại học, 2 giáo viên Cao đẳng trở lên và 2 chỉ tiêu nhân viên. Quy trình tuyển dụng ở huyên Pác Nặm được tổ chức  công khai, đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi được tỉnh giao biên chế, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp học, cân đối chỉ tiêu biên chế, giáo viên, nhân viên trên cơ sở sắp xếp, luân chuyển để phù hợp với địa phương đồng thời phối hợp với Phòng Nội vụ tổng hợp báo cáo UBND huyện. UBND huyện mở cuộc họp thống nhất với hai Phòng Nội vụ và Giáo dục - Đào tạo, lập kế hoạch tuyển dụng, trình Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh. Khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện ban hành thông báo tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trao đổi với chúng tôi, thí sinh Mà Thị Năm đến từ huyện Ba Bể sau khi ra khỏi phòng thi em chia sẻ: “Tâm trạng của em ra khỏi phòng thi phỏng vấn là vui cũng có và buồn cũng có. Vui là em đã hoàn thành xong phần thi phỏng vấn thi tuyển viên chức đợt này, buồn vì em lo lắng mình rất khó trúng tuyển là một trong 11 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo viên Tiểu học. Trong đợt tổ chức thi tuyển viên chức năm nay em thấy HĐTD tổ chức rất công khai, công bằng với tất cả các thi sinh. Em rất tự hào vì trong bốn câu hỏi em đã trả lời được hai câu đạt được 50% yêu cầu. Nếu được trúng tuyển, em rất vui mừng vì mình là một trong những thí sinh vượt qua các thí sinh tham dự trong kỳ thi này”.  

BK3

 Đường lên Pác Nặm khó khăn lầy lội  

Đường đi từ trung tâm của tỉnh đến Pác Nặm, tôi xin nói thực, với mỗi người phải có sự kiên trì, bền bỉ thì mới lên được đến trung tâm huyện. Chúng tôi đã định bỏ chuyến đi giữa chừng nhưng vì nghĩ đến trách nhiệm của người làm báo nên anh chị em tiếp tục lên đường. Chiếc xe ô tô của đoàn tưởng như không đi nổi khi qua chặng đường từ huyện Ba Bể lên đến trung tâm huyện Pác Nặm. Đường quanh co khó đi, nhiều ổ gà rất lớn, có đoạn bên cạnh là vách núi sâu thẳm, đường chỉ vừa chiếc xe ô tô, phải nghiêng hết mình, bẻ lái thì mới lọt được qua. Đi thực tế mới biết ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm còn rất nhiều khó khăn, gian khổ.  Phòng học cho con trẻ tạm bợ, lớp học còn tranh tre, nứa lá đã khiến cho con người đến với Pác Nặm thêm cảm thông trước những khó khăn thiếu thốn của nhân dân các dân tộc trong huyện và các thầy cô giáo đã gắn bó với Giáo dục vùng cao. Điều thôi thúc, là động lực khiến nhiều thí sinh lên dự thi tuyển viên chức ở Pác Nặm có lẽ Pác Nặm là một huyện nghèo thuộc diện 30a nên sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đặc biệt là chế độ chính sách của cán bộ giáo viên, nhân viên nói riêng luôn được coi trọng. Thế mới biết giáo viên lên đây công tác là chấp nhận sự cống hiến tất cả cuộc đời và sự nghiệp cho huyện vùng cao này.

 

Chia tay với Pắc Nặm, chúng tôi mong rằng qua đợt thi tuyển viên chức năm 2013, Pác Nặm sẽ tuyển được những cán bộ, giáo viên có trình độ, tâm huyết với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo nói chung và sự nghiệp “trồng người” của huyện nói riêng; đồng thời xóa đi những dư luận bàn tán về vấn đề tuyển dụng “ khép kín” ở huyện vùng cao còn nhiều gian khó. Nơi đây đang rất cần nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của mỗi người./.

Tuấn Đình  – Hằng Nga 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516