Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaKhai hội Lim: Quan họ trong cuộc chiến... loa đài

Khai hội Lim: Quan họ trong cuộc chiến... loa đài

Thứ tư, 12 Tháng 2 2014 01:45
Liền anh - liền chị phải cậy nhờ đến micro, tăng âm... để cạnh tranh tiếng hát với các lán quan họ khác. Liền anh - liền chị phải cậy nhờ đến micro, tăng âm... để cạnh tranh tiếng hát với các lán quan họ khác.
Những câu quan họ ân tình, tà áo tứ thân là nét duyên thu hút du khách thập phương đến với hội Lim (Bắc Ninh). Nhưng ngày nay, đi trẩy hội Lim, ấn tượng đậm nhất là... bùng nhùng “cuộc chiến” của các loa đài.

Nhớ nét quan họ cổ

Là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất miền Bắc, mỗi năm, Hội Lim thu hút hàng triệu lượt du khách về trẩy hội. Mặc dù năm nay quy mô của lễ hội không được mở rộng như những năm trước nhưng ngày khai hội 11.2 (tức 12 tháng Giêng) lượng du khách đổ về khá đông. Điểm đặc biệt cuốn hút của lễ hội chính là những làn điệu quan họ thiết tha mộc mạc, nhưng theo dòng chảy của thời gian, nét duyên vốn có của quan họ cổ hội Lim đã mai một. 

Trước đây, những làn điệu quan họ cổ được xướng lên bằng giọng hát “vang, rền, nền, nảy” của các liền anh liền chị, thì nay tiếng hát đó được kích âm dưới sự hỗ trợ của dàn loa đài, âm thanh điện tử, nghe chẳng còn thấy độ luyến láy, tinh tế.

Mùa lễ hội năm nay, để phục vụ du khách đến nghe hát, ban tổ chức đã dựng 1 sân khấu chính cùng 5 lán hát quan họ dọc đường lên chùa. Tuy nhiên diện tích mỗi lán khá hẹp, không đáp ứng đủ chỗ cho du khách đứng thưởng thức quan họ. Dù ngày 13 tháng Giêng mới là hội chính và hôm qua du khách đến hội chưa đông tới mức đỉnh điểm nhưng ở mỗi lán hát, người nghe quan họ đã phải chen vai thích cánh và đứng tràn ra cả lối vào chùa. 

Để “tiếp sức” cho các liền anh liền chị và cũng để phục vụ khán giả quá đông, mỗi lán được trang bị một bộ tăng âm điện tử với dàn loa mở hết cỡ. Trong khi đó khoảng cách giữa các lán chỉ khoảng 30m, thật khó có thể nghe được một làn điệu quan họ mà không bị lẫn những tạp âm khác.

Bà Nguyễn Thị Hảo– Chủ nhiệm CLB Quan họ tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Câu lạc bộ chúng tôi biểu diễn ở hội Lim đã hơn 10 năm. Trước kia các liền anh liền chị chỉ hát “chay” mà hát suốt cả 2 ngày hội nên khá mệt, gần đây được hỗ trợ tăng âm, loa đài thì cũng đỡ mệt hơn, nhưng nhiều khi các liền anh liền chị hát cũng bị phân tâm bởi tiếng hát từ các lán bên cạnh, nói gì đến du khách”. 

Lối hát canh, tức là tổ chức các canh hát quan họ theo quy mô gia đình vẫn được duy trì. Năm nay, trong quy mô hội, có khoảng 10 gia đình tổ chức các canh hát quan họ thâu đêm bắt đầu từ chiều ngày 12 âm lịch. Nếu so với trước kia thì con số 10 canh hát không phải là lớn. 

Đến hội vẫn chưa vui

Một ấn tượng xấu nhiều năm nay là vấn đề rác thải thì hội Lim năm nay vẫn chưa có gì chuyển biến. Rác thải bị vứt tràn lan trong khuôn viên chùa và xung quanh các con đường dẫn vào chùa gây mất mỹ quan. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: “Chúng tôi đã giao cho UBND thị trấn Lim triển khai công tác giữ gìn vệ sinh xung quanh khu vực diễn ra lễ hội, cho lắp đặt các thùng rác, nhà vệ sinh lưu động”. Tuy nhiên, đến chiều ngày 12 âm lịch, tức là khi hội đã diễn ra thì vẫn chưa có một thùng rác nào được lắp đặt. 

Du khách đến lễ hội vẫn hồn nhiên xả rác bừa bãi. Ông Phan Tý - du khách từ Quảng Bình cho biết: “Hội Lim là một lễ hội truyền thống đáng được duy trì. Nhưng tôi thấy công tác tổ chức vẫn chưa được đảm bảo, nhất là vấn đề vệ sinh. Rác thải tràn lan rất mất mỹ quan. Tôi thấy nhớ nét quan họ cổ bình dị mà mộc mạc thuở xưa”. Hiện tượng buôn bán hàng rong tràn lan trong khuôn viên chùa, dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn không được kiểm soát. Mặc dù ban quản lý lễ hội đã quy hoạch riêng một khu cho các cửa hàng, người buôn bán nhưng số lượng người bán hàng rong vẫn quá nhiều. 

Bà Nguyễn Thị Bùi (64 tuổi, ở thôn Hoài Thị, xã Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh) bày tỏ: “Quan họ cổ trước kia chủ yếu là hát canh, hát đối đáp ở từng nhà hoặc ngoài đình chùa. Người nghe cảm nhận được tình người ấm áp, thiết tha chứ không ai hát trên sân khấu như bây giờ”. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Huyện Tiên Du, Phó ban chỉ đạo Hội Lim cho biết: “Huyện và Ban tổ chức lễ hội đã đặt ra rất nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng quan họ ngả nón “xin tiền”. 

Ngoài việc nghiêm cấm và có hình phạt đối với các đoàn quan họ ngả nón “xin tiền”, Ban tổ chức còn hỗ trợ cho các đoàn quan họ về cơ sở vật chất để biểu diễn như sân khấu, lán, trại, bàn ghế để các liền anh liền chị yên tâm hát phục vụ du khách”. 

Trong ngày đầu lễ hội, điểm sáng là ban tổ chức chưa ghi nhận trường hợp du khách nào bị móc túi, mất trộm. Trên các con đường dẫn vào khu vực diễn ra lễ hội cũng như trong khuôn viên chùa Lim, lúc nào cũng có lực lượng công an, cảnh sát giao thông túc trực nên vẫn chưa có hiện tượng mất trật tự hay ùn tắc kéo dài như những năm trước. Tuy nhiên, nạn chặt chém vẫn còn tồn tại trong lễ hội mà dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án quản lý. Chẳng hạn, khi gửi xe, du khách sẽ phải trả 30.000 đồng cho một xe máy hoặc 70.000 đồng cho một ô tô. 

Theo: Dân Việt

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516