Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaNghệ nhân tài hoa của xứ đạo

Nghệ nhân tài hoa của xứ đạo

Thứ tư, 04 Tháng 12 2013 01:24
Nhà giáo Hoàng Hải Đường đang chỉ huy dàn kèn của Toà Giám mục Hải Phòng năm 2000 (ảnh nhân vật cung cấp). Nhà giáo Hoàng Hải Đường đang chỉ huy dàn kèn của Toà Giám mục Hải Phòng năm 2000 (ảnh nhân vật cung cấp).
Dù đã sang tuổi 72 nhưng niềm đam mê với nghệ thuật luôn thôi thúc ông hoàn thành các giáo án để lên đường đi dạy kèn, dạy cồng chiêng tại khắp các địa phương miền Bắc. Ông là Nghệ nhân- nhà giáo Hoàng Hải Đường.

Chơi tất cả các loại kèn 
Từ nhỏ, cậu bé Đường (ở xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định) đã được cha là một nhạc công chơi kèn thời tiền chiến hướng dẫn, chỉ bảo nên 13 tuổi đã biết chơi một số loại kèn phổ biến như trompet, trombon, saxo alto… Từ nhỏ đến lớn, sinh hoạt văn nghệ tại giáo xứ Hồng Quang nên ông được tiếp xúc và hướng dẫn sử dụng rất nhiều loại kèn, bởi giáo đường là nơi tập trung nhiều tay kèn phục vụ nhạc lễ. 

Lớn thêm một chút nữa, ông tập tành chơi cho đến thuần thục những loại kèn clarinet, kèn bốp, flute, helecont, oboe, mariton, rồi contrebass, tuba, cornet… Theo ông Đường, khi một người đã chơi thuần thục được một chủng loại kèn, có thể tự học hỏi và chơi thành thạo các loại kèn khác cùng dòng.

Vấn đề ở chỗ, kèn đồng là những nhạc cụ đặc thù, khá đắt. Để có cơ hội tập các loại kèn, khi đi đến giáo xứ nào, gặp kèn lạ ông cũng mày mò tập cho bằng được. “Không phải loại kèn nào cũng có quy tắc bấm chặn giống nhau, bởi với hơn 20 loại, đương nhiên cách bấm, cách lấy hơi cũng khác nhau. Khi chơi trompet, trombon cách bấm khác, khi chơi saxo alto với 5 loại kèn cách bấm cũng khác. Rồi helecont, mariton, contrebass lại có cách bấm khác… Tóm lại là các ngón tay bấm và cách lấy hơi đối với các loại kèn đều độc lập” - ông Đường cho hay.

Một bước ngoặt và cũng là cái duyên của ông với nghiệp kèn, đó là vào năm 1987. Hồi đó, sau rất nhiều những lần biểu diễn tại các giáo xứ cũng như tại các ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc, ông được Sở Văn hoá tỉnh Hà Nam Ninh giới thiệu đi học Trường Quân nhạc Trung ương. Tại môi trường chuyên nghiệp cộng với những kiến thức sẵn có, ông là học viên tốt nghiệp loại xuất sắc. 

Ông kể rằng, những học viên giỏi thời đó cho đến những nghệ sĩ kèn nổi tiếng bậc thầy bây giờ, người giỏi nhất cũng chỉ có thể chơi đến 3 loại kèn là cùng. Còn với ông, việc chơi tất cả các loại kèn (khoảng hơn 20 loại) là… thói quen. Hiện tại, ông là người dạy, trực tiếp hoà âm phối khí nổi tiếng cho các dàn kèn của hầu hết các xứ đạo miền Bắc.

Bằng kinh nghiệm và tài năng của mình, ông Đường đã tạo dựng nên các đội kèn nức tiếng: Đội kèn Toà Giám mục Hải Phòng, đội kèn Nhà thờ Lớn Nam Định, đội kèn giáo xứ Mạo Khê, Đông Triều, Cẩm Phả (Quảng Ninh), đội kèn Hải Dương, đội kèn Nho Quan (Ninh Bình). Ngay tại quê hương, ông cũng góp công xây dựng 4 đội kèn lừng danh giáo xứ Báo Đáp (xã Hồng Quang) thường xuyên giành giải cao trong những cuộc thi toàn tỉnh Nam Định.

“Bén duyên” với cồng chiêng

Theo ông Đường, bước ngoặt lớn thứ 2 trong suốt 25 năm đi dạy nhạc xuôi ngược của ông là lần ông vào Nho Quan (Ninh Bình) dạy kèn. Tại đó, trong quá trình giao lưu, ông đã “bén duyên” với văn hoá cồng chiêng của người Mường và ấp ủ ý định tạo dựng nên một đội cồng chiêng nữ. Và cơ duyên đã đến với ông khi ông nêu ý tưởng với các học trò khi dạy ở Hưng Hà (Thái Bình). Vùng quê này có nhiều người đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Tây Nguyên sau giải phóng, từ đó có nhiều người mua lại được những chiếc chiêng riêng rẽ, sau cũng tập hợp được hơn 10 chiếc. 

Năm 2012, đội cồng chiêng nữ huyện Hưng Hà, giáo xứ Hoàng Xá (Thái Bình) đã gây tiếng vang trong những dịp biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh, riêng đội Hoàng Xá được vinh dự đi thi Liên hoan cồng chiêng toàn quốc. Riêng đội kèn đồng giáo xứ Hồng Quang đoạt Huy chương Bạc Liên hoan các đội kèn toàn tỉnh Nam Định. Đó là những thành quả gần nhất sau 25 năm giảng dạy mà người thầy giáo già Hoàng Hải Đường mang lại cho thế hệ sau.

Ông Đường lại bỏ công đi khắp các tỉnh cao nguyên sưu tầm, nghiên cứu để nắm bắt những yếu tố cơ bản trong niêm luật đánh cồng chiêng của các dân tộc. Ông cho biết thêm: “Cách chơi cồng chiêng của đồng bào dân tộc không có sách vở để lại, chỉ dạy chuyền tay nên tôi phải lựa từng chiếc, soạn ra bản nhạc theo 7 nốt cơ bản, vì âm thanh cồng chiêng là không đủ. Từ đó dựa trên kinh nghiệm học hỏi của đồng bào dân tộc để hướng dẫn cho người chơi sử dụng rồi mới kết hợp thành đội”. 

Sau thành công của đội cồng chiêng Hưng Hà, giáo xứ Hoàng Xá (Thái Thụy, Thái Bình) cũng quyết tâm lập ra đội cồng chiêng nữ. Họ mua hơn 10 chiếc, nhưng chủ yếu là mua lẻ tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn nên bộ chiêng không đủ, đúng âm, cách thiết kế cũng khác. Ông Đường lại thông qua quan hệ của mình để tìm mua cho bộ chiêng đủ âm tới 30 chiếc và sau đó hướng dẫn họ cách chơi. 

“Cồng chiêng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên là đặc thù, có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế giới bởi nguyên liệu đồng của vùng đất cao nguyên khác biệt, cộng với bí quyết pha chế nguyên liệu bí truyền của các nghệ nhân. Đặc biệt là nguyên liệu đúc cồng chiêng được nung bằng than củi, bề mặt tạo âm lồi lõm và âm thanh được kiểm soát kỹ lưỡng bằng tai của các truyền nhân. Một khác biệt bí truyền nữa là dùi chiêng làm bằng gốc cây khoai mì (cây sắn) được nướng lên, đầu bọc cao su, khi gõ tạo âm trầm bổng, không chướng tai như dùi gỗ”-Nghệ nhân già tiết lộ. 

Theo: danviet.vn

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516