Từ nay đến năm 2020, ngành giao thông vận tải cần 965.000 tỉ đồng cho nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 47% nguồn vốn này, 53% còn lại phải huy động từ nguồn xã hội hóa.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, trong 2 năm vừa qua, riêng lĩnh vực đường bộ đã thu hút được con số kỷ lục là hơn 160.000 tỉ đồng từ vốn ngoài ngân sách. Trong khi đường thủy nội địa hầu như chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Lý do là khung giá thu phí trong lĩnh vực đường bộ đã được quy định rõ ràng, với xe mô tô là từ 100.000-150.000 đồng/năm và ô tô là từ 1,56-12,48 triệu đồng, trong khi đường thủy nội địa vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Bộ cũng đang chỉ đạo để có các đề án xã hội hóa trong từng lĩnh vực cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải. Trên cơ sở đó Bộ sẽ phê duyệt từng loại hình, có các hình thức thu hút kêu gọi đầu tư phù hợp để thúc đẩy hạ tầng phát triển nhanh hơn nữa”.
Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian tới, tất cả các doanh nghiệp nhà nước nếu không cần có sự tham gia của Nhà nước sẽ được cổ phần hóa. Đây cũng là một hình thức thu hút vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông.
Mặc dù nhiều chính sách đầu tư đã được tháo gỡ, thế nhưng vẫn còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến các khoản vay ngân hàng khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 4: “Hiện tại đang là hình thức hợp tác liên danh của các ngân hàng ở những dự án lớn để đầu tư. Nếu các ngân hàng liên danh lại mình không đầu tư theo số lượng mà đầu tư theo thời gian, thí dụ dự án 15 năm, 5 năm đầu ngân hàng A, 5 năm sau ngân hàng B, 5 năm sau ngân hàng C”.
Tại hội thảo, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây dựng Thăng Long nêu ý kiến: “Nhà nước và Bộ GTVT mong muốn đầu tư giá trị lớn, thời gian thu phí trên dưới 20 năm. Trong khi đó, hệ thống tín dụng và các ngân hàng chỉ chấp thuận ở mức dưới 15 năm”.
Hiện Bộ GTVT đang đưa ra phương án thành lập quỹ đầu tư hạ tầng giao thông, cải cách chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm tạo môi trường minh bạch thu hút các nhà đầu tư.
Theo: vtv.vn