Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT rất cần chấm dứt ngay thi “ba chung” trước năm 2017, chứ không thể đợi tới năm đó mới làm. Làm như vậy theo bà là phạm Luận giáo dục đại học (GDĐH).
Đã từng có tự chủ tuyển sinh
Tính tới kỳ tuyển sinh 2014 này, hình thức thi “ba chung” đã kéo dài được hơn 10 năm, dự kiến ban đầu của những người làm chính sách “ba chung” xác định kéo dài chỉ 5 năm, nhưng hơn 10 qua chúng ta vẫn áp dụng hình thức này. Không thể phủ nhận những mặt tốt của ba chung. Đó là tất cả các trường không phải lo đề, sau khi có kết quả thì các trường dựa vào điểm sàn, cứ như vậy tuyển sinh theo một công thức cố định.
Có “ba chung” ắt sẽ có một mức điểm sàn để “lọc” những thí sinh chưa đủ điều kiện học đại học. Từng nói với chúng tôi, vị "cha đẻ" của điểm sàn, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long thừa nhận: “Đã đến lúc điểm sàn hoàn thành sứ mệnh” và cần thay thế một giải pháp tốt hơn, khả thi hơn.
Đầu năm 2013, Luật GDĐH có hiệu lực, các trường đại học ngoài công lập cũng từng kỳ vọng Bộ GD&ĐT thực hiện đúng như Điều 34 Luật GDĐH trong kỳ tuyển sinh 2013. Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh năm qua chưa thành hiện thực. Đáp lại, trước kỳ tuyển sinh 2013 Bộ GD&ĐT có đề cập các trường ngoài công lập muốn được tuyển sinh riêng phải trình với Bộ một đề án, trong đó phải vạch ra được những ưu điểm để “thuyết phục” Bộ cho thi riêng. Đã có hơn 10 trường đại học ngoài công lập làm theo yêu cầu của Bộ, tuy nhiên đến phút chót các đề án này được Bộ GD&ĐT cho là “chưa khả thi”.
Về quá khứ, từ năm 2008 Bộ GD&ĐT cũng đã từng có ý định bỏ thi “ba chung”, chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT thật nghiêm túc, đảm bảo đánh giá sát thực trình độ học sinh để làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng lấy đó làm cơ sở xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh. Nhưng rồi cũng chưa thực hiện được.
Tới năm 2011, Bộ GD&ĐT quyết định giao quyền tự chủ tuyển sinh cho một số trường đại học trọng điểm quốc gia để tuyển chọn thí sinh phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo trọng điểm.
Năm 2013 cũng là năm đánh dấu 10 trường Văn hóa Nghệ thuật được tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh, từ khâu ra đề, hình thức thi tuyển, đây cũng là bước thí điểm về tự chủ hoàn toàn mà Bộ GD&ĐT giao cho trường đại học. Đại diện Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận, tự chủ tuyển sinh (tuyển sinh riêng) đã tạo nguồn tuyển dồi dào và giúp các trường tuyển được thí sinh giỏi theo đặc thù các ngành nghề đào tạo.
Cũng nhờ thi riêng, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào một số trường như đại học Mỹ thuật Việt Nam tăng, đại học Mỹ thuật TP HCM tăng tăng đột biến so với những năm trước. Ngoài ra, tuyển sinh riêng cũng giúp thí sinh có thêm cơ hội dự thi kỳ thi ba chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Đối với các trường đại học ngoài công lập, việc tuyển sinh riêng không phải là mới mà đã có từ những năm trước. Điển hình nhất là trường đại học FPT, từ nhiều năm qua trường này đã tổ chức thi 2 đợt/năm để lựa chọn người học phù hợp nhất.
Năm 2013 cũng là năm được cho là chuyển giao giữa “ba chung” trở về “ba riêng” như trước kia. Thực chất đây là điều dễ hiểu, thứ nhất chúng ta đã có Luật GDĐH quy định tự chủ tuyển sinh cho các trường. Thứ hai, dường như đây được xem là giai đoạn cuối của “ba chung”, dư luận đánh giá Bộ GD&ĐT đang tỏ ra hụt hơi khi tiếp tục duy trì hình thức thi này. Thể hiện rõ nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua khi đề thi ra dễ hơn, các đáp án nhẹ nhàng hơn. Chính vì thế lượng thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên ở tất cả các khối đạt hơn 100.000 em.
Bộ GD&ĐT không nên đi vào chi tiết
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết, trong Luật GDĐH nói phải giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường vì đây là một chủ trương chung.
Đánh giá về hình thức thi “ba chung”, bà Bình cho rằng hình thức này cũng có những ưu điểm của nó như các trường không phải làm đề, có chung điểm sàn xét tuyển…Tuy nhiên, đề thi “ba chung” thường khó, chình vì đó làm cách học của học sinh bị lệch, các em phải học thuộc với có khả năng thi được.
Vài năm gần đây, các dạng đề thi “ba chung” đã được cải tiến nhiều, buộc học sinh phải có tư duy thực tế về cuộc sống chứ không hoàn toàn dựa vào sách vở. Tuy nhiên, bà Bình khẳng định, đề thi theo “ba chung” không thể đánh giá được năng lực của từng người học. Thực tế, học ở đại học sẽ có rất nhiều ngành nghề khác nhau thì đề thi chung sẽ không thể đáp ứng được tất cả cho các ngành.
“Nhiều người thấy, cả Bộ GD&ĐT thấy cần phải sửa đổi, cái này đã rõ. Nhưng tại sao tôi nói nên làm sớm? Vì chúng ta định thi “ba chung” trong 5 năm mà hiện này đã 15 năm thực hiện. Cũng theo Luật GDĐH thì kỳ tuyển sinh 2013 đáng lẽ chúng ta phải thực hiện nhưng cũng đã trễ. Bộ cho rằng các trường chưa chuẩn bị được để bỏ “ba chung” nên kéo dài, vấn đề này Bộ cũng cần tính toán cho cụ thể. Tôi cho rằng cái đó không quan trọng, quan trọng phải chấm dứt ngay “ba chung”, để cho các trường tự chủ trong tuyển sinh của mình” bà Bình đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ thi sớm và thực hiện ngay việc tuyển sinh riêng.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, thi cử bây giờ quyết liệt phải làm sao đánh giá được năng lực học sinh, nhất là phù hợp với các nghành nghề lựa chọn. Vấn đề sau năm 2017 mới tổ chức đồng loạt thi riêng, bà Bình cho biết, muốn làm gì cũng phải làm cho đúng, đáp ứng mong muốn của một chủ trương.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại Hội nghị tổng kết năm học các trường đại học, cao đẳng vừa diễn ra ít hôm tại Hà Nội, khi Bộ đưa ra dự thảo tự chủ tuyển sinh thì phần lớn các trường đại học công lập đều chưa muốn được tự chủ. Cũng dễ hiểu, vì khi tiến hành tuyển sinh riêng các trường phải tự túc lo từ A đến Z. Đặc biệt khâu rất phức tạp là ra đề thi, nhiều trường chưa đủ năng lực để làm việc này. Việc thi “ba chung” là lời giải tốt nhất cho các trường công.
Bà Nguyễn Thị Bình một lần nữa khẳng định lại, mặc dù các trường công chưa muốn được tự chủ vì những yếu tố khác nhau, nhưng chủ trương các trường tụ chủ tuyển sinh cần giải quyết sớm, việc này Bộ GD&ĐT phải tính thời gian hợp lý.
Bên cạnh đó, điều khiến bà Bình không đồng tình với quy định của Bộ GD&ĐT, các trường thi riêng không được sử dụng kết quả của các trường thi chung, bà Bình đặt câu hỏi: “Bộ GD&ĐT đặt ra vấn đề này để làm gì?”.
“Theo tôi, phương án xét tuyển riêng có nhiều căn cứ, phần lớn căn cứ vào xét kết quả học phổ thông và thi tốt nghiệp THPT. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT nên bỏ quy định này.
Trường tự chủ tuyển sinh phải có quyền được sử dụng kết quả thi “ba chung”, điểm thi tốt nghiệp, điểm thi các môn học trong quá trình học tập ở cấp THPT và họ có thể đề ra nhiều biện pháp khác nữa để làm sao tuyển được học sinh đảm bảo chất lượng nằm trong chỉ tiêu Bộ giao. Đó là quyền tự chủ của các trường” bà Bình đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Bình cũng đề nghị thêm, Bộ GD&ĐT không nên quy định quá chi tiết, quá chi li theo kiểu cầm tay chỉ việc như vậy. Bộ đã quy định đầu vào như thế nào thì phải đặt ra tiêu cho đầu ra để đảm bảo chất lượng. Các trường đại học, cao đẳng khi được tự chủ, họ biết phải làm gì để tổ chức một kỳ thi thật tốt.