Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dục'Bộ Giáo dục đang chạy theo một quán tính rất nguy hiểm'

'Bộ Giáo dục đang chạy theo một quán tính rất nguy hiểm'

Thứ hai, 29 Tháng 4 2013 09:23
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, bộ GD&ĐT nên tập trung làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh XT TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, bộ GD&ĐT nên tập trung làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh XT
Quán tính đó, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, là lối suy nghĩ rằng điểm sàn là đảm bảo chất lượng cho các trường đại học. Nó vừa sai lầm, vừa lạc hậu, lại vừa trái luật. Thay vì "ôm việc" thay các trường, Bộ nên trở về lo thật tốt chất lượng giáo dục phổ thông.
Quanh chủ đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, dưới góc độ là một chuyên gia tâm lý ông Lâm đã có cái nhìn khác về điểm sàn.
 
Thay đổi suy nghĩ logic đánh giá học sinh
- Thưa ông, dư luận trong thời gian qua đã dành thời gian không nhỏ cho vấn đề tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là phương thức tuyển sinh, trong đó là thi ba chung và điểm sàn. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, Bộ GD&ĐT cần có bước đột phá trong kỳ tuyển sinh năm 2013, cụ thể là có biện pháp với khâu điểm sàn, thậm chí là bỏ điểm sàn và để cho các trường đại học được tự chủ như đúng Luật GDĐH đã nêu. Quan điểm của ông như thế nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng mặc dù Bộ không có thay đổi nhưng chúng ta vẫn phải làm hết trách nhiệm của mình. 
Vì sao điểm sàn Bộ vẫn muốn giữ, vì quan niệm của Bộ là để đảm bảo một chất lượng nhất định cho giáo dục đại học, đó là cái lí của bộ. Bộ vẫn nghĩ đầu vào tốt thì sẽ có đầu ra tốt, cái đó chỉ đúng với quan niệm đơn thuần đánh giá con người về mặt logic, nhất là tư duy logic, cái đó thì đúng. Chúng ta phải đặt trong một hệ lụy hoàn toàn là logic. Nhưng vấn đề ở đây các nước không đánh giá học sinh bằng một chiều logic nhất định nữa, mà là đánh giá cả ba mặt, trong đó tư duy logic chỉ là một phần (tỉ lệ phần thấp), ngoài ra còn là IQ (năng lực cảm xúc của người học) và kĩ năng mềm, thành công là ở đó chứ không hoàn toàn là logic. 

Trong khi đó điểm sàn chúng ta chỉ đánh giá được có điểm thi, do đó lí luận đầu vào của bộ để đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học là không đúng nữa. Thực chất nhiều năm qua chúng ta đã giữ điểm sàn, nhưng điểm sàn cứ tụt mà chất lượng giáo dục đại học hiện nay lại không tăng lên được. Vấn đề chất lượng đại học thì phụ thuộc vào chất lượng của trường phổ thông, vậy mà chúng ta lại không tập trung vào đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, không làm chất lượng tốt hơn lên. Nhất là cách thi đại học của chúng ta hiện nay càng khuyến khích học sinh học lệch, chính kỳ thi đại học như hiện nay là phá hỏng thí sinh (người sẽ học đại học) ngay từ đầu

Vì sao, vì học sinh vào lớp 10 bắt đầu học lệch theo những môn thi của các em, bỏ hết những môn khác, vậy thì giá trị phổ thông ở chỗ nào? Rồi tốn kém cho đất nước nhiều. Mà lại không đạt được mục tiêu chất lượng của chúng ta, suy nghĩ theo quán tính nguy hiểm ở chỗ đó.
 
- Vậy chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiện chúng ra không điềm tĩnh mà nhìn nhận lại, cứ theo một quán tính đó là rất nguy hiểm. Quan điểm của tôi, hơn ai hết Bộ phải có một cái nhìn toàn diện và phải quay về lo chất lượng giáo dục phổ thông. 
Động cơ của Bộ là dùng điểm sàn để nâng chất lượng giáo dục đại học, cái đó không còn tác dụng nữa vì hiện nay đào tạo chỉ là một phần, cái chính là quá trình đào tạo và kết quả mới là chính. Đầu vào của chúng ta bao nhiêu thì ra bấy nhiêu, đó là hình ống nhưng nếu chúng ta không làm như thế thì hiệu quả đào tạo của chúng ta không có. Vậy, Bộ phải mở đầu vào, lấy rộng ra làm hình chóp, trong quá trình đó được chọn lọc và đào thải. Hiện nay, tôi thấy Bộ vẫn khống chế tuyển sinh đầu vào là không đúng, mà phải khống chế chất lượng đào tạo đầu ra mới đúng. Chúng ta đang dùng điểm sàn để “gạt” sinh viên ra thì không đúng với quy trình đào tạo tự nhiên hiện nay. 
Đây là những luận điểm mà Bộ Giáo dục dùng để bảo vệ điểm sàn - rằng điểm sàn "để đảm bảo chất lượng của các trường đại học", đó là những logic hình thức. Nếu khống chế điểm sàn sao lâu nay chất lượng đại học không lên mà ngày càng tụt đi, tức thế là điểm sàn chỉ là một yếu tố rất nhỏ, không còn yếu tố quyết định mà bộ vẫn coi đó là quyết định. 
Cách thi hiện nay là hại thế hệ học sinh
- Luận điểm mà Bộ bảo vệ điểm sàn để đảm bảo chất lượng của các trường đại học, đó là những logic hình thức, vậy theo ông, mặt hình thức này có tác dụng tốt và không tốt như thế nào đối với học sinh và nhà trường?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi nhấn mạnh, đào tạo con người phải đi đều cả ba chân, tư duy logic là không bỏ được nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, đối với con người rèn luyện để có năng lực toàn diện mới là quan trọng, tức là cái cảm xúc (IQ), vấn đề này trong hoạt động sáng tạo là quyết định.
Khả năng kế là tiếp xúc với thực tế, kêu gọi con người vận dụng những kiến thức giải quyết những vấn đề cuộc sống, chứ không phải học lí thuyết. Hiện nay chúng ta đang nhét cho người học một mớ lí thuyết, không để thời gian cho người học được vận dụng. Thời lượng chúng ta đào tạo cho sinh viên gắn với thực tiễn, với cuộc sống rất ít, chúng ta không trọng được người tài thật. Thực tế, trong các trường phổ thông nhiều học sinh điểm cao nhưng đâu có phải là người thành đạt, không là người giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Vấn đề đào tạo con người thì bộ phải chuẩn bị cho các trường đại học chính là phải chuẩn bị từ phổ thông, làm sao cho chất lượng giáo dục phổ thông thật quyết định. Vì thế, quan điểm của tôi là bỏ cách thi đại học như hiện nay để vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học, không thể để sau 2015 mới bỏ, trường nào muốn thi 3 chung đó là việc của các trường.
Nói như Nhà văn Nguyên Ngọc là đúng, điểm sàn là điểm tốt nghiệp phổ thông, đảm bảo trình độ học đại học. Vậy thì chúng ta hãy làm chất lượng phổ thông nó ra chất lượng phổ thông. Tôi rất muốn Bộ thay đổi thi tốt nghiệp THPT sớm, không thể lúng túng như hiện nay được. 
- Theo ông, muốn kỳ thi THPT thay đổi theo chất lượng, từ đó mới có chất lượng ở giáo dục đại học thì bộ GD&ĐT cần phải làm gì trước mắt? 
TS Nguyễn Tùng Lâm: Quan điểm của tôi, chúng ta phải tin ở chất lượng đào tạo ở mỗi nhà trường phổ thông, người ta đánh giá học sinh thế nào là đánh giá đúng. Vì đánh giá thi tốt nghiệp hiện nay của Bộ vẫn trên 90% đạt tốt nghiệp, nếu cho các trường tự đánh giá tôi tin chắc con số này còn thấp hơn, vì những học sinh nào không học dứt khoát phải học. 
Thi phổ thông nên tách ra làm hai khâu, công nhận học sinh hết trình độ phổ thông để cho các trường phổ thông xác nhận, coi như thế là đạt trình độ. Nhưng phải thi phổ thông để thi toàn diện các môn, chúng ta có thể nâng số môn thi lên để đánh giá thật đúng chất lượng bài thi cho các trường đại học họ nhận. Chúng ta phải làm quen phương pháp làm việc của thế giới, không thể cứ đi một mình một đường. Thế giới đã rút kinh nghiệm và tạo ra quy luật thì mình lại không theo mà đằng này chúng ta vẫn giữ kiểu tuyển sinh những năm 50-60 của thế giới. 
Nếu có một kỳ thi thì bớt lượng học sinh các nơi về Hà Nội, buộc học sinh phải học có chất lượng, phải học toàn diện. Sau đó các trường đại học chỉ cần “nhặt” lại kết quả của các trường phổ thông. Tự nhiên, người coi thi phổ thông cũng rất nghiêm túc vì không ảnh hưởng tới việc trượt hay đỗ. Vấn đề thi ở phổ thông là thể hiện năng lực của người học để bước vào xã hội. 
Hiện nay chúng ta vẫn duy trì cách học hình thức, cách thi hình thức, chúng ta làm hại rất nhiều thế hệ học sinh. Vấn đề dạy học hiện nay chúng ta vẫn lầm ở chỗ lo rất nhiều điều kiện nhưng không làm rõ trách nhiệm của mình. Trong học tập nỗ lực cá nhân rất quan trọng, không ai thay thế được mặc dù cho thầy có giỏi đến mấy. Ngược lại những người có ý thức sẽ tìm được thầy giỏi, tìm được sách hay và tự học.
 
Điểm sàn nhìn từ góc độ “Tâm lý học”
- Thưa ông, như ông đã nói mỗi con người đều có một ý thức vươn lên trong cuộc sống và học tập, đôi khi người giỏi không phải là tài mà người dốt không phải là mãi mãi sẽ dốt. Trong thi cử cũng vậy, có người cho rằng nhiều học sinh có thể học kém ở phổ thông nhưng đã đỗ vào đại học sẽ ý thức được việc học của mình, ngược lại nhiều học sinh học giỏi ở phổ thông lại lêu lổng ở đại học. Quan điểm của ông như thế nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Đúng vậy, trong quá trình học mỗi con người đều có diễn biến nhận thức tâm lí khác nhau, có nhiều em học ở phổ thông rất chăm, nhưng khi lên tới đại học lại phá. Đó là quy luật mà nay vẫn có. Nhưng có những em đang lêu têu nhưng có lúc các em tự nhận thức là cuộc đời phải học, phải làm thật tốt việc này thì sẽ lao vào học. 
Vậy tại sao lúc này chúng ta lại cấm các em được học? Logic phát triển con người bằng xử lí điểm sàn là không đúng. Cái chúng ta đang lầm tưởng là rất tốt hiện nay lại ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển của con người. Quá trình đó là nhận thức, tiệm cận với thực tế và tự điều chỉnh để tự phát triển, cái đó mới là quy luật tự nhiên. 
Bộ GD&ĐT phải là người đầu tiên nhận thức ra vấn đề này để thay đổi quá trình đào tạo. Con người có thể thất bại ở việc này nhưng thành công ở việc khác, chứ không phải thất bại mãi mãi là người thất bại. 
 
- Nhiều người có quan điểm rằng điểm sàn nên có nhiều mức để phù hợp với từng khu vực dân cư, ông nghĩ sao?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Quan điểm của tôi là xóa hẳn điểm sàn, để cho các trường đại học với điều kiện của mình, với môi trường của mình thì người ta tự biết nhận học sinh nào và đạo tạo ra làm sao. Bỏ hẳn tư duy điểm sàn, phải trả hẳn quyền tự chủ cho các trường đại học. Quay trở lại Bộ nên làm tốt chất lượng giáo dục phổ thông để học toàn diện, Bộ chỉ kiểm soát đầu ra của các trường đại học. 
- Theo quan điểm của ông là phải chấm dứt điểm sàn, nhưng điểm sàn lại liên quan tới ba chung, bộ lại nói rằng chưa thể bỏ ba chung?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Không có cái gì là không thể, hiện nay một số trường ỷ lại vào ba chung để không muốn làm gì cả. Đây là lười, thiếu trách nhiệm. Ba chung không tốt hơn cho các trường, phải để các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm cái gì mình làm và trường sẽ tự biết phải làm gì. 
Thay vì lo chất lượng cho đại học thì Bộ nên lo chất lượng cho giáo dục phổ thông trước, và đánh giá kết quả đầu ra các trường đại học. Hiện chúng ta đang thả nổi đầu ra, trong khi đó xã hội đang cần sinh viên ra trường có đáp ứng được việc làm không?
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
 
Theo: Xuân Trung/ GDVN
Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516