Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcBộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: "Tư duy của gần 2 triệu thầy cô và 20 triệu học sinh phải thay đổi"

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: "Tư duy của gần 2 triệu thầy cô và 20 triệu học sinh phải thay đổi"

Thứ sáu, 29 Tháng 11 2013 01:26
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, lần đổi mới này phải nhìn nhận thay đổi từ trong tư dũy mỗi thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Ảnh Xuân Trung Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, lần đổi mới này phải nhìn nhận thay đổi từ trong tư dũy mỗi thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Ảnh Xuân Trung
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: "Đổi mới quản lí chúng tôi xác định là căn bản và đột phá, vì đây không phải là việc của một mình Bộ trưởng hay cơ quan bộ, mà gần 2 triệu thầy cô giáo và 20 triệu học sinh cần phải thay đổi. Do đó đòi hỏi sự phối hợp, chỉ đạo, tập huấn phải ăn khớp, và cả xã hội cùng tham gia đổi mới".
Chiều tối qua (28/11), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi trực tuyến bàn về giải pháp nào để nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kì đổi mới. Buổi trực tuyến diễn ra tại tòa soạn báo Vietnamnet do chúng tôi ghi lại.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề cập tới vấn đề tương lai của nền giáo dục là tạo dựng một thế hệ biết tự chủ, tự tin, biết bảo vệ chính kiến của mình. Vậy để làm thế nào có được một thế hệ như  thế, tạo bước móng vững chắc để có nguồn nhân lực có chất lượng ngang bằng các nước?

Bộ trưởng Luận nói: “Để thực hiện được thay đổi đó phải  thay đổi nhận thức, tư duy, bao gồm nhận thức tư duy về giáo dục, vị trí vai trò của giáo dục, nhận thức về cách làm giáo dục. Trên cơ sở đó phải tổ chức về sự thay đổi nội dung, chương trình dạy và học, cách thức tổ chức đánh giá thi đối với học sinh ở các bậc học”. 
Tâm thế chủ động là ở người học
PV: Ông nghĩ sao về câu hỏi học để làm gì, nguồn nhân lực của VN đang bị lệch, rất nhiều người giỏi tự nhiên có tư duy khoa học nhưng lại yếu môn xã hội, nhất là kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, và ngược lại. Chính sự lệch này đã làm hạn chế sự phát triển của cá nhân và con người nói chung. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân vì sao có tình trạng này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Cần có hai ý, không phải những người giỏi Toán, Lý mà kĩ năng giao tiếp kém, tôi có những người bạn hàng đầu trong lĩnh vực Toán học nhưng họ lại là những nhà thơ, cần phải đính chính.
Thứ hai, đúng là hiện nay học sinh của chúng ta đang học lệch, có những cháu chú trọng vào các môn khoa học tự nhiên và ngược lại, đại bộ phận vẫn chú trọng vào tiếng Anh và Tin học. Vì sao vậy? Đó là do cách thức tổ chức thi tuyển sinh đại học của chúng ta hiện nay, thi thế nào thì các cháu sẽ học như vậy. Khi các cháu học lệch như vậy sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình hình thành nhân cách, tất cả năng lực, phẩm chất.
Như World Bank cho biết, học sinh Việt Nam lí thuyết thì giỏi nhưng khả năng thực hành (đào tạo đại học) chưa có nhiều. Sắp tới đây cũng phải cân chỉnh điều này làm sao cho cân đối. Như kĩ năng mềm làm việc với nhau trong nhóm, tư duy phản biện, có khả năng phát huy sáng tạo.
PV: Bộ trưởng từng nói sẽ tạo dựng thế hệ có sự tự chủ, tự tin, biết trình bày diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình. Làm thế nào để đào tạo được một thế hệ như vậy?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về phía ngành giáo dục, để thực hiện được thay đổi đó phải  thay đổi nhận thức, tư duy, bao gồm nhận thức tư duy về giáo dục, vị trí vai trò của giáo dục, nhận thức về cách làm giáo dục. Trên cơ sở đó phải tổ chức về sự thay đổi nội dung, chương trình dạy và học, cách thức tổ chức đánh giá thi đối với học sinh ở các bậc học. 
Tạo lập cho học sinh từng bước một có thói quen chủ động, một ý thức tự học, không chỉ ở trên lớp học thầy. Người Việt Nam có câu “học thầy không tày học bạn”, trong cuộc sống xung quanh, học trong thư viện…Học sinh phải được trải nghiệm từng bước, giai đoạn đầu được trải nghiệm theo tổ chức của nhà trường, theo sự hướng dẫn của cha mẹ, ông bà, sau đến độ tuổi nào đó tự trải nghiệm, tự đúc rút kĩ năng mềm của học sinh.
Như vậy sẽ có việc của thầy cô giáo làm, của cha mẹ học sinh làm, có việc ngoài xã  hội, nhưng quan trọng là vai trò của người học phải ở tâm thế chủ động trong việc học tập và sống của mình.
PV: Băn khoăn về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sư phạm, vì gần đây ngành này không thu hút được sinh viên giỏi, giả định rằng SGK ở phông thông sẽ cập nhật được xu thế phát triển năng lực chung của thế giới thì nhà trường có chuyển biến để bắt kịp xu thế này không. Bộ trưởng nên có những chính sách khuyến khích giáo viên để họ nâng cao trình độ cũng như công sức chính đáng mà họ đã bỏ ra?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Có ba ý, thứ nhất là thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm. Trong thời gian vừa qua đã có những chính sách đối với sư phạm như miễn giảm học phí, với chính sách này ở một số năm đã thu hút nhiều học sinh giỏi vào ngành sư phạm. GS. Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm HN đã tự hào nói rằng đó là thế hệ ba con chim (thi ĐH ba môn phải được ba điểm 9 mới vào được sư phạm), sự phát triển của đất nước, sự thay đổi về điều kiện sống thì chế độ học bổng miễn giảm học phí đó không còn đủ sức hút nữa. Vào sư phạm hay một trường nào khác thì không còn cân nhắc việc được hay không được miễn giảm học phí, mà sau khi tốt nghiệp thì công việc thế nào, thu nhập thế nào? Như vậy có sự liên quan tới sự tôn vinh của xã hội đối với nghề sư phạm.
Liên quan tới chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, có nhiều việc liên quan tới ngành giáo dục, nhưng cũng có nhiều việc liên quan tới các bộ ngành khác và ở tầm cao hơn. Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 8 vừa qua về đổi mới thì bộ chủ động nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ những chính sách với nhà giáo, chứ không phải chính sách cho sinh viên các trường sư phạm.
Tất nhiên chính sách cho sinh viên các trường sư phạm vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, nhưng trọng tâm vẫn là chính sách cho nhà giáo để thu hút được những sinh viên giỏi. 
Về chương trình SGK mới thì sư phạm có bắt kịp không? Rút kinh nghiệm của những lần thay SGK trước đây của Việt Nam và thế giới, thì lần này được các trường sư phạm, các cơ sở sư phạm tham gia một cách trực tiếp và đông đảo. Tiếp tục huy động các giáo sư, các thầy giáo có kinh nghiệm, có hiểu biết giáo dục Việt Nam và thế giới.
Chúng tôi cũng đang chỉ đạo trước hết là 6 trường sư phạm triển khai đề án đổi mới nội dung chương trình kiểm tra đánh giá của các trường sư phạm. Hiện nay đang có một đoàn các cán bộ chủ chốt của các trường sư phạm này đi Hàn Quốc khảo sát. Các thầy cô giáo ở các trường sư phạm là một chủ thể góp phần thiết kế đổi mới giáo dục phổ thông, họ là tác giả đổi mới của các trường sư phạm. 
Trong Nghị quyết đổi mới giáo dục thì nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục là khâu quyết định đến đổi mới, cho nên là một trong những đối tượng liên quan tới những chính sách, gồm những chính sách trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, đãi ngộ, sẽ từng bước cụ thể hóa những quan điểm này.
Tư duy của 2 triệu thầy cô và 20 triệu học sinh phải thay đổi
PV: Bộ trưởng có suy nghĩ gì về tự do tư tưởng và học thuật hiện nay, đó có phải là điều kiện tiên quyết để hướng tới một nền giáo dục khai phóng, tạo ra những thế hệ người Việt Nam sống đúng với mình. Bộ GD&ĐT có giải pháp gì trong đổi mới quản lí giáo dục đại học ở cấp trường bằng mô hình hội đồng cấp trường, bằng cơ chế tự chủ của chính cộng đồng?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tự do luôn là khát vọng cao nhất của nhân loại, trong đó có dân tộc Việt Nam. Bác Hồ cũng đã nói khi đất nước chưa  thống nhất là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đây là tự do của mỗi người dân, trong đó có  mỗi nhà trường. Quan trọng là quan niệm thế nào là tự do? Tôi tâm đắc quan niệm của Ăng – Ghen rằng “Tự do là tất yếu được nhận thức”, đó là một sự bắt buộc phải làm, tất yếu phải làm. Ví dụ: Là người con trong gia đình thì có trách nhiệm với bố mẹ, với ông bà…
Trong nhà trường cũng vậy, không phải mang tất cả những điều muốn nói mà nói được, trái với đạo đức, không làm cho việc giáo dục các cháu trở nên tốt đẹp hơn, những điều đồi bội với truyền thống, cả xã hội lên án thì không được. 
Hội đồng nhà trường đã được thông qua trong Luật giáo dục đại học và cũng đã nói tới điều này. Việc giao quyền tự chủ đi đôi với việc tự chịu trách nhiệm ở các cơ sở giáo dục đại học thì đã được luật hóa, đã được Bộ triển khai rất quyết liệt. Tuy nhiên, hội đồng nhà trường cũng chỉ là một giải pháp, không phải là giải pháp duy nhất, càng không phải là giải pháp tạo nên đột phá.
PV: Thế  giới việc làm luôn thay đổi yêu cầu, kĩ năng, phải chăng ngành giáo dục đang đuổi theo mục tiêu di động trong thế giới việc làm? Theo Bộ trưởng, trong nội dung đổi mới căn bản thì nội dung nào Bộ trưởng tâm đắc nhất để đuổi theo được mục tiêu di động đó?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đúng là thị trường lao động và khoa học công nghệ trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, điều đó đòi hỏi những năng lực, phẩm chất của học sinh, sinh viên luôn phải cập nhật, đó là khó khăn của công cuộc đổi mới. 
Những nội dung của Đề án là những bộ phận không thể thiếu được trong khi triển khai đề án này, tôi không thể nói cái nào sẽ bắt được mục tiêu đó mà  tất cả các giải pháp này phải được triển khai đồng bộ. Tôi chỉ nói rằng, đổi mới tư duy, nhận thức là khâu khởi đầu và có ý nghĩa quan trọng, nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không có chương trình, kế hoạch hành động chuẩn xác để triển khai được.
Đổi mới quản lí chúng tôi xác định là căn bản và đột phá, vì đây không phải là việc của một mình Bộ trưởng hay cơ quan bộ, mà gần 2 triệu thầy cô giáo và 20 triệu học sinh cần phải thay đổi. Do đó đòi hỏi sự phối hợp, chỉ đạo, tập huấn phải ăn khớp, và cả xã hội cùng tham gia đổi mới.
Nói hẹp đối với ngành giáo dục, xác định đổi mới khâu thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá. Đổi mới thi cử không phải là mục tiêu của chúng tôi, nhưng cách thi như thế nào thì, đánh giá như thế nào thì sẽ quyết định cách học và cách dạy. Nếu ta đánh vào điểm này thì không chỉ tạo nên giá trị  thay đổi ở điểm đó mà còn lan tỏa sang các khâu khác.
Xác định như vậy để triển khai từng bước một, tạo nên sự thay đổi ở một bộ phận sự lan tỏa thay đổi cả hệ thống dẫn đến sự thay đổi về chất. Thay đổi quản lí thì cả hệ thống phải thay đổi, cơ quan bộ phải thay đổi, phải gương mẫu trong từng cán bộ, công nhân viên chức.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo: GDVN

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516