Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcChế độ đãi ngộ cho giảng viên ngành Y: Nhiều nghịch lý

Chế độ đãi ngộ cho giảng viên ngành Y: Nhiều nghịch lý

Thứ bảy, 17 Tháng 8 2013 14:17
Trong giáo dục, đội ngũ giảng viên là một trong các nhân tố chính đóng vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là một sự đòi hỏi tất yếu khách quan. Và, chế độ, chính sách cho giảng viên được coi là một trong các yếu tố quyết định đến chất lượng đội ngũ giảng viên. Đặc biệt, đối với ngành Y, chế độ và chính sách dành cho giảng viên lại càng cần phải được quan tâm nhiều hơn bởi tính chất đặc thù của ngành.

Những nghịch lý

1

Công việc của các bác sĩ rất vất vả  Ảnh: Hoàng Đan

Giảng viên ngành Y có một số đặc thù: Giảng viên ngành Y vừa phải tham gia giảng dạy, vừa phải khám chữa bệnh trong các bệnh viện; Bên cạnh đó, giảng viên ngành Y còn phải tham gia thực hiện các quyết định của bệnh viện như: đi trực, đi vùng sâu, vùng xa. Như vậy, có thể khẳng định khối lượng lao động của giảng viên ngành Y vất vả hơn rất nhiều so với giảng viên các trường đại học khác.

Nhưng hiện nay, theo Điều 11 Quyết định Số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008 của Bộ GD&ĐT Ban hành Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên thì giảng viên ngành Y (giảng viên trong trường đại học Y và trong bệnh viện) về chế độ, chính sách giống như các trường đại học khác. 

Khác với các ngành nghề khác, ngành Y có thời gian đào tạo bậc cử nhân dài nhất (6 năm). Không những thế, thời gian thực tập của họ cũng dài nhất, bắt đầu ngay từ năm thứ hai, và tính chất công việc là nặng nề, ảnh hưởng rất mạnh đến tâm sinh lý. Đặc biệt, nhiệm vụ của giảng viên sau đại học trong lĩnh vực đào tạo sau đại học là được giao kèm cặp từ đầu 1 đến 3 học viên từ sau khi trúng tuyển đến lúc tốt nghiệp. Đây là một thời gian dài, đòi hỏi sự cố gắng nhiều của giảng viên và học viên trong quá trình học lý thuyết và thực hành.

Bác sỹ kiêm giảng viên ở các trường Y còn vất vả hơn. Trong những lĩnh vực khác, mỗi năm giảng viên có ít nhất 1 tháng nghỉ hè trong khi giảng viên ngành Y hầu như không có thời gian nghỉ vì, ngoài giờ dạy, lại phải đi trực bệnh viện.

Với khối lượng công việc như thế, chí ít lương và phụ cấp của họ phải bằng giáo viên các trường khác nếu không muốn nói là hơn. Nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Các bác sỹ làm giảng viên trường y, số này chiếm rất đông do đặc thù bệnh viện đồng thời là trường học, không được hưởng chế độ dành cho giảng viên mà là cho nhân viên y tế vốn thấp hơn ngành giáo dục...

Lương và phụ cấp ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề y đức là một trong những lĩnh vực nóng bỏng nhất của ngành Y tế hiện nay. Nhưng đến nay, lương của ngành Y chỉ xếp ở vị trí thứ 17 trong 19 ngành nghề hưởng lương. Theo Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về mức lương tối thiểu chung thì lương tối thiểu của giảng viên trong các trường đại học Y là 1.150.000 đồng/tháng. Các bệnh viện phải trích 35% viện phí thu được để trả lương cho nhân viên bệnh viện và 30% cũng của viện phí để làm các khoản thưởng. Để nâng cao chất lượng giảng dạy trong các trường đại học y hiện nay, chế độ đãi ngộ về mặt vật chất đối với đội ngũ giảng viên là cần thiết.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua có rất nhiều các vụ án mạng người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ. Trong các trường hợp này, Nhà nước nên có cơ chế, quy định cụ thể đảm bảo quyền lợi cho bác sĩ.

2

Giảng viên ngành Y vừa phải tham gia giảng dạy, vừa phải khám chữa bệnh  Ảnh: Hoàng Đan

Đi tìm giải pháp

Thứ nhất, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và các văn bản quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên ngành Y.

Theo các chuyên gia y tế, sự bất hợp lý trong hệ thống thang bảng lương cùng các cơ chế chính sách liên quan đã tồn tại từ lâu và đã gây ra nhiều hệ lụy trong phát triển nguồn nhân lực. Việc cải cách hệ thống thang bảng lương, cơ chế chính sách tiền lương là rất cấp thiết. Tuy nhiên, cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và việc điều chỉnh sẽ liên quan tới nhiều ngành, nghề, nhiều nhóm lợi ích khác nhau. 

Để có chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù của nghề y, việc đầu tiên là cần phải xây dựng một thang bảng lương riêng cho ngành Y tế, thể hiện rõ tính đặc thù của ngành Y so với các ngành nghề khác. Cho đến nay, mặc dù qua nhiều lần điều chỉnh, các chế độ chính sách lương và phụ cấp dành cho cán bộ y tế chưa thể hiện được sự ưu đãi “đặc thù” của nghề y.

Thực tế, việc phát triển khoa học và giáo dục ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và một trong những khó khăn đó chính là sự quá bất hợp lý trong hệ thống lương bổng cho các cán bộ nghiên cứu và giảng viên đại học, sau đại học. Lương thấp và điều kiện làm việc thiếu dẫn đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu thấp, lãng phí chất xám. Kể cả những giảng viên có năng lực, nhiệt huyết cũng tốn quá nhiều thời gian cho việc kiếm kế sinh nhai vì lương chính thức không đủ sống, nên rất ít thời gian dành cho khoa học và học viên.

 Do vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy ngành Y, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Tăng cường chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với giảng viên ngành Y như: Hệ thống thang bảng lương, phụ cấp, tăng chỉ tiêu biên chế đối với giảng viên ngành Y ở các bệnh viện, trường học. Bên cạnh những chính sách vĩ mô từ Nhà nước, cần trao quyền tự chủ về tài chính cho các trường đại học Y, cho phép các trường này huy động các nguồn lực khác tăng thu nhập cho giảng viên. 

Thứ hai, về tính tiết giảng.

Hiện tại, giờ giảng của giảng viên các trường đại học Y là 280 tiết/năm. Nhưng đối với việc hướng dẫn và giảng dạy học viên rất vất vả, nhất là trong các giờ thực hành. Theo chúng tôi, nên tính giờ giảng cho giảng viên ngành Y nói chung nên tính 01 giờ giảng dạy quy đổi thành 1.5 giờ chuẩn.

Thứ ba, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giảng viên

Về điều kiện an cư, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, các sở y tế, ban giám hiệu nhà trường cần tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên ngành Y có nhà ở ổn định với chính sách tài chính ưu tiên. Có thể áp dụng nhiều hình thức: Cho thuê nhà do Nhà nước quản lý; Quy hoạch xây dựng và bán nhà trả góp cho giảng viên; Cấp đất ở; Bố trí nhà công vụ.

Như vậy, qua phân tích trên thì đổi mới chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên ngành Y hiện nay là rất cần thiết. Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và các văn bản quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên ngành Y; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nói riêng, nguồn nhân lực Y tế nói riêng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh hiện nay.

Trên thế giới, nhiều nước đã và đang xây dựng được các hệ thống chế độ chính sách minh bạch và phù hợp đối với việc tuyển dụng, chế độ làm việc, đặc biệt là các chính sách về lương, thưởng, thăng tiến, phát triển chuyên môn, đánh giá, đãi ngộ cho giảng viên và nghiên cứu viên… Một trong những thay đổi trong chính sách trả lương hiện nay là trả lương dựa trên năng lực và chất lượng làm việc của các giảng viên và nghiên cứu viên, mà nhờ đó các trường đại học ở các nước tạo được động lực phấn đấu và cạnh tranh hơn cho đội ngũ này. 

Th.S Nguyễn Ngọc Long (Trường Đại học Y Hà Nội)

Theo: gdtd.vn

 

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516